Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

30 Tháng 4 - Điều cảm nhận chính đáng!

*

Trần Trung Đạo: Những Suy Nghĩ Về Ngày 30/4

Trung tá Long (CSQG) tuẫn tiết ngày 30-4-1975.
Hinh Trung tá Long (CSQG) tuẫn tiết ngày 30-4-1975
 

(Phỏng vấn do Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện, tienve.org)

.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân…? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Trần Trung Đạo: Tôi không phải là “cây viết cừ khôi” nhưng đúng ra là “cây bút yếu đuối” vì không muốn làm bạn mình buồn lòng. Tôi bận quá, cố từ chối mà không được. Vả lại, như nhà thơ Thanh Nam viết “Một năm người có mười hai tháng / Riêng một mình ta, chỉ tháng Tư” , ngày nào còn nghĩ và buồn cho đất nước ngày đó là ngày 30-4. Cái ngày thê thảm đó đã đóng băng trong ký ức của rất nhiều người, trong đó có tôi. Tùy theo cách nhìn, cách gọi, mỗi người gọi ngày 30-4 bằng một tên khác nhau, với tôi ngày 30-4 còn nên gọi là Ngày Phẫn Nộ. Chẳng những phía thua trận phẫn nộ mà cả nhiều người bên thắng trận cũng phẫn nộ. Nếu ai để ý ánh mắt như rỉ máu của hàng ngàn người lính VNCH đi bộ dọc đường Lê Văn Duyệt buổi chiều 30-4 mới thấy sự phẫn nộ đang dâng cao trong lòng họ. Và trong số những người thắng trận, thế nào chẳng có những người lặng lẽ buông súng ngồi xuống bên lề đường và sực nhớ ra mình đã hết tuổi hai mươi. Nhìn Sài Gòn nguy nga, đẹp đẽ từ thành phố cho đến con người so với một Hà Nội “thừa huy chương nhưng thiếu miếng ăn”, họ phẫn nộ khi chợt khám phá ra chuyện “hạt gạo cắn làm hai” san sớt cho miền Nam đói khổ là chuyện hoang đường.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Trần Trung Đạo: Cách đây trên mười năm câu thơ đó được xem là tích cực vì ngược lại quan điểm “chiến thắng này thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng” và “kẻ đại bại là đế quốc Mỹ xâm lược” của đảng CSVN. Trong số hàng ngàn nhà văn, nhà thơ sắp thẳng hàng đi theo Đảng, một người nhích qua bên trái một bước là can đảm lắm rồi. Tuy nhiên, tác giả vẫn viết với một thái độ bàng quan của một người ngoài cuộc nghĩ đến số phận đáng thương của “nhân dân” trong “mọi cuộc chiến tranh”. Đừng quên, trong số “nhân dân” đó có cả mấy chục triệu đồng bào miền Bắc, và đặc biệt các thế hệ thanh niên trong đó có tác giả, đã bị Đảng dẫn dắt đi như một đàn cừu suốt mấy chục năm.
Bên thắng duy nhất trong cuộc chiến Việt Nam là giới lãnh đạo đảng CSVN. Sau bao nhiêu mồ hôi và máu đổ ra, mục tiêu nhuộm đỏ Việt Nam được phát họa từ 1930 cuối cùng đã hoàn thành. Đối với các đế quốc, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khái niệm “thắng” hay “thua” với họ chỉ là tương đối. Khi “thua” tại một nơi họ đang “thắng” tại một nơi khác. Liên Xô tiêu tùng rồi nên chúng ta lấy Mỹ và Trung Quốc để phân tích. Trong cuộc chiến Việt Nam, sau quá nhiều hao tổn tiền tài xương máu nhưng khi bắt tay được với Trung Quốc, Việt Nam trở thành mặt trận thứ yếu. Mỹ bỏ đi và chọn một nước nhược tiểu chiến lược khác để bày canh bạc mới. Mỹ trả thù Liên Xô bằng cách “tặng cho Liên Xô một Việt Nam” như Brzezinski nói về cuộc chiến Afghanistan năm 1979. Về phía Trung Quốc, họ vẫn nghĩ là họ thắng nhưng sau chiến tranh bị Liên Xô phỗng tay trên và trở thành kẻ thua trận lớn. Trung Quốc phải tốn nhiều xương máu mới thu phục được đàn em khó trị lần nữa sau 1990.
Quyền lợi của các đế quốc và tham vọng của giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam được đong bằng máu của nhiều triệu đồng bào Việt Nam vô tội khắp ba miền. Tôi không đủ khả năng để viết một bài đừng nói chi hai câu “lấy liền” để mô tả nỗi đau của dân tộc tôi.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh… như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?
Trần Trung Đạo: Hàng năm Đảng phải tổ chức “mừng chiến thắng” vì Đảng tồn tại nhờ vào việc đào sâu hố hận thù và phân hóa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngày dân tộc Việt Nam đoàn kết trong ngoài một mối đó cũng là ngày cáo chung của chế độ độc tài. Càng tổ chức lớn bao nhiều càng chứng tỏ thế yếu của Đảng bấy nhiêu. Sau 37 năm, tôi nghĩ, đồng bào Việt Nam, đa số tuy chưa có những hành động cụ thể, về ý thức họ đã nhận ra cuộc chiến Việt Nam là cuộc lừa gạt lớn nhất trong suốt dòng lịch sử. Như tôi mới viết đây, ngoại trừ các em, các cháu bị nhào nặn trong nền giáo dục ngu dân một chiều chưa có dịp tiếp xúc với các nguồn thông tin khách quan khoa học hay một người nào đó đi lạc trong rừng 37 năm vừa mới tìm đường ra, nếu hôm nay, những người có học, biết nhận thức mà còn nghĩ rằng cuộc chiến kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, những kẻ đó hoặc bị tẩy não hoàn toàn hoặc biết mình sai nhưng tự dối lòng để tiếp tục sống trong men rượu cay cho hết một kiếp người lầm lỡ.
Ngày 30-4 đúng là ngày đau thương quốc hận của dân tộc Việt Nam. Không phải chỉ những người Việt hải ngoại tổ chức mà tôi tin nhiều triệu người Việt trong nước cũng âm thầm tưởng niệm ngày quốc hận 30-4 trong lòng họ. Ngay cả sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, ngày 30-4 vẫn nên tiếp tục được tổ chức để nhắc nhở cho các thế hệ Việt Nam những đau thương, chịu đựng của dân tộc Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Các quốc gia thoát khỏi chế độ Cộng Sản như Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Lithuania, Latvia v.v. và cả các quốc gia không Cộng Sản như Canada, Thụy Điển đã chính thức chọn ngày 23-8 là ngày Tưởng Nhớ Nạn Nhân Của Chế Độ Cộng Sản và Quốc Xã (International Black Ribbon Day), Việt Nam sẽ có một ngày tương tự nhưng là ngày 30-4.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hoà bình thống nhất?
Trần Trung Đạo: Tôi đã viết một bài góp ý câu nói của ông Võ Văn Kiệt và bàn về “hòa giải dân tộc”. Nếu ban biên tập Tiền Vệ cho phép, tôi xin mời độc giả đọc bài “Góp ý với ông Võ Văn Kiệt về hòa giải dân tộc và khép lại quá khứ” (đã đăng trên Talawas ngày 19.2.2007)
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Trần Trung Đạo: Tôi cũng viết khá nhiều về các vấn đề chung quanh “lộ trình tương lai đất nước” nhưng chưa bao giờ viết dưới hình thức “kiến nghị”. Có nhiều bài viết tưởng như một nhắn gởi cho Đảng nhưng thật ra viết cho những người Việt Nam còn nặng lòng với đất nước dù họ đang sinh hoạt trong tổ chức nào và đang sống ở đâu trên trái đất. Tôi cũng luôn kêu gọi các anh các chị trong giới cầm bút, trong và ngoài nước, viết. Thời buổi viết theo chỉ thị, theo đơn đặt hàng qua rồi. Các thế hệ sau cần biết sự thật dù nhiều khi sự thật là viên thuốc đắng mà người viết đã uống một lần trong đời lại phải uống thêm một lần nữa. “Lộ trình tương lai đất nước” rộng thênh thang, đủ chỗ cho mọi người có lòng với tương lai dân tộc. Tình yêu dành cho đất nước không bao giờ quá sớm hay quá muộn màng.
Tôi chia sẻ và cảm thông với những “người mẹ đớn đau” như chị nhắc đến. Ở quê tôi có một bà mẹ trong số 75 vạn bà mẹ có con đã thành “tử sĩ”. Cụ Nguyễn Thị Thứ, được phong danh hiệu “Bà Mẹ anh hùng” vì có đến 9 người con trai là liệt sĩ. Ngôn ngữ Việt Nam dù phong phú bao nhiêu cũng chẳng thể nào tả được nỗi đau trong lòng cụ khi nửa đêm thức dậy nhìn lên bàn thờ dựng 9 tấm ảnh của những đứa con trai mà cụ đã từng mang nặng đẻ đau. Tại ai? Tây? Mỹ? Quân đội miền Nam? Đảng Cộng sản? Hay tại những đứa con (chắc chắn trong đó có một số người bất hiếu) của cụ? Nhưng dù tại ai thì họ cũng đã chết và chỉ có nỗi đau là ở lại. Mỗi khi đọc tin về cụ tôi lại nghĩ đến nỗi đau, không phải chỉ vì cụ có 9 người con chết, mà đau hơn khi mỗi ngày, từ suốt tuổi già cho đến khi qua đời năm 2010, như một “bà mẹ anh hùng” cụ phải tiếp tục gượng cười tươi trên sự bất hạnh và bạc phước của chính mình.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
 
Trần Trung Đạo: Theo các tài liệu, ông Trần Văn Trà với tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định là người đầu tiên nói câu nói đó với các viên chức chính quyền miền Nam bị bắt tại Dinh Lộc Lập sau ngày 30-4. Tuy nhiên, dù Trần Văn Trà, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt hay Phạm Văn Đồng cũng chẳng khác gì nhau. Họ học cùng một thầy, sử dụng chung một cuốn tự điển, đọc chung một sách có tựa đề Cẩm Nang Lừa Gạt và cùng hát một bài “hòa giải hòa hợp dân tộc” giống nhau. Bản chất độc tài chuyên chính sắc máu của chế độ vẫn không thay đổi và, chẳng những thế, phương tiên cai trị ngày càng được tăng cường, củng cố, nâng cấp để phù hợp với tiến bộ kỹ thuật.

Một ví dụ nhỏ để chứng minh. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, các cuộc đấu tố giới hạn trong việc “vạch mặt” nạn nhân trước các “tòa án nhân dân” trong làng xã chỉ vài trăm người chứng kiến, ngày nay, những cảnh mẹ tố con, chị tố em được đưa lên các hệ thống truyền hình cho cả nước được xem, đưa lên báo cho cả triệu người đọc như trường hợp đấu tố chị Bùi Minh Hằng mới đây. Một bà mẹ có thể mắng con gái mình trước ống kính truyền hình mà không cảm thấy đau như lúc mẹ còn đang chuyển bụng, một người chị có thể rủa em ruột mình đang đói khát tình thương trong chốn lao tù mà không nhớ những ngày còn ngủ một giường, đắp chung một chiếu, bú chung một bầu sữa. Tuy nhiên, những người đáng trách không phải mẹ hay chị của chị Bùi Minh Hằng mà là những kẻ làm việc trong bộ máy thông tin. Đám nịnh hót này vì quá hăng say, quá nhiệt tình với công tác làm nhục chị Bùi Minh Hằng, đã gây áp lực tinh thần để một bà cụ 86 tuổi nói những câu mà có thể bây giờ cụ đang hối hận. Nền “giáo dục xã hội chủ nghĩa” chuyên đào tạo ra những con người vô cảm trước nỗi khổ đau của người khác. Phương pháp dùng cha mẹ, vợ con, anh em để rình rập nhau, tố cáo nhau là phương pháp Cộng Sản có truyền thống từ thời Stalin vẫn còn áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Giả thiết, mẹ và chị của chị Bùi Minh Hằng thay vì tố cáo, đã binh vực việc thể hiện lòng yêu nước của một người dân trước cảnh nước mất nhà tan là chính đáng, liệu đài truyền hình có phát hình buổi phỏng vấn đó không và các báo đảng có đăng những câu trả lời của họ không?
Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là một thái độ sợ hãi? Đương nhiên. Đảng đang lo sợ, bởi vì chưa bao giờ trong suốt 80 năm lịch sử, Đảng ở vào thế bị động và bị cô lập hơn bây giờ. Trong chiến tranh chống thực dân, Đảng có nhiều lý do để vận động quần chúng, trong chiến tranh Việt Nam Đảng có nhiều phương tiện để bưng tai bịt mắt nhân dân, nhưng trong cuộc tranh chiến tranh chống tham nhũng, nghèo nàn, lạc hậu hiện nay thì không. Quyền lợi của Đảng và quyền lợi của dân tộc về căn bản vốn mâu thuẫn và ngày nay mức độ mâu thuẫn đã dẫn đến điểm đối kháng như chúng ta thấy qua các biến cố Tiên Lãng và Ecopark mới đây.
Tôi luôn tin tưởng vào tuổi trẻ. Lịch sử dân tộc đã, đang và sẽ được viết bằng tuổi trẻ. Cách suy nghĩ và hành động của họ có thể sẽ không giống như các phương cách mà các thế hệ cha chú đã dùng bởi vì lịch sử mang tính kế tục nhưng đồng thời cũng mang tính thời đại. Mỗi thế hệ phải hoàn thành những trách nhiệm mà lịch sử giao phó cho thời đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch sử vẫn phải được chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Đã qua rồi thời đại của anh hùng cá nhân, minh quân, minh chủ. Chúng ta đang sống trong thời đại xã hội hóa toàn cầu, ở đó, mỗi cá nhân là một tập hợp thu hẹp chứa đựng các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp và phụ thuộc vào nhau. Các phong trào quần chúng đứng lên vì những mục đích cụ thể và thực dụng của đời sống con người. Dân chủ gắn liền với quyền lợi của người dân. Khái niệm dân chủ đối với đại đa số quần chúng không phải là những lý thuyết hàn lâm nhưng có thể sờ mó, cầm trong tay được và thậm chí ăn được. Một trong những biểu ngữ thu hút nhất được dùng trong các cuộc biểu tình tại Ai Cập năm ngoái chỉ vẽ một ổ bánh mì.
Tôi có một niềm tin sâu xa vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Giá trị của một con người không phải được thẩm định khi người đó bị xô ngã nhưng ở chỗ biết đứng lên và đi tới. Dân tộc Việt Nam cũng thế, đã bị xô ngã trong ngày 30-4-1975 nhưng đang đứng lên và đi tới.//
 
Nguồn: TienVe.org

 
A-giaiphongdantoc (2)
* thiện ngôn *

"Cảm xúc ngày 30 tháng 4" - của một luật sư Hà Nội !

Posted on by 

 
Cảm xúc ngày 30 tháng 4
Ls. Nguyễn Văn Đài
Mỗi dịp 30-4 hàng năm, tôi lại nhận được câu hỏi của những người đồng bào Việt Nam ở hải ngoại là “anh nghĩ và có cảm xúc gì khi sắp tới ngày 30-4?”. Tôi lại có dịp kể cho họ nghe về suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Từ nhỏ cho đến năm mười chín tuổi, mỗi dịp 30-4 tôi thực sự vui mừng và tự hào bởi đó là ngày chiến thắng và thống nhất của đất nước. Việt Nam đã chiến thắng cường quốc số một thế giới về quân sự và kinh tế.
Cuối năm 1989, tôi có cơ hội được sang Cộng Hòa Dân Chủ Đức (cũ) và được chứng kiến người dân Đông Đức lật đổ chế độ cộng sản để thống nhất với chế độ tư bản, dân chủ ở Tây Đức.
Tôi lại có dịp may mắn được sang Tây Berlin để xem cuộc sống sung túc và tự do của chế độ tư bản, dân chủ. Và tôi hiểu tại sao người dân Đông Đức đã không cam chịu sống dưới sự cai trị độc đoán, phi lý, lạc hậu của chế độ cộng sản.
Cùng thời điểm đó, tất cả người dân các nước Đông Âu đã vùng lên đập tan sự cai trị của các chế độ cộng sản. Và họ đã xây dựng lại từ đầu chế độ tư bản, dân chủ. Cho đến nay, tất cả các nước Đông Âu, người dân đều có cuộc sống sung túc và hạnh phúc trong một chế độ chính trị tự do và dân chủ mà không có sự cai trị của chế độ cộng sản.
Cuối năm 1990, tôi trở lại Việt Nam, kể từ đó cứ mỗi dịp 30-4, tôi không còn cảm xúc vui mừng, mà thay vào đó là sự hoài nghi và nuối tiếc.
 
Năm 2001 và 2003, tôi có dịp được sang thăm Hàn Quốc và thấy đó là một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và quân sự. Ở đó không bao giờ có sự hiện diện và tồn tại của đảng cộng sản. Trong khi đó, Bắc Triều Tiên dưới sự cai trị độc đoán và tàn bạo của chế độ cộng sản. Mỗi năm có cả trăm ngàn người chết đói mặc dù họ đã nhận được sự giúp đỡ to lớn từ Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Tôi cảm thấy buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Nhìn lại Việt Nam chúng ta, sau ngày 30-4-1975, trong chế độ quan liêu bao cấp, ngăn sông cấm chợ, nhân dân phải chịu đói khổ, lầm than. Khi tiến hành công cuộc đổi mới, kinh tế có phát triển, đời sống người dân khấm khá hơn, đủ ăn, đủ mặc, có được phương tiện sinh hoạt và đi lại hiện đại. Nhưng tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của dân tộc. Sự suy thoái đạo đức và lối sống diễn ra một cách toàn diện, trên mọi phương diện của đời sống xã hội từ giáo dục, y tế, ngành tư pháp, cơ quan hành chính,… và trên mọi cấp độ từ trung ương đến địa phương.
Nhiều người trong chúng ta đã từng chứng kiến cảnh doanh nghiệp, quan chức chính quyền, các lực lượng vũ trang và xã hội đen hợp sức với nhau để cưỡng chế người nông dân lấy đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất của họ là ruộng đất. Biết bao người dân vô tội khi bước vào đồn công an thì khỏe mạnh, nhưng chỉ ít giờ sau, họ chỉ còn là một cái xác không hồn. Và còn biết bao nhiêu những người dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ đã bị sách nhiễu, đánh đập, và bị cầm tù. Thật sự đau lòng và xót xa.
Giờ đây, mọi người lại hỏi tôi “anh nghĩ và có cảm xúc như thế nào về ngày 30-4 ?”.
Tôi trả lời : Một chế độ dân chủ và văn minh đã thua một chế độ độc đảng toàn trị và lạc hậu. Cái ác đã chiến thắng. Còn cảm xúc thì buồn và nuối tiếc cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bởi tôi và rất nhiều người đều cho rằng nếu ngày 30-4-1975, bên chiến thắng là Việt Nam Cộng Hòa thì giờ đây trong khu vực châu Á, Việt Nam có thể chỉ thua duy nhất Nhật Bản về kinh tế, còn chắc chắn sẽ ngang bằng hoặc hơn Hàn Quốc về cả kinh tế và quân sự.
Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2013Nguyễn Văn Đài

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

di chúc của Bà Phùng Thị

Nguyên caroline  Trịnh Vĩnh Thu • danlambao
.
http://danlambaovn.blogspot.ca/2013/04/gioi-thieu-album-hoa-giai-e-hy-vong.html#more
AvatarHoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc
 
           theo di chúc của Bà Phùng Thị
.
Tôi là một goá phụ già, là một người mẹ như bao nhiêu người mẹ, tuổi tác nay đã xế chiều (86 tuổi), trình độ văn hoá: biết đọc, biết viết. Cha tôi đã hy sinh trong thời kỳ đầu tiên chống thực dân Pháp xâm lăng nước mình, mẹ tôi mất khi tôi được 10 tuổi, tôi lớn lên trong sự đùm bọc của gia đình bên ngoại.

Năm 1954: Đất nước chia đôi. Chồng tôi tập kết ra Bắc. Tôi ở lại miền Nam buôn bán nuôi mấy đứa con đi học, lớn lên đi quân dịch làm nghĩa vụ công dân, nhập ngũ vào quân đội và trở thành sĩ quan trong quân lực VNCH. Mặc dù phiếu lý lịch số 3 ghi rõ: có cha đi tập kết. Nói một cách khác là có cha theo cộng sản, nhưng mấy đứa con tôi cũng được đi học trường công lập bình thường, hoàn toàn không bị bất cứ ai hay cơ quan công quyền nào phân biệt đối xử là: diện này hay diện kia như sau ngày 30/04/1975.
Năm 1974: Đứa con trai lớn, sĩ quan hải quân VNCH hy sinh trong trận hải chiến chống Trung cộng xâm lăng Hoàng Sa.
Năm 1975: Hai đứa con trai còn lại, theo lệnh tập trung của chính quyền cộng sản mới lên: đem theo lương thực mấy ngày để học tập cải tạo. Vì quá xa xôi và già yếu nên tôi không đi thăm nuôi được.
Năm (05) năm sau, cả hai đều chết trong trại học tập trên rừng ngoài miền Bắc, hài cốt không biết chôn vùi ở đâu và bây giờ cũng không biết hỏi ai???
Sau khi đất nước chuyển qua «thống nhất», tôi tìm kiếm và hỏi mãi thì mấy ông cộng sản «ở trên» cho biết là: Chồng tôi tập kết hồi 1954 đã «hy sinh trên đường trở lại miền Nam chống Mỹ cứu nước» và họ không biết hài cốt đã chôn vùi ở đâu trên con đường mòn Hồ chí Minh. Con đường xẻ rọc Trường Sơn đi cứu nước là con đường nào? Tôi cũng không biết con đường đó ở đâu?
Hiện nay, khi thật sự phải chống Trung cộng xâm lăng để cứu nước thì: nhà tôi không còn ai để ra trận chống xâm lăng. Tất cả những biến cố kể trên trong cuộc đời của một người phụ nữ Việt nam, mong tất cả quí vị cho phép tôi viết đôi hàng về vấn đề Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc, để trao lại cho các cháu, ngày mai sau biết được những trải nghiệm và suy nghĩ của một người phụ nữ Viêt nam trước thời cuộc trong giai đoạn lịch sử hậu bán thế kỷ 20 vừa qua của đất nước.
Hồi trước năm 1975, Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc được xem như là một giải pháp chính trị hợp lý để giải quyết cuộc chiến tranh VN, rất thời thượng của những người trí thức khuynh tả (thân cộng sản), theo tôi nghĩ là có hai lý do:
1) Bởi sự hiện diện của quân đội Hoa kỳ tại miền Nam VN với sứ mạng: ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa CS tại vùng Đông Nam Á, mặc dù kết quả là: họ đã không thành công.
2) Bởi sự tuyên truyền của CSVN: Chống Mỹ cứu nước là Chính nghĩa chống ngoại xâm của dân tộc, với chiêu bài ngậm máu phun người: «Chính phủ miền Nam VNCH là Việt gian bán nước theo Mỹ gây ra tội ác chiến tranh.»
Tuy nhiên, chống lại chiến tranh VN, không phải là ai cũng là đảng viên cộng sản như Lê hiếu Đằng, Huỳnh tấn Mẫm… chẳng hạn, nhưng chắc chắn là ai cũng bị cộng sản lợi dụng, lôi kéo vào hàng ngũ để tuyên truyền cho “chính nghĩa chống ngoại xâm của dân tộc” như đã nói trên. Từ đó qua cái nhìn một chiều của các thành phần trí thức, nghệ sĩ, tu sĩ... phản chiến tại miền Nam và khắp nơi trên thế giới tự do và «Phong trào đấu tranh Đô thị miền Nam»... do cộng sản giật dây ra đời.
Từ Luât sư Trần ngọc Liễng, bác sĩ Dương quynh Hoa, GS Lý Chánh Trung, ni sư Huỳnh Liên, linh muc Lê khắc Từ, linh muc Chân Tin, linh muc Nguyễn ngọc Lan, nhạc sĩ Trịnh công Son, Tôn thất Lâp, bà Ngô bá Thành (tên thật là Phạm thị Thanh Vân), các sinh viên Lê hiếu Đằng, sinh viên Huỳnh tấn Mẫm, Lê văn Nuôi v.v... đã sách động sinh viên tổ chức xuống đường biểu tình, viết báo để chống lại Chính phủ VNCH… dưới mọi hình thức… và nguy hiểm
nhất là đám điệp viên trong cụm tình báo A22 như Vũ ngọc Nhạ, Phạm ngọc Ẩn v.v... mà ngày nay, nhiều người đã quên tên... gọi chung là đám người "ăn cơm Quốc gia, thờ ma cộng sản".
Ngày nay, 38 năm sau, thực tế đã rõ ràng: Cuộc chiến tranh VN đã xảy ra là do sứ mạng của đảng cộng sản miền Bắc VN thực hiện, từ kế hoạch bành trướng chủ nghĩa cộng sản trong vùng Đông Nam Á với sự yễm trợ của cộng sản quốc tế. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản miền Bắc VN, làm bình phong để: “Ta đánh là đánh cho Liên sô, đánh cho Trung Quốc” như Lê Duẩn đã nói.
Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc đã đem lại cho người dân miền Nam bao nhiêu vùng kinh tế mới? Mẹ con chúng tôi phải rời bỏ Saigon sau ngày 30/04/75, giao lại toàn bộ nhà cửa cho cán bộ cộng sản, đi lên vùng kinh tế mới. Ngày nay, ai cũng biết là tất cả nhà cửa hay tài sản của người dân miền Nam đi vùng kinh tế mới đã do ai chiếm dụng biến thành của cải riêng tư?
Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc đã dựng nên bao nhiêu trại học tập cải tạo? cho quân nhân, cán bộ chính quyền VNCH, trí thức, văn nghệ sĩ của miền Nam, trên những vùng rừng thiêng nước độc. Hai đứa con trai của tôi đã chết trong trại học tập cải tạo, nên tôi biết rõ khổ đau và còn bao nhiêu người khác nữa?
Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc đã khiến cho bao nhiêu người VN, phải lìa bỏ quê hương, bất chấp sự hiểm nguy cho tính mạng, vượt biên, vượt biển đi tìm tự do khắp nơi trên thế giới. Bao nhiêu người VN đã mất đi sự sống trên con đường đi tìm tự do? Để ngày nay cộng sản VN có được cái: “khúc ruột bên kia bờ đại dương ”.
Kể làm sao hết những hậu quả đau thương và đẫm máu của chính sách Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc đã đem lại cho người dân miền Nam. Người Việt nam nào cũng có vết thương riêng tư của mình, nặng nhẹ tuỳ hoàn cảnh do thủ đoạn chính trị này gây nên.
Do đó, tôi nghĩ rằng: Hoà Hợp Hoà giải Dân Tộc là một thủ đoạn chính trị bịp bợm, một chính sách mị dân vô liêm sĩ của những người đóng vai trò trí thức làm chính trị, hùa theo cơ hội mà sánh vai cùng cái đảng cộng sản Viêt gian bán nước cầm quyền hiện nay.
Những thế hệ trẻ mai sau của Việt nam phải nhớ và hiểu rõ điều này: Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm. (Cố Tổng Thống VNCH - Nguyễn văn Thiệu).
Trước khi ra đi về bên kia thế giới, tôi xin được nhắn lại đôi lời: Kể từ nay và mãi mãi về sau, mọi người Việt nam, hảy vì những hệ lụy khổ đau trong quá khứ đã và đang di truyền lại cho những thế hệ hiện tại và tương lai của hàng triệu người dân Việt nam mà vui lòng dứt khoát: Không chấp nhận Hoà Hợp Hoà Giải Dân Tộc với đảng cộng sản VN một lần nữa, dưới bất cứ hình thức nào.
Hoà hợp Hoà Giải Dân Tộc đã không đem lại hạnh phúc cho bất cứ một người dân Việt nam nào. Ngày 30/ 04/1975, đảng cộng sản Viêt Nam đã làm nên lịch sử với hận thù dân tộc, bằng núi xương, sông máu, bằng sự tàn phá đất nước tan hoang, ngày nay ai cũng rõ, đảng cộng sản VN phải nhận trách nhiệm của mình trước lịch sử dân tộc một ngày gần đây.
Từ nay, bất cứ ai hay bất cứ tổ chức chính trị nào, nhân danh người dân VN đi vận động Hoà hợp Hoà Giải Dân tộc với đảng cộng sản Viêt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất nước và dân tộc một lần nữa, thì chính họ là những tên đồng lõa Việt gian bán nước, là những con người bệnh hoạn và chính họ là những người trí thức vô liêm sĩ, nếu không muốn nói chính họ là những con người sát nhân, đưa dân tộc Việt nam vào con đường diệt chủng.
Những sự thật của lịch sử VN trong giai đoạn hậu bán thế kỷ 20 vừa qua cần phải được tôn trọng. Nhất là khi điều kiện cho phép và nếu có thể, toàn dân Việt Nam chỉ nên lập một đài kỷ niệm để tri ân tất cả những Chiến Sĩ Trận Vong, hay là Chiến Sĩ Vô Danh vì chính họ mới là những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân cũng như Tất cả những Đồng Bào Việt Nam đã hy sinh vì Tự Do, trên đường vượt biên, vượt biển để tỵ nạn cộng sản với bao nhiêu khổ đau gây ra do thủ đoạn chính trị bịp bợm Hoà Hợp Hoà giải Dân Tộc.
Nay kính.
Bà quả phụ: Phùng Thị.
(di chúc này tôi đã phải nhờ cháu ngoại của tôi gởi lên DLB)

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

lời đối đáp thẳng thắn

 
Cờ Vàng
.
CHUYỆN ĐỨC GIÁM MỤC KONTUM.
.
.
Một lần Ngài đi nước ngoài, khi đến cơ quan nhà nước nhận hộ chiếu, người ta dặn dò Ngài: “Ông đi nước ngoài nhớ đừng chụp hình với lá cờ vàng ba sọc đỏ, nếu không là toi đời ông!”.
.
Ngài đáp ngay: “Vậy tôi trả hộ chiếu lại cho các ông, tôi không đi nữa”.
.
Họ ngạc nhiên hỏi Ngài: “Sao vậy?”
.
Ngài cười: “Chứ nếu đi nước ngoài mà toi đời thì đi làm gì?”.
.
Rồi Ngài nói với các ông ấy: “Này nhé, tôi vào nhà ông, thấy ông để tượng Hồ chí Minh với lá cờ đỏ, tôi có bảo ông đem đặt chỗ khác không? Đến nhà người ta ai làm thế. Ở nước ngoài, nơi tôi đến có lá cờ vàng, chẳng lẽ tôi bảo họ đem đi chỗ khác cho tôi ngồi và chụp hình à?”
.
Ngài nói tiếp, lý luận sắc bén:
.
“Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, vậy các ông có ghét Tàu và Tây lắm không? Tôi thấy mấy ông lãnh đạo vẫn đứng chào cờ Trung quốc, chào cờ Pháp, Mỹ đó thôi. Vậy tại sao lá cờ vàng của anh em người Việt mình mà các ông căm ghét đến thế?”
.
“Còn nữa, hàng năm chúng ta đón bao nhiêu Việt kiều, nhận bao nhiêu tiền họ gửi về, sao lại phải lúc nào cũng căm ghét cờ của họ?”
.
Ngài nói thêm, như lời tâm sự, nghe rất xúc động:
.
“Năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam. Gia đình tôi sống được và tôi lớn lên, ăn học là dưới lá cờ vàng. Nếu các ông di cư năm ấy thì các ông cũng thế thôi.//
.

nhà báo Bùi Bảo Trúc - *(15-4-2013)


 
"Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ "tgbt@yahoo.com".

Ngày 15 tháng 4 năm 2013

Bạn ta,
Tin NBC sáng nay vừa đề cập đến một trường hợp mất việc khá kỳ cục. Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, bất cứ ai mất việc cũng là một bất hạnh, đáng để chúng ta tội nghiệp nhưng trường hợp của Colin Nicholas thì chuyện mất việc của ông lại càng đáng để chúng ta tội nghiệp nhiều hơn nữa.
Ông thầy giáo này mất việc một cách oan uổng và không ai có thể làm gì được để giúp ông. Ông cũng không thể khiếu nại, đòi xét lại, vì khi bị cho nghỉ việc, ông vẫn còn đang trong tình trạng được mướn tạm. Bản tin NBC cho biết ủy ban giáo dục quận Collier thuộc tiểu bang Florida hồi tháng 12 năm ngoái đã thình lình cho ông nghỉ việc mà không nêu ra một lý do nào rõ ràng.
Colin Nicholas từng có 15 năm kinh nghiệm dậy trung học nhưng tại học khu Collier, ông chỉ mới được mướn vào.
Thầy giáo Nicholas dậy môn chính là thể dục nhưng ông cũng được trao cho trách nhiệm phụ trách lớp giáo dục sinh lý. Và đó là đầu mối, căn nguyên của chuyện ông mất việc.
Trong chương trình giáo dục sinh lý, ông phải giảng cho các học sinh nguy cơ của các thứ bệnh phong tình cùng với cách phòng ngừa để khỏi mắc những bệnh này. Và trong khi giảng bài, ông đã dùng một chiếc áo mưa để chỉ cho các học sinh cách dùng nó.
Ông giáo sư đầy lương tâm chức nghiệp và yêu nghề, hết lòng vì học sinh này đã tìm mọi cách để chỉ dẫn cho các học sinh của ông cách dùng những cái bao cao su.
Muốn cho các em dễ hiểu, ông nghĩ phải dùng cái trợ huấn cụ để sự lĩnh hội của đám học trò dễ dàng hơn.
Nhưng trợ huấn cụ để giúp ông làm công việc đó, trong bài học, coi bộ không có được nhiều. Trong khi các học sinh của ông thì sự hiểu biết cũng chưa có được bao nhiêu.
Thì vì hiểu biết không được bao nhiêu nên mới khó giảng giải cho các em hiểu.
Không có trợ huấn cụ như quả địa cầu để dậy giờ địa lý, những cái ống nghiệm để dậy bài hóa học vân vân nên ông phải sử dụng tối đa óc sáng tạo của ông.
Không thể dùng cây bút chì, cái thước kẻ để chỉ cho các em cách đeo cái áo mưa vào, ông giáo Colin Nicholas bèn hy sinh luôn bữa trưa của ông cho việc học của các em. Ông không ăn quả chuối, và đem nó vào trong lớp để dậy các học sinh.
Có lẽ ông nghĩ quả chuối là cái trợ huấn cụ gần gũi nhất mà ông có thể đem vào lớp cho các học sinh quan sát để học bài cho thấu đáo, thông suốt. Ông dùng quả chuối để dậy cho các học sinh trong lớp cách dùng những cái bao cao su.
Tuần lễ sau, ông nhận được giấy cho nghỉ việc. Có điều trong bức thư sa thải ông thì học khu Collier không nêu lý do nhưng tại một cuộc tiếp xúc riêng, ông được cho biết là việc làm của ông trong lớp đã gây bối rối cho các học sinh.
Nên ông bị cho nghỉ.
Làm các học sinh bị bối rối?
Lớp ông phụ trách đâu có phải là lớp văn chương Anh? Các học sinh tại lớp ông phụ trách đều biết những điều được đem giảng không phải là Joseph Conrad, T.S. Eliot, Keats, Byron...Các em biết sẽ được dậy về những thứ khác hơn là văn thơ của những ông này. Những thứ ấy cũng không phải là vật lý của Isaac Newton, của Einstein...
Thế thì tại sao lại bối rối khi được giảng cách dùng cái bao cao su quàng vào quả chuối?
Bộ muốn ông thầy phải dùng cái bút chì thay cho quả chuối hay sao?
Vậy thì có khác gì dắt con bò vào lớp để dậy cho học sinh có ý niệm về cái laptop yêu quí của tôi không?
Thầy Colin Nicholas không những không nên bị đuổi mà còn phải tặng cho thầy cái giấy khen là đằng khác,
Hay là các giới chức của học khu muốn thầy dùng những thí dụ trung thành hơn, chính xác hơn để dậy cách dùng bao cao su?

Ngày 16 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Hạ tuần tháng trước, một người đàn ông ở thủ đô Áo đã được các y sĩ của bệnh viện thay cho một cái lưỡi mới sau khi cái lưỡi cũ của ông bị cắt bỏ vì bị ung thư.
Người đàn ông 42 tuổi này, sau 14 tiếng đồng hồ trong phòng giải phẫu của bệnh viện, đã có cái lưỡi mới. Các y sĩ cho biết ông sẽ bình thường trở lại, sẽ ăn, sẽ nói được như thường và hiện nay, không thấy có dấu hiệu nào cho thấy cơ thể của ông không thích cái lưỡi mới, đòi vứt nó đi, tống nó ra ngoài, không nhận nó, như một số các trường hợp giải phẫu ghép các bộ phận khác. Có điều là các y sĩ cho biết ông sẽ là người thực bất tri kỳ vị, ăn uống ngon cũng không biết và dở cũng … ăn hết, không phàn nàn chi cả.
Vài ba tuần nữa, khi những vết khâu lành lặn, người ta có thể sẽ biết cái lưỡi mới của ông sẽ ra sao, và đời sống của ông với nó, cái lưỡi mới đó, sẽ như thế nào.
Hãy khoan bàn đến chuyện nói. Vì có thể chuyện đó còn mất một thời gian nữa. Nhưng chuyện ông mất vị giác, đời sống của ông sẽ vui hơn. Ông sẽ không câu nệ về chuyện ăn uống nữa. Nấu gì ăn nấy, không phàn nàn, không chê ỏng chê eo dẫu cho bị quăng cho vài ba món nấu như ma mửa, vẫn ăn như thường. Mì gói cũng không khác gì Cordon Bleu nữa.
Nhưng cách ăn nói của ông chắc chắn sẽ khác. Những cái lưỡi thường, ăn nói tử tế thì phải khác những cái lưỡi át xít, như người Mỹ vẫn nói.
Ðúng như người hàng thịt trong truyện cổ đã lý luận, cái lưỡi là bộ phận quyết định những gì trở thành tiếng nói phát ra từ miệng.

Mồ cha con bướm trắng
Mồ mẹ con ong vàng
Khen ai uốn lưỡi cho nàng nói chua
  (ca dao)

Nói điều chanh chua, độc ác, ngoa ngoắt là do cái lưỡi mà ra. Chẳng thế mà một trong những hình phạt dành cho những kẻ khi quân, khinh thế, ngạo vật, ăn nói bậy bạ là cắt lưỡi. Nhan Cảo Khanh chỉ vì không chịu về hàng sau khi Thường Sơn thất thủ, lại còn trừng mắt mắng chửi An Lộc Sơn nên bị cắt lưỡi rồi giết chết (Chính làm cái lưỡi Cảo Khanh/ Thường Sơn chửi giặc chịu hình cũng ưng: Ngư Tiều Vấn Ñáp)
Chuyện nói năng của ông chắc phải khác. Ông trở thành người mở miệng ra là gẫy cây, gẫy cối hay là toàn những lời dịu dàng dễ nghe tuỳ thuộc vào cái lưỡi mới.
Người Trung Hoa đã từng ví lưỡi như móc, môi như gươm -- câu thiệt, kiếm thần -- để ví lời nói khéo có thể hãm hại được người, hay thiệt kiếm, thần sang, lưỡi như gươm, môi như súng là nói năng ghê gớm mạnh mẽ lắm.
Chuyện này phải đợi khi lưỡi cử động mạnh mới biết được. Nhưng nếu quả thật thay cái lưỡi mới sẽ đổi được cách ăn nói, thì rồi đây, chuyện gắn cho cái lưỡi mới sẽ được ghi nhận thường hơn, không còn là thứ tin tức mà tất cả các hãng thông tấn từ AP đến UPI, Reuters, AFP… mấy ngày hôm nay làm ầm lên như người ta vừa thấy.
Nhiều khi cũng chẳng phải đi đâu xa, vợ chồng trao đổi cho nhau, vết thương lành lặn xong, gậy ông đập lưng ông, lưỡi bà nói bà nghe … thì lúc ấy mới hiểu người kia khổ thế nào.
Lúc ấy, nhờ thay lưỡi, các phụ nữ sẽ không còn mang cái tiếng xấu xa như câu thành ngữ Trung Hoa này nữa: phụ nhân trường thiệt vi tệ chi giai, đàn bà mà lưỡi dài, ăn nói ngoa ngoắt là bậc thang tai hại.
Thành công của các y sĩ Áo ở Vienne sẽ đem lại không biết bao nhiêu là thay đổi cho đời sống chúng ta là như vậy.

Ngày 17 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Những tin tức đọc được trong mấy ngày qua làm tôi không biết nghĩ như thế nào về nước Ðức nữa.
Cả hai đều của thông tấn xã Reuters gửi đi từ Berlin cách nhau có hai ngày. Bản tin thứ nhất (*) cho biết sở thú Berlin định cho 5 con hắc tinh tinh -- chimpanzee -- của sở thú về hưu sớm vì những con khỉ đột này bị coi là quá già, không còn hấp dẫn khách nữa. Lập tức, dự tính của ban giám đốc sở thú bị khách vào thăm sở thú phản đối dữ dội. Ban giám đốc định gửi chúng đi Bắc kinh và thay chúng bằng những con khác trẻ hơn. Báo chí ở Bá Linh cho biết Gusta, Lilly, Karel, Pedro và Soko thực ra chưa phải là những con khỉ già (?) để phải cho về hưu. Cả 5 đều trong tuổi từ 14 đến 24. Tuổi thọ trung bình của loài chimpanzee là 45 đến 50 tuổi nên ở tuổi đôi mươi, chúng chỉ mới đang ở tuổi trung niên, chưa thể coi là già để phải về hưu. Nhưng sở thú thì nhất định cho rằng chúng đã già, gần như suốt ngày chỉ hết nằm lại ngồi, không chịu chạy nhẩy, leo trèo, làm trò... khỉ cho khách xem. Ban giám đốc nhìn mãi, thấy sốt ruột vì chúng không chịu làm trò nữa nên muốn đưa chúng đi chỗ khác để đem đười ươi (gorilla) và một giống khỉ đột khác (pigmy chimpanzee) vào thay thế. Những con này, theo nhân viên sở thú, chịu làm trò nhiều hơn và đẻ cũng nhiều hơn.
Nếu ở Mỹ, có thể chúng không bị đối xử như thế. Vì luật cấm kỳ thị về tuổi tác, ở Mỹ không một ai bị buộc phải về hưu.
Thế nhưng chỉ hai ngày sau, thông tấn xã Reuters lại đánh đi một bản tin khác (**) cho biết một phụ nữ làm nghề buôn hương bán phấn, xong việc, rời nhiệm sở ở thị trấn Bochum thuộc miền tây nước Ðức vào lúc 4 giờ 30 phút sáng, để về nhà thì bị cướp giật mất ví và xô ngã xuống đường bị thương nhẹ.
Phụ nữ này, theo tin của sở cảnh sát Bochum, đã 77 tuổi.
Chao ơi, 77 tuổi mà còn phải làm "ca" đêm, gần sáng mới xong việc, lọ mọ, lẩy bẩy, run rẩy chống gậy (?) đi về nhà thì người phụ nữ cao niên này bị cướp xô ngã để giật cái bóp.
Tại sao nước Ðức, quốc gia giầu có, văn minh vào bậc nhất Âu châu, quốc gia từ lâu vẫn được nghĩ là đối xử tử tế với người già, và hai hôm trước, tin còn cho hay là rất nhân đạo với mấy con khỉ đột, không nỡ bắt chúng phải làm việc khi đến tuổi trung niên, lại để cho một phụ nữ cao niên như vậy phải mỗi tối trang điểm, phấn son, xiêm áo vào để "ngạo với nhân gian một nụ cười" nhăn nhúm, dúm dó như thế?
Cụ bà làm được gì ở cái tuổi gần bát tuần? Những lóng xương bị bệnh thấp khớp hành hạ chưa đủ sao còn phải hành cái nghề vất vả ấy?
Tưởng tượng cụ trệu trạo gắn hàm răng giả vào miệng, tay điều chỉnh lại cái máy trợ thính hỏi khách... muốn gì thì tội biết là bao.
Trông những người phụ nữ trong những bức tranh của Toulouse Lautrec đã thảm, tưởng tượng cụ còn nản chừng nào nữa. Những người đàn bà nhăn nhúm mặt mày hốc hác xanh xao son phấn bệt trên da mặt, những cái vú chẩy thõng ở Moulin Rouge dưới ánh đèn vàng vọt mà Lautrec vẽ ở những hộp đêm, những động đĩ Paris cuối thế kỷ 19 chắc cũng không thể bi đát như người phụ nữ cao niên trong bản tin của Reuters.
Nhưng điều khó hiểu là cụ vẫn sống được bằng cái nghề xưa cũ nhất trái đất ấy. Thành phần nào là cái thứ người có thể tàn tệ như vậy với một phụ nữ cao niên như cụ?
Không, tôi không muốn nói tới tên kẻ cướp xô cụ xuống đường...  
 
 (*) Being A Middle-Aged Chimp No Tea Party
(**) Prostitute, 77, Mugged After Night Shift

Ngày 18 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Thế là chuyến bay do hãng du lịch ở Houston đã diễn ra yên lành.
Yên lành vì không thấy ai thưa kiện gì cả. Khởi đi từ Miami, chiếc Boeing 727 đã đáp xuống Cancun bình an. Lý do là vì trên phi cơ, các hành khách không được mời uống cà phê hay trà nóng, không ai bị phỏng quay ra thưa kiện phiền nhiễu. Nhất là những khu vực có thể bị phỏng lại là những vùng cơ thể, nếu bị nước sôi đổ vào, sẽ khó mà ước lượng được thiệt hại để bồi thường sao cho thỏa đáng.
Hành khách, tất cả 87 người, đã trả mỗi người $499 để được bay một chuyến thoải mái đi chơi Mexico, không vướng bận(?) gì trong suốt chuyến bay.
Sau khi phi cơ bình phi, từ phòng lái, thay vì loan báo trên loa phóng thanh là hành khách có thể tháo dây lưng an toàn, thì phi hành đoàn cho biết hành khách có thể tháo luôn cả những dây lưng quần, trút bỏ quần áo để đi lại, đứng ngồi hoàn toàn tự do trong suốt chuyến bay.
Chính vì thế, các tiếp viên mới chỉ mời cà phê và trà nguội, thay vì cà phê và trà nóng.
Tôi không định đi một chuyến như thế nhưng chắc cảnh trên máy bay phải hay lắm.
Tưởng tượng đèn hiệu trên trần máy bay vừa đổi qua hình chiếc khóa dây lưng trong thế mở, thì hành khách nhất loạt đứng lên, tiếng zipper rít lên, những cái tay vòng ra sau lưng rồi tiếng những chiếc khóa mở ra kêu xoành xoạch như tiếng cơ bẩm lúc đạn lên nòng thì còn gì vui hơn.
Các hành khách xếp quần áo cho vào va ly, túi để trên đầu rồi vươn vai ngồi xuống ghế bằng dáng điệu khoan khoái và khỏe khoắn nhất.
Rồi tiếp viên đi tới từng hàng ghế một mời hành khách cà phê và trà. Hành khách đỡ lấy những ly cà phê, những ly trà, không … thèm hạ cái khay ở lưng ghế trước xuống, cứ thế cầm ly nước mà uống.
Tại sao lại hạ cái khay xuống? Cứ cầm ly cà phê, ly trà mới đáng đồng tiền bỏ ra mua vé đi Cancun chứ.
Hạ cái khay xuống thì … cũng như không. Và chính vì không có cái khay, các hành khách nhất định cầm tay cà phê và trà để uống nên hãng du lịch sợ trách nhiệm, không mời cà phê và trà nóng.
Hãng du lịch cho biết đây là chuyến đầu tiên. Như vậy sẽ còn có những chuyến khác. Nhưng một số người sẽ không bao giờ đi trên những chuyến bay như thế.
Tưởng tượng bị xếp cho ngồi ghế phía ngoài, bên trong đã sẵn hai ông bà hành khách khác. Cứ trà với cà phê như thế, thỉnh thoảng chàng hay nàng lại phải đứng dậy đi làm thuỷ lợi thì làm sao sống?
Chàng hay nàng sẽ ngó qua, cười ngỏn ngoẻn, đứng dậy, rồi lạng nguyên một bộ mông tổ chảng qua mặt người ngồi ghế ngoài thì chàng làm sao tránh được phong cảnh hãi hùng đó?
Nhất là khi tuổi tác đã cao, các bộ phận của chàng hay nàng quyết định rời chỗ, vì chúng không còn chống lại được sức hút của trái đất nữa, kéo lê sền sệt qua người hành khách hiền lành ngồi phía ngoài thì sao?
Không lẽ ngồi im, lẩm nhẩm hát “người … lê qua đùi tôi, có rớt gì không người” thì tội cho ca khúc Người Ði Qua Ðời Tôi biết là bao nhiêu …
Cho nên có tặng vé cho đi một chuyến miễn phí thì cũng nhất định là không.
Không bao giờ.

Ngày 19 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Người viết bản tin AP mà tôi đọc được hôm qua thực rất đáng bị lôi ra đánh cho một trận mới phải.
Bản tin nói về vụ tranh chấp ở thị trấn Leonia, New Jersey giữa người chủ một căn nhà và người kia là chủ của một con chó thực ra không có gì đáng nói. Nhưng cái tựa của bản tin này vừa tầm bậy tầm bạ vừa lăng mạ tất cả loài người văn minh và lịch sự của thế giới này của chúng ta.
Cái tựa nguyên văn như thế này: N.J. Men Spar Over Dog's Bathroom Habits.
Những chữ dùng trong cái tựa này làm tôi nghĩ người viết nó cần phải được gửi đi học lại để viết tin mới được.
Bathroom habits, như trong nguyên văn, có nghĩa là những thói quen trong buồng tắm. Buồng tắm có thể được dùng trong nhiều việc. Tắm rửa, gội đầu là việc chính. Các công tác bài tiết của cơ thể cũng có thể được làm trong buồng tắm. Vì thế, có khi vào buồng tắm nhưng không để tắm mà có thể là để làm những việc khác nữa.
Cũng vì lý do đó, khi nói đi vào buồng tắm, dùng cái buồng tắm là cách nói thanh tao hơn thay vì nói rõ ra chủ đích đích thực của việc cần dùng cái buồng tắm.
Nhưng thế nào là thói quen trong buồng tắm?
Ðó là những chuyện thường làm, những thói quen khi dùng cái buồng tắm. Thí dụ tắm xong thì rửa sạch bồn tắm, nhặt những sợi tóc rụng để bồn khỏi nghẹt. Dùng cái bồn rửa tay xong thì lau cho khô. Bàn chải đánh răng để vào ống. Tuýp kem đánh răng thì bóp từ dưới lên trên. Gần hết giấy thì thay giấy mới tránh gây kinh hoàng cho người vào sau. Dùng giấy thì dùng vừa phải, không phải mỗi lần vào là kéo nửa cuộn ra coi chơi. Nhấc cái bệ cầu lên thì khi xong việc phải hạ xuống. Cố nhắm cho kỹ, đừng để cho bắn lung tung ra ngoài. Nếu cần phải đọc trong khi dùng buồng tắm thì nên đọc Reader's Digest với những bài ngắn. Không nên đem trường thiên tiểu thuyết vào buồng tắm. Chỉ khi nhà có một mình và không có trẻ con hay người lớn yếu bóng vía trong nhà hãy hát trong buồng tắm. Thấy có tiếng hắng giọng bên ngoài thì cố gắng cắt ngắn thời gian chiếm đóng buồng tắm để khỏi tạo ra những đáng tiếc đầy bối rối và khó xử cho người bên ngoài. Nên mở to radio hay CD trong buồng tắm để cho tiếng hát át... các thứ tiếng khác. Nếu cần, giật nước để những tiếng thở mệt nhọc khỏi vọng ra ngoài. Xong việc, khi bước ra, nên cười (nếu ngồi quá lâu) để mặt mũi trông đỡ vẻ táo bón...
Ðó là những thói quen trong buồng tắm -- bathroom habits -- như lối hiểu thông thường của tôi. Thế thì theo bản tin của AP thì bộ loài chó cũng dùng cái buồng tắm ư?
Không. Vì không nên mới có chuyện. Con chó trong bản tin khi đi ngang qua cửa nhà người đàn ông nọ thì dừng lại và để trên bãi cỏ một chút kỷ niệm. Chủ nhà đòi chủ chó phải hốt mang đi. Chủ chó không chịu, chủ nhà kiện chủ chó ra tòa.
Như vậy, con chó trong bản tin không hề vào buồng tắm để tắm rửa. Nó chỉ dừng lại, bón cho bãi cỏ một bãi. Vậy thì cứ nói là con chó đại tiện ra bãi cỏ cũng đã là lịch sự chán. Nhưng người viết cẩn thận, có thể là sau khi thấy những tấm bảng ghi rõ Nhà Ỉa, Nhà Ðái mang từ Hà Nội vào dựng ở miền Nam, đã quyết định phải lịch sự trong ngôn ngữ một chút.
Do đó mà có những chữ bathroom habits trong tựa của bản tin.
Chó mà cũng có bathroom habits sao?
Bathroom habits của chó là thế nào? Là giơ cái chân lên vừa đủ dễ khỏi ướt? Khoảng 45 độ, chứ không cần tới 90 độ, bầy hết ra cho mọi người coi? Xong việc, quay lại hốt món quà mang về nhà chủ? Cầm theo cuộn giấy để tự làm sạch, khỏi chùi vào ghế sa lông, giường ngủ của chủ? Lúc cần cho thoát một ít hơi trong ruột thì chạy ra ngoài vườn, tránh bắt chủ phải ngửi trung tiện của chó?
Loài chó không bao giờ lịch sự và có học như thế. Chúng tiểu, trung và đại tiện lung tung mặc cho chủ lo đi sau mà hốt. Chúng không hề có những thói quen trong buồng tắm. Chúng không biết nhường nhau bao giờ. Có khi hai ba cậu chó cùng gác chân lên cột đèn, lên cột ống nước cứu hỏa, không xếp hàng trước sau gì cả. Xong việc là ngoắc đuôi chạy đi ngay, không lo chuyện giấy... má gì hết.
Tại sao vậy? Trong khi chó và giấy cùng có... má đi ngay đằng sau mà!
Phải chi mà nó biết cầm tờ Nhân Dân đọc khi dùng cái cột đèn thì giống chủ nó biết là bao nhiêu. 

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 168)
 
SOME OFTEN CONFUSED VERBS
Bản ghi chép lại do Trúc Giang thực hiện. Bài học số 168 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 7 năm 2013.
 
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, QA nhận được thư của một khán giả, ông Nguyễn Huỳnh ở Austin muốn anh giải thích thêm về động từ TO HANG, khi nào thì TO HANG là một động từ bất qui tắc tức là IRREGULAR, quá khứ là HUNG, quá khứ phân từ là HUNG và khi nào thì TO HANG là một động từ qui tắc REGULAR, quá khứ là HANGED, và quá khứ phân từ là HANGED.
TRÚC GIANG
Cháu cũng thắc mắc về động từ đó cùng với động từ TO FALL, FELL , FALLEN và TO FELL, FELLED, FELLED.
BBT
Thực ra còn có mấy động từ khác cũng gây bối rối không ít cho người học Anh ngữ, tôi sẽ đem ra nói luôn trong bài học hôm nay. Trước hết là động từ TO HANG, HUNG, HUNG và TO HANG, HANGED, HANGED. Đây là hai động từ khác nhau hoàn toàn.
Động từ bất qui tắc (IRREGULAR) TO HANG, HUNG, HUNG là treo, như treo cái áo, treo bức tranh, treo cờ. Thí dụ THEY HUNG THE PAINTING IN THE LIVING ROOM nghĩa là họ treo bức tranh trong phòng khách. Trúc Giang và QA thử dùng động từ này trong một thí dụ coi.
TRÚC GIANG
Thưa chú, cháu có thể nói treo ngôi sao trên ngọn cây Giáng Sinh: I HUNG THE STAR ON TOP OF THE CHRISTMAS TREE.
QA
WE HUNG THE FLAG AT HALF MAST FOR THE VICTIMS OF THE BOSTON MARATHON BOMBING là chúng ta treo cờ rủ để tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố ở Boston.
BBT
Trong khi đó, TO HANG, HANGED, HANGED, động từ qui tắc, REGULAR VERB, thì lại có nghĩa là giết ai bằng cách treo cổ như THE IRAQI GOVERNMENT HANGED SADDAM HUSSEIN IN 2006.
Động từ Trúc Giang hỏi, TO FALL, FELL, FALLEN là một động từ IRREGULAR nghĩa là té, ngã, rơi, rụng… Thí dụ HE FELL AND BROKE HIS LEG là anh ấy té và bị gẫy chân. QA cho nghe 2 thí dụ của cô coi, rồi tới Trúc Giang.
QA
HOUSE PRICES FELL A LITTLE BIT LAST MONTH.
THE LEAVES TURNED RED AND FELL AROUND 2 WEEKS AGO.
TRÚC GIANG
THE PLANE FELL FROM SKY AND BURNED ON THE GROUND.
IN 1975, HUE FELL BEFORE SAIGON nghĩa là Huế thất thủ trước Sài Gòn.
BBT
Cám ơn hai cô. Động từ FELL, FELLED, FELLED không dính dáng gì tới động từ TO FALL, FELL, FALLEN. TO FELL là cắt, chặt, đốn cây (cho đổ xuống). Thí dụ THE FENGSHUI MASTER WANTED TO FELL THE LARGE TREE IN THE FRONT YARD.
QA
Khi QA dọn vào căn nhà này, QA đã phải chặt tất cả những cây chuối ở sân sau: WE HAD TO FELL ALL THE BANANA TREES IN THE BACK YARD.
TRÚC GIANG
Cháu cũng thế: WE HAD TO FELL A MAPLE TREE TO GET A BETTER VIEW OF THE OCEAN. Cháu phải chặt cây phong trước nhà để nhìn được ra biển.
BBT
Động từ TO GRIND, GROUND, GROUND cũng có thể làm cho hai cô lầm với động từ TO GROUND, GROUNDED, GROUNDED.
TRÚC GIANG
Hình như cháu đã trông thấy chữ GROUNDED trên bao cà phê mà cháu mua cho ba cháu tuần trước thì phải.
BBT
Trúc Giang nhìn lầm rồi. Cà phê chưa xay, còn nguyên hạt là WHOLE BEAN COFFEE. Cà phê đã xay thì làGROUND COFFEE chứ không phải là GROUNDED COFFEE.
QA
Đúng rồi, QA thấy ở quầy thịt trong chợ còn bán GROUND BEEF  GROUND PORK, vậy GROUND là xay. Còn GROUNDED là gì thưa anh?
BBT
TO GRIND, GROUND, GROUND là xay, là nghiền, là nghiến. TO GRIND COFFEE là xay cà phê. COFFEE GRINDER là cái máy xay cà phê. GROUND COFFEE là cà phê đã xay. FRESHLY GROUND COFFEE là cà phê mới xay.
TRÚC GIANG
Cháu nhớ có cô bạn cứ ngủ là nghiến răng kèn kẹt. Vậy nghiến răng là TO GRIND THE TEETH phải không chú?
BBT
Đúng vậy. Còn động từ TO GROUND, GROUNDED và GROUNDED thì nghĩa là bắt ở nhà, không cho ra ngoài sân chơi, phạt không cho đi chơi với bạn, hay không cho cất cánh như khi nói về máy bay. Thí dụ UNITED AIRLINES GROUNDED SOME PLANES FOR SAFETY CHECK nghĩa là công ty hàng không United Airlines tạm ngưng hoạt động, không cho bay một số máy bay để kiểm soát an toàn.
QA
Thưa anh, cách đây mấy tháng, cậu con trai hàng xóm bạn của con QA bị ba nó phạt nguyên một tháng không cho ra khỏi nhà đi chơi với con trai QA vậy thì phải nói thế nào trong trường hợp đó? Trúc Giang biết không?
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ cháu sẽ nói HE GROUNDED HIS SON FOR THE WHOLE MONTH, như thế có đúng không thưa chú?
BBT
Rất đúng. Cũng có tin mới đây, Hoa kỳ đã tạm không cho các máy bay F-35 hoạt động vì có trục trặc. THE USGROUNDED ALL F-35 FIGHTERS TO CORRECT SOME PROBLEMS.
Hai động từ này cũng hay bị dùng sai tương tự như TO FALL và TO FELL của Trúc Giang vậy. Đó là động từ TO FIND, FOUND, FOUND và TO FOUND, FOUNDED, FOUNDED. Động từ bất qui tắc TO FIND, FOUNDED, FOUNDED là tìm thấy, khám phá ra. Động từ qui tắc TO FOUND, FOUNDED, FOUNDED là thành lập, làm ra, sáng lập. Vậy thì CHRISTOPHER COLUMBUS đã làm gì với Mỹ Châu, QA?
QA
QA nghĩ phải dùng TO FIND, FOUND, FOUND nghĩa là tìm ra để nói là COLUMBUS FOUND AMERICA.
BBT
Thế còn George Washington có tìm ra, khám phá ra Hoa kỳ không, Trúc Giang? Chúng ta dùng TO FIND hay TO FOUND với ông Washington?
TRÚC GIANG
Cháu nghĩ phải dùng TO FOUND để nói về Washington: MISTER WASHINGTON FOUNDED THE REPUBLIC. Ông Washington là một trong những người sáng lập ra nước Mỹ.
BBT
Cũng thế, chúng ta dùng TO FOUND với A CLUB, A COMPANY, AN ASSOCIATION, A NATION, AN ORGANIZATION, A SCHOOL… Trong khi đó, với con đường, A ROAD; kho tàng A TREASURE; giải pháp, A SOLUTION; một đáp số AN ANSWER… thì chúng ta dùng TO FIND, FOUND, FOUND.
QA
Thưa anh, có hai động từ TO RISE và TO RAISE cũng làm cho QA thấy rất bối rối, không dám dùng chỉ sợ dùng sai.
BBT
Động từ TO RAISE là động từ qui tắc, quá khứ là RAISED, quá khứ phân từ là RAISED. Động từ này nghĩa là tăng lên, làm cho cao hơn, theo sau nó phải có OBJECT tức là túc từ vì nó là một THA ĐỘNG TỪ (TRANSITIVE VERB). Thí dụ THE GAS COMPANIES RAISED THE PRICES MANY TIMES LAST YEAR nghĩa là các công ty xăng đã tăng giá xăng lên nhiều lần trong năm qua. Trúc Giang nói thử câu chính phủ sẽ tăng thuế trong năm nay bằng tiếng Anh coi.
TRÚC GIANG
THE GOVERNMENT WILL RAISE TAXES THIS YEAR.
BBT
QA nói câu này bằng tiếng Anh coi: chủ nhà lại tăng tiền thuê nhà lên một lần nữa.
QA
THE LAND LORD RAISED THE RENT ONE MORE TIME.
BBT
Trong khi đó, TO RISE, ROSE, RISEN nghĩa là tăng thì lại KHÔNG cần túc từ vì nó là một tự động tự, INTRANSITIVE VERB. Thí dụ GAS PRICE ROSE MORE THAN A DOLLAR IN ONE YEAR là giá xăng tăng hơn 1 đô la trong có 1 năm. QA và Trúc Giang cho nghe thí dụ của hai cô coi.
QA
AFTER THE RAIN OF LAST WEEK, THE RIVER ROSE FAST.
BBT
Đúng rồi, sau trận mưa tuần trước, nước sông dâng lên rất nhanh.
TRÚC GIANG
WHITE SMOKE ROSE FROM THE CORNER OF THE STREETS AFTER THE EXPLOSION là khói trăng bốc lên từ góc phố sau tiếng nổ.
BBT
Đã nói thì phải nói cho hết. Còn khoảng 4 động từ thuộc loại dễ gây bối rối lẫn lộn như thế tôi cũng sẽ nói tiếp ở đây. Đó là TO SET, SET, SET và TO SIT, SAT, SAT. Động từ TO SET là TRANSITIVE VERB cần một OBJECT đằng sau nghĩa là xếp hay đặt một vật gì xuống trong khi TO SIT là INTRANSITIVE, không cần túc từ nghĩa là ngồi xuống. QA và Trúc Giang cho nghe hai thí dụ với TO SET và TO SIT coi.
QA
HE SET THE SOFA NEXT TO THE BOOK CASE là ông ấy kê cái ghế sofa gần chiếc tủ sách.
SHE SAT NEAR THE FIRE PLACE AND CONTINUE TO KNIT là bà ấy ngồi gần lò sửa và tiếp tục đan.
TRÚC GIANG
WE SET THE CHAIR AGAINST THE WALL là chúng tôi xếp chiếc ghế ở sát tường.
SHE SAT IN THE FRONT ROW là cô ấy ngồi ở hàng ghế đầu.
QA
Thưa anh, QA có lần nghe con trai nói với em nó DON’T FORGET TO SET THE ALARM BEFORE GOING TO BED là đừng quên để/vặn đồng hồ báo thức trước khi đi ngủ, như vậy có đúng không?
BBT
Đúng. Chúng ta cũng có thể nói TO SET THE PRICE là đặt giá cho một món hàng, TO SET THE STOVE AT 350 DEGREES là vặn lò ở mức 350 độ, TO SET THE RADIO AT 1480 AM là vặn radio ở băng tần 1480 AM vân vân.
Còn hai động từ nữa mà tôi muốn nói ở đây là TO LAY và TO LIE. Động từ TO LAY, LAID, LAID là đặt nằm xuống, một động từ TRANSITIVE cần túc từ đi theo sau như khi chúng ta nói THEY LAID A NEW CARPETFOR THE ROOM là người ta trải thảm mới cho căn phòng. TO LIE, LAY, LAIN, một INTRANSITIVE VERB thì không cần OBJECT có nghĩa là nằm xuống thí dụ I LAY ON THE SOFA TO WATCH THE NEWS ON THE TELEVISION là tôi nằm trên ghế sofa để xem tin tức truyền hình. Trúc Giang có muốn cho nghe hai thí dụ của cô với TO LAY và TO LIE không?
TRÚC GIANG
THE MOTHER LAID THE BABY IN THE CRIB THEN TURNED OFF THE LIGHT là người mẹ đặt đứa con vào nôi rồi tắt đèn.
HE LIES THERE AWAKE ALL NIGHT là ông ấy nằm đó không ngủ suốt đêm.
QA
I LAID THE KEYS SOMEWHERE AND NOW I CAN’T FIND THEM là tôi để chùm chìa khóa ở đâu bây giờ không tìm thấy.
THE BABY LAY DOWN AND SLEPT THROUGH THE NIGHT là đứa bé nằm xuống là ngủ một mạch đến sáng.
BBT
Tôi nhắc hai cô cẩn thận với động từ TO LIE, một động từ REGULAR nghĩa là nói dối. Người hay nói dối là LIAR không phải là L-I-E-R. Danh từ của động từ này là A LIE, một câu nói dối, như khi nói THAT IS A LIE. Danh từ A WHITE LIE nghĩa là một câu, một lời nói dối vô hại, không quan trọng như khi hạ thấp tuổi của mình xuống, hay nói một điều không thật để làm vui lòng người nghe chẳng hạn. LYING là tính nói dối, sự nói dối. Thí dụ LYING WILL NOT GET YOU VERY FAR cũng gần giống như câu chúng ta nói trong tiếng Việt "đường đi hay tối, nói dối hay cùng". HE IS LYING THROUGH HIS TEETH hay HE IS LYING WITH A STRAIGHT FACE nghĩa là ông ta nói dối tỉnh bơ, nhìn mặt không thể nào biết ông ấy đang nói dối.
QUỲNH ANH
Cám ơn ông thầy, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Trúc Giang và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.
Bùi Bảo Trúc