Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Bài viết của NS/TS (?) Nguyễn Văn Tuấn!

----- Original Message ----- 
From: tuan nguyen 
To:
Sent: Thursday, March 07, 2013 4:29 PM
Subject: Nhạc boléro (“sến”): chất dinh dưỡng của tình yêu! Nguyen Van Tuan


Nhạc boléro (“sến”):

chất dinh dưỡng của tình yêu!

- - - - - - - -


Nguyễn Văn Tuấn     


Thứ bảy, 05 Tháng 11 2011 01:04


Hôm nọ, ngồi nhâm nhi li cà phê trong quán một người bạn ở Cabra, đang nghe Mỹ Tâm ca những bài melodies ngọt ngào, chợt một anh chàng khách
Tây ngồi bên cạnh nói: tôi không hiểu những lời ca trong bài này, nhưng tôi có thể nói đây là một bài ca đẹp. Tây mà thích nhạc bolero này ư? Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng rồi nhận ra anh chàng này có lí, vì âm nhạc là ngôn ngữ phổ quát của con người mà. Câu chuyện làm tôi có hứng viết vài dòng tản mạn về một chuyến đi hồi tháng Tư vừa qua ở bên nhà …


*



Mười giờ đêm. Chiếc xe van từ Sài Gòn đi Cần Thơ đã đến Tiền Giang.
Nhìn sau lưng thấy 2 người bạn đồng hành đang say giấc nồng. Trên xe chỉ còn tôi và anh tài xế là chưa ngủ. Anh thì chắc không thể ngủ lúc này, còn tôi thì không quen ngủ trên xe. Nhưng chắc anh cũng như tôi, đang thả hồn bềnh bồng trong đêm tối đen với cơn mưa rả rít. Tôi quay sang hỏi anh tài xế để phá cái không khí im lặng này:


- Có CD nhạc nào để nghe đỡ buồn không bác tài?


Anh tài xế có gương mặt xương xẩu, khắc khổ, nhưng có nụ cười rất hiền lành và dễ mến. Anh đi với tôi suốt từ Vũng Tàu, về Sài Gòn, và nay thì đi Cần Thơ. Đó là một chuyến đi thú vị, vì được dịp sống lại cái thời những chuyến xe miền Tây. Anh chắc cũng độ tuổi tôi, nhưng xưng  “em” ngọt sớt và gọi tôi bằng Thầy một cách trịnh trọng. Mắt chăm chú lái xe, anh ngập ngừng nói:

- Dạ có, nhưng em sợ thầy không nghe được loại nhạc này …

Tôi gặng hỏi anh nhạc gì, thì anh quanh co một hồi mới nói:

- Dạ nhạc … boléro. Nhạc sến đó thầy. Chắc không hợp với 'gu' của thầy đâu.

Ồ, tưởng là nhạc hip hop, nhạc nói, nhạc chửi, chứ loại nhạc sến này thì tôi nghe được mà. Nghe nhiều nữa là khác! Tôi cười ha hả, rồi nói như để chứng minh cho anh biết tôi có cùng gu thưởng   thức với anh:

- Trời! Sao anh nói vậy, tôi còn nghe cải lương anh à. Mê cải lương thì đúng hơn. Dân miền Tây mà anh! Đâu, mở một CD nghe coi …

Thăm thẳm chiều trôi / khuya anh đi rồi / sao trời đưa lối
Khi thương mến nhau / hai người hai ngả tránh sao bồi hồi
Hẹn gặp nhau đây đêm thâu lá đổ / sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ

Ah, đúng là một ca khúc boléro tiêu biểu. Đã lâu lắm rồi, tôi mới nghe lại ca khúc này của Trần Thiện Thanh. Một ca khúc chắc cũng cả 40 năm
tuổi đã được làm mới với cách hòa âm khéo léo và mượt mà, cùng với tiếng đàn guitar chắc nịch làm cho người khó tính không ưa loại nhạc này cũng khó có thể bỏ qua. Thấy tôi chăm chú lắng nghe, anh tài xế hỏi tôi một cách tự hào: thầy biết ai đang ca không?
Tôi trả lời không do dự: Phương Dung chứ ai.
Anh nói như reo lên: Ủa, thầy mà cũng biết Phương Dung hả, em khoái giọng ca của bà này lắm nghen?
Tôi nói cho anh nghe về Phương Dung, người có thời báo chí miền Nam gọi là con nhạn trắng Gò Công, về những việc làm từ thiện của chị ca sĩ dễ mến này. Tôi còn cho anh ta biết rằng Phương Dung đã đi tu rồi. Anh ngạc nhiên một cách thích thú khi biết tin này, rồi thốt lên:
- Trời, thầy rành chuyện mấy ca sĩ trước 1975 quá ta.
Thế là anh ta như vớ được một người đồng cảm, và bắt đầu nói về nhạc xưa, nhạc nay, với những quan điểm và nhận xét rõ ràng là của một người có học.
Hóa ra, anh từng là một sĩ quan cấp thiếu úy thời VNCH. Mới ra trường đeo lon thiếu úy chưa đầy một năm thì đến ngày 30/4. Cải tạo một thời gian ngắn. Về lại đời thường, anh xoay xở sống chật vật một thời gian, tìm đường vượt biên nhưng không may mắn. Anh quyết định ở lại quê nhà,
và sau nhiều năm làm lụng, kì cóp, anh đã có một vốn kinh tế ổn định.
Bây giờ anh lái xe theo hợp đồng. Và, với cái nghề đó, anh gặp rất nhiều người thuộc nhiều giai cấp trong xã hội. Anh kể nhiều chuyện nghe chẳng biết nên cười hay nên khóc.
Anh nói nhiều khách đi xe anh cũng là giáo sư, là tiến sĩ, rồi anh nói thêm “không biết thật hay dỏm”, nhưng “thầy biết không, có người rất hách dịch, họ đòi em phải gọi họ là giáo sư, là tiến sĩ”.
Rồi anh giải thích: em làm nghề dịch vụ mà thầy, lời nói không mất tiền mua, nên họ muốn gì em gọi đó. Bởi vậy, khi gặp tôi và nghe hai người bạn đồng hành gọi “Thầy” thì anh đã có ác cảm với những người như thế, và do đó, anh rất giữ kẽ. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao trên đường đi từ Vũng Tàu về Sài Gòn anh ít khi nào mở miệng bàn chuyện với chúng tôi. Nhưng tôi biết anh đang lắng nghe, vì thỉnh thoảng chúm chím cười một mình.
Nói về những con người anh từng gặp và kèm theo những nhận xét rất chân tình, anh quay sang nhìn tôi trong bóng đêm, rồi nói:
- Nói thiệt không phải nịnh thầy nghen, em chưa thấy ai bình dân như thầy. Thầy đúng là dân miền Tây thứ thiệt.
Tôi cười rồi cám ơn anh về nhận xét đó, và nói thêm rằng nguyên quán tôi thật ra là ngoài Trung, nhưng vì Ba tôi đi kháng chiến trong Nam, và tôi sinh ra và lớn lên trong này. “Trong này” là quê hương của cải lương, của những bài tình ca mà hát lên ai cũng hiểu được.

Nói một hồi thì đến một ca khúc Về đâu mái tóc người thương của Hoài Linh qua tiếng hát rên rỉ của Trường Vũ:

Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối

Những lời ca đẹp đẽ, bay bổng, có chút trừu tượng nhưng không quá xa với tâm tư của “người thường”. Tôi khen lời nhạc hay. Thật ra, tôi khen là thừa, bởi trước đây Hoài Linh từng nổi tiếng là một nhạc sĩ có những ca từ hay nhất. Nghe tôi khen lời ca, anh tài xế như có thêm động lực, và thế là câu chuyện lại quay về nhạc sến.
Anh hùng hồn tuyên bố rằng nhạc sến là nhạc hay nhất, rồi hỏi tôi: thầy đồng ý không? Tôi dù không đồng ý, nhưng để giữ không khí hòa nhã nên cũng ậm ừ nói một câu để anh vui: tôi cũng nghĩ nhạc sến có nhiều bài rất hay, như bài này chẳng hạn.
Anh hỏi như để khẳng định nhận xét của mình: nếu không hay thì tại sao nhạc này vẫn tồn tại cho đến ngày nay dù đã qua bao lần vùi dập, chê bai, thậm chí tẩy chay. Tôi thấy triết lí và cách lí giải của anh tài xế cũng thú vị, chẳng khác gì [hơi méo mó khoa học một chút] có người ví von nói nếu vi khuẩn H polori nó hiện diện trong người lâu như thế (trên 50 ngàn năm) thì chắc chắn nó cũng có vai trò tốt chứ đâu phải là hoàn toàn xấu. Tương tự, nếu nhạc boléro tồn tại qua nhiều thập niên, trải qua bao nhiêu vùi dập, khinh bạc, và cấm đoán, mà dòng nhạc này vẫn tồn tại và phát triển thì chắc chắn loại nhạc boléro cũng có vai trò xã hội của nó.

Tôi không rõ nhạc boléro du nhập vào Việt Nam chính xác vào lúc nào, nhưng quả thật loại nhạc này có sức sống phi thường ở nước ta. Theo vài nguồn thì nhạc boléro xuất phát từ Tây Ban Nha vào cuối thế kỉ 18. Đó là loại nhạc được chơi chỉ bằng đàn guitar, với lời ca chỉ 4 đến 7 từ trong mỗi dòng, và mỗi đoạn chỉ 4 đến 5 dòng nhạc.
Một nguồn khác thì cho biết nhạc boléro theo kiểu Mĩ Latin xuất hiện lần đầu ở Santiago (Cuba) vào khoảng cuối thế kỉ 19. Ca sĩ huyền thoại Beny Moré là người có công phổ biến loại nhạc này ở châu Mĩ Latin vào thập niên 40 và 50 trong thế kỉ 20. Nếu lịch sử tân nhạc ở nước ta hình thành từ
những năm 1930, thì có thể nói rằng nhạc boléro Việt cũng đã có mặt vào lúc đó. Như vậy, dòng nhạc này đã tồn tại và song hành cùng chúng ta ngót nghét 80 năm. Ấy thế mà dòng nhạc này được nhiều người cho là… sến!

Tại sao gọi là “sến” thì vẫn còn trong vòng tranh luận. Những kiến giải về chữ sến đã được cố giáo sư Cao Xuân Hạo và nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc trình bày suốt 10 năm qua, nhưng hình như vẫn chưa đi đến một sự "đồng thuận" về ý nghĩa và nguồn gốc. Tuy nhiên, một ý nghĩa khá rõ ràng là khi đề cập đến nhạc sến, người ta hàm ý nói đó là dòng nhạc bình dân (khác với nhạc sang), là dòng nhạc dành cho người lao động, không có học thức cao. Nhưng lấy tiêu chuẩn gì (?) để đánh giá là một ca khúc sang và một ca khúc bình dân thì chưa ai trình bày. Có lẽ những người am hiểu và mê nhạc cổ điển phương Tây thì các dòng nhạc rock, nhạc mà người Việt chúng ta hay gọi là “tiền chiến” cũng là những dòng nhạc thiếu tính sang trọng. Ấy thế mà ở Việt Nam, có không ít người yêu nhạc “tiền chiến” cho rằng những sáng tác của các nhạc sĩ như Vinh Sử, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Trịnh Lâm Ngân, Hoài Linh, Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng, v.v. là sến.
Hình như theo cái nhìn của những người này, những ca khúc có lời ca khó hiểu, cầu kì, thơ, triết lý là nhạc sang, còn những ca khúc có những lời ca dễ hiểu, dễ đi vào lòng người là sến. Nhưng tôi không tin rằng đa số những người khinh dòng nhạc sến qua cách đánh giá lời nhạc chính họ cũng không hiểu những câu nhạc trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn hay Từ Công Phụng!

Suy nghĩ một cách khách quan, cách phân biệt dòng nhạc 'sang' và 'sến' như thế chẳng có "cơ sở" khoa học nào cả. Thật vậy, tôi nghĩ ngay cả cách
phân biệt nhạc sang và nhạc sến cũng có vấn đề ngay từ tiền đề. Nếu chúng ta nhìn âm nhạc qua 2 khía cạnh kĩ thuật và tác động thì sẽ thấy cách phân biệt đó khó có cơ sở khoa học. Khía cạnh thứ nhất là những “chất liệu” có thể đánh giá và đo lường, như giai điệu, hòa âm, âm sắc, v.v. Khía cạnh thứ hai là tác động của âm nhạc trong bối cảnh và môi trường văn hóa, tức là khía cạnh chủ quan, cảm tính, rất khó có thể cân đo đong đếm được. Nếu nhìn âm nhạc qua hai khía cạnh đó, chúng ta sẽ thấy chuyện so sánh nhạc sang và nhạc sến là thiếu cơ sở khoa học.

Không có sự vật nào mà hiện hữu trong hư không. Một nhành cây hay một chiếc lá rơi rụng trong rừng, và dù không ai nghe thấy, thì nó cũng gây nên một âm thanh. Âm nhạc cũng thế: âm nhạc không thể tồn tại trong hư không, mà còn được cảm nhận bởi người nghe. Nhưng người nghe,
người thưởng thức thì rất đa dạng và họ có những cái gu thẩm mĩ rất khác nhau và tùy thuộc vào bối cảnh nghe.
Lúc còn nhỏ mới lên thành đi học, tôi ở cạnh nhà của một ông chủ quán cà phê mà trưa nào cũng phát thanh bài Qua cơn mê làm tôi rất ưa thích loại nhạc này (mà sau này tôi mới biết người ta nói là nhạc sến), nhưng khi lớn lên và hiểu chút về triết lý Phật tôi lại mê câu
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / để một mai tôi về làm cát bụi.
Nhưng người khác thì có vẻ không ưa những ca từ như thế, mà thích những câu chữ “trực tiếp” hơn như
Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó / Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi lại mất / Người ơi xin nhớ cát bụi là ta ...mai này chóng phai.
Nhưng dù là lời ca nào thì hai ca khúc trên vẫn là phương tiện làm cho chúng ta cảm thông với nhau. Nếu thế thì cả hai ca khúc – có người nói là sang và không sang – đều đạt mục tiêu của âm nhạc là một cách thể hiện tình cảm chân thật nhất. Tôi nghĩ tất cả các dòng nhạc trên thế giới đều tương đương và đều là những biểu hiện có giá trị nhân văn. Rất khó nói rằng những sáng tác của Lam Phương hay Trần Thiện Thanh sang hơn Trịnh Công Sơn và Từ Công Phụng (chỉ là ví dụ), chỉ vì hai người kia dùng giai điệu boléro và viết lời dễ hiểu hơn hai người sau. Nói đến chuyện "chuyển tải" cảm xúc, chúng ta thử xem qua hai cách phổ thơ bài thơ nổi tiếng của Hữu Loan (chỉ trích vài
đoạn):

Lời thơ “Màu tím hoa sim” (Hữu Loan)    Nhạc: Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy); Nhạc: Đồi tím hoa sim (Dzũng Chinh)
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê...
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
    

Nàng có ba người anh đi bộ đội lâu rồi
Nàng có đôi người em có em chưa biết nói
Tóc nàng hãy còn xanh, tóc nàng hãy còn xanh...
Tôi là người chiến binh xa gia đình đi kháng chiến
Tôi yêu nàng như yêu người em gái tôi yêu
Người con gái tôi yêu, người em gái tôi yêu.
Ngày hợp hôn tôi mặc đồ hành quân
Bùn đồng quê bết đôi giầy chiến sĩ
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Tôi mới từ xa nơi đơn vị về
Nàng cười vui bên anh chồng kỳ khôi
Thời loạn ly có ai cần áo cưới
Cưới vừa xong là tôi đi.
Cưới vừa xong là tôi đi.
   

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu
hoa sim tím khi còn tóc búi vai!
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến
Ai hẹn được ngày về rồi một chiều mây bay
Từ nơi chiến trường đông bắc đó
lần ghé về thăm xóm hoàng hôn tắt sau đồi

Những chiều hành quân
ôi những chiều hành quân
tím chiều hoang biền biệt
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất
chiếc thuyền như vỡ đôi!
Phút cuối không nghe được em nói
không nhìn được một lần dù một lần đơn sơ
Để không chết người trai khói lửa
mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì


Bài nhạc nào dễ đi vào lòng người và dễ hiểu hơn? Tôi nghĩ phải công bằng mà nói rằng dù cách phổ thơ của Nhạc sĩ Phạm Duy là tuyệt vời, nhưng cách phổ thơ của Dzũng Chinh chắc chắn được nhiều người hiểu hơn. Nghe nói lúc sinh tiền, khi được hỏi ông thích ca khúc nào thì Thi sĩ Hữu Loan nói rằng ông thích cả hai, nhưng ông thích bài "Màu tím hoa sim" hơn.

Thật ra, tìm hiểu một chút nguồn gốc của nhạc boléro sẽ thấy dòng nhạc này xuất phát từ truyền thống nghệ thuật Mĩ Latin.  Ở Mexico, nơi mà
nhạc boléro thịnh hành vào thập niên 1930s, người ta quảng cáo dòng nhạc này bằng cách nhấn mạnh đến khía cạnh thơ và truyền thống lãng mạn trong nhạc. Có giả thuyết cho rằng sự phổ biến của nhạc boléro ở các nước Nam Mĩ là một dấu hiệu của dân chủ hóa “văn hóa cao” (highculture). Người lao động cảm thấy thu hút bởi những bài ca có chất thơ, lãng mạn, mô tả được những xúc cảm nhẹ nhàng và khắc khoải của cuộc sống. Chính vì chất thơ và lãng mạn tính loại nhạc này được công
chúng chào đón nồng nhiệt. Một ví dụ về lời nhạc tình tứ của boléro là bài You are my love’s dearest:

… That you are my life
That I want no one else
That I am breathing the air

My love’s dearest
Blood of my soul
As a gift of flowers
Give me some hope
Những lời ca này nghe chẳng khác gì những ca khúc boléro Việt, ví dụ như:

Chân thành xin gửi người anh nơi chốn xa
đôi lời ấp ủ ngày qua / người em gái nhỏ quê nhà
mắt sầu vương ngấn lệ hồn hoa
dù bao tháng đợi năm chờ
lời thề xưa còn chưa xóa mờ.

Nhưng cảm nhận về sến có khi còn tùy thuộc vào thế hệ. Đối với những bạn trẻ (sinh sau 1980 chẳng hạn) thì chắc tất cả những ca khúc của
Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, v.v. đều là sến.
Có lần trong một buổi tiệc cuối năm do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, tôi có cơ duyên ngồi cạnh thi sĩ Đỗ Trung Quân và chúng tôi có một trao đổi thú vị. Tôi nói với anh rằng tôi thích bài "Phượng buồn" của anh, thì anh nhìn tôi rồi nói:
- Ông biết không, vậy mà có lần một thằng bé nó nói với tôi: xin lỗi chú, thơ / nhạc của chú sến lắm.
Tôi cười lớn rồi hỏi rồi ông nói sao. Đỗ Trung Quân nói thoạt đầu anh cũng sốc và muốn cho nó một câu nên thân, nhưng bình tĩnh nghĩ lại đây là một khoảng cách thế hệ, thế hệ của mình là thế hệ viết thư bằng mực trên giấy màu hồng, thích những lời nói bóng bẩy, thi vị, còn thế hệ của nó là tỏ tình bằng SMS, đi thẳng vào vấn đề (vì chúng đâu có nhiều thì giờ), nên cảm nhận về sến của chúng cũng có thể giải thích được. Cảm nhận thế nào là sến do đó không chỉ tùy thuộc vào gu thẩm mĩ mà còn tùy vào thế hệ.

Rất dễ hiểu thế hệ của anh tài xế và tôi có cùng cảm nhận về cái đẹp trong âm nhạc. Nói cho cùng, âm nhạc biểu hiện cảm xúc và ý tưởng không chỉ âm thanh mà còn bằng ngôn ngữ. Tôi chịu ảnh hưởng bởi những cuốn sách như Hương sắc trong vườn văn (của cụ Nguyễn Hiến Lê), và được dạy rằng ngôn ngữ phải đẹp và ý nhị. Tôi còn nhớ trong một cuốn sách của cụ NHL, cụ có phê bình rằng không có cô gái nào lại nói "tôi muốn chồng" , mà phải nói bóng gió bằng thơ, kiểu như thân em như tấm lụa đào / phất phơ trước gió biết vào thân ai. Do đó, tôi và những người cùng thế hệ vẫn thấy cái hay của những ca khúc thời xưa như:

Phút ban đầu ấy / Thư xanh màu giấy viết nhưng chưa gửi em / Ngõ đi chung một lối / Đôi khi định nói với em một lời / Tình muốn còn e, chung bước đường về / Nào biết được khi nói lên nỗi niềm / Thì nẻo vào tim / Mở rộng hay khép môi thắm trao duyên.
Nếu âm nhạc là văn chương của trái tim (như Lamartine nói) thì những câu chữ này chính là tiếng nói của rất rất nhiều trái tim rung động. Mấy năm gần đây, một số ca sĩ nổi tiếng như Phương Thanh, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Quốc Đại cũng gia nhập làng nhạc boléro, và họ góp phần làm mới dòng nhạc này với những cách trình bày hấp dẫn hơn (chưa nói đến cách hòa âm mà theo tôi là hay hơn thời trước 1975).
*
Câu chuyện nhạc sến của chúng tôi rồi cũng đến hồi kết thúc. Xe cũng đã qua cầu Cần Thơ, và hai người bạn đồng hành phía sau xe cũng vừa tỉnh giấc. Chuyến xe miền Tây của tôi như ngắn lại và thú vị hơn. Thú vị vì những giọng ca [hãy cho là] sến đã cho tôi trở lại một vùng trời đầy ấp kỉ niệm tuổi thanh thiếu niên: 

nơi có nhà em cuối xóm / ghép đôi mái tranh nâu trăng cài trước sau / có tằm mến thương dâu / có trầu vấn vương, nơi có người mà mình chỉ trộm nhìn nhau / xem dung
nhan đó bây giờ ra sao / em có còn đôi má đào như ngày nào, hay nơi của những ước mơ qua cơn mê, để rồi có một ngày hoa vẫn nở trên đường
quê hương / ôi quê hương ta đó / dù bóng tre xanh xao u sầu / dù nước sông quê tôi đỏ ngầu / từng cánh hoa / từng cánh hoa / hoa vẫn nở trong tôi tình thương / hoa vẫn nở trên đường quê hương
.
Do đó, tôi rất đồng cảm với Đỗ Trung Quân khi anh viết “Trên những dặm đường dài qua nhiều tỉnh thành cùng  những đĩa nhạc Bolero của Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Tuấn Vũ, Duy Khánh, Quang Lê, Trường Vũ cho đường bớt dài …”. Đúng như thế. Phải đi trên những nẻo đường miền Tây (hay bất cứ đường dài nào) thì mới cảm nhận được "hiệu quả" của dòng nhạc bình dân này. Trên những nẻo đường hai bên là đồng ruộng lộng gió, thì những ca khúc với lời trừu tượng như làm sao em biết bia đá không đau khó mà đi vào lòng người bằng lời ca
Nghe em hát câu dân ca sao mượt mà / lòng anh thương quá / Tiếng ngọt ngào nào đong đưa nhớ xa xưa / trời trưa bóng dừa / Hẹn hò nhau tình quê hai đứa / Mùi mạ non hương tóc em biết bao kỷ niệm.
Trên những chuyến xe đó, không cần phải dùng những ngôn từ hoa mĩ để nói suông triết lí cuộc đời. Anh tài xế và tôi đồng ý rằng nhạc sến, dù ai chê trách hay khinh bạc, nhưng sự thật nó vẫn tồn tại và có xu hướng càng ngày càng phát triển hơn, thì nó vẫn có vai trò nghệ thuật của nó. Trong khi Việt Nam chúng ta vẫn còn thiếu những công trình nhạc “hàn lâm” và trong khi đại đa
số người Việt có gu thẩm mĩ hãy cứ cho là chưa cao (như nhiều người nói) thì nhạc sến vẫn và sẽ còn góp phần vào nền âm nhạc Việt Nam. Thử
tưởng tượng sau một ngày làm việc mệt nhọc và bao nhiêu phiền toái của cuộc sống, mà nghe được những câu như
Cuộc đời là vách chắn, là rào thưa / Thương em tiếng hát sang mùa / Một mai mưa ướt áo em / áo mỏng đường mòn / Dáng nhỏ thân quen thì cũng là một an ủi tâm hồn lắm chứ.



Chả thế mà có người nói rằng âm nhạc có tác dụng tẩy rửa những hạt bụi trên linh hồn của chúng ta. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến câu nổi tiếng của thi hào Shakespeare: nếu âm nhạc là thức ăn của tình yêu thì cứ tiếp tục chơi. Mượn câu nói đó, tôi nói: nhạc sến / boléro chính là chất dinh dưỡng của tình yêu, chúng ta hãy tiếp tục vui ca, và quên đi
những phân biệt vô duyên về sến và sang.//

.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét