Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Truyện ngắn THANH THƯƠNG HOÀNG - Vũng Lầy!

Vũng Lầy

Ðang đi trên đường Lê Lợi, chỗ gần chợ Bến Thành, cùng với một người bạn, bỗng có kẻ bất thình lình cầm tay ông Úy níu lại. Giật mình ông Úy dừng bước và quay nhìn: đó là một gã ăn mày tuổi ngoài trung tuần, râu tóc xồm xoàm áo quần lếch thếch nhưng không đến nỗi rách rưới. Gã ăn mày không đợi "thí chủ" hết ngạc nhiên, nói liền: "Xin ông bạn Việt kiều giúp cho người anh em khốn khó vài tờ !".
Truyện ngắn THANH THƯƠNG HOÀNG
 - Ðây là lần thứ hai ông cựu Trung úy Võ Trung Úy, nguyên Ðại đội trưởng Ðại đội X thuộc Tiểu đoàn Z trấn giữ mặt trận Long Khánh cho tới ngày chót được lệnh rút lui, đi Việt Nam. Lần này, không còn lo lắng sợ hãi như lần trước nữa nên ông đi một mình thăm ông già đang bị bệnh nặng, để bà vợ ở lại Mỹ. Hơn nữa bà còn phải trông coi cửa hàng ăn không thể giao phó cho người khác. Không biết cái tên Trung Úy do ông già ông đặt có phải là tiền định không mà sau mấy năm đeo mãi cái lon Trung úy, khi tới lúc sắp được lên lon Ðại úy thì... đứt phim!
Sau khi bệnh trạng ông già có phần thuyên giảm, ông Võ Trung Úy mới có chút thì giờ đi dạo phố phường.Thành phố Saigon bây giờ đổi khác hơn mấy năm trước nhiều. Thiên hạ tưng bừng trưng diện ăn chơi đủ mốt đủ kiểu, chẳng thua kém gì bọn thanh thiếu niên ăn chơi bên nước Mỹ. Bỗng ông Úy nhận thấy một điều mà lần trước có lẽ ông không để ý tới hoặc "nó" chưa phát triển một cách "tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa" như bây giờ. Ðó là "giai cấp ăn mày". Trước đây, theo Các Mác, trong xã hội tư bản có giai cấp công nhân vô sản, nay trên con đuờng phát triển đi lên xã hội chủ nghĩa, giới ăn mày (còn nghèo hơn những người thuộc giai cấp công nhân vô sản nhiều) phát triển rất nhanh, rất mạnh từ đầu đường xó chợ tới chốn thôn quê. Khắp đâu đâu cũng đầy rặc ăn mày nên vô hình trung một giai cấp mới đã tự phát và hình thành trong xã hội chủ nghĩa: giai cấp ăn mày!
Ðang đi trên đường Lê Lợi, chỗ gần chợ Bến Thành, cùng với một người bạn, bỗng có kẻ bất thình lình cầm tay ông Úy níu lại. Giật mình ông Úy dừng bước và quay nhìn: đó là một gã ăn mày tuổi ngoài trung tuần, râu tóc xồm xoàm áo quần lếch thếch nhưng không đến nỗi rách rưới. Gã ăn mày không đợi "thí chủ" hết ngạc nhiên, nói liền: "Xin ông bạn Việt kiều giúp cho người anh em khốn khó vài tờ !". Ông Úy giận lắm. Ăn mày gì mà chơi kiểu cha vậy. Ông giật tay và cất bước trong khi người bạn đi bên tủm tỉm cười: "Anh bạn bình tĩnh! Chuyện này ở đây diễn ra như cơm bữa!". "Nhưng ít ra chúng nó cũng phải tỏ vẻ lễ độ!". "Xin ông bạn Việt kiều bớt nóng, cảm thông bố thí cho anh em nhờ ! Lễ độ hay không, chuyện nhỏ.". Tiếng gã ăn mày nổi lên phía sau, sát bên ông Úy. Thì ra gã vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Và theo bước gã còn một tên ăn mày nữa. Tên này chống nạng gỗ, mặc bộ đồ bộ đội Bắc Việt mầu xanh lá cây đã bạc phếch, và đầu vẫn đội chiếc nón cối cũ bẩn cũng như chủ nó. Cả hai trông chưa đến nỗi ốm yếu tới độ sắp chết đói mà trái lại còn có phần dữ tợn đe dọa. Người bạn đi cùng ông Úy vội kéo nhanh ông bước như chạy, nói: "Thôi ông ơi, tránh hủi chẳng xấu mặt nào, hơi đâu giằng co với bọn nó. Ðến công an bọn nó còn cóc sợ huống chi bọn mình! Giai cấp mới đang lên mà!". Về nhà suốt buổi tối ông Úy bị ám ảnh mãi hình dạng và lời lẽ của gã ăn mày. Bất chợt ông thấy khuôn mặt gã có vẻ quen quen như gặp đâu nhiều lần. Ông cố lục tìm trong trí nhớ, trong dĩ vãng mãi mà vẫn không nhận ra con người ăn mày có vẻ quen quen này. Ðêm đó ông Úy trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau ngồi uống trà với ông già, ông Úy biết thêm nhiều chuyện về "giai cấp ăn mày". Ở miền Bắc, miền Trung nhiều Làng, nhiều Xã kéo cả vào Nam ăn mày. Bố ăn mày, mẹ ăn mày, con ăn mày. Toàn gia ăn mày. Cả họ ăn mày. Ðời sống của họ đôi khi còn "huy hoàng" hơn giai cấp công nhân vô sản nhiều. Người ta không còn có mặc cảm nhục nhã khi phải ngửa tay xin tiền bố thí nữa mà nhiều lúc còn hãnh diện. Họ xin tiền khách qua đường không cho họ chửi liền. Họ lên án xã hội. Họ chửi cái xã hội đã biến họ thành nạn nhân, thành những kẻ khốn cùng. Họ chẳng còn gì để mất kể cả sự sống nên họ hết sợ. Khuôn mặt gã ăn mày hôm trước cứ ám ảnh ông Úy mãi đã thôi thúc ông đi tìm gặp lại gã. Ông không mất công tìm kiếm lâu. Hôm nay gã ăn mày không chạy bám theo khách nữa. Gã cùng gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội ngồi trước một Nhà hàng ăn, vẫn ở cuối đường Lê Lợi gần chợ Bến Thành. Ngoài hai gã ra cũng còn dăm bẩy "đồng nghiệp" của gã. Nhưng những người này ngồi hơi xa cửa ra vào Nhà hàng. Nhà hàng có vẻ có nhiều món "đặc sản" nên bà con Việt kiều đến khá đông. Khi ông Úy tới giáp mặt gã ăn mày mà gã vẫn tỉnh khô coi như chưa hề gặp. Có lẽ gã quên ông rồi. Ông Úy cất tiếng: "Chào người anh em!". Gã ăn mày ngước nhìn: "Ðồng chí Việt kiều chào tôi hả?". "Ủa, mới hôm qua gặp nhau quên rồi sao?". Gã mặc bộ đồ bộ đội ngồi bệt dưới đất cạnh gã, nhận ra trước: "A! ông anh bữa qua bọn mình xin tiền đéo cho lại còn nói sỏ đây mà! Hôm nay ông anh nổi máu từ tâm muốn bố thí cho hai thằng này hả?". Lúc đó gã ăn mày mới như chợt nhớ ra à lên một tiếng và nói tiếp: "Thì ra là lão Việt kiều keo kiệt bữa qua. Thế nào người anh em? Phát cho vài tờ xanh xem nào". Ông Úy lặng lẽ nhìn gã ăn mày vài phút mới nói: "Tôi trông anh quen lắm!". Gã ăn mày phá lên cười: "Ha ha! Thì cứ nhận đại là quen đi! Quen thằng ăn mày có khó khăn gì mà phải mầu mè! Thế đằng ấy trước có đi lính không? Lính Cộng hòa ấy mà! Tớ là lính thứ thiệt chứ không phải thứ dởm lợi dụng sắc áo mầu cờ để ăn xin ăn mày đâu nhé! Trước tớ là đơ dèm củ bắp. Tớ bị thương trong trận đánh cuối cùng ở Long Khánh". Quay sang gã ăn mày mặc bộ đồ bộ đội, gã nói tiếp: "Thằng này cũng ở mặt trận Long Khánh nhưng nó là..vi ci". Gã bạn tiếp lời ngay: "Là bộ đội, là chiến sĩ đi B giải phóng miền Nam đã để lại chiến trường một cái chân và một con mắt làm kỷ niệm!". Gã ăn mày tiếp lời: "Còn tớ thì đi đứt một khúc ruột và cánh tay trái. Ðấy, nó cụt tới tận vai đấy!". Gã vén ống tay áo cho ông Úy coi chỗ cánh tay cụt. Ông Úy không nhịn được tiếng thở dài. Ông hỏi: "Thế bạn trước ở đơn vị nào?". Gã ăn mày trả lời liền: "Quên cha nó rồi!". Bỗng gã bất ngờ nổi quạu: "Thôi ông nội! Có bố thí đồng nào thì bố thí đi, chứ cứ đứng cà kê dê ngỗng mãi, còn để người ta kiếm ăn chớ !". Trong khi ông Úy hậm hực bỏ đi còn nghe tiếng gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội chửi với theo: "Cái ngữ này dám Việt kiều rởm, vờ vĩnh nhận vơ bạn bè để mai mốt gạ xin nhập bọn đây! Mẹ đời đa sự!". Sau câu nói gã nhổ bọt đánh toẹt một cái. Rồi gã vụt đứng dậy chống nạng chạy theo một bà – vận bộ đồ có vẻ Việt kiều từ trong Nhà hàng bước ra – "Bà ơi, xin bà thông cảm... Nhờ ơn đảng chúng tôi mới trở thành những kẻ khốn cùng..!".
Mấy hôm sau ông Võ Trung Úy tình cờ gặp một bạn cũ từ Mỹ về. Anh này trước cùng đơn vị với ông mang cấp bậc Thiếu úy Trung đội trưởng. Hai người gặp lại nhau một đôi lần ở Mỹ, vì mỗi người sống một Tiểu Bang. Sau câu chuyện hàn huyên, người bạn nói: "Niên trưởng còn nhớ thằng Lâm nhắng trong đơn vị mình không?". Ông Úy vỗ trán mãi mới nhớ ra: "Ồ, có phải cái thằng lính ba gai luôn chuồn đi chơi gái nhưng đánh giặc rất chì phải không?". "Ðúng rồi đó! Nó bị thương nặng ở mặt trận Long Khánh những ngày cuối cùng. Tưởng chết té ra nó vẫn chì, vẫn còn sống nhăn tới ngày hôm nay. Tôi có xin được một số tiền của anh em cựu quân nhân đem về cho nó. Mấy ngày hôm nay tôi lần theo địa chỉ nó gửi thư sang Mỹ mà tìm mãi không ra". "Nó nói ở đâu?". "Trong một nghĩa địa cũ vùng Ngã Ba chuồng chó". "Người ngợm nó ra sao?". "Có ảnh đây". Ông cựu Thiếu úy móc trong ví ra một tấm hình cũ kỹ mờ nhạt. Nhìn ảnh ông Úy kêu ầm lên: "Ðúng rồi! Thì ra cái thằng Lâm nhắng là nó. Ta đến chỗ nó "hành nghề" ngay đi!". "Thì ra niên trưởng đã gặp nó? Nó bây giờ làm nghề gì?". "Cứ đến gặp sẽ biết".
Buổi tối hôm đó tại một quán nhậu bình dân ở một khu xóm ngoại ô tồi tàn có ba người khách vừa ăn uống vừa chuyện trò rôm rả. Ðó là hai "ông Việt kiều": ông cựu Trung úy Ðại đội trưởng, ông cựu Thiếu úy Trung đội trưởng và ông cựu lính cộng hòa "đơ dèm củ bắp" đang hành nghề ăn xin ăn mày. Ông cựu Trung úy hỏi: "Bây giờ có khoản tiền ngoại viện rồi cậu có tính làm lại cuộc đời không?". "Làm lại thế nào?". Lâm nhắng hỏi. Ông cựu Thiếu úy đáp: "Tức là thôi nghề ăn xin ăn mày này mần nghề khác lương thiện hơn". Bỗng Lâm nhắng đặt mạnh ly bia đang uống xuống bàn, trợn mắt nói: "Hành nghề ăn mày ăn xin đâu có gì xấu xa. Phải nói đó là những con người lương thiện! Ăn mày ăn xin còn hơn ăn cắp ăn trộm đục khóet của công, ăn thịt người sống lẫn người chết! Chúng tôi bị dồn tới bước đường cùng mới phải ngửa tay xin ăn thiên hạ. Còn bọn chúng nó là bọn bất lương buôn dân bán nước! Thử hỏi như vậy ai đáng trọng hơn ai, ai đáng khinh hơn ai!". "Nhưng tôi thấy hành nghề này vất vả quá, bấp bênh quá, sống ngày nào biết ngày ấy!". Ông cựu Trung úy nói. Lâm nhắng bỗng cất tiếng cười lớn: "Ha, ha! Thưa niên trưởng! Ngài cũng thừa biết bọn tôi hành nghề này là chửi cha vào mặt chế độ này. Chúng nó đã lãnh đạo đất nước tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa bằng cách làm cho cả triệu người trở thành bần cùng hết kế sinh nhai phải đi ăn xin ăn mày. Ðây là một sự lên án nặng nề bọn cầm quyền mà chúng tôi là những nhân chứng sống! Chế độ này còn tồn tại thì chúng tôi còn tiếp tục đi ăn xin ăn mày cho tới khi cả nước trở thành ăn xin ăn mày. Và bây giờ hình như cả nước đang bước vào con đường này rồi đấy! Chúng tôi chẳng có mặc cảm gì hết. Ðừng phiền trách chúng tôi! Và cũng đừng diễn trò đạo đức giả với chúng tôi!". Trong lúc ba người đang bức bối vì "vấn đề đặt ra" thì gã ăn mày bận bộ đồ bộ đội chống nạng bước vào. Mùi hôi hám từ cơ thể gã tỏa ra làm hai "ông Việt kiều" nhăn mặt. Lâm nhắng nói: "Ngồi xuống đây em, uống bia nhé! Ðồ nhậu đó cứ tự nhiên". Quay lại phía hai chiến hữu cũ, gã nói tiếp: "Thằng này là bộ đội chính cống từ miền Bắc vào giải phóng miền Nam. Bọn nó đụng với đơn vị mình ở mặt trận Long Khánh những ngày sau cùng đấy, hà hà bố khỉ!". "Sao hai người lại gặp nhau, quen nhau?". Ông Úy hỏi. "Thì gặp nhau trong cùng chí lớn là đi ăn xin ăn mày, khách đồng điệu mà! Thế là quen nhau rồi thân nhau. Trước đó tôi với nó đã đập lộn một trận vì cái trò "Nam Bắc phân tranh" đấy!". Thấy câu chuyện vui vui có vẻ hấp dẫn, ông Úy cười nói: "Cậu có thể kể bọn tôi nghe việc đập lộn vì cái trò Nam Bắc phân tranh được không?". "Ðược chớ !". Uống ngụm bia, có lẽ để nhấp dọng, Lâm nhắng bắt đầu kể.
"Sau một thời gian tập sự "hành hiệp giang hồ" trong Cái Bang *, trở thành đệ tử chính cống của lão giáo chủ Hồng Thất công, tôi phải ra tay đánh đông dẹp bắc mãi mới trở thành Cái Bang bốn túi chiếm cứ được vùng đắc địa (chỗ niên trưởng gặp bữa trước đó). Sở dĩ gọi là vùng "đắc địa" vì đó là nơi bọn Việt kiều, bọn cán lớn cán nhỏ và dân áp phe hay lui tới ăn nhậu. Ðối với bọn họ vài ngàn bạc bỏ ra bố thí có nhằm nhò gì, còn hơn là cứ để bọn Cái Bang theo sau lải nhải nói năng sỏ siên, kể cả dọa dẫm. Vì chỗ đất béo bở vậy nên có nhiều ruồi bu, mật ít ruồi nhiều mà! Thế là phải mở những cuộc tranh hùng thanh toán nhau giữa đồng nghiệp, tuy không đẫm máu nhưng cũng sứt đầu mẻ trán mãi tôi mới làm trùm lãnh địa này. Thằng bộ đội này, Lâm nhắng chỉ vào gã cựu bộ đội đang nhồm nhoàm nhai một cái đùi gà, nó mò tới quyết ăn thua đủ với tôi. Tôi là "độc thủ đại hiệp", còn nó mới thuộc típ "độc cước tiểu hiệp", tướng một giò thêm độc nhãn địch sao nổi lại tướng hai giò đầy đủ lưỡng nhãn. Qua mấy hiệp nó đánh không lại tôi, nó thua nó bèn dùng chưởng miệng (nghề của bè đảng nó mà!) chửi tôi là lính ngụy, là thế nọ thế kia. Tôi chửi lại nó "quân Bắc kỳ bẻo, đểu cáng". Rồi nó cứ luôn rình rập phá đám tôi hoài. Nổi hung tôi định giở trò đấm đá thì nó bỏ chạy. Thấy mình nguôi nguôi nó lại sáp lại chọc phá đám, không để yên cho mình làm ăn. Bọn ăn mày ở đây ai cũng căm ghét quân Bắc kỳ cục. Chúng nó đổ tại bị bọn này giải phóng nên mới phải đi ăn mày. Một hôm tôi hỏi nó: "Tao thua tao phải đi ăn mày. Mày thắng tại sao mày cũng đi ăn mày?". Nó đốp chát liền: "Tao với mày cả hai thằng đều thua cả nên mới trở thành ăn mày. Tao mất cái chân, mày mất cái tay coi như huề. Chúng nó mới là kẻ thắng!". "Chúng nó là ai?". Tôi hỏi. "Là bọn đồ tể hiện đang ngồi ngất ngưởng những chỗ cao nhất nước hưởng thụ xương máu bọn tao đó!". Nói xong nó bỗng òa khóc như con nít. Tới đây Lâm nhắng ngừng nói quay nhìn gã cựu bộ đội ăn mày xem phản ứng. Thấy gã vẫn thản nhiên ăn uống như không có chuyện gì xẩy ra. Có lẽ lâu lắm rồi gã mới được ăn uống một bữa khoái khẩu hả hê như vậy. Lâm nhắng vui vẻ tiếp tục kể: "Giải phóng miền Nam xong, nó cũng được đảng "giải phóng" cho về quê.nghỉ luôn. "Ngày trở về. anh bước lê.. trên quãng đường đê..." (Lâm nhắng nói như hát). Về tới làng xưa xóm cũ thì bố mẹ đều chết hết, còn cô vợ yêu quý nay đã trở thành bà Xã đội trưởng. Thế là mất tất cả. Hận đời hận tình, nó bỏ vào Nam. Chẳng có nghề ngỗng gì anh chàng trở thành đệ tử của Lão tổ Cái Bang Hồng Thất công. Một hôm ngồi mãi không thấy ai thẩy cho nó một đồng trong khi đó bà con Việt kiều biết tôi là lính cũ cho tiền ào ào, nó chửi đổng: "Ðịt mẹ, cùng là kẻ thua cả mà vẫn còn trò phe phái, ngụy bênh ngụy, ngụy giúp ngụy. Còn thằng này lỡ làm lính bắc kỳ cộng sản thì tẩy chay thì bỏ mặc. Kỳ thị đến thế là cùng! Thế mà luôn mồm bầu ơi thương lấy bí cùng.." "Nhưng rồi chính các đồng chí của nó cũng tẩy chay, cũng kỳ thị, cũng bỏ mặc và còn hắt hủi nó nữa. Bữa đó có mấy trự có vẻ là quan to tới ăn uống. Khi các quan ra về thằng ăn mày cựu bộ đội Bắc kỳ chạy theo tả oán xin xỏ. Chẳng những không được bố thí nó còn bị các quan mắng như tát nước vào mặt là quân phá hoại, tiêu cực, bôi bác, bêu riếu chế độ, nên tóm cổ quẳng vào trại cải tạo! Thế là nó nổi giận chẳng còn nể nang sợ hãi gì nữa. Nó văng tục chửi thẳng vào mặt các quan, nào là "bọn phản bội" nào là "quân chó má uống máu ăn thịt chiến sĩ đồng bào" nào là "hãy trả lại chúng tao những cánh tay, những cái chân và cả triệu người chết...". Thế là nó bị mấy thằng bảo vệ đi theo các quan tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết. Nó bò lê bò càng trên hè phố mà miệng vẫn không ngừng chửi bới nguyền rủa. Tôi thương nó bắt đầu từ đấy".
Trở về Mỹ cả tháng mà ông cựu Trung úy Võ Trung Úy vẫn còn băn khoăn thắc mắc trăn trở về hai gã ăn mày từng là lính của hai chế độ. Ðúng họ là những kẻ thua và mãi vẫn còn thua. Và bây giờ làm sao họ đòi lại được những cánh tay, những cái chân, những con mắt đã bị mất nơi chiến trường để biến họ thành con người như ngày hôm nay? Ông cựu Trung úy Võ Trung Úy bất chợt nghĩ tới bốn chữ "Tổ Quốc Ghi Công". Tổ quốc nào ghi công những người cựu chiến binh ăn mày này đây?
THANH THƯƠNG HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét