- Một niềm an ủi và khích lệ đến với nữ Ca sĩ kiêm Diễn viên màn bạc Thanh-Lan !
Phim Number Ten Blues “Good Bye Saigon” (trước 1975)
*
MÙA THU ĐÔNG KINH
Xin
thưa cùng quý vị, Thanh Lan xin mượn tạm tựa đề bài hát để viết về
chuyến đi thật lý thú trong 3 tuần vừa qua thăm đất nước Phù Tang. Nói
là thăm thì cũng không đúng vì lần này Thanh Lan được hãng phim Nhật mời
qua để có mặt với đoàn phim trong 2 Festivals ở Fukuoka và Hiroshima.
Sở dĩ được mời là vì cuốn phim Number Ten Blues “Good Bye Saigon” do
Thanh Lan đóng vai chính cùng với 2 diễn viên người Nhật là Yusuke
Kawazu và Kenji Isomura đã được 2 festivals nói trên tuyển chọn để chiếu
cùng với 23 nước Á Châu khác như Hồng Kông, Hàn Quốc, Indonesia, Thái
Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Irak, Ấn Độ.. Đạo diễn Norio Osada cho Thanh Lan biết
rằng ở Fukuoka, vì nước Nhật là nước chủ nhà nên phim Nhật không được
chấm điểm, có lẽ là vì sợ khán giả Nhật sẽ bầu chop him Nhật. Kết cuộc,
tại Fukuoka phim Hong Kông được khán giả yêu thích nhất và đứng thứ nhì
là phim Hàn Quốc. Không có giải ba và cũng không có giải riêng cho từng
tài tử. Có trên 100 cuốn phim gửi đến thì chỉ có 23 cuốn được mời đến
Festival mà thôi.
Nhắc lại thời gian cuốn phim được quay là vào tháng 1, tháng 2 và tháng
3 năm 1975. Nghe thật là xa xôi phải không quý vị? Bởi vậy ông Osada đã
nói với Thanh Lan đây là một phép lạ, tưởng chừng như cuốn phim này đã
mất hút luôn với thời gian, nhưng không ngờ nhờ một người quen rất mê
phim ảnh đã cho anh Kenji Isomura biết rằng cuốn phim đang được cất
trong kho lưu trữ phim ảnh của quốc gia Nhật Bản, và hai người ấy đã có
công sức hồi phục cuốn phim đang được cất giữ trong phòng lạnh chỉ có 6
độ từ 37 năm nay. Nghe như chuyện xác ướp Ai Cập, quý vị nhỉ?
Cuốn phim được quay khi mà tình hình chiến tranh Việt Nam thật là quyết
liệt. Cũng có lẽ lúc đó vì đang lo làm phim nên chính Thanh Lan cũng
không theo dõi tình hình chiến sự như thế nào rồi. Trong phim có những
cảnh quay Saigon cũng như ngoại thành vào những ngày mà Saigon chưa bị
đổi tên, nên có một ý nghĩa rất thân thương đối với Thanh Lan khi được
xem lần đầu tiên tại nhà riêng vào năm 2012, tại California, do một
người Nhật cầm từ Nhật qua cho Thanh Lan xem cuốn DVD và cầm đem về Nhật
sau khi Thanh Lan xem xong. Nghe thì tưởng họ nhỏ nhen, nhưng không
phải vậy đâu, là vì cuốn phim chưa hề được trình chiếu cho công chúng
nên vì vấn đề bản quyền, hãng phim chưa có quyền đưa cho một ai cất giữ
mà thôi. Ngoài thành phố Saigon, phim cũng được quay tại thành nội ở
Huế, đèo Hải Vân, dọc theo quốc lộ 1 và Long Hải. Nếu sau này quý vị có
xem, quý vị sẽ thấy những chiếc xe camion chở lính VNCH trên quốc lộ
một. Đó không phải là những người diễn viên đóng vai lính, mà họ chính
là những người lính VNCH thực thụ. Và anh chàng quay phim đã lanh tay lẹ
mắt quay được hình ảnh của họ vào ống kính của mình để rồi hôm nay,
nhìn thấy họ, Thanh Lan chợt rưng rưng nước mắt. Vì không hiểu những
chàng chiến sĩ này giờ ở đâu? Còn hay mất?
Trong phim không phải là một câu chuyện về chiến tranh, chỉ là một mối
tình Việt Nhật, với những cảnh đuổi bắt. Ông Godfather, mafia Việt Nam
do chính tài tử gạo cội Đoàn Châu Mậu đảm nhận. Trong phim cũng có sự
góp mặt của Tú Trinh, Bảo Lâm và Cao Huynh. Trong đoàn làm phim cũng có
những chuyên viên Việt Nam phụ giúp cho đoàn phim Nhật, nên đạo diễn
Osada có nói nếu Ông có dịp thăm Việt Nam, Ông sẽ đi tìm thăm họ.
Trở lại với festival tại Fukuoka, đêm khai mạc được tổ chức thật long
trọng với thảm đỏ và từng thành viên của từng đoàn phim đều được xướng
danh và đứng chụp hình chung với Ông thị trưởng, năm nay mới có 33 tuổi,
trông đẹp trai như một tài tử điện ảnh. Thanh Lan rất bồi hồi khi mà
tên Thanh Lan – Việt Nam được vang dội lên 4 tầng lầu. Lễ khai mạc cũng
như dạ tiệc ngay sau đó được tổ chức tại canal city, một nơi rất lạ lùng
với những giòng nước uốn quanh tạo nên cảnh nên thơ và thoải mái cho
tất cả khách mời đến với liên hoan phim và cả những khán giả dưới hàng
ghế ngồi cũng như những khán giả đứng từ trên lầu cao nhìn xuống sân
khấu ngoài trời. Biết là có thảm đỏ nên Thanh Lan đã chọn chiếc áo bằng
gấm mỏng màu xanh da trời, được vẽ bằng tay những cành hoa lan màu vàng.
Vì mình tên Lan mà.
Ngày hôm sau thì là lần đầu tiên Thanh Lan được xem phim của mình trên
màn ảnh, mà ngày xưa ở Saigon hay quảng cáo là màn ảnh đại vĩ tuyến.
Lúc nào cũng ngồi giữa Norio Osada và Kenji Isomura, nên đến đoạn những
người lính lướt qua màn ảnh, và cảnh hai chị em Lan chia tay nhau, mắt
Thanh Lan rươm rướm nhưng cố giấu nỗi xúc động. Có lẽ vì phim được quay
từ lâu lắm rồi nên khi xem phim thì Thanh Lan cũng chỉ là một khán giả
mà thôi. Chẳng nhớ rằng chính mình đóng trong đó nữa.
Hết phim thì cả 3 người xuống hàng ghế dành riêng cho đoàn phim ở trước
màn ảnh để trả lời những câu hỏi của khán giả. Dĩ nhiên trước khi trả
lời những câu hỏi thì mỗi người phải nói lên cảm tưởng của mình khi đến
với liên hoan phim. Liên hoan phim đã rất cẩn thận để cho một thông dịch
viên người Nhật ngồi ngay sau lưng Thanh Lan để dịch ra tiếng Anh tất
cả những gì mọi người đang nói bằng tiếng Nhật cho Thanh Lan nghe. Và
dịch ra tiếng Nhật cho khán giả Nhật biết những gì Thanh Lan nói bằng
tiếng Anh. Tuy là sống ở Mỹ nhưng Thanh Lan chưa bao giờ phải dùng duy
nhất tiếng Anh hàng ngày như trong vòng 20 ngày vừa qua tại Nhật, thật
là không thoải mái tí nào. Nhớ tiếng Việt quá đi thôi. Mà tiếng Anh của
mình cũng như tiếng Anh của mấy ông Nhật thì nhiều khi đối thoại cũng
mệt thật ấy chứ. Nhưng mà Thanh Lan cũng phải công nhận cái cô thông
dịch viên người Nhật giỏi thật. Ông đạo diễn đang nói tiếng Nhật mà cô
ấy cứ thao thao tiếng Anh vào tai Thanh Lan, không cần suy nghĩ nữa.
Nói tóm lại, khán giả rất yêu mến chiếc áo dài màu tím hoa cà của nữ
tài tử Việt Nam. Hôm đó là lần đầu tiên gặp gỡ khán giả Nhật nên Thanh
Lan cố gắng thật là nhu mì dễ thương như khi mình còn là sinh viên vậy.
Đại khái là cũng cám ơn đạo diễn, liên hoan phim và cả những khán giả
yêu phim ảnh nên Thanh Lan mới có được niềm vui biết đến thành phố
Fukuoka. Mỗi người được nói lên đôi điều nhưng chỉ có 15 phút ngắn ngủi
thôi. Vợ của đạo diễn đã ưu ái tặng Thanh Lan một bó hoa thật to. Bà ấy
cũng khen tặng Thanh Lan nhiều điều như là đẹp, diễn hay, khiến Thanh
Lan cũng đỡ tủi thân vì mình là Việt Nam mà nằm trong phim Nhật còn Việt
Nam thì không thấy có phim nào?
Sau đó, cả 3 người ra ký tên vào sách festival tặng khán giả và chụp
hình lưu niệm. Phim Number Ten Blues, Goodbye Saigon được chiếu ba buổi,
và buổi nào cũng được sắp xếp như vậy, nhưng buổi thứ ba thì cả 3 đều
không có mặt được vì phải lên đường đi Hiroshima sau khi ghé Tokyo 2
ngày.
Một điều an ủi là Thanh Lan bất ngờ được một nữ phóng viên Nhật mời
phỏng vấn riêng. Cô Mariko Kusakabe rất có thiện cảm với người Việt Nam,
cô có cả một website riêng để thông tin những sinh hoạt văn nghệ của
người Việt Nam. Cô đã email cho Thanh Lan: “Japanese people who checked
your movie were impressed by your movie, I want to watch one more.
Japanese people love you”. Vậy mà trước đó Thanh Lan đã nói với đạo diễn
là vào ngồi chung với Thanh Lan đi chứ không dám đối đầu với nhà báo
Nhật một mình.
Ở Tokyo, Kenji Isomura, nam tài tử trong phim, giờ đây đã trở thành một
business man và là nhà sản xuất của phim đã tổ chức một buổi tiệc nho
nhỏ có chừng 15 người có liên quan đến cuốn phim để tiếp đón Thanh Lan
đến Tokyo, rất là thân tình và cảm động. Một món quà bất ngờ hãng phim
Presario tặng cho Thanh Lan là chiếc đĩa nhựa 45 tour với hai bài hát
bằng tiếng Nhật mà Thanh Lan đã thâu từ cuối năm 1973 cho hãng đĩa
Victor tại Tokyo cùng với bìa đĩa và món quà được cho vào khung kính cẩn
thận. Đúng là người Nhật, làm gì cũng tỉ mỉ và phải cho đẹp mắt. Thanh
Lan rất mừng được có chiếc đĩa hát của mình mà từ xưa đến giờ chưa có
được trong tay. Vì năm 1974 đáng lý trở qua Nhật để đi các nước Á Châu
hát và lăng xê đĩa thì Thanh Lan lại không có được visa để đi Nhật lần
thứ hai. Tuy là sung sướng với món quà tặng nhưng nghĩ đến chuyện sẽ
phải ôm lên máy bay để về Mỹ, sao mà nó ngao ngán, nhưng trước ngày về
Shimpei, anh chàng Nhật luôn luôn hộ vệ Thanh Lan trong những ngày ở
Nhật, đã lại cẩn thận cho vào một túi plastic có chừa chỗ cho tay cầm dễ
dàng, nên Thanh Lan thở phào nhẹ nhõm.
Lần này là lần thứ hai, Thanh Lan được đi xe lửa ở Nhật. Năm 2012 cùng
với linh mục Cao Sơn Thân đi về Osaka, Kobe để hát ở nhà thờ của Cha.
Năm nay cùng với đạo diễn Osada và nhà sản xuất phim Isomura đi về thành
phố biển thơ mộng Hiroshima. Khách sạn nằm sát bờ biển và từ trên cửa
sổ rộng, Thanh Lan có thể nhìn thấy cảnh chiều tà trên biển. Cảnh mà
Thanh Lan thường đi tìm ngắm tại Corona Del Mar, California, gần nơi
Thanh Lan hiện trú ngụ.
Sáng dậy thật sớm, sửa soạn cho đẹp, chạy xuống Metro, chạy qua xe lửa
ngồi 3 tiếng đồng hồ, đến Hiroshima có người đến đón đưa cả 3 người
thẳng tới rạp hát. Lúc đó khán giả đang xem phim của mình. Nên chờ xong
phim thì lại vào gặp gỡ khán giả và trả lời câu hỏi. Theo Thanh Lan thấy
thì khán giả Hiroshima thân thiện hơn là ở Fukuoka. Đây là một liên
hoan phim toàn phim Nhật. Rồi ngày hôm sau, lại chiếu phim mình nữa, lần
này Thanh Lan lại được xem lại cuốn phim của mình lần thứ ba, sau 2 lần
ở Fukuoka. Hôm nay vì không phải đi xe lửa nên Thanh Lan không mặc quần
tây như hôm qua mà mặc chiếc áo dài đen có thật nhiều cườm và kim tuyến
đen. Không nhớ hôm đó Thanh Lan nói những gì mà khi ra về khán giả nhìn
theo rất là trìu mến. Thanh Lan nhớ mang máng là có hỏi ngược lại khán
giả là khi xem phim khán giả có tin là cô Lan này yêu chàng trai Nhật
đến như vậy không? Thì khán giả giơ tay đồng ý là tin. Ở đây cũng có một
anh chàng thông dịch viên đứng ngay sau lưng Thanh Lan. Nhưng mà dù là
khán giả tỏ vẻ thích mình lắm, Thanh Lan vẫn nghĩ mình cũng ngồi đó chơi
cho vui trong đêm loan báo kết quả, chứ khán giả chẳng chọn phim có tài
tử Việt Nam đâu vì toàn khán giả Nhật mà. Có trên 30 cuốn phim gửi đến
Festival ở Hiroshima thì có 6 cuốn vào finalists, trong đó có Number Ten
Blues, Goodbye Saigon.
Đêm đó tất cả mọi người được mời lên khách sạn Bella Vista tận trên
đỉnh núi nhìn xuống biển mênh mông đẹp mê hồn với những hòn đảo nhỏ và
ánh sang lung linh từ những ngọn đèn xa xa.
Người MC loan báo phim được giải bài hát hay nhất. Sau đó phim được
khán giả yêu thích nhất. Như trong giấc mơ, Thanh Lan nghe MC đọc tên
Number Ten Blues mà tưởng là mình nghe lầm. Quay qua anh chàng thông
dịch viên, Thanh Lan hỏi cái gì vậy, thì anh chàng cũng tỉnh bơ trả lời
là phim của cô được Audience Award đấy. Đúng là người Nhật, lúc nào cũng
nhẹ nhàng, ở Mỹ là mình nhẩy tưng tưng lên rồi. Cũng ráng làm mặt tỉnh
nhưng Thanh Lan cũng ôm đạo diễn mà chúc mừng vì Ông là người có công
nhất mà. Nhớ ngày nào qua VN làm phim, Ông mới có ba mươi mấy tuổi, bây
giờ đã trên 70 rồi. Thời gian qua cái vèo.
Thấm gian thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.
Tuy vậy trong những ngày gặp lại Osada và Isomura, Thanh Lan tưởng
chừng như mình được sống lại thời gian đầu năm 1975. Cũng nói đùa, chọc
ghẹo nhau mà chẳng ai giận ai, vì đã biết tính nhau rồi. Dạo ấy, khi
quay phim xong trở về với thực tế, vào giữa tháng 4, gia đình mỗi người
chuẩn bị một túi xách tay với ít đồ đạc tùy thân, tìm tòi, hẹn hò nhau
cùng ra đi một lúc. Nhưng không kịp nữa rồi. Isomura thì mới cho Thanh
Lan biết, vào năm 2013 này, là sau khi quay phim, đoàn phim Nhật còn
muốn ở lại Saigon ít lâu, nhưng tòa đại sứ Nhật đã ra lịnh họ phải về
Nhật ngay lập tức nên họ đã rời Saigon vào ngày 10 tháng 4 năm 1975.
Trở lại với liên hoan phim Hiroshima, người cảm động nhất đêm ấy phải
nói là nữ tài tử Nhật Aiko Nagayawa, năm nay đã 72 tuổi. Phim của cô
không hiểu sao cũng được cất giữ cho đến bây giờ mới đem ra trình làng.
Ông đạo diễn thì mất tích sau khi bị sóng thần. Hai nam tài tử lão thành
thì cũng đã qua đời. Giờ chỉ còn mình cô đại diện cho tất cả lên nhận
giải thưởng lớn Grand Prix. Phim được giải thưởng này sẽ được phát hành
chiếu trên toàn nước Nhật. Đó là một phim xưa của Nhật, câu chuyện xẩy
ra từ thời các samourai. Các đạo diễn và tài tử trẻ của Nhật đã ra chúc
mừng và khen diễn văn của Thanh Lan họ rất thích.
Trên chuyến xe lửa trở về Tokyo, đạo diễn cầm chiếc camera nhỏ xíu để
quay hình Thanh Lan đang trên xe lửa mà có thấy núi Phú Sĩ, nhưng mùa
này Phú Sĩ chẳng có tuyết nên khi vào hình chẳng biết có giống núi Phú
Sĩ hay không?
Trở lại Tokyo, Một buổi phỏng vấn Thanh Lan được quay hình ngay tại
basement của trụ sở hãng phim. Thật ra thì ngày nào cũng quay hình. Tất
cả những gì Thanh Lan đã nói ở trên đều đã được quay hình và sẽ cộng
thêm phần phỏng vấn Osada và Isomura để góp lại thành một cuốn phim tài
liệu về cuộc hội ngộ lạ lùng sau 38 năm. Còn một buổi quay hình cuối
cùng ở Yokohama, tại bến cảng còn lưu giữ chiếc tàu chiến từ thời đệ nhị
thế chiến. Chiếc tàu đã từng chở những chiến binh Nhật còn sống sót sau
trận chiến được an toàn trở về đất Mẹ. Nơi đây cũng chính là nơi Ông
Phan Bội Châu từng đặt chân lên đất liền mỗi khi qua Nhật. Từ trên đồi
cao, trong một vườn hồng dù chưa nở hoa nhưng vẫn có vẻ đẹp riêng, Thanh
Lan, Osada, Isomura đã ngồi kể lể với nhau những kỷ niệm của 38 năm
trước.
Vào tuần lễ đầu tiên tại Nhật, cũng đã có một buổi quay hình rất vui nhộn, đó là ở hội chợ Vào Thu
của người Nhật ở Fukuoka. Hai cô sinh viên Việt Nam, fans của Thanh
Lan, tình nguyện mặc áo kimono cùng đi dạo chơi theo các dẫy hàng quán
sáng trưng. Rồi Thanh Lan cùng với Isomura vào đền gì đó Thanh Lan cũng
chẳng biết tên nữa. Làm sao mà nhớ nổi mấy cái tên Nhật dài quá trời đi.
Cũng bắt chước mọi người xin xăm. Xăm cũng tốt nhưng phải kiên nhẫn.
Kiên nhẫn là mẹ thành công mà.
Tại Yokohama, những ngày cuối cùng Thanh Lan ở tại nhà của Đức và Nhã. Ở
đó gặp lại Khuê, người sinh viên đã từng ra đón Thanh Lan tại phi
trường Tokyo năm 1973 khi Thanh Lan đến Nhật để hát cho Festival Yamaha
giờ đây vẫn ôm chị Thanh Lan thắm thiết như ngày nào. Có khi thắm thiết
hơn vì ngày xưa thì đâu dám ôm. Tại Yokohama cũng quen thêm nhiều bạn
mới, ai cũng thương mình. Cũng an ủi rất nhiều khi mà đời mình đã gặp
phải biết bao chuyện khổ tâm.
Phim Number Ten Blues, Good Bye Saigon trong năm 2013 đã được chiếu tại
các festivals Rotterdam Hòa Lan, Montreal Canada, Fukuoka Nhật,
Hiroshima Nhật, Champagne Pháp, Osaka Nhật và cuối cùng là Austin Texas
Mỹ trong tháng 10.//
THANH LAN
Tháng 10 năm 2013
Poster cuốn phim Number Ten Blues
Thanh Lan và Yusuke Kawazu là 2 tài tử chính của bộ phim Number Ten Blues thu hình năm 1975, mãi 38 năm sau mới được trình chiếu.
Thanh Lan và một cảnh trong phim Number Ten Blues
Những
kỷ niệm quý báu từ dĩa hát, hình ảnh.. của Thanh Lan trong chuyến đi
Nhật 40 năm trước nay được đoàn phim trao tặng tận tay cho Thanh Lan.
Món quà quý giá vô ngần.
Đĩa
nhạc Thanh Lan hát bằng tiếng Nhật 2 ca khúc Tuổi Mộng Mơ (được dịch là
The Ages Of Dreams) và Đừng Phá Vỡ Ân Tình (Don't Turn Off The Light Of
Love)
Mặt trong của cuốn băng nói về tiểu sử Thanh Lan bằng tiếng Nhật
Đĩa nhạc của hãng Victor in đậm tên Phạm Duy trong việc sáng tác ca khúc Tuổi Mộng Mơ và chuyển ngữ bài Đừng Phá Vỡ Ân Tình
Một thoáng hương xưa để nhớ đời
Mặc
dù còn rất mệt sau một chuyến bay dài từ Tokyo (Nhật Bản) bay về Hoa Kỳ
trưa ngày thứ năm 3 tháng 10 năm 2013, nữ ca sĩ Thanh Lan vẫn vui lòng
cho những tình thân chụp ảnh trong tình trạng tóc rối, môi nhạt, má
không hồng..
Thanh Lan rất mệt nhưng vô cùng hạnh phúc với chuyến đi Nhật vừa qua
Sau bao ngày tháng phiền muộn, Thượng Đế vẫn luôn trả lại cho nàng những món quà bất ngờ của cuộc đời
Minhhà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét