Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Bùi Tín - Trần Đức Thảo với Những lời trăn trối

Lực lượng công an trong mắt triết gia Trần Đức Thảo
Bùi Tín (VOA) - Sau khi tôi giới thiệu trên VOA cuốn sách Trần Đức Thảo - Những lời trăn trối của nhà báo Tri Vũ, một số bạn trẻ trong nước gửi thư điện tử cho tôi hỏi rằng tôi đã trích ra mấy đoạn ngắn khi tác giả khắc họa chân dung “ông Cụ” - cụ Hồ - rất sống động, chân thực, vậy cuốn sách có chứa đựng chân dung nào khác cũng lý thú, sinh động như vậy không?

 
Xin thưa là có, có khá nhiều, như chân dung các ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu... cũng cô đọng, sinh động không kém. 

Đó là những nhân vật đè nặng như ma ám suốt 40 năm ròng trên sinh mệnh của triết gia Trần Đức Thảo, buộc ông phải ngậm đắng nuốt cay, đóng vai kẻ lẩn thẩn dở hơi để tồn tại, để rồi trong gần 6 tháng cuối đời đã để lại cho hậu thế những phán xét sâu sắc được nghiền ngẫm kỹ càng. Qua lời kể của ông, mới vỡ lẽ ra là khi ông phê phán bài “Hãy đi theo bảng chỉ đường của trí tuệ” của nhà dân chủ Hà Sỹ Phu là làm theo lệnh trên, nhằm được yên thân để còn sống được và thổ lộ tư duy tỉnh táo của mình và lúc cuối đời. 

Dưới đây xin trích dẫn vài đọan ngắn khi ông Trần Đức Thảo nói về lực lượng công an CS Việt Nam, những người đã theo dõi, rình rập, đe dọa, đấu tố ông trong suốt 40 năm ông phải sống trong nhà tù lớn Việt Nam. 

Nhận định về lực lựơng công an chìm và nổi, Trần Đức Thảo cho biết: 

“Có một ngành quen dùng dối trá như một phương pháp hành động chính quy, đó là ngành công an, Với những cán bộ chìm và nổi dày đặc trong xã hội, miệng thì nói công an là bạn dân, là bảo vệ dân, nhưng thực tế công an là ngành đã quản thúc, quản chế dân bằng phương pháp khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng, đe dọa tài sán. Công an đáng lẽ là lực lượng giữ gìn, bảo vệ trật tự, kỷ cương cho xã hội, mà lại luôn tận dụng dối trá thủ đoạn để áp đảo, thống trị xã hội như thế thì làm sao duy trì được tính lương thiện trong dân, làm sao giữ được trật tự kỷ cương, được luân thường đạo lý cho xã hội? Các cụ ta đã dạy “thượng bất chánh, hạ tắc loạn”, “gieo gió thì gặt bão”, ngày nay ngành công an dùng quá nhiều hành động bất chính, gieo toàn là thủ đoạn dối trá, hận thù… thì rồi chế độ này sẽ gặt được gì? Các dân tộc từng sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã có đủ kinh nghiệm để trả lời! Thực tế là guồng máy công an đã phá hoại lý tưởng, đã bôi đen, bôi bẩn đảng, đã làm ô danh chế độ, làm ung thối cách mạng nhiều nhất. Dư luận vẫn than sự lộng quyền của ngành công an là đã hằng ngày đào sâu mồ chôn chế độ”. 

Ở một đoạn khác, ông nói thêm: 

“Tôi thấy cái cấp bách là cần phải can đảm bãi bỏ hẳn mọi phương pháp tổ chức. mọi chính sách hành động bất chánh trong toàn thể guồng máy cai trị của đảng và nhà nước, cả về mặt tuyên truyền lẫn mặt hành chính. Đứng đầu là phải thay đổi hẳn cách huấn luyện, phải tổ chức hẳn lại ngành công an. Dùng công an để kiểm soát và đàn áp tư tưởng là việc làm vô ích. Công an không thể bịt miệng dân, không thể kiểm soát những suy tư trong đầu người dân. Chính những người CS lãnh đạo có kinh nghiệm đó hồi bị thực dân, phong kiến đàn áp, cầm tù. Nhà tù, trại cải tạo luôn luôn là lò đào tạo ý chí phản kháng mạnh nhất. Vậy mà nay chính quyền lại hành động thống trị còn tệ hơn cả thời thực dân phong kiến! Dân chúng cứ bị đẩy về phía căm thù chế độ. Chế độ như vậy thì không thể nào sửa sai, sửa lại mà dùng được...” 

Rồi ông kết luận đoạn này như sau: 

“Tôi chống thủ đoạn gian dối về mọi mặt chứ không chỉ về mặt tuyên truyền hay công an… Tôi chống đây là chống cái gian, cái ác, tức là chống một cách xây dựng. Không lắng nghe tôi là chế độ sẽ ngày càng bị lún sâu vào hư đốn, cho đến khi bị đào thải... Tôi biết những nhận xét ngay thẳng đó là những liều thuốc đắng, nhưng không chịu lắng nghe thì rồi chính lãnh đạo và nhân dân sẽ phải trả giá, có khi là rất đắt. Tôi luôn luôn cố vận dụng sự trong sáng của lương tri trong những ý kiến đối kháng, phản biện...” 

Có những hoài nghi rất có cơ sở là chính một vài tên công an nỗi và chìm trong sứ quán VN ở Paris đã được lệnh kết thúc cuộc đời ông khi họ nghi rằng ông đang viết một cuốn sách tâm huyết, bạch hóa hết những thâm cung bí sử mà ông được biết, nhằm đền đáp lại nhân dân, với niềm tin rằng nhân dân sẽ hiểu ra cuộc đời trong sáng của một trí thức chân chính và nhận ra chủ nghĩa Mác và đảng CS VN cũng như “ông Cụ” và các đồng chí của “ ông Cụ” là tai họa thật sự của dân tộc, của nhân dân. 

Phải chăng để che dấu cả chuỗi dài tội ác với nhân dân và với cá nhân ông Trần Đức Thảo mà đã có những điều không bình thường xảy ra sau khi ông chết bất ngờ vì “đau bụng” ngày 23/4 /1993: đó là việc Đại sứ VN Trịnh Ngọc Thái ở Pháp được lệnh đến cơ sở hỏa táng trong Nghĩa trang Père Lachaise ngày 29/4/1993 để báo tin ông được truy tặng Huân chương Độc lập (mà không có một lời điếu văn nào); sau đó 7 năm, năm 2000 ông được tặng “Giải thưởng Nhà nước”, mà không ai nói rõ về thành tích và công lao gì. Hẳn dưới suối vàng ông đã cười to một mình về những điều trái khoáy kỳ quặc như thế trong một chế độ quái dị. 

Cả Bộ Chính trị 16 người, 200 ủy viên Trung ương đảng CS, và đặc biệt là hơn 400 viên tướng và hơn 1.000 cán bộ cấp cao khác của riêng ngành Công an hãy đọc kỹ “Những lời trăng trối” của nhà triết gia Trần Đức Thảo và tự vấn lương tâm, rút ra nhiều điều bổ ích. 

Đây là việc làm cấp bách, vì khi nhà triết học nói lên những sự thật trên đây từ 21 năm trước đến nay, lực lượng công an còn sa sút thêm nhiều, trượt dài trên quá trình trở thành tai họa thật sự cho nhân dân. Công an bịt mồm linh mục giữa tòa án, đạp giày lên mặt anh đảng viên CS trẻ đang xuống đường chống bành trướng, tra tấn hành hung các cụ ông cụ bà cao tuổi, giết hại nhiều công dân ngay trong trụ sở công an...

Nếu còn sống triết gia Trần Đức Thảo chắc sẽ đau lòng lắm khi thấy những tên móc túi, những ké trộm vặt, trộm gà, trộm chó thì bị bắt, bị tra khảo, ngồi tù, còn những quan chức, tướng lãnh cướp của nhà nước, của nhân dân hàng triệu, hàng tỷ, hàng trăm ngàn tỷ đồng, kết thành nhóm thành phe thì vẫn nhởn nhơ thống trị xã hội, còn được phong tướng tá công an, với một ngân sách kinh hoàng là không kém ngân sách quốc phòng. 

Chỉ tiếc là triết gia yêu nước thương dân không còn sống để chứng kiến sự rệu rã của một chế độ mục nát phi nhân, đúng như ông đã dự đoán trong những lời trăng trối tâm huyết và những lời cảnh báo nghiêm khắc “Công an đang hằng ngày đào mồ chôn chế độ”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét