Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

'bao cao su' chưa xữ dụng!

Chuyện bao cao su "thời bao cấp"!
Nhớ lại thời thơ ấu cách đây gần ba chục năm, Hiền, 33 tuổi, cho biết cái cô thích nhất hồi đó chính là những chiếc… bao cao su.
Giữa thời xuất hiện rôm rả trên các phương tiện truyền thông, ở hiệu thuốc, siêu thị, nhà nghỉ..., vừa dễ mua vừa rẻ như kẹo, nhiều người vẫn nhớ đến cái thời nó là thứ quà lạ và hiếm.
  • Mê bao cao su nhất là… trẻ em
Trong những ký ức về thuở 5 - 6 tuổi sống trong khu tập thể Đại học Sư Phạm Vinh (Nghệ An) của Thu Hiền, 33 tuổi, đang sống ở Hà Nội, luôn có hình ảnh những chiếc bóng ca-pốt (bao cao su) thổi căng, to như cái xô, treo phấp phới trong căn hộ tập thể của… hàng xóm. Hồi đó Hiền và những đứa trẻ khác thỉnh thoảng cũng được bố mẹ mua bóng bay cho, nhưng loại bóng bay bán đầy đường dịp Tết không thể quý hoá, cao sang bằng cái bóng ca-pốt kia được, vì nó là hàng độc, cả khu tập thể chỉ một nhà ấy có, do người cô y tá, hình như làm ở bộ phận kế hoạch hoá gia đình, mang về. Chị em Hiền thường sang nhà ấy thập thò ngắm nghía, nuốt nước bọt rồi về năn nỉ bố mẹ mua, nhưng ai bán mà mua!
“Nào chỉ chị em tớ, mà toàn bộ trẻ con trong khu tập thể ngưỡng mộ cái Liên vì mỗi nhà nó có bóng ca - pốt. Cái Liên cũng biết vậy nên kiêu lắm. Đứa nào không tử tế với nó, khi bóng vỡ đừng hòng nó chia cho một mảnh mà mút”. Hiền nhớ lại. Bóng ca-pốt vỡ quả là sự kiện đáng thèm khát của lũ trẻ vốn thiếu đồ chơi, vì đó là cơ hội để chúng có được thứ hàng “độc” này. Xin được một mảnh, đứa nào đứa nấy mút lấy mút để, cố tạo thành những quả bóng bé xíu bằng hòn bi, cũng đủ để sướng mê tơi suốt một buổi.
 Bao cao su không chỉ được dùng khi làm "chuyện ấy". Ảnh: Life.
“Thỉnh thoảng, cái Liên chạy sang khoe: ‘Bố tao sắp thổi bóng ca-pốt đấy’. Thế là chị em tớ cong đuôi chạy sang, chỉ sợ lỡ dịp xem. Thấy bố nó đưa ra cái gói như gói kẹo, xé lôi ra một cái vòng màu ngà, đẹp long lanh. Chú ấy duỗi cái vòng ra thành quả bóng, rồi rướn cổ, căng mặt ra thổi. Bọn tớ đứng xem vừa thán phục vừa đau cả tim vì sợ bóng vỡ, dù rất mong bóng vỡ. Mỗi khi chú ấy thổi xong, bọn tớ đều reo hò, vỗ tay ầm ầm”, Hiền kể:
"Lớn lên, Hiền nghe nhiều về những chiếc bao cao su dùng để tránh thai và tránh bệnh lây qua đường tình dục. Lớn hơn chút nữa, Hiền biết chiếc bao đó được dùng như thế nào. Đó cũng là lúc cô nhận ra qua hình vẽ minh hoạ chiếc bóng ca-pốt hằng ao ước thuở xưa, và giật mình đỏ mặt nhận ra mình từng... mút cái gì."
  • Trang trí cành đào bằng… bao cao su!
Nói về kỷ niệm về chiếc bao cao su những năm 80 thế kỷ trước, Hoài Thu, 34 tuổi, nhân viên một công ty quảng cáo ở Hà Nội, cười khanh khách: “Tết năm nào nhà tớ chẳng thổi mấy cái để trang trí cành đào. Hồi đấy chưa có đèn nháy xanh đỏ gì cả, nhà ai cũng chỉ treo mấy tấm thiệp chúc mừng năm mới có hình cành đào màu hồng, màu đỏ, với mấy quả bóng bay tròn, sang thì có bóng hình con thỏ. Nhà nào có mấy cái bao cao su để treo vào là oách lắm nhé, của hiếm mà”. 
Cứ đến tối 30 Tết là anh em Thu tranh nhau phồng mồm thổi bóng, rồi lấy giấy đỏ bọc nhang cắt hình mắt, tai, mũi, miệng dán vào. Bọn trẻ con, thậm chí cả đám choai choai mới lớn, chả ai biết những quả bóng “sành điệu” kia vốn được dùng cho việc gì để mà ngượng. Còn người lớn thì không thèm ngượng. Vào thời mọi thứ đều khan hiếm, tờ giấy bạc lót bao thuốc lá còn quý như vàng (vì bao thuốc lá xịn mới có), được dùng làm đủ các vật trang trí cho sang nhà. Vậy thì việc dùng bao cao su trang hoàng nhà cửa cũng chỉ là phát huy tinh thần tiết kiệm, sáng tạo đó mà thôi.
Để có bao mà thổi, anh trai Thu thường phải sang một nhà cách hai dãy phố. Nhà này có người đi nước ngoài, hay gửi đồ tinh linh về, trong đó có bao cao su. Trẻ con cứ có tiền là chạy đến đứng ngoài cổng gọi ời ời, mua như mua kẹo.
Khi những chiếc "bóng" này vỡ, ngoài việc tận dụng các mảnh nhỏ để mút, Thu còn lột lấy cái đai để làm vòng thun buộc tóc và để "làm giàu". Thu kể: "Đứa nào có nhiều vòng thun là đứa ấy giàu, có thể vênh mặt được. Có đứa giàu nhờ mẹ cho tiền mua vòng thun mới, đủ màu xanh đỏ vàng, có đứa giàu nhờ 'ăn' được khi chơi bắn vòng thun với những đứa khác. Vòng thun từ bao cao su quá mỏng nên chơi toàn thua, lại còn xấu và không chịu đứt, hỏng nên kém giá trị, ba bốn cái mới đổi được một cái vòng thun thường, nhưng không đứa nào 'công tử Bạc Liêu' đến mức vứt đi cả".
  • Dùng "đúng chức năng" thì... ngượng!
"Bây giờ thì cả trẻ con cũng nói về bao cao su mà chả ngại gì, chứ thời chúng tôi thì xấu hổ lắm", ông Phạm Nguyên, 64 tuổi, sống ở Hải Phòng, nói. "Lần đầu được cho mấy cái, cũng háo hức ra trò, nhưng tối đến mở ra loay hoay trước mặt vợ tự nhiên đâm ngượng, thành ra lóng nga lóng ngóng mãi mới 'tra' vào được, rồi 'súng ống' cứ tiu nghỉu dần. Từ đó cạch đến già, còn mấy cái đem cho bọn trẻ chơi cả. Yêu đương theo kiểu du kích thêm vài tháng thì vỡ kế hoạch. Đẻ xong, tôi cho bà ấy đi đặt vòng".
Ông Nguyễn Văn Khương, nhà ở thành phố Vinh, Nghệ An, thì nói: "Nghĩ cũng buồn cười, đem cái đấy ra thổi giữa thanh thiên bạch nhật thì chẳng sao cả, còn cười phớ lớ với nhau, mà đến khi dùng đúng chức năng của nó trong phòng kín thì lại xấu hổ, ngại ngùng. Ngược đời thế nên mới đẻ tì tì bốn đứa. Hai lần vỡ kế hoạch bà ấy đều không dám giải quyết vì sợ, nên hai vợ chồng bị cắt sạch thi đua, mấy đợt tăng lương không được xét đến".
Khi nhắc lại chuyện xưa để cười vui, những người như ông Nguyên, ông Khương đều thấy "nể" giới trẻ bây giờ vì đã có thể đề cập đến "chuyện ấy" một cách thẳng thắn hơn, vì vậy lợi ích của chiếc bao được phát huy tốt nhất. "Nhiều ông cùng lứa tuổi với tôi vẫn phàn nàn rằng xã hội bây giờ loạn quá, bao cao su chỗ nào cũng sẵn, mua bán thản nhiên, thảo nào bọn trẻ chả hư. Nhưng tôi lại nghĩ, nhờ thế mà bọn trẻ được tự do hơn mình ngày trước, được tận hưởng cuộc sống một cách an toàn. Còn nếu có hư hòng thì là tại bản thân chúng, chứ lỗi gì ở chiếc bao?".
Theo Lam Giang
Báo Đất Việt
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét