Tháng Một 25, 2014 Để lại phản hồi Sửa
“Thư Gửi BẠN TA” là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ “tgbt@yahoo.com“.
Ngày 14 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Thời gian là khoảng giữa những năm 60 đến đầu thập niên 70. Cuộc chiến Việt Nam khởi đi từ những ngày đầu đến giai đoan khốc liệt nhất. Ở Sài Gòn người ta có thể thỉnh thoảng nghe pháo đài bay B-52 đào bới những vùng chung quanh, hỏa tiễn 122 ly lâu lâu rơi vào thành phố, xuống đường biểu tình chống đủ thứ. Nhưng trong cái ốc đảo có những lúc bình yên, có lúc xao động ở mức địa chấn ấy, người ta vẫn sống. Và đời sống của những người sống trong cái ốc đảo ấy, có những ngõ ngách mà nhiều khi người ta ít thấy ngay cả khi đứng ngay bên cạnh nó.
Không gian là khu vực đóng khung giữa bốn con đường Gia Long, Nguyễn Trung Trực, Lê Thánh Tôn và Công Lý. Khu đất trước là khám lớn của Sài Gòn thời còn người Pháp. Khám lớn được phá bỏ, một kiến trúc mới được xây lên để trở thành trường đại học Văn Khoa. Rồi trường Văn Khoa được chuyển tới một trại binh cũ trên đường Cường Để và đại lộ Thống Nhất. Trụ sở cũ của trường Văn Khoa bị phá, lấy chỗ xây thư viện quốc gia.
Đó là khung cảnh và thời gian của cuốn sách nhan đề Cũng Cần Có Nhau của Hoàng Xuân Sơn, một người làm cái gì cũng part time. Sinh viên part time. Chơi cũng part time. Ngồi cà phê part time, la cà ngoài đường phố cũng part time, làm business part time, đàn hát part time. .. nhân vật đó, người ghi lại một đoạn đời sống của những năm ấy là người quen rất nhiều người, biết rất nhiều chuyện.
Cuốn sách của Hòang Xuân Sơn được chính tác giả gọi là một tập phóng bút. Ông không coi nó là một hồi ký mặc dù nó rất thấp thoáng những nét của một tập hồi ký. Ông kể cho người đọc, mà rất nhiều người đã sống qua thời gian và không gian của cuốn sách những chuyện, những chi tiết không ít người biết.
Hoàng Xuân Sơn viết về người và vật của những năm ông có măt ở trường đại học Văn Khoa, luôn cả những chuyện ở bên ngoài của ngôi trường này, khu vực chung quanh trường, những lề đường, những quán xá, những thời gian la cà ở những nơi đó. Thế nên có lầm đó là một đoạn hồi ký của những năm ấy, những năm tháng của một thời cũng chẳng sao. Tác giả cũng như người đọc đều đã có một thời còn trẻ, những năm của tuổi hai mươi vừa ra khỏi bậc trung học, đang còn áo trắng thư sinh trước khi vào đời.
Đoạn đời ấy vẫn còn ở lại trong trí nhớ của người viết chút lãng mạn như những dòng thơ này:
.
Ta vẫn chờ em dưới mái Tây
Trong đêm còn vọng bước sen gầy
Dù nay trăng đã xa lầu cũ
Em đã xa rồi chim cũng bay
.
Tương kiến thời nan biệt diệc nan (*)
Em bây giờ đã quá quan san
Đêm đêm ngâm khúc Đường thi cũ
Tiếc áo văn khoa với tuổi vàng
.
Ta nhớ ngày xưa cuối giảng đường
Mắt đầy sao và áo đầy hương
Em đem trời đẹp vào trong lớp
Ta thấy đang hè bỗng đã xuân
.
Ta nhớ chiều rơi trên hành lang
Nắng loang vệt nhỏ dưới sân trường
Chiều đi, trời bỗng vàng trên mái
Thành phố bâng khuâng lá ngập đường
.
