Trích Bản Tin Hồ Ngọc Cẩn; Cám ơn Nhà Báo Nguyễn Việt -Thiện ngôn-
DINH ĐỘC LẬP
Những người nhắc về Dinh Độc Lập vẫn nói về kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ, người KTS tài hoa từng đạt giải Khôi nguyên La Mã về kiến trúc, đã thiết kế bản vẽ để xây dựng Dinh Độc Lập. Việc xây dựng kéo dài trong 4 năm, từ năm 1962 đến năm 1966. Nó dễ cho một số thanh niên trẻ suy nghĩ rằng, dường như Dinh Độc Lập chỉ thật sự tồn tại hơn 40 năm qua. Trong khi xét về mặt lịch sử, thì dinh thự này, hay đúng ra khu đất này đã hiện diện từ gần 150 năm trước, từ những ngày quân Pháp chiếm được Nam kỳ Lục tỉnh.
Năm 1858, Pháp nổ những phát đại bác đầu tiên tấn công vào Đà Nẵng, mở màn cuộc thôn tính VN. Chỉ một năm sau khi thôn tính cả Nam Kỳ Lục Tỉnh, năm 1868 Pháp bắt đầu khởi công xây dựng Dinh Thống Đốc Nam Kỳ và đặt tên là Dinh Norodom khi hoàn tất. Dinh mang tên con đường trước mặt là đại lộ Norodom, tức Đại lộ Thống Nhất sau này, là tên vị Quốc Vương Cam-Bốt, người đã đi theo Pháp đầu tiên tại Đông Dương.
Khi Nhật hất cẳng Pháp và chiếm Đông Dương, Dinh Norodom được sử dụng làm tổng hành dinh của quân Nhật cho đến khi Nhật bị bại trận trong Đệ Nhị Thế giới và Pháp chiếm lại dinh này, tiếp tục sử dụng làm công thự cho đến tận năm 1954.
Sau Hiệp định Genève, người Pháp rút khỏi VN và trao quyền lại cho chính quyền Quốc gia VN. Dinh Norodom được chính thức ký kết trao trả lại cho đại diện chính phủ Sài gòn là Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Ông trở thành Tổng thống của nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà từ năm 1955 và cùng gia đình gia đình cư ngụ và làm việc tại Dinh Norodom này, sau khi đổi tên thành Dinh Độc Lập.
Theo những giai thoại viết về thuật phong thủy thì dinh tọa lạc trên long mạch, đặt tại vị trí đầu rồng nên còn gọi là Phủ Đầu Rồng (còn đuôi rồng ém lại đặt tại Công trường Chiến Sĩ, tức Hồ Con Rùa).
Về mặt ý nghĩa thì thiết kế mới của Dinh Độc Lập không chỉ tân kỳ và mỹ thuật theo các tiêu chuẩn phương Tây, mà còn mang có những biểu tượng mang ý nghĩa tâm linh và phong thủy theo văn hoá Á đông. Toàn bộ Dinh mang hình chữ CÁT, với ý nghĩa tốt lành, may mắn và trung tâm Dinh là phòng Trình Quốc Thư. Tương tự như vậy, mỗi một vị trí trong thiết kế mới đều có thiết kế tượng hình, mang những ý nghĩa và triết lý sâu sắc như vậy.
Rất tiếc là chỉ sau khi khởi công xây dựng được vài tháng thì xảy ra cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, dẫn đến cái chết của anh em TT Ngô Đình Diệm, nên khi Dinh Độc Lập được khánh thành vào tháng 10 năm 1966, lại do Chủ Tịch Ủy ban Lãnh Đạo Quốc gia Nguyễn Văn Thiệu chủ lễ. Nó trở thành nơi sống và làm việc của gia đình TT Nguyễn Văn Thiệu, cũng như trung tâm đại nghị các vấn đề quốc gia của nội các nền Đệ Nhị Cộng hòa cho đến năm 1975.
Dinh Ðộc lập là một công trình kiến trúc độc đáo của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Dinh được khởi công xây dựng ngày 1/7/1962 và khánh thành vào ngày 31/10/1966. Thiết kế Dinh Ðộc lập, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ muốn tìm một ý nghĩa văn hóa cho công trình, nên mọi sự xếp đặt từ bên trong nội thất cho đến tiền diện bên ngoài, tất cả đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, nghi lễ Phương đông và cá tính của dân tộc. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống Phương Ðông.
Toàn thể bình diện của Dinh làm thành hình chữ CÁT có nghĩa là tốt lành, may mắn. Tâm của Dinh là vị trí phòng Trình quốc thư ; Lầu thượng là Tứ phương vô sự lầu hình chữ KHẨU để đề cao giáo dục và tự do ngôn luận. Lầu thượng hình chữ KHẨU có cột cờ chính giữa sổ dọc tạo thành hình chữ TRUNG như nhắc nhở muốn có dân chủ thì phải trung kiên.
Nét gạch ngang được tạo bởi mái hiên lầu tứ phương, bao lơn danh dự và mái hiên lối vào tiền sảnh tạo thành hình chữ TAM. Theo quan niệm dân chủ hữu tam viết nhân, viết minh, viết võ, ý mong muốn một đất nước hưng thịnh thì phải có những con người hội đủ 3 yếu tố “Nhân”, “Minh”, “Võ”.
Mặt trước của dinh thự toàn bộ bao lơn lầu 2 và lầu 3 kết hợp với mái hiên lối vào chính cùng 2 cột bọc gỗ phía dưới mái hiên tạo thành hình chữ HƯNG ý cầu chúc cho nước nhà được hưng thịnh mãi.
Vẻ đẹp kiến trúc của Dinh còn được thể hiện bởi bức rèm hoa đá mang hình dáng những đốt trúc thanh tao bao xung quanh lầu 2. Rèm hoa đá được biến cách từ bức cửa bàn khoa của các cung điện Cố đô Huế không chỉ làm tăng vẻ đẹp của Dinh mà còn có tác dụng lấy ánh sáng mặt trời. Ði vào bên trong Dinh, tất cả các đuờng nét kiến trúc đều dùng đường ngay sổ thẳng, các hành lang, đại sảnh, các phòng ốc đều lấy câu chính đại quang minh làm gốc.
1/- Dinh Toàn Quyền 1882-xây từ 1868 đến 1875 theo kiểu Baroque thời Napoleon I
2/- Dinh Norodom – Dinh Độc Lập 26/10/1955 – 27/2/1962
3/- Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và chính phủ VNCH xây cất lại 1/7/1962 – 31/10/1966
4/- Bảng đồng nguyên bản tại Dinh Độc Lập
Yên Huỳnh post
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét