Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Gặp lại vị chỉ huy xóa bỏ tường Berlin 25 năm trước


.
Gặp lại vị chỉ huy xóa bỏ
 tường Berlin 25 năm trước
.
Harald Jäger, trung tá biên phòng Đông Đức đã khóc sau khi ra lệnh mở cửa tường Berlin cách đây 25 năm mà không có đổ máu - REUTERS /Fabrizio Bensch

25 năm trước, vào đêm 09/11/1989, trước sức ép của hàng chục nghìn người dân Đông Berlinh, cửa khẩu đầu tiên của bức tường Berlin đã được mở, đánh dấu bước khởi đầu xóa bỏ ngăn cách hai miền đông và tây nước Đức. Người sĩ quan chỉ huy biên phòng đã phát lệnh mở barrière cửa khẩu đầu tiên là trung tá Haral Jager, chỉ huy chốt gác Bornholmer Strass.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm bức tường ngăn cách Berlin bị xóa bỏ, phóng viên của Reuters đã gặp lại nhân vật đã có quyết định can đảm và lịch sử đó. Trung tá biên phòng Đông Đức, người đã tự mình ra lệnh mở cửa tường Berlin cách đây 25 năm kể lại ông đã khóc ngay sau khi đám đông dân chúng Đông Berlin ùa vào tràn sang phần Tây Berlin và ông lần đầu tiên đã hiểu được thế nào là tự do đi lại.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, Haral Jager nói trước khi ra cái quyết định đã làm xoay chuyển lịch sử đó, ông đã mất hàng tiếng đồng hồ không sao có được một lời giải thích hay mệnh lệnh của cấp trên, trong khi đó ở bên ngoài 20.000 người đang ùn ùn kéo đến cửa khẩu đòi được quyền sang phần tây Berlin.
Khi đã đủ nhận thấy chuyện không bình thường ông tự nhủ phải tự xoay sở và thế là Haral Jager quyết định ra lệnh cho 46 binh sĩ biên phòng dưới quyền chỉ huy của ông mở thanh sắt chắn ngang để cho đám đông đi qua. Sau đó ông lùi lại phía sau và để cho nước mắt cứ thế trào ra. Đó là những giọt nước mắt nhẹ nhõm khi thấy cuối cùng thì đã không có đổ máu, những giọt nước mắt vì cảm thấy cấp trên bỏ rơi, nhưng đó cũng là nước mắt tuyệt vọng của một con người từ lâu nay vẫn tin vào ý tưởng Cộng sản.
Ông Haral Jager gia nhập đơn vị biên phòng từ năm 1961. Trong suốt 28 năm, ông đã tận mắt nhìn thấy bức Tường, từ lúc sơ khai khi nó còn là hàng rào dây kẽm gai cho đến khi thành một bức tường bê tông hai lớp kiên cố vây kín quanh phần Tây Berlin, cắt ngang các con phố, các hộ gia đình và có chỗ cả những nghĩa địa.
Giờ đây ông Jager đã 71 tuổi, hồi tưởng lại cái buổi tối hôm mùng 9 tháng 11 năm 1989, ông nói : « Khi đó thế giới của tôi như đang đổ sụp và tôi cảm thấy mình bị đảng, các cấp chỉ huy của mình bỏ rơi…. Một mặt tôi thấy vô cùng thất vọng nhưng cũng thấy nhẹ nhõm thấy sự việc đã kết thúc hoà bình. Kết cục có thể đi theo hướng khác ».
Các nhà sử học đều ghi nhận quyết định dũng cảm của trung tá Jager tại chốt cửa khẩu Bornholmer Strass vào lúc 23h30 ngày 9 tháng 11 năm 1989. Những giờ sau thời khắc đó người Đông Đức đã nhảy múa trên bức tường ở cửa Brandebourg cùng với tất cả các cửa khẩu khác đã nhanh chóng được mở.
Ông Haral Jager giải thích : « Khi tôi nhận ra được điều gì đang xảy ra, tôi đã vui cùng với những người Đông Đức bởi vì họ đã có được điều mà họ ước ao ».
Chỉ ít giờ trước cái buổi tối ngày 09/11 hôm đó, trong lúc đang ăn tối tại căng tin Jager đã theo dõi được cuộc họp báo của ông Gunther Schabowski được truyền hình trực tiếp. Ủy viên Bộ chính trị đảng Xã hội thống nhất Đức này đã có một thông báo bất ngờ rằng người Đông Đức từ giờ trở đi được phép tự do đi qua phần phía tây. Khi một phóng viên nước ngoài đặt câu hỏi, « lệnh có hiệu lực từ khi nào ? », một chút lưỡng lự, ông Gunther Schabowski nói : « Theo tôi hiểu thì ngay lập tức, không có thời hạn nào ! ».
Theo dõi đến đây, Haral Jager kể lại : « Tôi không còn tin vào tai mình nữa và miếng bánh tôi đang ăn nghẹn lại giữa cổ họng. Ông ta phải hiểu là người Đông Đức sẽ đổ xô ngay ra các cửa khẩu khi nghe thấy thông báo như vậy. Người ta đã không hề thông báo gì cho chúng tôi về điều đó. Họ đã phớt lờ chúng tôi. Nếu tôi không xem được trên truyền hình thì tôi sẽ bị ngỡ ngàng đến mức nào ».
Chỉ về sau này, trung tá Jager mới hiểu được tại sao không một ai trong cấp trên của ông dám nói cho ông biết phải làm gì, cho dù ông đã gọi điện thoại cho họ tới 7 - 8 lần xin chỉ thị.
Tại sao ông Jagger lại chọn mở Bức tường mà lẽ ra ông có thể dùng đến vũ lực để giải tán đám người đang kéo đến mỗi lúc thêm đông đòi được qua bên phần tây Đức?
Cựu trung tá Haral Jager giải thích : « Tôi hy vọng mọi việc diễn ra một cách hoà bình. Khi tôi thấy những đám người dân Đông Đức kéo đến đông, tôi hiểu là họ đã đúng. Tôi chỉ là một trung tá tôi không có quyền quyết định. Nhưng vì không một ai trong cấp trên ra lệnh cho tôi, bởi thế tôi buộc phải có biện pháp. »
Ông Jager giờ đây đã về hưu sống tại một thành phố ở phía bắc Berlin, trong một căn hộ 2 phòng đơn sơ. Ông kể lại, 46 lính biên phòng dưới quyền chỉ huy của ông mỗi lúc lại thêm căng thẳng trước đám người kéo đến đông nghịt. « Lo sợ những người biểu tình cướp vũ khí của chúng tôi, các binh sĩ gác chốt thúc tôi phải làm cái gì đó, nhưng họ cũng không biết là phải làm gì ».
Đến 23h30, Jager ra lệnh cho họ mở Bức tường. Những người lính của ông không tin vào tai mình nữa, yêu cầu ông Jager nhắc lại.
« Họ không phản đối nhưng lưỡng lự, vì họ hiểu là điều đang đến lẽ ra không xảy ra như vậy, nhưng họ cũng biết tình hình là không thể đảo ngược được. Họ cần có chút thời gian để xử lý. Nhưng sau đó, khi thấy mọi việc kết thúc tốt đẹp, họ đã nói với tôi : Haral,  anh đã quyết định đúng » .
Phải nhiều năm sau sự kiện, ông Haral Jager mới xuất hiện và được mọi người biết đến. Có nhiều người vẫn tự hỏi liệu có xảy ra đổ máu không nếu là một người khác không phải là Haral Jager trực chốt gác tối hôm đó. Ông trả lời : « Tôi cũng tự hỏi liệu những người khác có hành động theo cách khác tôi trong hoàn cảnh đó hay không. Nhưng mà bàn về chuyện đó chẳng để làm gì. Điều gì phải đến cũng đã đến ».
Giờ đây khi được hỏi ông vẫn khẳng định : « Không phải tôi là người mở Tường. Chính những công dân Đông Đức tập hợp tối hôm đó đã là việc này. Công lao của tôi chỉ là để việc đó diễn ra mà không có một giọt máu phải đổ xuống ».//
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét