Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Kim
 
 
Nguyn ngọc Tùng
 
 
1.
Chiều nay tuy không có giờ làm nhưng Dũng khiến mọi người trong Nhà hàng ngạc nhiên khi thấy anh xuất hiện với vóc dáng tươm tất, khác hẳn những lần đến làm việc.
Pièrre, anh chàng sinh viên “nhọ nồi” gốc Algérie, nhe răng cười trong lúc bưng ra cho Dũng ly càfé au lait đang bốc khói.
- Bonsoir, toa có giờ rảnh hôm nay há!
Dũng cười với tên bạn đồng môn lẫn đồng nghiệp,
- Cám ơn. Đúng thế!
- Có rendez-vous à? Hắn tò mò hỏi thêm.
- Oui. Certainement!
Dũng còn giữ nguyên nụ cười trên môi trong lúc Pièrre bước trở vào bên trong.
Anh trả lời hắn, cho qua chuyện để còn tiếp tục với giòng tư tưởng của riêng mình.
 
Buổi chiều Kim-Yến sẽ đến đây để gặp Dũng. Chàng thanh niên đã sửa soạn một chỗ ngồi thuận tiện tại dẫy bàn ở ngoài hiên phía trước cửa nhà hàng. Đây cũng là lần đầu tiên anh có hẹn với một người quen tại một nơi ngoài phạm vi cái quán cafétéria trong khuôn viên đại-học. Tốt hơn nữa đây còn là chỗ anh đang được mướn phụ việc ngoài giờ học. Một quán ăn không xa chỗ ở, tiện đường métro, vừa quen thuộc, giá tiền lại không cao. Ít ra Dũng cũng biết mình có đủ khả năng mua một ly nước giải khát đãi cô bạn gái mới vừa quen biết .
Kim-Yến là tên cô nữ-sinh, một trong số những người Việt hiện đang theo học tại Paris. Số sinh-viên Việt-Nam tuy nhiều hơn so với số sinh-viên đến từ Đông Nam Á-Châu, Algérie và Phi-Châu... Nhưng hầu như chưa có được sự kết hợp chặt chẽ mong muốn; trong lúc những nhóm khác, nhân số tuy ít nhưng lại có tiếng nói đáng kể nhờ vào sự hợp quần và được tổ-chức thành những hội-đoàn qui củ.
Tên trong trường của Yến được dùng là Kim, một prénom được chọn có cách phát âm dễ dàng cho hết thẩy mọi người. Dũng được tiếp xúc với Kim trong một trường hợp ngẫu nhiên xẩy ra khoảng vài tháng trước, chẳng biết có “nợ nần” gì không (!), mà xem ra có vẻ đặc biệt. Còn không thì trước đó, cũng giống như mọi sinh-viên Việt khác, thỉnh thoảng hai người cùng hiện diện trong một vài buổi họp mặt tập thể tại Tòa Đại sứ VN vào những ngày Lễ lớn hàng năm. Tuyệt nhiên chưa bao giờ Dũng có dịp đối mặt người con gái để trao đổi một nụ cười, hay vài câu hỏi thăm xã giao.
Rồi bỗng dưng cái buổi gặp gỡ 'ban đầu lưu luyến ấy' đã không thể tránh khỏi; tình cờ được xẩy ra cách đây vài tháng. Dũng còn nhớ lúc đó vào thời gian cuối niên học. Tại mỗi Faculté, tất cả các sinh-viên đều bận rộn, bù đầu với kỳ thi chót trước dịp mãn học để sửa soạn cho một vụ nghỉ Hè lý thú...
Trong khuôn viên đại-học có một khúc hành lang không đặc biệt lắm, nhưng rất đông đúc, hầu như suốt hai mươi bốn giờ trong một ngày. Nơi đó từng được mệnh danh là "ngã tư quốc-tế", một " l'Arc de Triumph" của toàn khu đại-học. Tất cả mọi phân khoa ở từng sous sol đều phải qui tụ ở đây trước khi có đường dẫn đến những địa điểm khác, thí dụ như trung tâm sinh-hoạt của sinh- viên, khu cantine, cafétéria, librairie... v...v.
Lợi dụng thời gian nghỉ trưa ở trường, Dũng có thể vừa ăn bánh mì với fromage (rất nhiều lần chỉ có nhá bánh mì và uống nước fountain, loại 'quán bà tư khòm' mà thôi); để vừa học ôn và vừa làm bài vở cho giờ học buổi chiều. Do đó cũng như mọi người, anh phải băng qua hành lang đông đúc này để tới kiếm một chỗ ngồi trong khu trung tâm sinh-hoạt. Lần đó, đúng lúc bước đến nơi 'ngã tư', Dũng chứng kiến cảnh một cô sinh-viên bị té, những thứ ôm đồm trên tay văng tứ tung trên mặt sàn gạch ceramique trơn bóng. Không cần biết là ai, phản ứng tự nhiên đã khiến Dũng nhào tới (chưa kịp mở miệng lịch sự xin phép trước) tự động đỡ người bị té đứng lên. Lúc đó Dũng mới nhận ra người được anh đỡ giậy là một thiếu nữ Á Đông, người Việt chính gốc chứ không phải là một cô ‘đầm, tóc vàng bản xứ’. Kịp đến khi thu lượm giùm đống sách vở, anh mới biết được tên cô là Kim, tức ‘tiểu thư‘ sinh-viên con nhà giầu, đã được nhìn thấy vài lần trong tòa đại-sứ.
 
Trong dịp được làm quen đặc biệt đó, Kim chỉ kịp thốt lời cám ơn, rồi sau đó tuyệt nhiên giữa hai người không có thêm một cuộc gặp gỡ nào khác. Có lẽ tại vì đúng vào lúc thi cử quá bận rộn. Kế tiếp là thời gian nghỉ hè. Những dịp lễ, nhất là vụ bãi trường vào dịp Hè, là lúc Dũng lợi dụng làm việc tối đa để dành cho 'ngân sách' chi tiêu vào năm học tới. Ít ra anh không cần phiền người ở quê nhà suôi ngược lo lắng về món tiền phải gửi qua hàng tháng như thời gian đầu anh mới qua du học.
Kể từ bữa đó, bẵng đi cho mãi tới hết niên học vừa qua cộng thêm vài tuần lễ trong dịp khai trường bận rộn; bỗng dưng Kim xuất hiện tìm gặp Dũng. Với nụ cười dễ thương và (đương nhiên) vẫn một chút kênh kiệu, nàng đến faculté của anh trong vội vã, để chỉ kip hỏi cho được một chỗ hẹn, giúp hai người gặp lại nhau; "Vào một dịp cuối tuần chẳng hạn..."
 
Dũng ngồi đây mơ màng suy nghĩ bên ly cà phê sữa nóng. Vị thơm của loại café mocha có pha trộn chất béo ngậy của sữa và beurre rất là thích hợp với cái gout của anh trong giây phút tình cảm lãng đãng với cơn mộng tưởng trong trí não.
Những tảng mây trắng đã về giăng phủ trong không gian. Rặng cây hai bên đường bắt đầu có lá rụng mỗi ngày. Không khí tĩnh lặng, cô đọng, đượm thêm nỗi mát dịu, có pha chút se lạnh đầu Thu. Mấy tháng Hè qua, Dũng say sưa làm việc ở quán Chez Albert. Lương của một sinh-viên làm 'bồi bàn' không có là bao, phần lớn ăn thua vào số tiền pourboire của mỗi người khách hàng thưởng cho thêm. "Cần gì, miễn là giúp cho cái lúc khó khăn này qua đi..." như Dũng vẫn thường tự an ủi mình như thế.
 
Hơn một năm trước, tinh thần Dũng bị xuống rất thấp, tưởng phải ngưng học vì vấn đề tài-chánh eo hẹp. Anh tự nhủ sẽ không đả động chuyện này với gia-đình ở bên nhà. Thì may mắn làm sao lại bỗng xin được một việc phụ trong bếp cho quán Chez Albert. Kế tiếp là dọn ra khỏi ký-túc-xá để có dịp đến ở tạm với vài sinh-viên bạn cho tới lúc niên-học chấm dứt. Do đó cũng giúp anh yên tâm lo hoàn tất kỳ thi cuối khóa. Ở chỗ mới này Dũng hầu như chỉ phải lo riêng tiền ăn, vì tiền ở được gom trả cùng với mọi người nên tương đối rất nhẹ so với thời-kỳ ở bên ký-túc-xá.
 
Nhớ có một lần cách đấy hơn một năm, trong khi tất tưởi đi xin việc làm; lúc đó đã gần hết một buổi chiều, Dũng chợt bắt gặp anh Hạnh đang ngồi nhâm nhi tách càfé và đọc báo tại trước quán Chez Albert nơi mà Dũng chưa hề lai vãng. Cả hai cùng mừng rỡ khi nhận ra nhau. Anh kéo ghế dủ Dũng cùng ngồi xuống uống nước và đãi thêm một bữa cơm chiều tươm tất.
-- “Dễ sáu, bẩy năm trời bây giờ anh mới gặp lại Dũng ở đây.”  Anh Hạnh mở đầu câu chuyện- “Dũng sang đây từ bao giờ vậy?”
Nuốt xong hụm nước, Dũng đáp:
-- “Em sang mới được gần một năm.”
Anh Hạnh nói tiếp, dường như đã “nhìn thấy” được điều Dũng suy nghĩ:
-- “Vấn đề tiền bạc thế nào?” - Anh đã có thừa kinh nghiệm để biết trước điều này- “Muốn đi làm không? anh có thể giới thiệu cho Dũng một việc, khiêm nhượng thôi; miễn sao có thêm chút tiền để dằn lưng trong những lúc nắng mưa.”
Nỗi vui mừng lộ rõ trên nét mặt Dũng, cộng thêm sự thán phục cách xét đoán của anh Hạnh. nên hấp tấp trả lời:
-- “Cám ơn anh Hạnh. Nếu anh giới thiệu được việc làm cho em bây giờ thì thật là đúng lúc.”
-- “Ông chủ của quán Chez Albert”- Anh Hạnh nói tiếp- “anh được dịp quen từ hồi qua Pháp. Quán này cũng là chỗ anh nhận được việc làm đầu tiên, trong tình trạng ngơ ngáo lúc bước chân đến Paris. Người chủ, sau này mới rõ, là một người đã từng sống lăn lóc ở Sàigòn, thời gian trước năm 1954.”
Anh Hạnh, lúc gặp Dũng, đã học xong médecine, hiện giờ đang chuẩn bị thi ra nội-trú.
Dũng cũng không nhớ rõ lắm, lúc bấy giờ vào quãng năm 1955 hay 56, anh Hạnh đã bí mật tìm cách sang Pháp bằng đường bộ qua ngả Nam-Vang rồi từ đấy đáp tàu thủy đi Marseille để rồi sau đó lên theo học tại Paris.
Thời bấy giờ tại Sàigòn đã xẩy ra rất nhiều cách xuất ngoại bất hợp pháp tương tự như thế. Thậm chí có những sinh-viên bị bắt trong lúc lén chốn dưới hầm máy của những tầu buôn ngoại quốc tại bến thương cảng Sàigòn, để mong thực hiện được giấc mộng làm du học sinh. Những trường hợp bị bể và thanh-niên trong hạng tuổi động-viên bị bắt giữ và  truy tố ra tòa. Hạnh là người em trai thứ hai của anh Hưng. Chị Nh., người chị thứ hai của Dũng đã lấy anh Hưng trước cuộc di-cư năm 54, cho nên có sự thân quen giữa hai gia-đình; và Dũng coi anh Hạnh cũng như anh ruột của minh.
 
-- “Làm cách nào Dũng sang được tới Pháp?” Anh Hạnh hỏi.
-- “Anh có còn nhớ sau Cách Mạng tháng 11 năm 63 không? Tiếp theo đó là vài cuộc chỉnh lý năm 64, 65; Họ công bố hiến-chương rồi lại hủy bỏ hiến-chương. Đấy cũng là dịp chính-phủ cách-mạng chấp nhận tăng thêm tuổi trong hồ-sơ cho phép xuất ngoại. Cho nên rất nhiều thanh niên lúc đó đã xin được chiếu khán và em cũng may mắn là một trong số sinh-viên Sàigòn sang Pháp du học vào thời kỳ này. Chắc anh biết rõ gia-đình em; khi lo được xong thủ tục cho con qua đây  là tài chánh đã gần như cạn kiệt. Thành thử em rất cám ơn nếu anh tìm cách giúp cho em có được một việc làm để có thể tự lập.”
 
Thật tình đó là một sự tình cờ may mắn xẩy ra cho Dũng buổi chiều hôm ấy, khiến xui gặp được anh Hạnh ở quán Chez Albert. Sau khi cả hai cùng mừng rỡ, hàn huyên và giải khát xong, anh đưa Dũng đi giới thiệu với người chủ. Anh Hạnh và ông Albert đã trở nên thân thiết sau nhiều năm quen biết. Bây giờ hình như anh còn là 'cố vấn' về sức khỏe cho gia-đình này. Kể từ lúc đó Dũng đến việc làm ở đây ngoài giờ học. Không những thế, trong dịp nghỉ Hè Dũng còn được chủ nhân cho làm thêm giờ. Đó cũng là một lý do, trong lúc sinh-viên được thoải mái nghỉ ngơi vào tháng Hè, thì ngược lại Dũng đã dốc tâm vùi đầu vào công việc để sửa soạn tài chánh cho niên-học kế tiếp.
 
* * *
Chưa kịp ngồi nóng chỗ, Kim đã bắt đầu 'mở màn' cho lần gặp gỡ đầu tiên; có lẽ do vì bản tính nàng ưa nói thẳng vào vấn đề. Kim xin lỗi lý do đã không liên lạc ngay sau lần bị té tại “ngã tư quốc tế”, để cám ơn sự giúp đỡ của Dũng. Cô e ngại khiến sẽ bị Dũng hiểu lầm.
--“ Tại sao ngay lúc bấy giờ, êtes-vous bien sur moa không phải là 'thân Cộng' rồi hãy đỡ dậy có được không?” Kim bất ngờ đặt ngay câu hỏi, kèm theo cái nhìn tinh quái.
--“ Moa chưa cần biết đến cái điều đó. Lúc bấy giờ chỉ biết có người bị té thì tự động đưa tay giúp.” Dũng thản nhiên đáp- “Còn cái chuyện 'thân' hay 'không thân' tất nhiên sẽ có cách tính sau.”
Giọng cô sinh viên  trở lại tự nhiên:
--“ Vous còn nhớ đấy chứ! Mỗi kỳ họp mặt, ông Kh. chưa có lần nào quên nhắc cái câu 'Tuyệt đối không liên hệ với bọn thân cộng-sản'...”
 
Nàng nói đúng, đó là một trong những 'vấn-đề hôm nay' đã được ông Đệ Nhị Tham Vụ nhắc đi nhắc lại trong những buổi nói chuyện với anh chị em du học-sinh. Vẻ mặt và thái độ ăn nói của ông đã làm cho những người chỉ cần hơi sensible một chút là có cảm tưởng như một sự nhắc nhở, hay một lối đe nẹt gián tiếp. Chắc chưa có ai quên trường hợp anh Tr. Q. bị cúp học bổng và bị trả về nước để làm nghĩa vụ quân sự; lý do đã 'giao thiệp' với nhóm sinh-viên 'thân cộng'. Anh Q., trên nguyên tắc cũng đã nhận được khuyến cáo ba lần trước khi bị tước bỏ quyền lợi của một du học sinh lúc đó.
Dũng không muốn nói thêm để Kim rõ là lúc thấy có người gặp hoạn nạn thì anh nhào tới giúp như một phản ứng tự nhiên, chưa hẳn phải cần biết họ là ai! lý do chỉ đơn giản như vậy. Kịp đến lúc giáp mặt để trao cho nạn nhân bị vấp té mấy cuốn tập lượm được, Dũng mới nhận ra là Kim, cô sinh-viên người Sàigòn, anh chưa có dịp giáp mặt để nói chuyện.
Kim nhắc lại lần nữa, một lời nói như được thốt ra tự đáy lòng:
--“ Cám ơn vous về chuyện bữa đó nhé, merci encore.”
--“ Cela ne fait rien, thôi bỏ qua đi. Thế nào, mùa Hè vừa qua bạn có gì vui không?” Dũng hỏi.
--“ Moa bị gọi về Sàigòn.”
--“ Quoi? Vous nói cái gì?”
--“ Maman, bà già kêu về nghỉ Hè.”  Kim giải thích.
 
Bỗng nhiên Dũng tự thấy mình vô tâm quá. Bây giờ anh mới để ý ngắm nhìn vẻ mặt đầy đặn và rất thoải mái của Kim, so với lúc trước phải thức khuya, hốc hác vì lo lắng trong dịp học thi cuối năm vừa rồi. Ngồi đối diện với Dũng là một cô sinh-viên có vóc giáng mảnh khảnh và kênh kiệu; nhưng trông thật khỏe mạnh trong y phục quần vải jean xám nhạt, đi đôi với chiếc áo khoác ngoài bằng da mỏng màu hạt dẻ. Đôi má Kim thoa phớt tí phấn hồng trên làn da mịn còn dám nắng Hè Sàigòn. Trông nàng thật quyến rũ.
Dũng cất tiếng:
--“ Vous uống nước đi chứ! Còn tình hình bên nhà thế nào rồi? Thấy có thay đổi nhiều không?”
--“ Sàigòn càng ngày càng đông đúc. M'man nói dân từ các nơi về thành phố để kiếm sống. Tình hình chính trị coi bộ có vẻ très interessé, báo chí đang bàn cãi về 'bàn tròn' hay 'bàn vuông' cho cuộc hội thoại về hòa đàm Paris...”
--“ Không phải!” Dũng phải xin lỗi ngắt ngang lời Kim. “Pardon, moa muốn hỏi những chuyện 'thường lệ' thôi, cuộc sống hàng ngày đó mà. Chuyện politique thấy sao mệt quá phải không bạn. Bên này mình đã được trực tiếp nghe nhiều quá rồi đó.”
--“ À! Tưởng hỏi gì chứ. Mọi thứ ở nhà đều là vui cả. Moa được nói chuyện mỏi miệng này, đi chơi nhiều chỗ này, ăn quà thấy "đã" luôn này et cetera, et cetera, đã đủ chưa?”
Dũng thấy vui tai khi được nghe cách nói chuyện “như đang nhẩy nhót” của Kim.
Anh bèn thốt lời khen tặng người đối thoại:
--“ Coi bộ sau dịp về nước kỳ vừa rồi nghe vous dùng nhiều tiếng Việt hơn đấy nhé! So với lúc trước moa được nghe người ta nói (loại ‘on dit va’ đó mà); vous dùng toàn tiếng Pháp nói chuyện với mọi người trong tòa đại-sứ.”
......
 
2.
Vừa đặt chân xuống sân bay Tân-Sơn-Nhất, Kim đã nhìn thấy ba má (ông bà Paulus Phước Huỳnh), vài người thân và đám bạn hữu đứng trong phòng đợi dơ tay ngoắc lia lịa. Mới vừa tròn một niên-học mà sự mừng rỡ của mọi người tưởng như họ đã không được gặp Kim trong một khoảng thời gian dài. Nàng chỉ kịp ôm hôn ba má, sau đó thì không kịp trả lời xuể và cười vui với những người có mặt đón nàng tại phi cảng hôm đó.
Nhân lúc mở cửa xe để nhường má vào trước, Kim mới có dịp hỏi riêng bà:
-- “M'man, cứ tưởng má bệnh nặng không ra đón con được chứ. Pourquoi m'man? Có phải m'man nói xí gạt con không?”
--“Đấy là má nói vậy thôi, tại sợ con không chịu về kỳ nghỉ Hè này.”
Bà âu yếm trả lời con gái, trong lúc trên môi bà không dấu được nụ cười kín đáo, bao hàm nhiều ý nghiã bên trong.
Ngồi trong xe Kim không ngớt nói chuyện huyên thuyên với đám bạn học cũ để được nghe, được biết một vài thay đổi. Vừa mới một năm qua, bận này về nhà đã có nhiều tin vui chẳng hạn như con Bernadette Phạm đã lấy chồng rồi, con Marie Võ thì cũng đã engagement có lẽ sắp làm đám cưới. Ives Trần, cousine bằng tuổi Kim hiện đã có bồ. Như thế là ai cũng đều được hài lòng sung sướng.
Kim vui vẻ nói:
--“Papa và m'man đều khỏe mạnh cả là con mừng rồi. Ồ mà sao chú Tư- Nàng ám chỉ chú tài xế. Sao kỳ này về con trông chú ốm sọm à.”
--“Vợ chú đau phải nằm nhà thương cả gần tháng nay.” Bà trả lời con gái.
--“Tội chú Tư quá há m'man”- Kim nói tiếp- “Còn papa ra sao rồi? mới mấy tuần rầy nghe nói m'man bệnh, nhưng bây giờ con thấy cả papa và m'man đều bình thường không khác hồi năm ngoái con về thăm nhà.Papa coi bộ bon appétit hả?”
 Ông Paulus Phước quay nhìn con gái, cười và trả lời:
--“Oh, naturellement! Papa lúc nào cũng ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc con ạ.”
--“Ổng đánh bạc còn 'ngon' hơn nữa đó con à.” Bà mẹ nói chêm thêm một câu để tiếp lời ông chồng.
Đến lúc này một con bạn không ngừng nói được lâu nữa, bèn trõ miệng vào:
--“Ê Kim, toa đã kiếm được thằng bồ nào bên đó chưa?”
--“Kim ơi mày hỏi lại nó câu đó đi. Nó mới có kép, dân Tabert thôi, trông cũng bảnh lắm đó.”
Kim đáp:
--“Chưa phải lúc tao đi kiếm. Ở bển vừa lo học lại vừa lo lấy luôn cái vụ cơm nước, bận thấy mồ luôn. Đâu có được chơi nhiều như tụi bay ở nhà đâu. Cứ để đó, chừng nào có thì sẽ tự nó sẽ dẫn xác lại với tao.”
--“Oh, là là, quel pitié! ma jeune fille! Thôi để tụi tao kiếm cho mày. Kỳ nghỉ Hè này còn  hơn hai tháng nữa, nhớ kiếm cho được thằng bồ cho con Kim đó nghen bà con!”
 
Nghe đám nhỏ gặp nhau, mừng rỡ cười đùa, ông bà Paulus Phước cũng cảm thấy lòng vui lây với tuổi trẻ. Ông bà chỉ còn một mối lo chót cho tương lai của Kim-Yến, cô con gái út. Gia-đình gồm có ba người con, một trai và hai gái. Chị hai Juliette lấy chồng đã lâu. Anh ba Joseph Lộc cũng mới cưới vợ được hai năm, chỉ còn cô Tư út, Kim-Yến, đang ở lứa tuổi đôi mươi là còn ở nhà để được nhõng nhẽo với Ba Má. Gia-đình ông bà Paulus Phước kể như đã tạm ổn định. Căn cứ vào mớ của cải, gồm đám bất động sản và số lớn hiện kim gửi ngân-hàng cùng với sự thành công của con cái; ông bà rất có tiếng để hãnh diện với bà con họ hàng, và bạn bè.
Lần nghỉ Hè này bà Paulus Phước săn sóc và theo sát cô con gái cưng. Kim cũng nhận ra được điều đó. Nàng không còn được thả lỏng, tự do vui chơi cùng với vài người cousine và đám bạn học cũ ở Sàigòn như mọi lần trước. Mỗi khi chỉ có hai má con với nhau, bà thường nói chuyện về gia-đình, chồng con và còn nhắc nhở đến tuổi tác của Kim. Mới hai mươi tuổi đầu, bà làm như nàng đã phải sửa soạn lo cho cái tuổi ba mươi sắp đến. Cách nói chuyện của bà làm người nghe tưởng như Kim chỉ còn có ngày mai nữa thôi là đã già đến nơi rồi!
 
Vài bữa kế tiếp vào một sáng Chủ Nhật, ông bà đưa Kim và mọi người lên quán Thanh-Thế ăn sáng. Sau đó ông Paulus Phước từ giã để đi họp mặt, đánh bài với nhóm bạn hữu làm ăn của ông.
Kim níu tay má, nũng nịu nói:
--“M'man à, sao con thèm ăn mấy món bán ở chợ Bến Thành quá à.”
Bà nhìn con gái, qua một thoáng suy nghĩ, rồi đáp:
--“Cha! coi bộ cưng của má lâu ngày không được ăn những món ViệtNam đó nên thèm quá đỗi phải không? Tuần tới nhân mở partie mừng con về chơi, má sẽ cho mua thêm đồ ở chợ Bến Thành để đãi bạn con luôn thể. Có được không?”
--“Oui m'aman. M'man dễ thương quá hà! Má thiệt đáng yêu lam sao...”
  Khu trung tâm Sàigòn, trong ngày đẹp trời, ánh nắng ban mai tràn ngập phố xá. Hai má con sau đó tiếp tục đi dạo Bonnard rồi qua thương xá Cristal palace. Tình cờ lúc vào xem một trong những boutique de lingerie cạnh rạp ciné Eden, bà gặp mặt một người quen tại đây. Thoạt tiên bà lộ vẻ rất ngạc nhiên, nhưng ngay tức thì bà vồn vã bắt tay người đàn ông quen biết đó và quay qua giới thiệu với con gái:
--“Đây là ông Tài, Bernard Tài, con bác Tấn-Phát xuất nhập cảng đó con- đoạn bà ra dấu với người đàn ông- đây là em Kim, Kim-Yến đó mà, con gái cưng của bác đó; đang du-học tại Paris.”
Giọng bà tự nhiên đổi "tông" khi được chấm dứt ở chữ Pa..ris!
Gã đàn ông tên Tài, Bernard gì đó, tỏ một cử chỉ rất lịch sự trong khi bắt tay Kim; tựa như một tài-tử màn bạc.
--“Enchanté! Hân hạnh, rất hân hạnh...Tôi đã được nghe bác gái nói nhiều về cô, bây giờ mới được may mắn gặp. Cô nghỉ vacance ở nhà kỳ này có lâu không?”
Bà chưa kịp đỡ lời cho cô con gái, thì Kim đã tự nhiên đáp:
--“Cám ơn ông, tôi sẽ ở lại Sàigòn cho tới hết Hè.”
Đến đây thì bà nói chêm vào:
--“Sao lại là kêu là "ông" à con. Gia-đình bác Tấn-Phát rất thân với nhà mình mà... Ông Tài, à cậu Tài này, Chủ Nhật tới mời cậu lại tư gia dự partie của chúng tôi mừng em Kim-Yến về nghỉ Hè nhé!. Chắc cậu không từ chối chứ?
--“Dạ không có giám đâu bác, cháu xin nhận lời.”
Lúc chỉ còn có hai má con, Kim nhỏ nhẹ hỏi bà:
--“Lúy là ai mà con chưa nghe thấy m'man nhắc bao giờ?”
--“Cậu Tài mới tốt nghiệp ở Pháp về. Hiện đang trông coi việc nhập cảng hệ-thống máy cầy Kubota từ bên Nhật sang cho ông già. Buôn bán bận rộn lắm, Bác Tấn-Phát có một số chi-nhánh bán máy cầy ở Miền Tây và Miền Trung lận con ạ.”
Trên đường về nhà, nhân lúc ngồi trong xe Kim hỏi thêm mẹ:
--“Có phải vừa rồi m'man sắp xếp để 'người ta' gặp con không?”
--“Sao cưng lại nghĩ vậy. Gặp gỡ tình cờ thôi mà.”
--“Con cảm thấy kỳ kỳ.”
--“Mới gặp mặt thì bao giờ chẳng như thế. Sau khi quen biết rồi thì con sẽ hết thấy kỳ chứ cưng.“
--“M'man nói gì về con với thằng chả đó, mà người ta lại biết con trước khi gặp sáng hôm nay.”
Bà cố gắng giải thích với con gái:
--“Thì con thấy không, papa và bác Tấn-Phát quen thân. Con và cậu Bernard Tài có biết nhau nữa thì cũng càng làm cho hai gia-đình thân nhau thêm. Cậu ta coi bộ cũng để ý đến con mà; mong được làm quen với con lắm đó.”
--“Người ta để ý đến con hay là để ý đến 'căn-nhà-và-một-cái-xe' của Ba Má?” Vẻ mặt nàng sịu xuống sau lời giận hờn với mẹ.
Bà thấy coi bộ không yên, xuống giọng dỗ dành:
--“Cưng không thích quen bây giờ thì thôi, cứ để đó. Tuần tới cậu ta lại chơi xem thế nào, má đã lỡ nói rồi, pardon nghen cưng.”
Bỗng Kim tự nhiên ôm lấy má, đổi thái độ nói nhỏ nhẹ:
--“Tại m'man hết đó. Con như thế này mà hễ gặp ai má cũng tuyên bố "sẽ cho một cái nhà và một cái xe hơi" khi con đi lấy chồng. Má nói như vậy làm cho con rất khó lựa chọn được người thực lòng thương mình. Biết đâu họ lấy con chỉ vì 'cái nhà' và 'chiếc xe hơi', có phải không m'man?”
Sau giây phút hồi tâm nghĩ lại; bà trìu mến ôm con; “mà nghĩ thiêt tình con Kim nói có phần đúng của nó”.
Bà Paulus Phước bỗng chợt hỏi con:
--“Bữa hổm cưng kể cho Măng chuyện bị té ở trường rồi có người lại đỡ dậy đó. Má thấy con phải cận thận đó nghen. "Bắc kỳ" họ không có thiệt tình đâu, xạo lắm.”
Kim nới lỏng cánh tay đang ôm má ra, nàng nhìn thẳng vào mắt bà và nói:
--“Ý, m'man nói sao nghe kỳ cục vậy. Có lẽ người Bắc khéo ăn nói, khéo xã giao nên cứ nghĩ là họ có tính ba xạo. Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu chứ. Người ở trong Nam mình cũng vậy thôi. Nói như thế là không phải. Muốn rõ hơn để đến lúc về bển con gặp, tiếp xúc rồi sẽ nói cho m'man biết.”
Bà kiếm cách lảng qua chuyện khác khi tự thấy mình vừa nói lỡ lời với con gái.
Thật tâm bà chỉ mong cô gái út cưng lấy một người do gia-đình lựa chọn và được hạnh phúc. Như trường hợp ông bà đã sắp xếp chuyện gả chồng lấy vợ cho con Hai Juliette và thằng Ba Joseph. Đám cưới con Hai lúc đó cũng đã tốn của ông bà một căn nhà và chiếc xe du lịch. Coi bộ con Kim hơi khác tính với chị Hai và thằng anh Ba của nó. Nhưng rồi cũng phải liệu cách thôi, trong thâm tâm bà Paulus Phước đã có sẵn ý nghĩ như thế (?).
....
 
3.
Dũng ngả mình trên bãi cỏ ngước nhìn lên cao, cao lắm; hút tận tầm con mắt.
Ánh nắng đã nhạt hẳn ở trên mỏm những chòm lá cây và đỉnh những nóc bâtiment được xây theo kiểu Gothic, tọa lạc chung quanh khuôn viên giảng đường. Không gian đã thấy xuất hiện những đốm sao lóng lánh trên một bầu trời đang tắt nắng.
Từ lúc còn mài đũng quần dưới mái trường trung-học, Dũng đã rất thích xem truyện, đọc thơ và thường nghêu ngao hát hỏng. Đôi khi còn có mặt trong đội bóng tròn với bạn học cùng lớp. Nhưng tuyệt nhiên, cho đến bây giờ, không có một năng khiếu nào được phát triển thêm trong những lãnh vực vừa nhắc đến. Hồi đó Dũng đã rất thích những vần lục bát mượt mà của tên bạn đồng môn, gã du-tử họ Lê. Nhưng cái 'ưa thích' đã ngấm tới một mức độ không còn 'nhớ' được gì nữa. Nếu có ai bảo đọc lại thử một vài câu trong tập Thơ của Lê, thì Dũng xin chịu (vì đâu có nhớ). Nhưng nếu hễ được nghe một đoạn thơ, hay thơ được phổ nhạc của Lê, thì anh không bao giờ đoán sai.
Nhưng không hiểu vì cớ gì, thơ của Phương, Hoài-Ngô, Hoài "bắp", hay Ngô-Thế-Phương thì Dũng lại thuộc; Và may mắn thay, suốt đời cũng vẫn chỉ thuộc được có hai giòng (!) trong một bài lục bát của người bạn học (và thêm bạn văn-nghệ).
"...
nhìn trời không thấy có sao
vòng tay gối lỏng, chiêm bao thấy buồn
..... "
Đó là hai câu thơ Dũng đã tự dưng nhớ một cách không phải 'cố gắng để nhớ'. Anh cũng không nhớ rằng đã được đọc vào dịp nào (?), của cái thời Đệ Tam, Đệ Nhị. Người bạn tác giả những giòng thơ đó, bây giờ có lẽ cũng đã tốt nghiệm Đại-Học Sư-Phạm Sàigòn và đã là Giáo-Sư tại một trường nào đó ở quê nhà.
 
.....Khi Dũng cảm nhận được làn hương thơm từ hơi thở nhè nhẹ, một cãm giác âm ấm của bộ ngực và cánh tay đè nặng ngang người; tâm trí anh mới chợt thức tỉnh trở về thực tại, với Kim, với bãi cỏ sân trường, với cái nơi hai người đã nằm đọc sách từ lúc xế chiều.
--“Eh toi, tối rồi. Mình nghỉ chứ?” Kim nhỏm dậy hỏi Dũng.
Anh quàng nhẹ cánh tay ngang lưng nàng, kéo cô bạn gái trở về vị trí cũ.
--“Ở lại một chút nữa đã. Sau đó mình đi ăn rồi về dortoir luôn thể.”
Kim nhẹ nhàng nằm xuống cạnh Dũng như cũ. Cô bắt chước người bạn trai, mặt cũng ngước nhìn trời cao.
--“Toa có thấy những ngôi sao trên kia không?” Dũng hỏi.
--“Nhiều sao quá cỡ, nhưng chưa hiện ra rõ rệt.”
--“Tại trời chưa tối hẳn đó. Nhưng toa có ý nghĩ gì không?”
--“Nghĩ gì, là nghĩ gì?”  Kim hỏi vặn lại.
Dũng đáp:
--“Toa vẫn còn nhớ được Alphonse Daudet đấy chứ? đó là Les Étoiles 'những vì Sao' của ông ta đấy.” 
--“Mais oui! moa nhớ rồi. Toa cũng thích truyện của Daudet hả. Moa đã đọc từ hồi còn ở Sàigòn. Bây giờ chỉ còn nhớ được chút ít.”
Thời còn trung-học đệ Nhất Cấp, không có giáo-sư Pháp văn nào mà không bảo học trò
đọc thêm những đoản văn nổi tiếng của văn-chương Pháp trong thế-kỷ 19. Riêng nhà văn Daudet Dũng còn nhớ ngoài 'Những vì Sao' Les Étoiles, anh đã được đọc Contes du Lundi, Le petit Chose...
--“Truyện của ông thật là romantique lãng ‘mạng', phải không toa?”
--“Oui, rất là lãng 'mạn'.” Dũng nói tiếp- “Tự dưng moa nhớ tới 'những vì Sao' khi nằm nhìn trời như tối nay. Toa là cô bé Stéphanette, tức cô chủ đấy nhé!”
--“Thế còn ai là chú chăn cừu?” Kim hỏi.
Dũng đáp:
--“Chắc chắn là không phải moa rồi.”
--“Quoi? Vì toa là bạn của maitresse, bạn 'cô chủ' mà?” Nàng hỏi tiếp.
--“Non, Moa chính là một trong những con cừu, les moutons, Ha! Ha! Ha !” 
Kim nhỏm dậy như có sức bật của lò xo, nàng cười ngặt nghẹo và nhéo vào người Dũng lia chia.
--“Eh! Eh! Ferme ta bouche! Toa 'cà chớn' lắm nghen.”
Hai người ôm chặt lấy nhau, cùng cười lăn lộn trên đống sách vở, cười một lúc không ngưng.
 
Giấc khuya, Dũng đưa cô bạn về đến cửa khu dortoir, Dũng hôn phớt trên má nàng để từ giã như mọi bận, Kim vội níu tay anh lại. 
--“Moa chưa muốn đi ngủ bây giờ. Ngày mai là Dimanche. Hai đứa ngồi xuống đây nói chuyện một lúc nữa đi.”
--“Toa cứ nói. Moa nghe.”
--“Chừng nào toa phải dọn ra chỗ mới.” Kim hỏi.
--“Khoảng năm sáu tuần Lễ nữa. Gần hai tháng trước dịp Noel. Moa nên đi tìm chỗ ở bây giờ là đúng lúc.”
--“Thế không ở thêm nữa được à.” Kim tiếp câu nàng hỏi vừa rồi.
--“Moa được ở tạm cho đến bây giờ là do faveur của người concierge. Hết hạn rồi thì phải dọn đi. Với đám bạn thì bien sur, chúng muốn giữ moa ở mãi.”
Kim nói:
--“Moa được nghe một lần toa kể vụ ăn cháo chim, có phải không?”
--“Oui, nghe nhắc lại mới nhớ. Lúc đó moa dọn đến chỗ hiện đang ở tạm bây giờ, với vài người bạn học trên tầng chót ngay dưới mái nhà; loại mái toit de Mansard. Sinh-viên đã từng ở đấy lâu, than là mùa Đông thì cóng lạnh vì tuyết đóng cứng trên nóc nhà. Ngược lại mùa Hè thì nóng khôn tả. Hơi nóng mặt trời phả xuống từ mái tôle, khiến người ở bên trong có cảm giác như đang sống trong một lò làm bánh mì.”
“Cả bọn phải mở toang các cửa sổ cho gió lùa bớt hơi nóng ra. Do đó bầy chim Bồ..Bồ gì nhỉ? À pigeon, thường bay vào phòng mổ ăn những miếng bánh mì và những hột cơm còn cương vãi. Dân học-trò nghèo tất nhiên cũng đã phải nghĩ tới cách bắt những con chim này để biến thành thực phẩm. Nhưng thực tế khó mà tóm được chúng, vì pigeon là loại chim rất khôn và nhanh. Họa hoằn lắm mới có một chú bị bắt hay sập bẫy.”
“Khi Dũng dọn vào, anh nghĩ ngay được một cách bẫy chim, vừa khiến không ai nhận ra được mà lại rất công hiệu. Trong bọn có một tên làm việc giót rượu tại bar vào mỗi đêm, thường đem những phần rượu (thay vì bỏ đi) còn xót trong chai về nhà. Sau khi lục hết mọi chỗ, Dũng dồn đủ thứ rượu vào một cái seau. Anh lượm những mẩu bánh mì thay vì bỏ đi, đem ngâm vào chỗ rượu 'thập cẩm', rồi để khô làm thức ăn cho chim bồ câu. Kết quả một số pigeon ăn phải đồ 'nhậu' nên ‘say xỉn’ và bị bắt dễ dàng; đã biến thành nồi cháo chim. Dân học nhờ ở đậu, khuya mà được nhâm nhi bát cháo nóng có vài lát thịt bồ câu thì không còn gì khoái miệng bằng...”
Kim rất thích nghe lối nói chuyện của Dũng; cái giọng rặt 'Bắc kỳ, thỉnh thoảng có chêm vài danh từ của xứ Gia-Định Đồng-Nai.
Đợi anh dứt lời với câu chuyện ăn cháo pigeon, Kim nói:
--“Moa cũng đang tính kiếm chỗ ở bên ngoài cho tiện. Mấy con bạn có biết được một nơi rất thoải mái, người thuê chỉ cần trả tiền đúng thời hạn là được. Nhiều đứa có khi cuối tuần còn dủ thêm bạn về ngủ mà không sao.”
Dũng nhìn cô bạn biểu đồng tình:
--“Cái đó tùy toa sắp xếp. Nhưng nên cẩn thận, mình không có nhiều thì giờ dư để dọn chỗ ở luôn luôn.”
Kim ôm lấy anh, giọng trìu mến:
--“Toa nói cái kiểu như m'aman ở nhà. Oui, Je sais bien.”
--“Moa cũng quên bẵng đi mất chuyện ở Sàigòn của toa, ‘tình cảm’ đã đi đến đâu rồi?”
Kim cười thích thú trả lời:
--“Không có gì hết! Moa đối xử với Luý như mọi người. Luý vẫn tán tỉnh để dủ moa đi chơi, nhưng moa chỉ nhận lời khi có thêm người thứ ba cùng đi làm kỳ đà cản mũi.
Toa biết không, sang lại bên này moa découvrir được là Bernard Tài bỏ học và vẫn tiếp tục ở lại Paris ăn chơi. Sau cùng ông bà già phải coupe gửi tiền để khiến luý phải trở về nhà lo làm ăn, nhưng vẫn giữ cái mark tốt nghiệp bên Pháp.”
--“Hy vọng chuyện không làm toa bực mình.” Dũng nhẹ nhàng an ủi.
--“Không sao. Cái làm moa không thích là luý nói xạo, il est menti. Tại sao phải làm như vậy? Làm gì moa phải bận tâm. Việc bây giờ là moa phải theo dõi toa để có chuyện nói với m'man về cái anh bạn Bắc kỳ.”
Dũng không khỏi xúc động, giây lát sau nói:
--“Sau khi quen biết được một thời-gian, chắc toa cũng đã hiểu. Cuộc đời lý-tưởng của moa không phải chỉ lớn có bằng cái nhà cộng chiếc xe hơi... Những thức đó đối với moa chẳng có nghĩa lý gì cả…”
Trong lúc Dũng say sưa nói, đầu Kim đã ngả vào ngực anh từ lúc nào không hay. Mái tóc đen mượt lòa xòa vương trên vai Dũng. Mùi hương thơm phảng phất nhè nhẹ khiến tâm hồn người bạn trai ngây ngất, bồng bềnh.
Giọng Kim cất lên nhỏ nhẹ:
--“Trong Les Étoiles của Daudet có đoạn mục đồng kể cho Stephanette chuyện những vì Sao lấy nhau có phải không toa? Chắc 'mouton' cũng phải 'lập gia-đình' chứ!”
Dũng xiết nhẹ đôi vai cô bạn trong cánh tay.
--“Có chứ, mouton là sinh vật giống như nguời, đến mùa cưới chúng nó cũng phải tìm đến với nhau chứ, pourquoi pas?”
Kim thì thầm trong rung động trên đôi môi :
--“Moa cũng muốn là một 'mouton-ne' như lúc nẫy toa nói toa là 'mouton' Dũng ơi! Je t'aime, Je t'aime beaucoup !”
Dưới bóng đèn đêm, hai chiếc bóng như hoà nhập thành một trong nụ hôn vụng về nhưng nồng ấm.
Trên cao, những vì sao khuya vẫn hiện diện lấp lánh. Dường như trong giải ngân-hà vô cùng tận chỉ có một chùm sao mục-đồng l'Etoile du Berger bỗng chốc rực rỡ và linh hoạt hơn hết ở khoảng giữa bầu trời mênh mông. /// 
 
Nguyn ngc Tùng   
 
(Tái biên tập 7/2012)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét