Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Bài đóng góp ý kiến với tác giả Nguyễn Hưng Quốc!

*

Góp Ý Tác giả Nguyễn Hưng Quốc: Thêm Nhóm Thứ Ba Lúc Ẩn Lúc Hiện Trong Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại.
.
Nguyễn Quang Duy
.
Trên diễn đàn Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) Tác giả Nguyễn Hưng Quốc vừa phổ biến bài “Hai nhóm chính trong cộng đồng người Việt hải ngoại”. Tác giả dựa trên lý thuyết chia cộng đồng người Việt hải ngọai thành hai nhóm chính: nhóm lưu vong và nhóm xuyên-quốc gia. Tác giả nhận xét một số hiện tượng như biểu tình cờ vàng, biểu tình cờ đỏ, đã đào sâu hơn những khác biệt dẫn đến tâm lý không ưa nhau, phân hóa, thậm chí nghi kỵ nhau… để đưa đến kết luận là hai nhóm cần hiểu và chấp nhận nhau. Xin xem bài viết (Phiá dưới) để rõ hơn.

Vì dựa trên lý thuyết tác giả chưa đề cập đến một nhóm thứ ba lúc ẩn lúc hiện trong các sinh họat của người Việt hải ngọai: nhóm cầm quyền Hà Nội. Thực tế hóa vấn đề bài viết này xin trình bày một số sự kiện vừa xảy ra tại địa phương nơi tác giả Nguyễn Hưng Quốc và tôi, đang sống Melbourne, Victoria, Úc châu.

Tại Melbourne cũng có hai cuộc biểu tình trước tòa lãnh sự Trung cộng phản đối việc giàn khoan HD-981 xâm lấn thềm lục địa Việt Nam.

Theo Vietnamnet thì chiều ngày thứ bảy 17-5-2014 có hơn 200 người Việt biểu tình trước tòa lãnh sự Trung cộng. Bản tin cho biết một trong 2 người đứng ra kêu gọi buổi biểu tình là cựu du học sinh Vũ Anh Minh.

Trước đó ít hôm, ngày 14-5-2014 một lời kêu gọi biểu tình do một số người khác đứng tên (không có Vũ Anh Minh) đã được phổ biến trên một tờ báo địa phương. Trong số những người đứng tên có một người đã được báo trong nước đưa tin là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam và là Chủ tịch Hội Việt kiều tại thành phố Melbourne và Australia.

Lời kêu gọi đã tạo ra một dư luận cuộc biểu tình do Tòa Đại Sứ đứng ra tổ chức hay dấu mặt tổ chức.


Cuộc biểu tình khác là vào ngày chủ nhật 18-5-2014 do Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Melbourne đứng ra tổ chức. Đây là một cuộc biểu tình tuần hành bắt đầu từ quảng trường Federation Square thuộc trung tâm thành phố Melbourne rồi tiến đến Tòa Lãnh sự Trung cộng. Sau đó đòan biểu tình quay lại trung tâm thành phố để tham dự một đêm thắp nến với sự hiện diện của Phật Giáo, Công Giáo, Cao đài Hòa Hảo và Phật giáo Tây Tạng cầu nguyện cho quê mẹ sớm tự do và thái bình.

Vì cuộc biểu tình này do Cộng đồng đứng ra tổ chức nên số người tham dự được cảnh sát ước tính lên đến trên 3,500 người. Con số này vượt quá xa con số ước tính ban đầu của Ban Tổ Chức. Trong chưa đến một tuần thông báo số người tham dự đã nói lên nỗi quan tâm đất, biển, đảo Việt Nam đang bị Trung cộng lấn chiếm trong cộng đồng người Việt tự do tại Melbourne.

Cuộc biểu tình được rất nhiều bạn trẻ tham dự và trong số có rất nhiều du học sinh. Tôi được gặp hai bạn, sang Úc du học cách đây vài năm, nay định cư tại Úc, cũng xin tự nguyện tiếp tay phụ giúp Ban Tổ Chức. Hai bạn cho biết không tham dự cuộc biểu tình ngày thứ bảy 17-5-2014.

Có bạn du học sinh tham dự biểu tình ngày thứ bảy 17-5-2014 cho biết các bạn còn gia đình tại Việt Nam hay còn phải về thăm gia đình tại Việt Nam, nên sợ và không có sự chọn lựa khác hơn. Tâm lý sợ hãi vẫn còn tồn tại trong sinh họat người Việt hải ngọai và nguyên nhân từ cái nhóm thứ ba, nhóm cầm quyền Hà Nội mà tác giả Nguyễn Hưng Quốc không nhắc tới.

Sự ẩn hiện của nhóm cầm quyền Hà Nội gặp phản ứng ngược. Họ càng can thiệp thì người Việt chống cộng càng trở nên chống cộng tích cực hơn. Những người Việt chống độc tài, như tác giả Nguyễn Hưng Quốc, cũng càng ngày càng trở nên dứt khóat hơn.

Do nhóm cầm quyền Hà Nội nuôi dưỡng sự sợ hãi đã tạo ra những vùng cấm cộng sản tại hải ngọai. Trường Đại Học Victoria nơi tác giả Nguyễn Hưng Quốc đang dạy nằm ngay trung tâm Footscray, một vùng cấm cộng sản.

Chắc tác giả Nguyễn Hưng Quốc còn nhớ ngày thứ bảy 25-9-2010, đã có tới 1,500 người Việt biểu tình với tiêu đề “Vinh Danh Cờ Vàng, Lên Án Việt Gian”. Bà con Việt đã đến tận văn phòng của hai người để minh xác Footscray không chấp nhận Việt gian cộng sản. Những người này là những người đã đứng tên kêu gọi cuộc biểu tình ngày thứ bảy 17-5-2014.

Trên Facebook gần đây xuất hiện những tranh luận về cờ vàng cờ đỏ và về phong trào “Selfie: China Get Out of Viet Nam”. Phong trào khuyến khích bạn trẻ chụp hình có dòng chữ ”China Get Out of Viet Nam” để đưa lên Facebook. Dường như xuất phát và mục tiêu của phong trào là Melbourne và Úc châu. Những việc này đã tạo ra những tranh cãi đánh lạc hướng sự thật sự nhúng tay của nhà cầm quyền Hà Nôi đã nêu trên.

Có lập luận cho rằng lá cờ gắn liền với thể chế, khi thể chế thay đổi lá cờ cũng thay đổi và lá cờ đỏ hiện đang được thế giới chấp nhận. Điều này không sai nhưng gần 40 năm qua lá cờ vàng vẫn tồn tại và càng ngày càng được vinh danh trong cộng đồng người Việt tự do. Chọn một màu cờ là chọn một điểm chung để tập hợp lực lượng.

Nhiều du sinh chỉ biết đến lá cờ vàng khi đã rời Việt Nam. Điều này nói lên nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền Việt Nam, họ sợ người dân tập hợp lực lượng dưới lá cờ vàng. Chính nỗi sợ hãi cờ vàng mà nhóm cầm quyền đã bắt, kết án và cầm tù Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên. Nhưng lại chính việc cầm tù hai bạn trẻ, lá cờ vàng lại càng được nhiều bạn trẻ tại Việt Nam biết đến.

Ngày nay trên màn ảo lá cờ vàng đã xuất hiện cùng khắp Việt Nam. Ngày mai lá cờ vàng sẽ thực sự công khai xuất hiện mang dấu hiệu của ngày Việt Nam có tự do.

Thóat Trung và Thóat Cộng là hai đề tài đang nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau. Chọn lá cờ vàng là chọn việc thóat Cộng để có cơ hội thóat Trung.

Lẽ đương nhiên mỗi cá nhân đều có quyền chọn cờ vàng, cờ đỏ hay một lá cờ thứ ba làm điểm hội tụ. Và lẽ đương nhiên trong cuộc đấu tranh vận động chính trị thì tranh luận để đưa ra sự thực về màu cờ sắc áo là chuyện hết sức bình thường. Tranh luận là biểu hiện của sinh họat dân chủ. Có tranh luận mới hiểu và chấp nhận sự khác biệt. Việc ngăn cản, can thiệp và cấm đóan của những kẻ ẩn mình mới chính là điều bất thường cần được giải quyết.

Bài viết của tác giả Nguyễn Hưng Quốc đã thiếu hẳn nhóm thứ ba, nhóm cầm quyền Hà Nội, nhóm này lúc ẩn lúc hiện bất thường. Nhóm này xét cho cùng là nguyên nhân chính của phân hóa và nghi kỵ giữa người Việt Nam với nhau.

Sống trong một xã hội đa nguyên, hiểu được sự thật, chấp chấp nhận sự thật và tôn trọng sự thật, người Việt chúng ta mới có thể sống hòa đồng tôn trọng lẫn nhau. Nói một cách khác thóat Cộng chính là tiền đề để người Việt sống hòa đồng tôn trọng lẫn nhau.

Nguyễn Quang DuyMelbourne, Úc Đại Lợi
17-07-2014
* * *
Hai nhóm chính trong cộng đồng người Việt hải ngoại
Nguyễn Hưng Quốc
Tôi có vài người quen vượt biên sang Úc định cư mấy chục năm nay. Họ thuộc loại thành công, công ăn việc làm ổn định, tính tình rộng rãi và vui vẻ. Họ chỉ có một vấn đề là: rất không ưa các du học sinh cũng như những người mới từ Việt Nam sang. Chưa bao giờ tôi hỏi họ lý do tại sao có tâm lý ấy. Nhưng tôi đoán là, dưới mắt họ, những người du học hoặc di dân mới ấy đều là con cháu tầng lớp cán bộ chuyên tham nhũng hoặc những người mới giàu xổi sau này, chỉ biết vơ vét tiền bạc từ bất cứ nơi nào có thể rồi ăn chơi trác táng, không biết quan tâm đến đồng bào và đất nước, dửng dưng trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, v.v…
Ngược lại, tôi cũng gặp không ít các du học sinh và những người mới di dân sang Úc có cái nhìn khá thiếu thiện cảm đối với lớp người tị nạn. Theo lời họ, phần lớn người tị nạn lớp trước thường có tâm lý bảo thủ, khư khư ôm chặt quá khứ chiến tranh trong lòng, hay nói về chính trị, mà chủ yếu là chính trị theo kiểu đối kháng, không theo kịp với những sự thay đổi chóng mặt ở Việt Nam, v.v…
Xin nhấn mạnh: Cả hai trường hợp trên, tôi nghe thấy khá nhiều, nhưng không phải là tất cả, thậm chí, cũng khó nói được là số đông, bởi lý do đơn giản: chúng ta chưa có một cuộc điều tra hay thống kê nào cả. Ở đây, tôi chỉ bàn vấn đề từ kinh nghiệm của một người có nhiều cơ hội tiếp xúc với cả hai nhóm tị nạn và du học cũng như di dân.
Loại trừ những thành kiến hay tâm lý nghi kỵ nhau về phương diện xã hội, trong lãnh vực chính trị, chúng ta cũng dễ dàng phát hiện những khác biệt giữa hai nhóm. Rõ nhất là qua vụ biểu tình chống Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam. Ở các thành phố lớn tại Úc, thường có hai cuộc biểu tình vào hai ngày khác nhau: Một, của cộng đồng người tị nạn với cờ vàng ba sọc đỏ và một, của các sinh viên sang Úc du học, trong đó, có không ít người đã học xong và ở lại làm việc tại Úc, với cờ đỏ sao vàng. Cả hai đều chống Trung Quốc. Nhưng hai bên lại không thể nhập làm một chỉ vì lá cờ.
Tuy không thể biết chính xác mức độ khác biệt giữa hai nhóm tị nạn và di dân/du học ấy phổ biến đến độ nào nhưng, chỉ bằng kinh nghiệm và quan sát, chúng ta cũng có thể biết được mấy điều: Một, nó có thật; hai, nó có ảnh hưởng khá lớn trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh hưởng ấy có thể nhận ra ở nhiều phương diện. Về phương diện xã hội, cộng đồng thường chia thành các nhóm nhỏ, hiếm khi có được sự hòa đồng và đoàn kết chặt chẽ. Về phương diện tâm lý, nó gây phân hóa, thậm chí, nghi kỵ giữa người Việt Nam với nhau. Về phương diện chính trị, chắc chắn nó làm suy yếu, hơn nữa, có thể vô hiệu hóa những nỗ lực tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam hoặc cho chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Đứng về phương diện nghiên cứu lưu vong học hay di dân học, thật ra, người ta không thấy có gì đáng ngạc nhiên cả. Những sự phân hóa và chia rẽ như vậy hiện diện trong mọi cộng đồng xa xứ. Chỉ khác nhau ở mức độ mà thôi. Có điều, từ góc độ chuyên môn, chúng ta dễ thấy vấn đề một cách sáng rõ hơn, do đó, cũng tránh được những cách nhìn mang định kiến vốn dễ làm trầm trọng hóa vấn đề.
Từ góc nhìn học thuật, chúng ta có thể chia cộng đồng lưu vong thành hai nhóm chính: nhóm lưu vong (diaspora) và nhóm xuyên-quốc gia (transnationalism).
Hai khái niệm này, hiện nay khá phổ biến trong lãnh vực nghiên cứu về di dân hay sắc tộc, vừa có điểm giống vừa có điểm khác nhau.
Giống: Cả hai đều sống ngoài quê hương, đều bị ám ảnh về gốc gác và quá khứ, đều băn khoăn về vấn đề bản sắc, đều, với những mức độ nhiều ít khác nhau, bị kỳ thị và lạc lõng ở xứ người.
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai khái niệm này cũng không nhỏ.
Khác, trước hết, ở lịch sử của từ: Trong khi lưu vong có gốc rễ tận thời cổ đại, với việc người Do Thái bị trục xuất khỏi quê hương của chính họ, hoặc gần hơn, với hiện tượng người Phi châu bị bắt bán làm nô lệ ở châu Âu trong mấy thế kỷ trước, từ xuyên quốc gia mới hơn, chỉ xuất hiện từ vài thập niên gần đây.
Khác, ở lý do tha hương: Với người lưu vong, lý do chính là vì chính trị, và phần khác, ít hơn, kinh tế; nhưng dù là vì chính trị hay vì kinh tế, việc quyết định ra đi của họ bao giờ cũng được xem như một thảm kịch, gắn liền với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cộng sản hoặc chiến tranh khốc liệt, trong khi đó, xuyên quốc gia được hình thành chủ yếu từ lý do nghề nghiệp và kỹ thuật, gắn liền với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô.
Khác, ở tính chất: Lưu vong bao giờ cũng nặng màu sắc chính trị, trong khi đó, tính chất chính trị ở những người xuyên quốc gia, nếu có, cũng nhẹ nhàng hơn nhiều, không đủ trở thành một ám ảnh lớn, từ đó, định nghĩa bản sắc của họ.
Khác, ở quan hệ, thứ nhất, quan hệ với quê gốc: trong khi, với những người lưu vong, quan hệ ấy ít nhiều cay đắng, có khi thù hận; với những người xuyên quốc gia, quan hệ ấy hoặc bình thường hoặc ở mức có thể hòa giải được. Thứ hai, quan hệ với quê gốc ấy ảnh hưởng đến quan hệ với quê mới: với người lưu vong, bị đè nặng bởi ký ức tập thể, trong đó có khá nhiều ký ức  đau đớn, người ta khó thoát khỏi quá khứ, và vì khó thoát khỏi quá khứ nên việc hội nhập có nhiều trắc trở và trăn trở, trong khi đó, những người xuyên quốc gia, do tâm lý ít nhiều thanh thản, có thể về lại quê cũ bất cứ lúc nào nên quan hệ với quê mới cũng ít bị day dứt hơn.
Nói một cách đơn giản hơn, trong khi những người tị nạn là lưu vong (dispora); những người sống ở hải ngoại với tư cách du học sinh hoặc di dân vì lý do nghề nghiệp sau này là xuyên quốc gia (transnationalism).
Hiểu và chấp nhận những cái khác ở trên sẽ có nhiều cái lợi: Thứ nhất, chúng ta sẽ thông cảm những người có tâm lý và cách nhìn vấn đề khác mình. Thứ hai, chúng ta sẽ không đòi hỏi nhau một cách quá đáng, thậm chí, phi lý để vừa không vượt qua mâu thuẫn mà còn làm cho mâu thuẫn ngày càng trầm trọng thêm. Thứ ba, chúng ta sẽ trở nên khoan dung hơn, và khi mọi người đều khoan dung, cộng đồng sẽ trở thành mạnh mẽ hơn.//

 
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét