Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

McCain – giặc lái ‘con ma’ ( F4 Phantom) vẫn ám ảnh VC Hà Nội!

Thứ Bảy, ngày 09 tháng 8 năm 2014

Quan hệ Việt-Mỹ: Những tín hiệu khả quan  

TNS John McCain và TNS Sheldon Whitehouse
trả lời phỏng vấn báo chí tai HN tối 8/8


Chỉ ít ngày sau chuyến thăm Mỹ của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và vài ngày sau chuyến thăm VN của thượng nghị sĩ Bob Corker, thành viên cao cấp Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ là chuyến thăm của Đoàn TNS Mỹ John McCain và TNS Sheldon Whitehouse cùng các thành viên đến VN (từ 7-10/8). Được biết, có tin  Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm Mỹ nay mai, và nếu đúng vậy thì đây là thời kỳ "dầy đặc" nhất của các cuộc thăm viếng qua lại giữa các quan chức cao cấp hai nước. Đáng chú ý là hiện tượng này xảy ra ngay sau vụ giàn khoan Haiyang 981.   

Nếu chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Quang Nghị diễn ra một cách vội vã với những dấu hiệu không bình thường, và do đó đã gây tranh cãi không chỉ trong dư luận VN mà cả quốc tế, thì chuyến thăm VN của đoàn TNS Mỹ lại được đón nhận như một "làn gió mát" bất chợt trong bầu không khí mùa  Hè nóng bức của VN và vùng Đông  Nam Á. Có một bình luận vui rằng, chuyến thăm của Đoàn TNS Mỹ đã "cứu ông Phạm Quang Nghị một bàn thua trông thấy", vì việc ông Nghị đi Mỹ không khác nào hành động của một hậu vệ xông lên đá ở vị trí tiền đạo nhằm tìm một bàn thắng (!). 

Tuy nhiên, bóng đá hoàn toàn khác với chính trị; dù sao chuyến đi của ông Nghị vẫn là một bộ phận cấu thành của toàn bộ chuỗi các sự kiện đang góp phần "nắn dòng chảy" của mối quan hệ Việt-Mỹ. Và đây là câu chuyện dài rất phức tạp mà người viết bài này chưa có đủ dữ liệu để bàn luận một cách thực sự có chiều sâu, nên chỉ xin mạo muội đề cập đôi điều trên bề mặt của nó mà thôi.  

Theo những tin tức có được đến giờ phút này, đặc biệt qua cuộc trả lời phỏng vấn của hai TNS Mỹ tối qua có thể thấy toát lên mấy điểm sau: 

Đây là lần đầu tiên phía Mỹ tỏ rõ quyết tâm "dấn tới" và kết thúc quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt vốn đã kéo dài gần 20 năm. Điều này thể hiện ở thành phần Đoàn gồm 2 TNS John McCain và TNS Sheldon Whitehouse là những nhân vật kỳ cựu và chủ chốt có đủ tư cách để đại diện cho 2 đảng trong QH và cho nước Mỹ nói chung trong vấn đề quan hệ Mỹ -Việt. 

Ngay từ đầu chuyến thăm TNS John McCain đã tuyên bố: “Đã đến lúc Mỹ có thể nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN" và "sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự, an ninh với VN". 

Cách đặt vấn đề của TNS  John McCain cho thấy sự  chủ động trên cơ sở có tính toán cẩn thận của phía Mỹ khi ông này đưa ra đánh giá: “Hai thập kỷ qua, Mỹ và VN đã xây dựng mối quan hệ vững mạnh dựa trên những mục tiêu chung, mối quan tâm và lợi ích chung. Hy vọng của chúng tôi là năm tới hai nước sẽ xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược dựa trên những giá trị chung. Điều đó làm chúng ta có mối quan hệ mật thiết lâu bền”.



Trong một trả lời khác, sau khi nói “Chúng tôi sẵn sàng gia tăng trợ giúp về an ninh, giúp VN đảm bảo hợp thức chủ quyền của mình, bảo đảm bảo vệ các quyền của VN”, John McCain cũng nhấn mạnh: “Tất cả không nên xảy ra cùng lúc” hàm ý còn tùy thuộc các yếu tố chủ quan và khách quan từ hai nước và từ  quốc tế, trong đó chắc là có vấn đề nhân quyền. 


Bên cạnh chủ đề tháo bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, Đoàn tỏ ra rất lạc quan về khả năng VN gia nhập TPP. Có lẽ với mục đích tăng cường quan hệ được đề cao nên phía khách buộc phải hạ thấp các yêu cầu về nhân quyền vốn hay được phía Mỹ đề cao trước đây. Biểu hiện là hầu như không thấy có chương trình hoạt động thuần túy nào về nhân quyền được yêu cầu trong chương trình nghị sự. Khi có người hỏi liệu Mỹ có đặt điều kiện gì về nhân quyền đối với VN không ông John McCain nói "VN đã có những tiến bộ"..., và do đó "nhân quyền không phải là vấn đề gây trở ngại". 


Xét trong khuôn khổ luật pháp Mỹ, thì hai TNS John McCain và TNS TNS Sheldon Whitehouse có đủ tư cách và thẩm quyền để thay mặt QH và Chính quyền Mỹ phát biểu về chính sách của quốc gia và không ai nghi ngờ gì về tính khả thi của chúng. Và hình như để khẳng định điều này TNS Sheldon Whitehouse (Đảng DC) bộc bạch tại cuộc phỏng vấn: "Trong Quốc hội Mỹ, nếu có những bất đồng trong các vấn đề cũng là bình thường. Tôi không loại trừ có những bất đồng trong việc nới lỏng hay dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông John McCain và tôi đại diện cho 2 đảng khác nhau. Nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm việc để tạo ra hành động trong Quốc hội Mỹ, từ đó gửi tín hiệu khuyến khích nhánh hành pháp...".


Như vậy tín hiệu đèn xanh đã bật lên từ phía Mỹ. Vậy câu hỏi đặt ra là, điều gì thúc đẩy nước Mỹ "dấn bước" một cách cụ thể và rõ ràng như vậy?

Đã có vài  ý kiến "đoán non đoán già" rằng trong chuyến thăm Mỹ vừa qua chắc ông Phạm Quang Nghị đã có cam kết cụ thể nào đó với Mỹ về nhân quyền(?). Đó không phải là một suy đoán tồi. Nhưng không nên loại trừ một một nhân tố khác, đó là Mỹ không muốn  mất cơ hội tốt sau vụ TQ hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của VN để đi cái bước đi mà họ rất cần trong chiến lược "xoay trục" của họ. Cách lập luận này xem ra phù hợp với đặc điểm thực dụng của người Mỹ hơn chăng(?) Điều này được thể hiện, dù thoáng qua, trong một câu trả lời phỏng vấn của TNS John McCain rằng “Chúng ta cần có một nghị trình tham vọng hơn, nhất là trong thời điểm đang có những diễn biến lo ngại trên Biển Đông. Đây là lúc Mỹ và VN cần có bước nhảy vọt mạnh mẽ trong thời gian tới”. Ông cũng không quên "hứa" rằng "Mỹ sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự, gia tăng chuyến thăm tàu quân sự đến VN theo mức độ VN chấp nhận được". Đồng thời ông cũng có ý làm yên lòng TQ hoặc nước nào có thể lo lắng bằng câu: "Mỹ không tìm kiếm mục đích, không đặt ra yêu cầu thuê mướn căn cứ quân sự ở VN".

Ngoài ra, có một ý tứ có lẽ không không kém phần quan trọng. Nó cũng chứa đựng trong câu nói của TNS John MacCain khi trả lời phỏng vấn báo chí tối 8/8: "Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thiết lập những quan hệ liên minh, các nước liên kết nhau để bảo vệ nền pháp quyền quốc tế. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả các nước. Để khi nói đến bảo vệ nền pháp quyền thì chúng ta không cần phải nghĩ đến việc chọn ai và theo ai", và "Nếu tin vào tầm quan trọng của nền pháp quyền thì chúng ta phải ủng hộ điều đó và cùng tham gia, cùng toàn thế giới thực hiện điều đó sẽ không phải đắn đo, lựa chọn, cho dù khi nỗ lực bảo vệ pháp quyền chúng ta phải hy sinh một số tham vọng". 

Phải chăng khi nói vậy, ông McCain đã nêu lên quan điểm của Mỹ về nguyên tắc bảo vệ pháp quyền và tính nguyên minh bạch trong quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ Việt-Mỹ. Nói  vậy cũng là để nhằm tránh sự hiểu nhầm của bên ngoài đồng thời chỉ ra sự ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ giữa Mỹ và Việt Nam với tư cách hai "đối tác chiến lược" trong tương lai ? 

Như vậy, có thể nói tuy chuyến thăm chưa kết thúc, nhưng Đoàn Nghị sĩ Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh phát ra một thông điệp hoàn toàn rõ ràng đối với VN: Nước Mỹ đã sẵn sàng để kết thúc quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt và hai nước có thể bắt đầu một trang mới. Vấn đề còn lại là phía Việt Nam sẽ hưởng ứng như thế nào.  Những ai  bảo rằng cơ hội đối với VN đã hết thì có lẽ họ đã nhầm. Nhưng đối với những ai còn nghi ngờ liệu VN có sẵn sàng để đón nhận cơ hội hay không thì  xem ra họ vẫn còn có lý./. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét