Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

truyện ngắn - Lê khánh Thọ, France

Hồn ma xứ Pháp -  

Lê khánh Thọ, France


Chiều thứ bảy 26/3/2011
Rời khỏi phòng nhãn khoa, bà Minh mời tôi vào quán càfé. Thấy trời chạng vạng tối, tôi ngần ngại nhưng lại không nở từ chối v ì nghĩ bà tuyệt vọng, đang cần tôi để trút nổi niềm lo lắng. Giọng bà phẫn uất :
-       Tui thề với chị từ ngày chồng chết đến nay tui chưa ngủ với thằng cha nào thì làm sao tui bị Sida cho được !? (bệnh Aids)
Tôi định giải thích người ta không hẳn lây bịnh Sida vì ngủ với thằng cha nào, nhưng bộ mặt thảm sầu của bà khiến tôi đổi qua giọng trấn an:
-       Chị đừng lo. Người ta gởi chị tới trung tâm Sida thử máu vì người ta tìm không ra bịnh của chị, họ đâu đã quả quyết chị bị Sida.
-       Tại sao trung tâm Sida đẩy tui tới đây khám mắt ? Mắt đâu có liên quan gì tới Sida !?
-       Em không rành y học, tốt nhất chị chờ kết quả.

Từ hơn mười năm nay, tôi giúp bà Minh thông dịch. Bà xấp xỉ lục tuần hơn tôi hai tuổi, người Nam, vẻ mặt đẹp phúc hậu, bản tính bộc trực, thân hình phốp pháp so với chiều cao không quá một mét rưỡi nhưng bà ít chú trọng ngoại dáng, vẫn không thể thiếu lon Coca trong bữa ăn (theo lời bà “cho nó ợ dễ tiêu”). Mang nhiều thứ bịnh tuổi xế chiều loại tê thấp, gai cột xương sống, bao tử…nhưng chưa bao giờ bà quá lo lắng như lần này. Mỗi khi ho hoặc hắt hơi, hai bên tai bà bị ù và cảm thấy nhức nhối trong đầu. Chụp quang tuyến vẫn không tìm ra bịnh, bác sĩ gởi bà đến trung tâm điều trị Sida. Giúp bà quên nổi lo, tôi bắt qua chuyện khác:
-       Ông bác sĩ gia đình hôm nọ nói chị dư kí lô, khuyên chị nên đi bộ nhiều. Mấy hôm nay chị có đi không ?
-       Tui mới đi hổm rày.
Bà chợt nhớ ra, nói :
-       Tui muốn hỏi chị chuyện này…Sáng sớm trên đường ra hồ thể dục, ngay chỗ ngọn đồi gần viện dưỡng lão, chị có gặp nhiều người hông?
-       Em không theo hướng đó. Từ nhà em qua lối khác gần hơn. Mà sao chị ?
-       Kỳ thiệt, tui gặp đông người lắm! Có một bà mặc quần đen, áo trắng, tóc dài đi gần tui. Qua hôm sau tui cũng thấy giống y như dzậy. Tui nghĩ giờ đó còn sớm, ai mà ra đường đông quá hé! 
-       Người đàn bà đi gần chị là người Pháp hay người mình?
-       Tui hổng biết. Tui hổng thấy rõ mặt nhưng gặp hai ngày liên tiếp thì tui chắc chắn cũng là bà đó vì đầu tóc dài, mặc quần đen, áo trắng.
Tôi nghĩ đúng là kỳ lạ, xứ Pháp nơi tỉnh tôi ở rất ít người ra đường lúc trời chưa sáng. Tôi lan man nhớ đến phim “Giác quan thứ sáu (The sixth sense)” do nhà đạo diễn Ấn Độ M. Night Shyamalan thực hiện năm 1999, tài tử Bruce Willis và nhi đồng Haley Joel Osmen thủ vai chánh. Chuyện phim kể về một cậu bé 9 tuổi bỗng dưng có năng khiếu thấy được người thế giới bên kia, ở trong tình trạng ghê rợn như ói mửa sặc sụa, treo cổ, máu me bê bết… Cậu rất sợ hãi và trở nên đứa trẻ sống khép kín. Cho tới khi được một bác sĩ tâm lý tin lời, khuyến khích cậu làm sáng tỏ cái chết oan ức của một cô gái bị bà mẹ ghẻ đầu độc. Và bất ngờ cậu khám phá ông bác sĩ cũng là người ở thế giới bên kia, mới qua đời vì bị một bệnh nhân tâm thần ám sát. Bởì cái chết đột ngột, chưa biết mình đã chết nên ông vẫn quyến luyến cõi trần và đau khổ ghen tuông mỗi khi nhìn thấy vợ yêu của mình với người đàn ông khác… Nhờ lời hướng dẫn thông minh của cậu bé, ông hiểu và chấp nhận mình đã chết ”.
Tôi nghĩ biết đâu bà Minh có khả năng tiếp xúc với thế giới bên kia, bèn nghiêm giọng nói:
-       Có lẽ họ muốn chị cúng.
Bà Minh bật nẩy người:
-       Chị nói gì mà ghê dzậy! Bộ chị nghĩ là ma hả !?
-       Em nghĩ không chừng họ cần chị giúp đỡ.
-       Thôi chị ơi, tôi hổng dám ra đó cúng một mình đâu, mà nếu cúng cũng phải đợi thứ bảy tụi học trò nghỉ học, chỗ đó gần trường học. Thấy mình cúng, tụi học trò Tây bu coi, hổng được đâu!
Vậy rồi cả ngày chủ nhật và thứ hai, tôi bị câu chuyện trên ám ảnh. Tôi định bụng sẽ khuyến khích bà Minh đi cúng cùng với tôi, nhưng rồi tôi chần chờ vì nghĩ :”còn lâu mới tới thứ bảy, vài ngày nữa mình phôn cho bả cũng chưa muộn”.
Lần lữa đến tối thứ tư, vào ngày con gái tôi ghé nhà ăn cơm tối, tôi đang kể cho con tôi nghe nghi vấn « hồn ma trên ngọn đồi » thì thình lình hai mẹ con giật mình bởi tiếng clic, bóng đèn chớp một cái thật nhanh và sáng trở lại trong tích tắc. Đây là lần đầu tiên chuyện bất thường này xảy ra. Tôi thầm nghĩ: « không lẽ ma chơi mình sao ta !? »
Ăn cơm tối xong, con gái tôi viết mail cho cô bạn Pháp mà từ tháng nay vì bận rộn với người yêu (mới !) nên quên bẵng. Đang gõ mail thì nghe tiếng clic giống hồi này, đèn điện chớp nhanh và sáng trở lại. Điều kỳ lạ tuy mail biến mất nhưng máy vẫn hoạt động. Con gái tôi lẩm bẩm : “Cả tháng mới viết mail mà cũng sinh chuyện ! »
May thay bức thư viết dở dang tuy biến mất nhưng vẫn còn lưu trữ trong hộp brouillons (nháp).
           «  30/3/ 2011 ---21giờ 47
 Chào Maud,
Mình nghe Michael báo tin bồ đã sinh được một bé gái rất dễ thương! Mình muốn chúc mừng bồ và hỏi thăm sức khỏe của bồ ( Coucou Maud, J’ai appris par Michael que tu avais accouché d’une adorable petite fille! Je voulais t’envoyer mes félicitations et te demander comment ça va…)
Tiếc rằng đã không làm điều này sớm hơn ! (Désolée de ne pas l’avoir fait plus tôt !) »
Con tôi tiếp tục gõ mail thì bỗng nghe clic, mail lại biến mất lần thứ hai. Bực bội, con tôi lẩm bẩm :
-        Lạ thật, thôi khỏi viết nữa ! 
Tôi chợt hiểu, bảo con :
-       Má nghĩ ông bà khuất mặt nào đó hối má gọi bác Minh về việc đi cúng ngày thứ bảy. Con đợi má nói chuyện với bác Minh xong rồi hãy viết lại, biết đâu sẽ được !
Qua phôn, bà Minh kể với giọng sôi nổi :
-       Sáng sớm thứ hai, tui ra ngoài hành lang cột giây giày trong khi chờ thang máy xuống. Chị nhớ tui ở lầu một. Thang máy không ngừng lầu một mà lại chạy xuống tầng dưới cùng. Tui tò mò đi bộ thật nhanh xuống dưới để kịp xem người nào dậy sớm như tui. Tuyệt nhiên không có ai cả và ngoài đường vắng tanh. Ui chời ơi, tui lạnh toát cả người, sợ quá hổng dám đi ngang qua con đường cũ ra hồ, mà phải vòng qua lối khác xa hơn. Hổm rày tui hổng dám ra đường sáng sớm nữa. À, tui quên kể chị tin dzui, tui mới nhận thơ báo tui hổng bị Sida.
Sau khi tôi hẹn với bà Minh sáng thứ bảy sẽ cùng nhau ra ngọn đồi, con gái tôi vào brouillons tìm lại mail đã biến mất hồi nảy thì vô cùng kinh ngạc…Ba hàng chữ mà con tôi viết tiếp theo không còn nữa, chỉ còn câu :« Tiếc rằng đã không làm điều này sớm hơn » , như một lời nhắc khéo tôi đã không sớm gọi bà Minh.
Qua lần thứ ba con tôi viết và gởi mail đi êm thắm. Sinh trưởng trên xứ Pháp, dù đầu óc khoa học nhưng con tôi cũng phải sững sờ trước hiện tượng không thể giải thích. 
Thứ bảy 02/4/2011
 6 giờ rưỡi sáng tháng tư trên xứ Pháp trời tranh tối tranh sáng, tôi hẹn bà Minh nơi có xe cộ thưa thớt qua lại. Tôi chưa bao giờ biết cúng cô hồn nên bà Minh lãnh phần mang đồ cúng. Tay bà xách bọc nylon, mặt có vẻ trầm trọng. Đi bộ khoảng vài phút thấy viện dưỡng lão, tôi nao nao xúc động nhớ ngày nào mình đã từng làm việc cận kề những người già yếu cô đơn. Bên cạnh viện là ngọn đồi nhỏ um tùm cây cối vẫn còn ngủ yên trong sương mù, vòng quanh đồi ngoằn ngoèo những con đường đất chật hẹp dành cho người đi bộ. Tôi thầm thì khấn :
      -    Ông bà linh thiêng cho tui thấy, có cần chi xin cứ nói.
Bà Minh nạt nhỏ :
-       Cái chị này, người ta sợ muốn chết mà chị còn đòi thấy. Tui sợ đến nổi cả tuần nay mất ngủ. Thôi xin kẻ khuất mặt khuất mày để yên tui cúng, làm ơn đừng cho tui thấy.
Sắp tới nơi, tôi dặn dò :
-       Khi nào chị thấy « họ», chị bấm tay em thật chặt làm hiệu nghen chị.
Bà Minh gật đầu và nắm nhẹ tay tôi. Một phút sau, bà Minh bấm mạnh vào bàn tay tôi lia lịa, mặt bà thất thần sợ hãi.
Tôi đảo mắt nhìn quanh nhưng không thấy gì ngoài cây cối. Bà Minh lui cui dọn đồ cúng dưới gốc cây. Trước tiên bà trải hai tờ báo lớn và trải bánh kẹo lên trên, rót ba ly nước lạnh, thắp sáu cây nhang. Vẻ mặt bà xúc động, run run nói « tui lạnh quá ! ». Tôi cầm ba cây nhang bà Minh mới trao, lâm râm niệm Phật và khấn vái tứ phương, cầu nguyện cho những oan hồn sớm siêu thoát. Tôi nhắc nhở oan hồn rằng họ đã chết rồi, họ không còn sống ở cõi trần, không sống ở cõi chết mà đang ở giữa hai cõi. Chính vì muốn bám víu cõi trần nên họ đau khổ. Tôi mong họ hãy chấp nhận sự chết để họ sớm được bước vào một cõi khác tốt đẹp hơn.
Bỗng nhiên từ xa tôi thấy trong sương mù xuất hiện một bóng dáng đàn ông cao lớn đi chầm chậm. Tôi hồi hộp nghĩ thầm: « họ cho mình thấy rồi ! ». Tôi ghé tai bà Minh thầm thì :
-       Em thấy rồi. Chị có thấy ông mặc đồ đen phía tay phải không ?
Bà Minh nhíu mày, nói nho nhỏ:
-       Hổng phải, thằng cha Tuyệt (Turc : Thổ Nhĩ Kỳ) này ở gần nhà tui thường hay nhậu xỉn. Đương không mắc mớ gì sáng nay chả ra đây sớm dzậy nè!
Tôi chưng hửng khẻ bật cười, lòng thầm an ủi lời Thánh kinh « Phước cho những ai không thấy mà tin ! ». Khi chúng tôi rời khỏi khu vực huyền bí, bà Minh bạo miệng kể :
-       Hôm nay trên đồi đông hơn hai lần trước, mà hổng khi nào tui thấy rõ mặt mũi của ai. Người đàn bà tóc dài mặc quần đen áo trắng có vẻ dân xứ mình.
Tôi chợt nhớ câu chuyện thương tâm mấy năm trước đã gây chấn động trong cộng đồng người Việt nơi tôi ở… Bà Tư Muối tuổi gần 70, chết cả tháng trời trong căn phòng nhỏ, mùi hôi thối xông nồng nặc cả chung cư khiến hàng xóm khiếu nại. Ông gác dan mở cửa thì kinh hãi khám phá một thi thể lúc nhúc dòi bọ. Thiên hạ bàn tán… tuy thằng em trai cư ngụ cùng tỉnh và hai người em gái ở Paris cách 300 km nhưng chị em rất ít liên lạc. Tôi nhắc bà Minh :
-       Không chừng bà Tư Muối chết uất ức hiện về nhờ bà cúng đó !
-       Hổng phải đâu. Bà Tư Muối lùn và mập. Bà này ốm và cao. Tui ở đây mấy chục năm, bà nào chết tui cũng đưa đám. Tui chưa bao giờ thấy dáng ai giống bà này.
-       Em nghĩ tỉnh mình không có chùa, vậy mỗi sáng thứ bảy tụi mình ra đây thì cũng như đi chùa. Em không rành đọc kinh nhưng có thể niệm Phật cầu nguyện cho đến khi nào chị không thấy « họ »  nữa.
-       Ờ, chị nói dzậy cũng phải. Tui vái họ cho tui trúng cá ngựa, tui sẽ mời Thầy tới lập trai đàn giúp họ mau siêu thoát.
Tôi phì cười :
-       Chị có máu hối lộ hí ! Sách Phật dạy mình không được cầu lợi cho mình dưới bất cứ hình thức nào. 
-       Hổng phải hối lộ, tại tui lãnh tiền trợ cấp xã hội mấy trăm bạc hổng đủ tiền mời thầy.
-       Cho dù chị muốn lập trai đàn cũng không được đâu, cảnh sát bắt đó ! Nếu thân nhân mình chết ngay ngọn đồi thì mình có thể lấy cớ phong tục xứ mình để xin giấy phép. Mình kể câu chuyện này ai mà tin, không chừng mình bị cảnh sát nhốt vào nhà thương điên.
-       Ờ, tui cũng hổng dám nói với ai, người ta sẽ cười tui mê tín đặt chuyện.
Bốn ngày sau…(thứ ba) bà Minh phôn :
-       Tui suy nghĩ hoài ngủ hổng được. Tui đoán người đàn bà này là má của ông bác sĩ Hướng (ông bác sĩ Việt Nam duy nhất trong tỉnh nay đã về hưu ). Tui hổng biết bà này nhưng mỗi khi tui đi thăm mộ hai người hàng xóm, tui thấy mộ của má bác sĩ Hướng bên cạnh tiêu điều hổng ai thăm viếng thật tội nghiệp ! Tui lượm những cành bông còn tốt người ta vất làm thành một bó cắm lên mộ bả. Tui khấn bả tha lỗi cho tui tặng bả bông lượm giỏ rác, nhưng vì tôi muốn làm mộ bả đẹp để bả dzui. Tui nghĩ người đàn bà đó có thể là má bác sĩ Hướng, vì tui nghe người ta nói bà này ở viện dưỡng lão nhưng tui hổng biết tên viện dưỡng lão.
Tỉnh tôi ở có bốn viện dưỡng lão. Tôi tới viện dưỡng lão gần ngọn đồi, là nơi tôi đã từng làm animatrice thì được xác nhận có một người đàn bà Việt Nam duy nhất nhập viện khoảng hơn  hai năm và qua đời vào năm 1980.
Sau khi hội ý với tôi, bà Minh phôn trình bày câu chuyện với bác sĩ Hướng. Bà phập phồng lo lắng ông sẽ nghĩ bà có máu đồng bóng, hoặc bịa chuyện để trục lợi. Bà van vái vong hồn mẹ ông linh thiêng cố gắng hối thúc ông con sớm liên lạc với bà.
Sáng thứ sáu bà Minh phôn cho tôi rất sớm, bà háo hức báo tin bác sĩ Hướng sẽ tới nhà bà lúc 11 giờ và bà yêu cầu tôi có mặt.  
Gặp bác sĩ Hướng, ông xác nhận mẹ ông dáng cao, gầy và tóc dài như lời bà Minh tả. Ông trầm ngâm đọc bức thư tôi mới in ra giấy có hàng chữ : « Tiếc rằng đã không làm điều này sớm hơn ». Ông cho biết ông có vợ Đầm và ba con, sau khi bảo lãnh mẹ qua thì không còn cách nào hơn là phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Hôm mẹ chết, đứa em ông định cư tại Mỹ đã nhờ Thầy cầu siêu đem vong linh mẹ vào chùa ở Los Angeles. Tôi nói :
-       Theo tôi đọc sách Phật thì việc cầu siêu tuy ích lợi cho người chết nhưng chính những ý tưởng và cảm xúc  ở những giây phút trước khi lìa đời đóng vai trò rất quan trọng. Sự lẻ loi đơn độc là điều bất hạnh nhất của người sắp mất. Nếu họ hôn mê trong trạng thái buồn phiền, uất ức thì phần lớn những oan hồn này lang thang vô định, không có nơi nương tựa thường lưu lại cõi âm lâu hơn những người ra đi trong thanh thản. Tôi nghĩ mẹ ông chết trong cô đơn, cần phải cầu hồn cho hương linh được siêu độ mới mong thoát được kiếp oan hồn vất vưởng. Tỉnh này không có chùa, tôi nghĩ ông nên gởi Bác về chùa ở Việt Nam.
Ông chưa kịp trả lời thì bà Minh sốt sắng :
-       Ông đưa tên tuổi và ngày chết của Bác, tôi sẽ lo chuyện này. Tôi cũng xin thưa với ông, tôi không đòi hỏi tiền bạc gì cả. Bác đã tin tưởng chọn tôi thì tôi xin hết lòng giúp Bác.
Ông bác sĩ nói :
-       Xin bà cứ làm như vậy, tôi sẽ lục giấy khai tử của mẹ tôi xem lại, lâu quá tôi quên ngày rồi.
Tôi nói thêm :
-       Ông có muốn xem ngọn đồi đó thì chúng tôi đưa ông đi, cũng gần đây.
-       Dạ thôi để dịp khác.
-       Sáng thứ bảy này tụi tui ra đồi cúng sớm, ông muốn tới càng tốt.
Ông thối thoát :
-       Nhà tôi có khách Paris ghé chơi nên bận lắm !
Bà Minh dặn dò:
-       Ông nhớ mua bó bông ra mộ khấn vái Bác nghen!
Ông bác sĩ làm thinh.
Sau khi ông bác sĩ ra về, tôi nói:
-       Ông bác sĩ muốn “bán cái” cho chị rồi. Coi bộ ổng nửa tin nửa ngờ. Thôi kệ ổng, mình cứ làm theo ý mình.
Bà Minh hậm hực:
-       Nghĩ bà này đau thiệt ! Hao tốn biết bao nhiêu tiền lo cho thằng con qua Pháp ăn học tới bác sĩ, qua đây bị bỏ vào viện dưỡng lão !
-       Công bằng mà nói thì ông bác sĩ này cũng có hiếu đó! Nếu không thương mẹ, ổng đã không bảo lãnh bà già qua đây. Chẳng qua hoàn cảnh xã hội bắt buộc ổng phải đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Hơn nữa ổng đã quen hội nhập vào đời sống bên này. Tập tục người Pháp khác xa với người mình, họ ít quan tâm tới sự gặp gỡ chăm sóc về mặt tâm linh lúc người thân sắp qua đời.
-       Người Pháp ở viện dưỡng lão là xứ của họ mà họ còn buồn thúi ruột, huống gì bả hổng rành tiếng của người ta!
-       Bộ chị nghĩ tụi mình sẽ được sống chung với con cái khi về già à !? Tốt nhất mình phải chuẩn bị tinh thần ngay từ bây giờ, phải học chấp nhận mọi hoàn cảnh. Đừng có uất ức như mẹ ông bác sĩ chết 31 năm rồi mà hồn còn vất vơ vất vưởng.
-        Ít ra bác sĩ học cao thì cũng phải biết tâm lý người già, phải thường xuyên vào viện dưỡng lão thăm mẹ mới phải chớ!
-       Chị làm như bác sĩ thì phải giỏi mọi thứ ! Thật ra bác sĩ chưa hề được trang bị những gì thuộc về lãnh vực tâm linh. Họ chỉ chuyên môn trong phạm vi khoa học, thuộc về sự sống. Họ thiên về suy luận lý trí mà coi thường thế giới siêu hình. Hầu hết bác sĩ đều lúng túng trong trường hợp bệnh nhân hấp hối với những lời mong ước cầu xin liên quan tới tâm linh.
Thứ bảy 09/04/2011
6g 30 sáng, tôi xách bao nylon bánh kẹo bà Minh dặn mua, tới chỗ hẹn với bà Minh lần thứ hai.
Ngọn đồi nhỏ vẫn chìm trong sương mù mang vẻ hoang liêu cô tịch. Tôi chẳng thấy ma nào nhưng có cảm giác căng thẳng do bà Minh bóp chặt tay tôi liên hồi, thầm thì với ánh mắt sợ hãi: “đông lắm!”. Mùi thơm sáu cây nhang quyện vào không gian vắng lặng huyền bí, tôi niệm Phật không ngừng nghỉ, bỗng nghe tiếng bà Minh đứng dưới chân đồi hối tôi đi. Tôi xuống đồi nói:
-       Đợi nhang tàn mới đi, sao chị gấp vậy! ? Lên đây niệm Phật nữa chị !
Bỗng nhiên mặt bà Minh đổi sắc. Bà nhìn tôi trừng trừng. Tôi hồi hộp nghĩ thầm có lẽ bà Minh đang bị ma nhập. Bà khóc sướt mướt, giọng run rẩy:
-       Tui lạnh quá! Tui lạnh!
Tôi có cảm giác lạnh buốt dọc theo xương sống mặc dù không cảm thấy chút gì sợ hãi. Tôi nghĩ oan hồn đang lẩn quẩn rất gần đâu đây nhưng không thể cho tôi thấy họ và họ cũng không thể nhập vào tôi, có lẻ vì tôi không cùng tần số. Bình tĩnh móc túi áo khoác lấy khăn giấy lau nước mắt cho bà Minh, tôi dỗ dành:
-       Ông bà nào có điều chi oan ức nói đi, tui có thể giúp cho.
Bà Minh vẫn nhìn tôi trừng trừng, run lập cập, mếu máo:
-       Tui lạnh quá! Tui lạnh quá!
Bà Minh vẫn tiếp tục khóc và khoảng một phút sau, vẻ mặt bà trở lại bình thường, hối:
-       Mình đi chị.
Thấm nước mắt bà còn đọng trên đôi má bằng mảnh khăn giấy, tôi hỏi:
-       Tại sao chị khóc ?
Bà ngơ ngác:
-       Tui khóc à ?
Trong tuần, bà Minh gọi phôn than bị đau lưng, hai cánh tay nhức mỏi vì bà ra nghĩa địa chùi rửa ngôi mộ bằng ciment mốc meo của mẹ ông bác sĩ. Bà xuýt xoa tấm bia gãy đã xóa mất dòng chữ lý lịch người quá cố và bà than van thằng con bác sĩ vẫn chưa tặng mẹ bó bông  như lời bà nhắc nhở. Nghĩ lần này vong linh sắp sửa giã từ xứ Pháp, bà chơi đẹp mua một chậu bông tươi đặt lên mộ thay vì tặng bông lượm trong giỏ rác.
Chiều thứ bảy 26/3/2011
Bà bồn chồn, chờ đợi ông con đưa ngày chết của mẹ nhưng ông vẫn lặng thinh. Không đủ kiên nhẫn, bà dẹp tự ái phôn tới nhà ông. Nắm được tin tức, bà vội vàng phôn về chùa Gò Vấp, gọi cả bốn số điện thoại của bốn ni cô bà quen nhưng không ai trả lời. Nóng ruột, bà gọi vào chùa Chợ Lớn thì may mắn được thầy trụ trì chấp nhận giúp đỡ vong linh. Bà thở phào nhẹ nhõm, hớn hở phôn báo tin ông bác sĩ:
-       Tôi đã gởi Bác vào chùa Đại Thế Giới rồi.
-        Hồi trước mẹ tôi ở Chợ Lớn, nhà sát chùa Đại Thế Giới. Cám ơn bà.
Ông bác sĩ thản nhiên về sự trùng hợp này nhưng bà Minh và tôi rất xúc động, Chúng tôi tin rằng mẹ ông linh thiêng hoặc một thế lực vô hình đã sắp đặt giúp vong linh trở về đúng nơi quê quán.

Thứ bảy, 23/4/2011
Đây là lần thứ ba chúng tôi lên ngọn đồi huyền bí. Bà Minh không bấm mạnh vào tay tôi vì bà không thấy một ma nào nữa.
Điều kỳ lạ, bịnh ù tai và nhức đầu của bà tự nhiên lành hẳn. Bà nặng thêm vài kí lô nhưng cũng mặc kệ lời khuyên bác sĩ, bà bỏ hẳn đi bộ buổi sáng và vẫn tiếp tục uống Coca cho nó ợ dễ tiêu.
Tôi tin mọi chuyện có bàn tay của Đấng Vô Hình sắp đặt. Nếu bà Minh không bị nghi vấn Sida thì có lẽ hôm đó tôi đã từ chối vào quán Càfé và mất dịp nghe bà kể câu chuyện huyền bí. Nhờ vậy, tôi có cơ hội được học điều tôi cần phải học đi học lại: “Ý thức tính cách vô thường để không bị ràng buộc tình cảm, tiền bạc, danh vọng… và chuẩn bị chấp nhận cái chết.”
Chấp nhận là chìa khóa của sự chuyển hóa (Darshani Deane).

Lê khánh Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét