Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Phạm Lưu Vũ - Trích Luận ngữ tân thư

                   Văn Của Cuộc Đời

 (Trích Luận ngữ tân thư) 
 Phạm Lưu Vũ
Phần này xin không trích “Lời tựa“ như những phần trước, bởi nghe không được “thuận tai“, cũng không được “thích“ cho lắm (thậm chí còn có cả mấy câu văn tế cổ nữa). Không “thuận tai“ -đó là điều mà cả người viết lẫn người đọc hằng tối kị xưa nay. Ngay bản thân nội dung cũng có nhiều chỗ trúc trắc, chẳng ra văn xuôi, chẳng ra văn ngược, nhòm mặt giấy thấy cứ như… rắc trấu. Thôi thì có sao trích vậy. Nếu không đâu vào đâu, cũng mong độc giả bỏ quá cho đừng chấp (nếu trót đọc đến). [*]
  • Đoạn trích này vỏn vẹn như sau :
Đó là một chốn rất lạ. Lạ từ phong cảnh lạ đi. Ở đó, nước có nơi trong veo, có nơi đen kịt, cây có khi xanh tươi, lại có khi trơ cành, trụi lá. Chia ra ngày và đêm, nhưng ngày thì mù lòa mà đêm thì tối như hũ nút. Những con vật sinh ra tất nhiên cũng lạ. Chẳng hạn loài chuột lúc nào cũng chứng tỏ một khả năng chui rúc (rất kinh), lũ chó hay sủa để khoe cái mõm (rất xấu), giống mèo suốt đời lo bị người ta nhìn thấy bãi cứt (rất chua) của mình…

Con người càng lạ lùng hơn nữa. Cũng chia ra đàn ông, đàn bà, cũng có người già, người trẻ… nhưng có người được nói, lại có rất nhiều người phải câm. Kẻ được nói, nói bao giờ cũng đúng(!), nói xong không cần giữ lời. Người phải câm suốt đời chỉ việc nghe(!), không bao giờ được mở miệng (nói).

Lại cũng chia ra trên, dưới. Nhưng trên thì tưởng lầm dưới là chó rơm, còn dưới lại nghĩ trên là… đầy tớ.
Mỗi người ở đó đều có hai tai, nhưng có cặp tai nghe được, có cặp tai chẳng nghe lọt bất cứ điều gì.

Người ta vừa biết chào nhau, lại vừa biết chửi nhau, vừa biết đánh trống, lại vừa biết ăn cướp, vừa biết yêu nhau, nhưng đồng thời lại rất thạo lừa nhau…

Nơi ấy có rất nhiều cạm bẫy nguy hiểm. Song thứ mà người ta sợ nhất chính là… sự thật. Bởi sự thật có thể làm đổ vỡ tất cả, kể cả sự khốn nạn.

Nơi ấy cũng có “kinh“. Nhưng chỉ bám lấy duy nhất một thứ “kinh“ mà thiên hạ đã bỏ đi từ lâu.
Nơi ấy cũng có “sử“. Nhưng chỉ có “tiểu sử“ mà thôi. Từ lâu, “tiểu sử“ đã thay thế cho “đại sử“.
Nơi ấy cũng có cái gọi là “pháp luật“. Nhưng nó là thứ luôn biến hóa , tùy theo ý muốn của kẻ bề trên. Và trong mọi trường hợp, nó không bao giờ được áp dụng cho kẻ bề trên.

Nơi ấy không thiếu gì những đỉnh núi. Nhưng vẫn không làm nên một dãy núi nào.
Nơi ấy, trẻ chán ngấy những thứ thờ cúng của già (ví dụ những oanh… liệt trong quá khứ, những món tư tưởng, văn chương nhồi sọ…). Già rất e ngại những đam mê của trẻ (ví dụ những khát vọng tự do, những “nọc độc“ văn hóa , những sự thật đến từ… bốn phương tám hướng…).

Nơi ấy, ai ai cũng sở hữu riêng một cái đầu để nghĩ. Nhưng tốt nhất là đừng bao giờ dùng tới nếu muốn yên thân. Bởi đã có kẻ làm cái việc nghĩ sẵn cho mọi người.
Nơi ấy được xem là rất yên ổn. Song là sự yên ổn của một bầy cừu. Một bầy cừu ăn cỏ, nhưng tất cả đã được học thuộc lòng những bài ca và giáo lý của loài chuyên ăn thịt.

Nơi ấy vẫn có những hạng gọi là “kẻ sĩ“. Tuy nhiên, đó là một loài chẳng quí, cũng chẳng hiếm.
Nơi ấy… vân vân và… vân vân…
Ở đâu ra cái chốn lạ lùng như vậy? Kẻ sĩ đã mấy đời thử lạm bàn nguyên nhân của những sự lạ đó. Có người ngờ rằng do trời đất tạo nên. Có kẻ lại bảo tất cả nguồn cơn là từ “văn“ mà ra cả. Cái “lý sự“ ấy vừa rắc rối, lại vừa đơn giản, vừa bí hiểm, lại vừa hiện rõ ràng giữa thanh thiên bạch nhật. Nôm na như sau:

“Văn“ ở đây là kiến thức thuộc về con người, là làm người ( “nhân“ ). Làm người để biết người. Biết người để biết mình. Biết mình để… quên mình. Kiến thức đó gồm cả “kinh“ lẫn “sử“, gồm cả thiện lẫn ác, gồm cả thực lẫn hư, gồm… cho đến tận cái “đạo“ làm người. Đạo làm người của bậc thánh nhân là một kiến thức trùm lên cả trí khôn nhân loại. Xin đừng trộn chung với vô số những kiểu “làm“ khác như làm tiền, làm giàu, làm quan, làm điếm… Bởi tất cả những thứ đó chỉ là những ứng dụng cụ thể của “trí khôn“ mà thôi. Trước tiên, hẵng cứ “làm người“ cái đã, chính cái phần “làm người“ kia, mới thực là quan trọng?
Ông Mục công người đất Kinh từng dẫn một câu nói của Thánh nhân, đại ý: “kẻ vô nhân cùng khốn mãi cũng không được, khoái lạc mãi lại càng không được. Cùng khốn mãi thì nó làm bậy, khoái lạc mãi thì nó làm loạn…“, rồi bình luận: “Thánh nhân nói thế là có ý răn, rằng để cho kẻ vô nhân lâm vào cảnh khốn cùng thì là bi kịch của một nhà. Song nếu để cho kẻ vô nhân được đắc chí mãi thì đó sẽ là bi kịch của cả một nước, thậm chí của toàn thiên hạ. Tóm lại câu ấy không chỉ đúng cho một nhà, một nước, mà đúng cho toàn thiên hạ“.

Xem suốt lịch sử một thế kỉ với bao nhiêu cuộc chiến tranh, khủng bố lớn nhỏ, kèm theo đó là vô số những tuyên ngôn, khẩu hiệu… rốt cuộc chỉ thấy toàn bịp bợm, càng về sau càng bịp bợm hơn.
Xem suốt những gương mặt từng ôm mộng cái thế, lúc ở vào cảnh khó khăn còn ra chiều tử tế. Đến khi được ngự trên đỉnh vinh quang thì lại muốn bắt chước những cái đểu giả trong lịch sử mà chính họ đã từng chửi rủa, càng về sau càng lộ rõ điều ấy.
Thì ra khoảng cách từ anh hùng đến đạo tặc cũng mỏng manh như nửa đường tơ kia vậy. Tất cả đều không ra khỏi câu nói ấy của bậc Thánh nhân.

Bậc Thánh nhân còn bảo: “Thời loạn dùng võ, thời bình dùng văn…“. . Sở dĩ không giải thích thứ “văn“ dùng trong thời bình ấy là “văn“ gì, bởi “văn“, vốn dĩ chỉ có nghĩa là “văn trị“ mà thôi, tuyệt đối không thể là “văn loạn“.
Chẳng biết từ bao giờ, “Văn“ được chia ra thành “văn trị“ và “văn loạn“.
Cũng ông Mục công ấy còn than một câu rằng: “Những kẻ vô nhân cứ được đắc chí mãi, thì “Văn“ của thiên hạ dẫu có bị biến thành “văn loạn“, cũng không có gì lạ“.

  • Thánh nhân phân biệt “văn trị“ với “văn loạn“ như thế nào?
“Văn trị“, là thứ “văn“ cốt nâng cao phần kiến thức làm người. Nôm na gọi là “sáng dân“.
“Văn loạn“ thì ngược lại. “Văn loạn“ cốt làm ngu cái phần kiến thức làm người. Nôm na gọi là “ngu dân“.
“Sáng dân“ là tự do tư tưởng, là không ai nghĩ thay cho ai, là công khai mọi thật giả. Vì thế dân đích thực là ông chủ.
“Ngu dân“ là cấm tự do tư tưởng, là một người nghĩ thay cho muôn người, là bưng bít mọi sự thật. Vì thế dân thực chất là giun dế.
“Sáng dân“ thuộc phạm trù đạo lý, vì thế chỉ có một. “Ngu dân“ thuộc phạm trù vô đạo lý, vì thế có trăm phương ngàn cách. Song tựu trung chia làm hai kiểu:

Thứ nhất là kiểu ngu “thô thiển“. Ngu “thô thiển“ là làm “ngu“ tuốt tuột, cái gì cũng phải làm cho “ngu“ hết, càng “ngu“ càng… thái bình thiên hạ.
Thứ hai là kiểu ngu “tinh vi“. Ngu “tinh vi“ là chỉ làm “ngu“ mỗi cái phần kiến thức làm người. Còn các phần ứng dụng cụ thể khác của trí khôn (như làm tiền, làm giàu, làm quan, làm điếm, v.v…) thì cứ việc tha hồ… càng giỏi càng tốt.
Phàm những kẻ cai trị có tham vọng vạn tuế (muôn năm), muốn độc quyền sự đắc chí của mình, thì đều phải vận dụng một trong hai kiểu ngu dân ấy.

Kiểu “thô thiển“ vì quá lộ liễu, cho nên đã từ lâu, hầu như không còn nơi nào dùng tới. Kiểu “tinh vi“ vì khó nhận ra, cho nên ở một số nơi, nó đang là… Quốc sách Giáo dục.
Quốc sách này bắt đầu bằng việc phải tạo cho được một nền… “văn loạn“. “Văn“ càng loạn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Một nền văn hiến phải mất hàng nghìn năm mới làm nên một nền “văn trị“. Nhưng để xóa sạch cái nền “văn trị“ ấy, biến nó thành “văn loạn“, thì chỉ cần vài chục năm là… quá đủ. Thực tế đã (và đang) chứng minh điều ấy.

  • Vậy “văn trị“ là gì?
“Văn trị“ là văn của người quân tử, “văn“ của muôn đời. Là văn của mọi nhà cùng đem ra cống hiến cho thiên hạ. “Văn“ ấy phục vụ cho mọi người, vì mọi người mà làm ra “văn“. Mục đích của thứ văn ấy là thấu hết mọi nhân tình thế thái, cho nên nó mở cửa cho mọi tư duy sáng tạo. Làm ra “văn trị“, dạy và học theo “văn trị“. .. chính là để phục vụ văn minh, phục vụ cho cuộc sống ngày càng tử tế hơn của mọi con người.
“Văn trị“ là kính trên, nhường dưới, là phân biệt rõ ràng, người ít chữ tin phục người nhiều chữ, người nhiều chữ nâng đỡ, dìu dắt người ít chữ…
“Văn trị“ hướng tới sự minh bạch, thật giả rõ ràng. Vì thế nó chỉ có thể tồn tại trong một nền chính trị đứng đắn. Chính trị đứng đắn vừa là mục tiêu, vừa là hệ quả của “văn trị“.

  • Thế "văn trị "sẽ ra sao?
“Văn trị“ cốt làm cho con người được trở nên sáng suốt, anh minh.
Đời “văn trị“ đề cao Chân, Thiện, Mĩ mà xem nhẹ danh, lợi. Vì thế sinh ra các “văn nhân“…
Chính trị cũng như kẻ sĩ đời “văn trị“ luôn luôn muốn “sửa“ mình cho hợp với thiên hạ.
Kẻ làm thầy đời “văn trị“ luôn luôn vì người mà dạy cách làm người.
Kẻ làm quan đời “văn trị“ vì thiên hạ mà quên cả thân mình. Lúc nào cũng thấu hết cái sướng, cái khổ của kẻ làm dân.
Kẻ làm dân đời “văn trị“, sẽ thấu hết cái hay, cái dở của kẻ làm quan. Khó ai có thể bị lừa dối, mê hoặc. Sự thật là sở hữu chung của cả thiên hạ. Vì thế, dẫu cho kẻ sống ở nơi rừng thẳm thì vẫn cứ hiểu thời thế như hiểu lòng bàn tay của mình.
Kết quả là trong đời “văn trị“, kẻ làm quan khó lừa được dân, kẻ làm dân không cần ngờ quan (mà cũng chẳng lo thiệt thòi).
“Văn trị“ nếu được đề cao, được phổ cập… thì thiên hạ không thiếu gì kẻ có khả năng làm quan (tử tế), còn lại ai cũng sẵn sàng làm dân (đàng hoàng). Không nhà nào “độc quyền“ làm quan đến muôn năm, cũng chẳng nhà nào “độc quyền“ làm dân được mãi.
Thế thì làm quan đời “văn trị“ dễ mà khó. Dễ, bởi dân có “văn“, nói ra điều gì cũng có nhiều người hiểu. Khó, cũng bởi dân có “văn“, làm việc gì cũng bị soi thấu hết ruột gan mình.

  • Còn “văn loạn“ là gì?
“Văn loạn“ là văn của hạng tiểu nhân, “văn“ của một thời. Là văn của một nhà, song lại đem ra nhét vào đầu cả thiên hạ. “Văn“ ấy phục vụ cho một số ít người, vì một số ít người mà làm ra “văn“. Mục đích của thứ văn ấy là càng thiển cận, càng bịp bợm càng… tốt, cho nên nó trói buộc mọi tư duy sáng tạo. Làm ra “văn loạn“, dạy và học theo “văn loạn“. .. chỉ cốt phục vụ cho sự cai trị (hoặc lưu manh) của một số rất ít người… mà thôi.
“Văn loạn“ là cá mè một lứa, là không phân biệt nhiều chữ hay ít chữ, là cả thiên hạ không ai phục ai, từ kẻ sĩ đến thứ dân… lúc nào cũng sẵn sàng chửi nhau như hàng tôm hàng cá…
“Văn loạn“ hướng tới sự bịp bợm, tráo trở, thật giả khó phân. Vì thế nó chỉ có thể tồn tại trong một nền chính trị lưu manh. Chính trị lưu manh vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của “văn loạn“.

  • Vậy “văn loạn“, thì… sẽ ra sao?
“Văn loạn“ cốt làm cho con người phải lầm lẫn, u mê.
Đời “văn loạn“ đề cao việc sùng bái lãnh tụ, sùng bái danh, lợi. Vì thế đẻ ra những “văn nô“…
Chính trị cũng như kẻ sĩ đời “văn loạn“ luôn luôn muốn “sửa“ cả thiên hạ cho… hợp với mình.
Kẻ làm thầy đời “văn loạn“ luôn luôn vì tiền mà dạy cách làm tiền.

Kẻ làm quan đời “văn loạn“ vì mình mà sẵn sàng quên cả thiên hạ. Không bao giờ thèm đếm xỉa gì đến những kẻ làm dân.
Kẻ làm dân đời “văn loạn“, sẽ chẳng bao giờ biết được bộ mặt thật của kẻ làm quan. Ai cũng có thể bị lừa dối, mê hoặc. Sự thật là sở hữu riêng của một nhóm người. Vì thế, dẫu cho kẻ sống ở giữa nơi đô thị, thì vẫn cứ mờ mịt lòng người, mờ mịt thời thế, u tối đến nỗi không hiểu thiên hạ đang trôi theo hướng nào.

Kết quả là trong đời “văn loạn“, kẻ làm quan tha hồ lừa dân, kẻ làm dân cứ việc ngờ quan (mà vẫn chẳng được tích sự gì).
“Văn loạn“ nếu được đề cao, được phổ cập… thì thiên hạ ai làm quan, cứ yên chí cha truyền con nối mà làm quan. Ai làm dân, đừng bao giờ mơ đến việc làm quan. Nhà nào làm quan, cứ việc “độc quyền“ cái “mả“ quan. Nhà nào làm dân, cứ việc “độc quyền“ cái “kiếp“ dân đen mãi mãi, chẳng bao giờ lo bị ai tranh cạnh…

Thế thì làm quan đời “văn loạn“ khó mà dễ. Khó bởi dân không có “văn“, nói ra điều gì cũng ít người hiểu. Dễ cũng bởi dân không có “văn“, dẫu suốt đời làm những việc thất đức cũng không lo bị ai biết.

Tóm lại khi đã là “văn loạn“, thì bao giờ cũng ngược lại với “văn trị“. Thế nhưng bởi “văn loạn“ nên mới sinh ra những “sự lạ“ trên kia? Hay chính những “sự lạ“ ấy mới sinh ra “văn loạn“? Đó là điều mà thiên hạ… không thể biết được.


2005
Phạm Lưu Vũ



Ghi chú:
Trích đăng trong Trang blog Hội Quán Phi Dũng 
Mảnh Vườn Lê Khánh Thọ - France - Phần 90
Thiện ngôn

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Cuộc Lui Binh Từ SNOUL ('71) [I] - Nguyễn ngọc Tùng



Hệ Lụy Cuộc Lui Binh Từ SNOUL (71) [I]
*
Giá Đừng Có Bài Phỏng Vấn Tướng Tr.Q. Khôi
Cựu Chỉ Huy Trưởng LLXK QĐ III

 (Hình minh họa)

  1. Đoạn mở đầu - Khái Niệm về “Lệnh”:
Hể là một quân nhân, hoặc nhân viên dân chính (công chức) bất kể thuộc cấp bậc nào, đều không xa lạ gì với loai giấy tờ được gọi là Công Tác Lệnh; hay thông thường được gọi là Sự Vụ Lệnh (SVL).
Ttrong quân đội, lấy một thí dụ đơn giản, SVL áp dụng cho trường hợp một tân binh mới ra trường hoặc một SV sĩ quan vừa mãn khóa, 
Một quân nhân, vừa rời khỏi trung tâm huấn luyện đã được làm quen ngay với tờ SVL. Họ căn cứ vào ngày trình diện được ghi trong SVL, tức thời điểm có mặt tại đơn vị mới để nhận công việc. Đấy là giây phút quan trọng, khởi đầu cho cuộc đời binh nghiệp của mỗi một thanh niên trong thời chiến. Vì thế kỳ nghỉ phép của đương sự, lâu hay mau còn tùy thuộc vào đơn vị đến trình diện ở xa hay gần (?); có trở ngại hay không cho phương tiện di chuyển (?) khiến kẻ cầm tờ SVL, sẽ “căn” thế nào để có mặt tại địa phương trước ngày (khi) trình diện, hầu tránh khỏi bị trễ hẹn.
Đương nhiên việc trễ hẹn, tức quá ngày ấn định (trong SVL), sẽ bị ghi chú “vắng mặt“. Trễ hạn ngày nào bị báo cáo thêm ngày đó với lý do “vắng mặt bất hợp pháp” (!) Tức vi phạm quân kỷ! Nhẹ thì chỉ bị ghi vào hồ sơ quân bạ cá nhân, còn nặng thì lãnh “củ”, ảnh hưởng tới việc thăng thưởng trong tương lai. Xét cho kỹ, hậu quả của việc “trễ hạn (hẹn)” dù bất cứ lý do gì, cũng đều bất lợi cho đương sự.

Trường hợp đặc biệt đem áp dụng cho một đơn vị tác chiến; sự “trễ hẹn” xẩy ra (vắng mặt trong ngày “N” và giờ “G” của cuộc hành quân) khiến gây hậu quả tổn thất cho đơn vị bạn; chắc chắn đương sự, đơn vị trưởng, sẽ bị cơ quan An ninh QĐ điều tra tại chỗ. Tùy theo lỗi nặng hay nhẹ so với hậu quả được ghi nhận, (đương sự) sẽ được đem sử trước Tòa án Quân sự Mặt trận, như bất cứ một quân phạm nào khác!.

  1. Sơ lược về kế hoạch lui binh, ‘Trận Snoul’. 
Sự kiện lui binh, rút quân từ một thị trấn trên đất Cam Bốt đề cập trong bài viết này (tạm gọi là “Trận Snoul” cho được đơn giản) đã xẩy ra cách đây vừa đúng 42 năm. Đó là cuộc rút quân quy mô do Chiến đoàn 8, thuộc SĐ 5 Bộ Binh, thực hiện và hoàn tất vào ngày 31/5/1971.
Được biét, theo chỉ thị của Tư Lệnh (TL) Quân Đoàn III, Thiếu tướng Nguyễn văn Hiếu TL Sư Đoàn 5 BB, có nhiệm vụ điều dộng cánh quân thuộc Chiến đoàn 8/ BB, lúc đó đang trấn giữ tại Snoul, kịp thời trở về nội địa QK 3.

-- Tình hình Bạn:
Danh từ ‘Chiến Đoàn’, tiếng Anh được gọi là ‘task force’ (Lực lượng Đặc nhiệm); tức một đơn vị tác chiến được nhận thêm thành phần tăng phái, để đảm trách một kế hoạch (hành quân) ngắn hạn.
Tương tự như Chiến Đoàn 9 BB trước đó, nhiệm vụ đã hoàn tất, Chiến Đoàn 8, do Đại Tá Bùi trạch Dần chỉ huy, cũng được thiết lập do từ Trung Đoàn 8, thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Quân số cơ hữu gồm có 4 Tiểu đoàn B binh (khinh binh) cộng thêm một số đơn vị tăng phái: 1 Tiểu đoàn Pháo binh hỗn hợp 105 và 155 ly, Chi đoàn Cơ giới - Chiến xa M.41 và Thiết vận xa M.113  v..v. Tổng cộng khoảng 2500 (?) quân nhân các cấp cùng vũ khí, đạn dược, nhiên liệu và tiếp tế, cứu thương v..v.

-- Tình hình Địch:
Theo ghi nhận trong ’Nhật ký Hành quân’ (QĐ III) “thành phần giáp chiến với Chiến Đoàn 8 thuôc Sư Đoàn 5 Bộ Binh VNCH là (một đơn vị của) Công Trường 5 CS Bắc việt. Địch tổ chức liên tiếp 3 ổ phục kích trên đoạn đường rừng rậm 10 cây số dọc theo (hai bên) Quốc Lộ 13 về phía Nam. 
………

Căn cứ vào một số bài viết trên Trang nhà <generalhieu.com>, liên quan tới Trận Snoul; quân số phía Địch (theo tiết lộ của Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 1/8 BB). có lúc gồm 2 Công Trường VC, tức CT 5 và CT 7 (mỗi CT tương tự cấp số sư đoàn của QL VNCH); trong đoạn khác lại viết: “quân số gấp 5 lần bao vây (trên cùng nguồn tin). Nguy hiểm hơn nữa, thậm chí còn có kết luận (?) là cả 3 Công trường (sư đoàn VC) xúm lại vây đánh một mình CĐ 8 /BB (!).

Tuy nhiên trong Nhật ký Hành quân QĐ III có ghi một số diễn tiến liên quan đến cuộc lui binh sau đây:

(Trích đoạn):
“Về phía quân lực VNCH, Tướng Minh và BTM Quân Đoàn III, yểm trợ cho Chiến Đoàn 8 BB hàng chục phi tuần oanh tạc do phản lực cơ của Không Quân Việt / Mỹ, kể cả trực thăng võ trang. Đặc biệt kết quả hữu hiệu của hai phi tuần Không quân chiến lược B-52 (2 boxes) đánh trúng đội hình ‘biển người’ của Bắc quân CS. Khiến TĐ 1/8, Cựu Đ/ Úy TĐT Trần văn Thưởng, dẫn đầu đoàn quân đột phá vòng vây, khi tới ngang ổ phục kích thứ ba, chỉ còn thấy các hố bom của B-52 và những vết tích; chứng tỏ là các phi tuần B-52 đã đánh trúng lên đầu quân địch.”
(Ngưng trích)
 Hơn nữa, còn có thêm một nguồn tin quân sự khác:

(Trích đoạn)-
Lược dịch trong quyển sách, tựa đề “The VietNam War An Almanac, General Editor: John S Bowman; do World Almanac Publications- 1985; Trang số 283.

26-31 May 1971

Tin Cambodia : Khoảng 1000 (?) quân CS Bắc việt (NVA) chiếm được cứ điểm quân sự trong vùng đồn điền cao xu Snoul, sau khi đánh bật khỏi khoảng 2000 lính đồn trú, thuộc QĐ miền nam có sự yểm trợ hỏa lực của KQ đồng minh. Chiếm được Snoul, giúp VC sẽ kiểm soát được một phần QL 7 và QL 13, con đường dẫn tới miền nam (VNCH).
Tin ghi nhận cho hay một số lượng khá lớn quân dụng và tiếp liệu do lực lượng đồn trú (trước đó) đã bỏ lại……”
(Ngưng trích)

--Sơ lược kế hoạch lui binh của Chiến Đoàn 8 / BB như sau:
    • Ké hoạch rút quân (chính thức rời khỏi thị trấn Snoul) khởi sự vào ngày (N) 30-5-71 [x], xác nhận của cựu Đại Úy Trần văn Thưởng, Tiểu Đoàn trưởng TĐ 1/8.
    • Trong khi đó trước ngày “N”, một số cuộc điều quân diễn ra, được ghi nhận có gặp đụng độ [x]. Đại Tá Chiến Đoàn trưởng Bùi trạch Dần chủ đích “gom quân”, tụ họp lại các đơn vị của Chiến đoàn; lúc đó còn đang hoạt động rải rác quanh khu vực Snoul (?). Nhờ gom được thành phần cơ hữu, nên cuộc lui binh được thực hiện cho toàn bộ chiến đoàn như đã ấn định, theo kế hoạch rút quân “Bước Chân Chim” [x].
Thực ra cách rút quân theo bước chân chim, là một đội hình lui binh (phòng hờ) được Tướng Hiếu đưa ra thảo luận cùng với Tướng Minh. Kế hoạch “chẳng đặng đừng” này sẽ được đem áp dụng khi mà đoàn quân di chuyển về biên giới chỉ còn biết trông cậy vào hoả lực cơ hữu của Chiến đoàn (Thiết giáp và Pháo binh); cộng thêm khả năng hỗ trợ của Quân Đoàn III trong kế hoạch yểm trợ phi pháo, trực thăng võ trang, kể cả pháo đài bay B-52. Thành phần hỏa lực tiếp ứng cho cuộc lui binh này đã được BTL quân đoàn can thiệp trước đó, với lực lượng KQ Việt và Mỹ [x].
Kế hoạch “rút quân đơn độc” là “kế“ chót trong “tam thập lục kế”, hai vị tư lệnh đã rất bén nhạy (sensitive) phác họa ra (!). Vì cả hai cùng dự trù cho một cuộc rút lui nếu gặp phải tình huống không có thêm một đơn vị hỏa lực nào khác yểm trợ! (Hoặc là đã “có”, nhưng lại “không đến kịp lúc”, như trường hợp LLXK QĐ III (!), trong phần trình bầy kế tiếp).
Thì y như rằng, dự đoán của Tướng Minh và Tướng Hiếu đã ‘có  lời giải đáp’ cụ thể; vì đến cuối ngày 29-5-71 mà vẫn chưa thấy đơn vị Thiết giáp Cơ động (tăng phái) xuất hiện !
* Được biết, LLXK QĐ III của Đại Tá Trần quang Khôi, lúc đó (ngày 29-5-71) còn đang lo ngủ qua đêm ở Thiện Ngôn (coi đoạn Ngụy Sàigòn phỏng vấn Tướng Khôi trong phần 3. kế tiếp).
 
  1. Giá Ông/ Bà Ngụy Sàigon “đừng viết” bài Phỏng Vấn Tướng Khôi (!) 
  • ·      (Đơn vị yểm trợ hỏa lực trễ hẹn tiếp ứng!)
Theo dõi tại đây [http://www.generalhieu.com/snoul_llxkqd3-u.htm] để đọc toàn bài phỏng vấn cựu Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Chỉ Huy trưởng LLXK QĐ III, do tác giả Ngụy Sàigòn kiêm PV viên thực hiện.

·       Nội dung phần 3. này chỉ nhắm vào các chi tiết chính trong bài ‘Phỏng vấn’, mà tạm bỏ qua các đoạn khác thấy không cần thiết như: mở đầu, giới thiệu (nhằm ‘tung và hứng’ của tác giả kiêm PV) v..v

·       Minh xác: Đối thoại giữa Chuẩn Tướng Khôi và Phỏng Vấn viên được in chữ nghiêng, mầu mực xanh.
 -   Ghi chú:  NSG =Ngụy Sàigòn;


-- Trích đoạn (phỏng vấn):
- NSG: Ngày nào thì Quân Đoàn III ra lệnh cho LLXKQĐIII tăng phái cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh (SĐ5BB) để đi tiếp cứu CĐ8? (Tức thời điểm được đặt dưới quyền sử dụng của SĐ 5 Bộ Binh)
- Ch.T Khôi: Ngày 29 tháng 5 năm 1971 [1]
 (Ngưng trích)

·       Nhận xét:
[1] Nếu đem so với Lệnh Tăng Phái (26-5-71) đề cập trong quyển “Chiến Thắng An Lộc 1972, do cựu Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh chủ biên; tức trễ mất 3 ngày (?)
Hầu như ai cũng hiểu, khi mà một sự kiện đã xẩy ra trước đó gần nửa thế kỷ, Cuộc Lui Binh Từ SNOUL (1971), do yếu tố thời gian, sự sai lệch vài ba (3) ngày “Tăng phái”, trong trí nhớ của cựu Ch.T. Khôi và một ông cựu Tr.Tá; cũng là chuyện dễ hiểu thôi!.
Tuy nhiên những nhân vật từng có một thời liên quan tới sự kiện này, vẫn có thể giải đoán được, do bởi những chi tiết “hàng ngang lẫn hàng dọc”, móc nối với hệ lụy được dẫn thượng.
Người viết một lần nữa, thấy cần nhắc lại khái niệm về “Công tác Lệnh” (SVL) trong phần “1- mở đầu”, rằng “Ngày Tăng Phái”, bất kể sớm hay trễ hơn 3 ngày  vừa nêu ra; không có nghĩa là đơn vị liên hệ cứ đợi đúng đến cái ‘ngày ấy’ mới “lần mò“ (!) khởi hành để tới đơn vị giữ trách nhiệm tăng phái (!)
Chỉ Huy trưởng nhận lệnh, phải hiểu rằng ngày 26 hay hoặc 29-5-71, “ngày tăng phái” là thời điểm trình diện Tư Lệnh SĐ 5 BB, tức có mặt nơi tuyến xuất phát (TXP) tại Lộc Ninh, BCH Tiền phương của sư đoàn; theo đúng tinh thần của  nội dung bức công điện, chuyển t BTL QĐ III (Phòng 3, Hành quân; phụ bản đồng thời được gửi về Bộ TTM/ P3: Để Kính tường trình và Lưu).
Tưởng cũng cần phải nói thêm lần nữa, ngày tăng phái ghi trong Lệnh là ngày “Đến”, ngày “có mặt” (chứ không phải “ngày bắt đầu đi”). Ngày 29-5-71 (Đ.Tá Khôi xác nhận), tức tại thời điểm đó lực lượng tăng phái (LLXK QĐ III) được đặt dưới quyền ‘tùy nghi sử dụng” (available) của Thiếu Tướng Nguyễn văn Hiếu tại BCH Tiền phương Lộc Ninh.
Thực tế, đơn vị Thiết Giáp “Xung Kích” của ông Khôi phải khởi hành từ căn cứ Thiện ngôn trước đó, ít nhất là 2 ngày, tức 27-5-71; để kịp trình diện Tư Lệnh SĐ 5 BB vào đúng ngày 29-5-71, (Ngày Tăng Phái). 

-- Trích đoạn (phỏng vấn):
- Ch./T Khôi: Anh gặp Đại Tá Ngô Văn Minh, Tham mưu trưởng Hành quân QĐ. Đại Tá Ngô Văn Minh cho biết lệnh của Tr/Tướng Minh biệt phái LLXKQĐIII cho SĐ5BB. Tr/Tướng Minh ra lệnh cho LLXKQĐIII ngày mai 30 tháng 5 năm 1971 di chuyển đến Bộ Tư lệnh SĐ5BB tại Lai Khê nhận lệnh Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu.
- NSG: Tại sao không điều động LLXKQĐIII đi ngay mà phải chờ đến ngày mai?
- Ch./T Khôi: Anh muốn đi qua Lai Khê ngay, nhưng Đại Tá Ngô Văn Minh lập lại rõ ràng đó là lệnh của Tr/T Minh muốn LLXKQĐIII ngủ qua đêm ở Thiện Ngôn [2] sáng ngày mai 30 tháng 5 năm 1971 chờ Địa Phương Quân mở đường [3] xong mới di chuyển.
- NSG: Tại sao không đi thẳng từ đồn điền Mimot đến Snoul ?
- Ch./T Khôi: Không an ninh lộ trình với lại tiền cứ của LLXKQĐIII đặt tại Thiện Ngôn. Về đó tiếp tế, tu bổ thuận tiện hơn.
- NSG: Xin Thiếu Tướng cho biết những hoạt động của LLXKQĐIII trong ngày 30 tháng 5 năm 1971?
- Ch./T Khôi: Ngày 30 tháng 5 năm 1971, tại Thiện Ngôn LLXKQĐIII được lệnh phải chờ cho Địa Phương Quân mở đường xong từ Thiện Ngôn tới Trại Bí. Mất gần cả ngày [3] Đến Tây Ninh 4 giờ chiều, qua Thủ Dầu Một. Đến Lai Khê trời đã tối. Anh cho LLXKQĐIII bố trí quân ở phía Nam Lai Khê. Riêng anh đến trình diện Bộ TL SĐ5BB không gặp Tướng Hiếu vì Tướng Hiếu đang ở Lộc Ninh. Gặp Đại Tá Ngô Lê Tuệ, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn cho biết lệnh Thiếu Tướng Hiếu cho LLXKQĐIII đóng quân tại Lai Khê qua đêm [2].  Ngày mai tức sáng ngày 31 tháng 5 năm 1971 lên trình diện Thiếu Tướng Hiếu tại Lộc Ninh. Nhưng nửa đêm nhận công điện của Quân Đoàn từ Tướng Minh thắc mắc tại sao không đi Lộc Ninh ngay mà nằm lại Lai Khê, bộ tính kéo quân về Sài gòn đảo chánh. Anh trả lời đó là lệnh của Tướng Hiếu vì ông sợ Thiết giáp di chuyển ban đêm rất nguy hiểm, dễ bị phục kích.
- NSG: Sau khi trình diện T/T Hiếu tại Lộc Ninh. LLXKQĐIII đã tiếp cứu CĐ8 như thế nào?
- Ch./T Khôi: 8 giờ sáng ngày 31 tháng 5 năm đến Lộc Ninh trình diện Tướng Hiếu, Anh báo cáo tình trạng LLXKQĐIII. Tướng Hiếu cho biết tình hình cuộc rút quân và yêu cầu Anh đi lên Snoul ngay lập tức (!)
(Ngưng trích)

·       Nhận xét:
  • Hội chứng Ngủ Qua Đêm của LLXK QĐ III (!) 
[2] Sự kiện Ngủ Qua Đêm chính là một trong những ‘đặc điểm’ gây chú ý trong phần trả lời của cựu Chuẩn Tướng Khôi với phỏng vấn viên tên Ngụy Sàigòn!

Quân đội VNCH chưa từng bao giờ xẩy ra một vấn đề thi hành lệnh tăng phái (!) lại rất “nhiêu khê” như trên, đối với một đơn vị có tầm cỡ Lữ Đoàn (Thiết Giáp) của cựu Đại Tá  Trần Quang Khôi (71):
Muốn biết lực lượng này lớn cỡ nào (!) hào hùng ra sao (!), hãy đọc lời tác giả Ngụy Sàigòn viết gửi cho Tr.Tá Ánh:

LLXKQĐIII có hơn 200 CX M41 và TVX M113. Quân số hơn 3000 tay súng gồm có 1 Liên Đoàn BĐQ cùng 1 Tiểu Đoàn Pháo binh, 1 Tiểu Đoàn Công Binh rồi còn Tiếp Vận Tiếp Liệu. Mỗi lần nấu cơm thì khói xông lên mù mịt. Mỗi người chỉ cần ho lên một tiếng là làm điếc tai của Tr/Tá Ánh ngay.” 

Việc “ngủ” hay “không ngủ” (đêm) là vấn đề nội bộ, đâu có liên quan gì tới một bức Công (điện) Lệnh hay ‘Khẩu lệnh’ Hành Quân (!); tức một văn bản cô đọng vỏn vẹn khoảng chục chữ, chỉ với mục đích xác nhận cuộc thảo luận qua điện đàm hay buổi họp hành quân vừa mới được hoàn tất. Mức đơn giản của loại Công điện, nhiều khi còn phải sử dụng ‘mã hóa’ bản văn để giữ bí mật; không có nghĩa là sẽ được kèm theo các thứ lệnh miệng dài lê thê (loại bàn ‘thai đế’ Xổ Số) của bất cứ một nhân vật cao cấp nào trong Bộ Tham mưu Hành quân.

Thiết nghĩ, một SQ đương nhiệm Tham mưu trưởng của BTL QĐ III, thí dụ trường hợp Đại Tá Ngô Văn Minh, không bao giờ lại tự “chế” ra quyết định của Tư Lệnh Quân đoàn, hay của chính cá nhân ông, (theo lời Đ.Tá Khôi) bắt LLXK phải “ngủ đêm” chỗ này hay “ngủ đêm” chỗ kia, trên suốt lộ trình đến trình diện Thiếu Tướng Hiếu, TL Sư Đoàn 5 BB.
Nên nhớ các SQ thuộc Bộ Tư Lệnh, trong đó kể cả Đ.Tá Tham Mưu trưởng QĐ III, lẫn Đ.Tá TL Phó Sư Đoàn 5 BB; không nhận đóng cái vai “giữ trẻ” (baby sitting) tức luận bàn và diễn nghĩa thêm (bàn thai đề) cho phần nội dung của một bức Công điện. Đó là chuyện dư thừa! Vì mọi “kế hoạch và đường lối thi hành” đã được bàn thảo và chung quyết trong cuộc họp hành quân vừa mới chấm dứt; chiếu theo đó các SQ chỉ huy đơn vị tham chiến buộc lòng phải nắm vững!!   

Lệnh là Lệnh!

Trường hợp Công vụ Lệnh của Quân Đoàn quyết định tăng phái LLXK QĐ III cho Sư Đoàn 5 BB, cũng không có ngoại lệ!

Sau khi LLXK QĐ III nhận được Công điện tăng phái cho Sư Đoàn 5 BB ngày 29-5-71 (lời cựu Đ.Tá Khôi), có nghĩa cứ đúng ngày đó (29-5-71) đơn vị Tăng phái phải có mặt tại BCH Tiền phương của SĐ 5 BB, để trình diện và nhận lệnh xuất phát đi ứng cứu Chiến Đoàn 8; lúc đó đang sửa soạn rút khỏi Snoul.
Được biết kế hoạch lui quân của chiến đoàn xuất phát vào ngày “N”, 30-5-71; theo tiết lộ của cựu Đại Úy Trần văn Thưởng, Tiểu Đoàn trưởng TĐ 1/8 thuộc CĐ 8 BB.

 [3]LLXKQĐIII được lệnh phải chờ cho Địa Phương Quân mở đườngMất gần cả ngày..”

Phải chăng đó là lời “kể lể” [c ý bao che sự tiếp ứng chậm trễ (?)] của cựu CHT Thiết giáp, LLXK QĐ III.
Thực sự diễn tiến công việc mở đường của toán Địa phương quân ra sao, chắc ông ta chưa biết? hay không muốn biết ?

Trước hết cựu Đ.Tá Khôi hãy nêu rõ, Tướng Minh? Tướng Hiếu? Đ.Tá TMT QĐ III? Hay Đ.Tá TL Phó SĐ 5 BB? AI đã ra lệnh LLXK phải ngủ đêm [2]; và AI bắt đơn vị của ông chờ cho Địa Phương Quân mở đường (?) [3]

Kinh nghiệm cho thấy, tại mỗi Chi khu (hay Quận) vào buổi sáng sớm, trước khi mọi sinh hoạt của dân chúng ở địa phương bắt đầu; Ban Công binh Chi Khu có bổn phận phân phối, tăng phái nhân viên giữ nhiệm vụ rà mìn và tháo gỡ mìn (nếu gặp), để cùng làm việc với toán lính Địa Phương Quân mở đường, giữ an ninh cho một số trục lộ giao thông được coi là quan trọng.

Sự thật dễ hiểu, quân cụ trang bị cho một Ban Công binh ở cấp Chi khu thường rất hạn chế; hoặc giả nếu có đủ, thì chất lượng (sự chính xác) khó đem so sánh được với những đơn vị cấp cao hơn. Điều này Đ.Tá Khôi chắc chắn dư biết! Trong tay lúc đó đang nắm cả một Tiểu đoàn Công Binh, mà ông nỡ lòng nào ngồi đợi gần cả ngày trời. Trong khi một nhóm vài ngoe lính địa phương dùng những dụng cụ dò mìn (đến hồi phế thải) đi rà soát mặt đưởng, mục đích tìm kiếm để, nếu phát hiện ra được, sẽ vô hiệu hóa, rồi gỡ đi các loại mìn bẫy của VC (?). Kết cuộc sau đó đại đơn vị thiết giáp (!) của ông mới “từ từ” khởi hành, đi tiếp ứng đơn vị bạn; đang lúc bị bao vây nguy kịch và trông đợi sự hỗ trợ khẩn cấp của hỏa lựchùng hậu’‘hữu hiệu’  từ LLXK QĐ III (!)   

-- Trích dẫn (phỏng vấn):                               
- NSG: Có phải Thiếu Tá David Russell đã yểm trợ mạnh mẽ và hữu hiệu cho T/T trong cuộc rút quân hào hùng ở Dambe? Trận đánh tiếp diễn ra sao? Tại sao T/T phải lên trực thăng chỉ huy?
- Ch./T Khôi: Đúng vậy. Thiếu Tá David Russell là một chiến sĩ quả cảm. Ông rất thương yêu và hết lòng yểm trợ cho LLXKQĐIII mỗi khi yểm trợ cho quân mình. Anh phải lên trực thăng vì đường độc đạo sình lầy, hai bên rừng rậm khó quan sát chiến trường và qua trung gian của Th/Tá Russell anh mới có thể điều động Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ hữu hiệu hơn. Anh điều động Không Lực Hoa Kỳ (KLHK) và Đại đội trực thăng võ trang Hoa Kỳ đánh ngay vào trận địa [4]. Bắt buộc phải đánh sát thủ ngay trên đầu quân mình. Trận chiến kéo dài từ sáng đến tối còn cách một ngọn đồi. Bên nầy là LLXKQĐIII bên kia là Chiến Đoàn 8 (CĐ8) mà không tiến lên được để bắt tay cùng CĐ8 vì trời tối Không quân Hoa Kỳ rút đi. Phải ngưng chiến bố trí phòng thủ qua đêm..[2] [tức đêm 31-5-71]
- NSG: Tại điểm bố trí phòng thủ ban đêm. [2]
cách CĐ8 bao xa và cách Snoul bao xa?
- Ch./T Khôi: Cách CD8 khoảng 500m và cách Snoul khoảng 2km. [5]
- NSG: Tình hình và tinh thần của CĐ8 khi LLXKQĐIII đến giải cứu?
- Ch./T Khôi: Khi đã bị 2 Công Trường CSBVXL bao vây chận đánh trên đường rút lui mà không có đơn vị cản hậu, Không có Không Quân yểm trợ tối đa và mãi đến ngày 31 tháng 5 năm 1971 tức là một tuần lể sau khi bị bao vây, mới được LLXKQĐIII tiếp cứu thì tinh thần của CĐ8 xuống rất thấp. Đại Tá Bùi Trạch Dần, Chiến đoàn trưởng CĐ8, ngồi hẳn trong xe chỉ huy của Trung Tá Tôn Thất Hoàng, Thiết Đoàn trưởng Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh. Coi như Đại Tá Dần không còn điều động chỉ huy gì được nữa. Sáng ngày 1 tháng 6 năm 1971 [5], Anh đề nghị Đại Tá Dần cho CĐ8 án binh chờ LLXKQDIII giải tỏa hoàn toàn đoạn đường 500m giữa hai bên ngọn đồi. LLXKQĐIII sẽ bảo vệ cho CĐ8 rút quân. Nhưng Đại Tá Dần không nghe. Ông ra lệnh cho Trung Tá Hoàng rút chạy giữa hai hai lằn đạn. Bắt buộc anh phải ngưng chiến. Xe của Trung Tá Hoàng và Đại Tá Dần thoát nhưng xe của Thiếu Tá Trương Hồng Cẩm, Thiết Đoàn phó, trúng hỏa tiễn. Thiếu Tá Cẩm và Trung Tá Đinh Văn Tọa Trung Đoàn Phó, Tr/Đ8 BB bị tử trận
- NSG: Tại sao Đại Tá Dần lại ngồi hẳn trong xe?
- Ch./T Khôi: Anh nghĩ lúc đó Đại Tá Dần đã tính sai nên ông nghĩ rằng ngồi trong xe TG chạy thoát ra ngoài dễ và nhanh hơn. Đúng ra Đại Tá Dần phải dẫn quân Bộ Binh rút đi đường rừng cách xa chỗ LLXKQĐIII đang đánh nhau với 2 Công Trường CSBVXL. Như thế an toàn hơn. Khi bị bao vây, ngồi trên xe TG rất nguy hiểm dễ bị trúng hỏa tiễn. Điều đó đã xảy ra. Gây khó khăn cho LLXKQĐIII trong việc tiếp cứu.”
………………….
-- (Ngưng, Hết trích bài Phỏng vấn cựu Ch.Tướng Trần quang Khôi)

  • Giai Đoạn Chót Của Cuộc Lui Binh, Ngày (N+1) 31-5-71: 
  • (Ghi nhận của cựu Đại Úy Trần văn Thưởng, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 1/8 BB ):
DIỄN TIẾN HÀNH QUÂN GIAI ÐOẠN 2

* Ngày chót (N+1)*
Ðêm 30/5/71, Chiến đoàn 8 phòng thủ ngoài khu vực phòng thủ của Tiểu đoàn 3/9, trong khi pháo binh và không quân đánh phá suốt đêm dọc theo QL13 đến Snoul, để tiêu diệt và ngăn ngừa các cuộc chuyển quân của địch về hướng    Ðông-Nam của QL13. Trong đêm nầy, sương mù dày đặc suốt đêm đến khoảng 9:30G sáng ngày 31/5/71, đến nỗi bộ binh chỉ thấy nhau trong tầm khoảng cách không quá mười lăm thước, vì vậy cuộc lui quân phải bị trì hoãn khoảng hai tiếng đồng hồ theo kế hoạch đã dự trù. (Tức là 11:30G sáng cùng ngày ?)  
Phóng đồ Hành quân Giai Đoạn 2 - Ngày chót (N+1) 31/5/71
“ Từ 07:30G đến 09:30G ngày 31/5/71, pháo binh của LLXKQÐ3 liên tục bắn phá các mục tiêu dự trù trên lộ trình lui quân, trước khi Chiến đoàn 8 vượt tuyến xuất phát  (Cách Biên giới khoảng 3 km) để giao tiếp với LLXKQÐ3, mới được tăng phái cho Sư đoàn 5 trong ngày nầy, 31/5/71.”………
………………..
Cựu Tiểu Đoàn trưởng TĐ 1/ 8 Bộ Binh, tường thuật tiếp:
Ðịch đã mắc mưu kế nghi binh của tướng Hiếu và Ðại tá Dzần trong đêm 29/5/71, nên địch cứ lầm tưởng rằng Chiến đoàn 8 sẽ mở cuộc hành quân tấn công họ về hướng Tây-Bắc hay hướng Ðông-Bắc vào ngày 30/5/71. Do đó địch đã lầm lẫn không cho điều động hai tiểu đoàn phòng không và tập trung thêm bộ binh, từ hướng Tây-Bắc hay hướng Ðông-Bắc về hướng Ðông-Nam, để tham gia trực tiếp chiến trường ngày 30/5/71 tại khoảng một cây số trên QL13 ở hướng Ðông-Nam của Snoul.
Cuộc rút quân bất ngờ và thần tốc của Chiến đoàn 8 cũng như hỏa lực không yểm của LLKK Hoa Kỳ đã hữu hiệu tiêu diệt và chận đứng, hay trì hoãn các cuộc điều binh của địch từ hướng Tây-Bắc hay hướng Ðông-Bắc về hướng Ðông-Nam để tham dự chiến trường thật sự ngày 30/5/71.
 
“ Tinh thần quyết chiến của các chiến hữu Chiến đoàn 8 được khích lệ bởi sự hiện diện thường trực của tướng Hiếu, [4] trong khi ông đã can đảm bất chấp hỏa lực pháo binh và bộ binh của địch, bay sát các cánh quân của địch, quan sát và điều chỉnh hỏa lực tác xạ của LLXK Hoa Kỳ cho chính xác vào các lực lượng địch.
Ðại tá Dzần cùng Thiết đoàn trưởng Thiết đoàn1 đã quyết định sáng suốt và can đảm vượt lên sát với Tiểu đoàn 2/8, để yểm trợ cho tiểu đoàn nầy đang bị địch uy hiếp cánh sườn phải cũng như để bẻ gãy kế hoạch bao vây và chia cắt của địch.
LLXKQÐ3 đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc lui binh cuối cùng của CÐ8 ngày 31/5/71. Nhờ thế, CÐ 8 chỉ bị thiệt hại nhẹ trong ngày lui binh ngày 31/5/71. Ngoài ra, LLXKQÐ3 cũng đã phá vỡ kế hoạch địch tiếp tục bao vây và tiêu diệt CÐ8………………..”
-- (Ngưng, Hết trích)

  • Nhận xét;  
       + Hội chứng “Ngủ qua đêm”! 
 
[4][5] Mãi cho đến sáng ngày 31-5-71 (N+1), LLXK QĐ III của Đ.Tá Khôi mới tới Lộc Ninh trình diện và được lệnh của Tướng Hiếu bắt phải đi lên Snoul ngay lập tức!
Như vậy cuộc tiếp viện của LLXK chỉ xẩy ra từ lúc gần trưa ngày 31-5-71 (!) và kết quả CĐ 8 BB đã hoàn tất kế hoạch lui binh (Giai đoạn chót) vào buổi chiều cùng ngày.

Trên phóng đồ hành quân của cựu Đ. Úy Trần văn Thưởng (Tiểu Đoàn trưởng TĐ 1/8 BB), ghi nhận chi tiết đặc biệt trong Giai Đoạn II - ngày 31-5-71, tức giây phút chót của cuộc lui binh. Quan sát viên quân sự phát hiện được danh hiệu LLXK QĐ III, lúc đó “mới lấp ló” qua khỏi lằn ranh biên giới (cách Lộc Ninh khoảng 6, 7 km về hướng Bắc). Đồng thời Phóng đồ Hành quân còn xác định tuyến xuất phát (TXP) của Chiến Đoàn 8 BB (bao gồm lực lượng cơ hữu), trong giai đoạn chót, chỉ còn cách biên giới Miên/ Việt vỏn vẹn có 3 km.

Được biết, dưới sự hướng dẫn đich thân của Thiếu Tướng Hiếu, điều chỉnh hỏa lực tác xạ của LLXK Hoa Kỳ cho chính xác vào các lực lượng địch; Đại Tá Bùi trạch Dần, Chiến Đoàn trưởng CĐ 8/ BB, đã thực hiện cuộc rút quân đẫm máu và đơn phương trong Giai Đoạn I, xuất phát từ Snoul váo ngày (N) 30-5-71.
Giai đoạn chót khởi sự vào buổi sáng hôm sau, ngày (N+1) 31-5-71, mới thấy xuất hiện đơn vị tăng phái, tức LLXK QĐ III của Đại Tá Khôi.
Đoạn đường rút lui kể từ tọa độ đó, thật sự chỉ còn vỏn vẹn 3 km là về đến biên giới quận Lộc Ninh. Chiến Đoàn 8 BB lúc bấy giờ mới có thêm (tới trễ 2 ngày) hỏa lực pháo binh yểm trợ của LLXK do quân doàn cho tăng phái; cựu Ch. Tướng Khôi xác nhận là từ ngày 29-5-71.[1]

Độc giả cũng không thể hiểu nổi, sau khi Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã hoàn tất rút CĐ 8 BB, từ chiến trường Cam Bốt về nội địa QK 3; tại sao Chỉ Huy trưởng LLXK QĐ III vẫn còn quan tâm đến chuyện ngủ qua đêm cho đơn vị của ông (?)

Chưa hết! Còn nữa!
Có lẽ cũng vì ‘quá giận’ bọn VC nên đến hôm sau 1-6-71 (tức một ngày sau đó), cựu Đại Tá Thiết Giáp, vẫn còn muốn quần thảo với 2 Sư đoàn CT 5 và CT 7 Bắc quân CS trên con đường Máu, QL 13.
Đọc tiếp đoạn nầy để biết hư thực, một sự kiện được ghi chép cẩn thận của ‘Phỏng viên’ Ngụy Sàigòn:

--Trích đoạn: cựu Ch.Tướng T.Q. Khôi, trả lời PV Ngụy Sàigòn, (nguyên văn chữ nghiêng):

Rút cuộc LLXK QĐ III cũng xuất hiện tại biên giới sáng ngày 31-5-71 và lúc đó mới nhập cuộc!
Coi Phóng đồ Hành quân (nêu trên) để phát hiện rõ vị trí Lực Lượng Xung Kích so với Chiến Đoàn 8 BB trong Giai Đoạn 2, là giai đoạn chót:
“Trận chiến kéo dài từ sáng đến tối còn cách một ngọn đồi. Bên nầy là LLXKQĐIII bên kia là Chiến Đoàn 8 (CĐ8) mà không tiến lên được để bắt tay cùng CĐ8 vì trời tối Không quân Hoa Kỳ rút đi. Phải ngưng chiến bố trí phòng thủ qua đêm.”.[2] [tức đêm 31-5-71]
.……………..
“ Coi như Đại Tá Dần không còn điều động chỉ huy gì được nữa. Sáng ngày 1 tháng 6 năm 1971 [5], Anh đề nghị Đại Tá Dần cho CĐ8 án binh chờ LLXKQDIII giải tỏa hoàn toàn đoạn đường 500m giữa hai bên ngọn đồi. LLXKQĐIII sẽ bảo vệ cho CĐ8 rút quân. Nhưng Đại Tá Dần không nghe.….”
(Ngưng trích)

4.  Thay Thế Phần Tạm Kết:

Trong tựa đề “Giá Đừng Có Bài Phỏng Vấn…”, chữ “Giá đừng” mang tính chất của “điều kiện cách” (conditional use); có nghĩa tiếc rẻ đối với một sự kiện, đáng nhẽ không nên xẩy ra (nhưng lại vẫn đã xẩy ra !) Thật vậy “sự đáng tiếc” khiến độc giả nhận thấy ngay sau khi đọc lướt qua bài Phỏng Vấn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 KB kiêm Tư lệnh LLXK QĐIII” của tác giả Ngụy Sàigòn, kiêm phỏng vấn viên.

Người viết bài này không có ý định nhập vào cuộc “bút chiến” giao hữu (!) với Ông/ Bà Ngụy Sàigòn, như trường hợp một bài viết của đương sư nhắm vào cựu Trung Tá Nguyễn ngọc Ánh. Vì cá nhân tự thấy không có cảm tình với cái “tên giả” (nick) mang danh từ “Ngụy”; cho nên việc trao đổi ý kiến, thậm chí kể cả “bút chiến” (!), tuyệt đối không thể xẩy ra giữa người viết bài này với một đối tượng có “lý lịch không rõ rệt!” 

Chỉ tiéc một điều, cựu Chuẩn Tướng Trần quang Khôi đã (“bị”) để cho một đệ tử, đàn em phỏng vấn; kịp tới lúc đưa lên mạng; bài viết không hề được kiểm duyệt, đọc lại kỹ càng (re-edit). Vì thế cuộc phỏng vấn bị độc giả phát hiện dễ dàng một số những chi tiết thiếu lô-gích và diễn tiến không ăn khớp…như đã đề cập trong phần thượng dẫn. Điều này chứng tỏ không hề có sự ‘hội ý’ (confirm) giữa một nhân vật cựu Tướng lãnh (người được phỏng vấn) và đàn em, đệ tử đóng vai trò Phỏng Vấn viên tức Ngụy Sàigòn!

Phát hiện ra chữ “Tạm kết” được dùng ở cuối bài, giới độc giả báo điện tử, báo mạng, đương nhiên hiểu ngầm là người viết hứa hẹn có thêm bài kế tiếp!
Hy vọng những gì còn sót lại trong tận cùng của phần ký ức, liên quan tới cuộc lui binh từ thị trấn Snoul; cũng sẽ được lần lượt viết lại. Đặc biệt, nếu đủ khả năng, sẽ đáp ứng thỏa đáng những thắc mắc phát hiện từ bấy lâu nay, trên một số trang mạng.//

Nguyễngọc Tùng  
(27-9-2013)