Ta nhớ con đường em vẫn đi
Con đường xanh cỏ dấu chim di
Chiều nay ngâm khúc Đường thi cũ
Yên thảo có còn như bích ti? (**)
.
(* thơ Lý Thương Ẩn) (** thơ Lý Bạch) (thơ BBT)
.
Hoàng Xuân Sơn mượn mấy chữ trong bài Diễm Xưa để làm tựa cho cuốn sách. Câu hát của Trịnh Công Sơn, người mà Hoàng Xuân Sơn rất thân thiết, một hôm đánh thức tác giả rằng những tảng đá không hoàn toàn vô tri vô giác.. Nó cũng có hoài niệm như những điều người ta khắc lên nó, như rong rêu bám hoài vào nó và một ngày nào đó, ngay cả những chuyện tạp nhạp, nhỏ bé của đời sống cũng sẽ trở thành những chuyện cần thiết cho đời sống của chúng ta. Đôi khi, những giây phút đáng quý nhất trong đời lại chỉ là những phút giây chẳng đáng kể là bao nhiêu. Một buổi sáng bình an. Một chiều ngồi nhìn dòng nước trôi trên sông một buổi tối về khuya. Hãy để ra một chút thì giờ để nghĩ lại những giây phút kỳ diệu đó. Chúng ta không bao giờ muốn mất chúng, luôn cả những ngày, những tháng rất buồn:
.
Sài Gòn có những ngày rất buồn
Sáng tinh sương một loạt nổ vang
Lối xóm xôn xao tin pháo kích
Lại một xóm nào vài mạng chết oan
.
Sài Gòn có những sáng rất buồn
Chuông reo còn ngoài cửa phân vân
Bước vào lớp giảng qua bài mới
Dậy chúng gì rồi cũng tới quân trường?
.
Sài Gòn có những trưa rất buồn
Ciné thường trực tối như bưng
Chán đời xem hết hai phim chưởng
Phim hết dường như vẫn rất buồn
.
Sài Gòn có những chiều rất buồn
Báo mới trăm người tử trận cao nguyên
Trang cáo phó nhạt nhòa tên người bạn
Bỗng dưng bỏ Sài Gòn, bỏ vợ, bỏ con
.
Sài Gòn trong Pagode rất buồn
Bạn bè ta ngồi đấu hót lung tung
Hết chuyện nắng mưa, sang hòa bình, hiệp định
Chuyện da beo và chuyện Tống Lê Chân
.
Sài Gòn có những tối rất buồn
Chạy khắp nơi mà không hết chồn chân
Khi trở về hỏa châu soi đầu ngõ
Đại bác nổ dồn, thành phố giới nghiêm
(thơ BBT)
.
Đọc Cũng Cần Có Nhau người đọc sẽ thấy thấp thoáng trong những chuyện tạp nhạp đó có chính mình, mình của một thời mà thoắt một cái, đã nửa thế kỷ…
.
Hôm nay chủ nhật em đi đâu
Ngày treo trên một chiếc ly sầu
Hàng cây lá mục nghiêng mình ngóng
Mây cũng chờ em, em ở đâu?
.
Hôm nay Chủ nhật em đi đâu
Chiều loang một chút nắng không mầu
Gió ơi , giữ hộ mùi hương cũ
Thuở những bàn tay chưa xa nhau
.
Chiều đã đi cùng những chuyến xe
Tan theo dạ khúc đổ sau hè
Vẫn nghe từ đám mù sương ấy
Giọng hát em trên khắp lối về
.
Ngày đã ra đi với ngại ngần
Con đường toàn những ngả phân vân
Đêm ơi hãy đến bằng đôi cánh
Chở hết đi xa Chủ nhật buồn
(thơ BBT)
.
Tôi gặp Hoàng Xuân Sơn ở trường Văn Khoa Sài Gòn khoảng gần cuối những năm 60. Một ông Huế rất chịu chơi nhưng lại cũng rất hiền lành trong cái đám Bắc kỳ, Nam kỳ lê lết ở trường hồi ấy . Sơn hát rất hay. Ôm lấy chiếc ghi ta là có thể ngồi bên nhau hát theo đàn suốt đêm trong những buổi tối ngồi chơi với bạn bè ở sân sau trường Văn Khoa Nguyễn Trung Trực. Người thanh niên lúc nào quần áo cũng tươm tất học ban Triết nhưng ngồi ngoài hành lang nhiều hơn ở trong giảng đường, lêu bêu trên những con đường của quán xá, cà phê lại vẫn đỗ đạt đều đều để hoàn tất chương trình cử nhân Triết rồi cao học chính trị kinh doanh để trở thành một công chức nhưng không bao giờ bỏ hẳn trò chơi lêu bêu của chàng cho nên làm công chức tuy là full time nhưng rất part time để chàng tiếp tục những trò chơi khác của chàng. Triết học dậy cho chàng những việc làm dấn thân khác của cái thế hệ của chàng. Chàng đi cứu trợ, sinh hoạt với các tổ chức thanh niên và sinh viên thời đó.
Một nửa cuốn sách được dành cho những năm Sơn ở trường Văn Khoa và phần sau của cuốn sách được dành cho mấy người bạn rất đặc biệt của tác giả, trong đó có Trịnh Công Sơn.
Thật khó mà nói về cuốn sách của Hoàng Xuân Sơn. Chỉ xin mời bạn đọc nó. Trong những trang của cuốn sách này, người ta có thể thấy phần nào đời sống của mình, một hai người bạn, có người vẫn quanh đây, có người đã vĩnh viễn rời bỏ chúng ta. Xin hãy đọc để tìm lại một thời gian đã mất, một đoạn của đời sống đã có lúc rất đẹp nhưng cũng rất bất hạnh, những loay hoay của những bước đi của một thế hệ ra đời, lớn lên trong chiến tranh, trong Mậu Thân khói lửa, trong hạnh phúc lận đận khi thảm họa vẫn rình rập ngay trên đầu, những kỷ niệm rất cũ trùng điệp về những ngày cũ trong cái thành phố vẫn còn đó mà không sao tìm lại được, những người bạn người còn, người mất vĩnh viễn không còn nữa.
Kể ra đây làm sao hết được. Thôi thì mời bạn đọc cuốn sách mà cứ mỗi trang sách là lại vài ba hình ảnh cũ hiện về, vài ba cái tên với chân dung rõ nét trở lại.
Đây là cuốn sách rất nên đọc. Đọc, và thỉnh thoảng đọc lại. Cám ơn quí vị và cám ơn Hoàng Xuân Sơn và những kỷ niệm còn lưu giữ được và viết xuống trong những trang của cuốn Cũng Cần Có Nhau.
Ngày 15 tháng 1 năm 2014
Bạn ta,
Bức ảnh đó tôi chụp bằng chiếc Minolta SRT 101 hôm 27 Tết Quý Sửu, cái tết âm lịch cuối cùng tôi còn ở Sài Gòn, năm 1973.
Sáng hôm ấy tôi từ sở ra chợ hoa đường Nguyễn Huệ. Sở của tôi ra chỉ là một khoảng cách ngắn. Buổi sáng nắng trong và xanh. Chợ hoa đang ở lúc đẹp nhất. Không còn quá sớm mà cũng không quá muộn. Hoa lá rực rỡ. Tôi chưa chụp được bức nào, vì còn đang tìm những bông cúc đại đóa ưng ý, thì tôi thấy cô đứng bên một cành mai. Cô còn trẻ, khoảng chưa đến ba mươi, tóc dài, rẽ ngôi giữa, áo lụa nội hóa trắng, mảnh mai, thanh thoát. Cô đang chăm chú nhìn một cành mai. Ánh nắng chiếu ở phía sau tới , những sợi tóc xõa xuống trán, đong đưa sáng loáng bạc. Tôi đưa máy lên, bấm nhanh một bức với kính 135mm, mở khẩu độ tối đa, chỉ focus vào mặt, cho phía sau mờ hết, để những bông cúc chỉ là những chấm vàng lấp lánh. Tiếng sập của kính làm cô quay lại. Tôi xin lỗi cô vì đã chụp cô mà không xin phép. Cô không nói gì nhưng sau đó, quay hẳn về phía tôi, cười thoảng. Tôi chụp liên tiếp khoảng năm bẩy bức khác. Tôi hỏi địa chỉ để gửi ảnh cho cô nhưng cô lại vẫn không nói gì và bước đi. Cô khuất nhanh sau một kiosk bán hoa phía gần Tòa Hòa Giải.
Tôi không bao giờ gặp cô nữa.
Cuộn phim gửi đi khoảng hai tuần sau thì tôi nhận được tập ảnh từ Hawaii gửi về. Trong số ảnh tôi chụp cô, có một tấm đẹp nhất, tấm đầu tiên tôi chụp lúc cô không biết có người chụp lén. Bức ảnh ấy hơi bị out of focus nên tôi quyết định không phóng lớn.
Tôi mang theo bức ảnh ấy khi rời khỏi Việt Nam lần cuối. Trong nhiều năm, nó nằm ép trong quyển tự điển Chambers trên bàn làm việc của tôi trong suốt nhiều năm, mãi tới một lần dọn nhà cách đây hơn 10 năm, tôi mất hai thùng sách, trong đó có cuốn Chambers, và có luôn cả bức ảnh của cô.
Tôi không biết tên cô. Khuôn mặt cô trong bức ảnh hơi bị tối vì ánh sáng ngược. Nhưng tôi vẫn nhớ khuôn mặt ấy.
Tính đến nay, lần gặp cô đã là hơn 40 năm. Nếu hồi ấy cô ngoài hai mươi thì nay, cô phải trong hạng tuổi 60. Cô bây giờ ở đâu sau những dâu biển, đổi dời? Cô có còn ở đâu đó tại Việt Nam không? Cô có bình yên sau trận hồng thủy kinh hoàng xẩy ra cho mấy chục triệu người Việt không? Cô có lưu lạc xứ người không?
Người học trò đời Đường ghé đào hoa trang vậy mà lại may mắn hơn tôi nhiều. Chàng ghé vào căn nhà xin nước uống, người con gái mở cửa, dung nhan ửng lên mầu hoa đào. Chàng uống nước, từ biệt rồi đi tiếp. Năm sau khi chàng trở lại thì chỉ thấy hoa đào cười với những cơn gió từ phương đông thổi lại. Người thanh niên viết một bài tứ tuyệt dán lên cửa nhà nàng…“Khứ niên kim nhật thử môn trung / Nhân diện đào hoa tương ánh hồng…”
Hôm nay, cũng là gần Tết. Tưởng tượng trở lại chợ hoa đường Nguyễn Huệ. “… nhân diện bất tri hà xứ khứ…” Người phụ nữ năm xưa không thể nào gặp lại. Mà gặp lại thì liệu có còn nhận ra nhau nữa không? Thời gian xa cách từ buổi sáng cận Tết Quí Sửu tới nay đã gần gấp đôi tuổi của cô. Đã quá nhiều chuyện xẩy ra trong đời. Gia đình tôi, các con đều đã lớn. Tuổi của chúng còn hơn cả tuổi của cô trong bức ảnh đã thất lạc đó.
Phan Khôi viết bài Tình Già có mấy câu cuối như thế này:
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi cái đầu đều bạc.
Nếu chẳng quen lung , đố có nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi! con mắt còn có đuôi.
Hôm nay, đất khách, hơn hai mươi bốn năm đã rất nhiều. Không gặp lại nhau được. Mà cũng chẳng bao giờ gặp lại. Gặp thì cũng khó mà nhận ra nhau.
Có quen “lung” đâu mà nhìn ra. Thế thì làm sao mà “con mắt còn có đuôi” được.
Cuối năm nhớ lại con đường Nguyễn Huệ và cành mai sáu cánh buổi sáng hôm ấy đấy mà.//
Bùi Bảo Trúc
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét