Ai hiểu nỗi lòng dân oan?
Đoan Trang – Khi bức ảnh “dân oan Phàng Sao Vàng” xuất hiện trên mạng xã hội cùng với hình “người cựu chiến binh Phàng Sao Vàng”, câu hỏi được đặt ra là:
1) Dành cho giới truyền thông: Khi người lính già ấy
giương khẩu hiệu kêu oan ở vườn hoa Dân Oan (tức vườn hoa Lý Tự Trọng)
ngay bên Hồ Tây lộng gió thì các bạn ở đâu, sao không đưa tin và ảnh
lên?
2) Dành cho giới chức cầm quyền Việt Nam: Thế lực nào đã đẩy ông ra nông nỗi như vậy: Người Pháp, người Mỹ hay bọn “phản động”?
(Facebooker Anh Chí – người đầu tiên công bố bức ảnh “dân oan Phàng Sao Vàng”)
Ngay sau đó, những người có xu hướng “bênh chính quyền” đã đưa ra
các phản bác. Chẳng hạn, các ý kiến này xoáy vào chuyện ông Phàng Sao
Vàng “không biết có phải cựu chiến binh thật không”, “có vấn đề về thần
kinh”, “tâm thần, hoang tưởng”, “là đối tượng có tiền án”, “bản án phúc
thẩm xử ông là đúng người đúng tội; việc đòi bồi thường oan sai của ông
mới là vô căn cứ” (trích báo Quân Đội Nhân Dân số ra ngày 17/10/2012
trong mục Ghi ở phòng tiếp dân), v.v.
Một số người cho rằng bản thân ông Phàng Sao Vàng hoặc “thế lực thù
địch” đã chủ động âm mưu chụp ông ở hai vai trò khác nhau (cựu chiến
binh và dân oan) để tung lên mạng nhằm lợi dụng bôi nhọ chính quyền, và
nhà báo nào “trót” ca ngợi
hình ảnh người cựu chiến binh đến viếng Tướng Giáp là đã mất cảnh giác,
thiếu nhạy cảm chính trị, sa vào cái bẫy của thế lực thù địch, gây hậu
quả này khác. Ý kiến khác lại đặt vấn đề quan trọng về việc có đúng ông
Phàng Sao Vàng đã đi hàng trăm kilomet từ Sơn La về Hà Nội để viếng
Tướng Giáp không, hay ông đang sẵn ở Hà Nội, tranh thủ ghé qua nhà Đại
tướng, không xa xôi gì lắm.
Chúng ta thấy gì qua hai bức ảnh?
Nếu quan tâm đến dân oan hơn một chút, bạn sẽ biết họ không sống ở
Hà Nội, TP.HCM hàng ngày, mà thường “vạ vật” dài ngày, sau đó hết tiền
hết bạc thì lại về quê, được ít lâu lại lên thành phố để tiếp tục con
đường khiếu kiện, đòi công lý đầy mệt mỏi và vô vọng. Ông Phàng Sao
Vàng chỉ là một trong số đó. Ông có vượt hàng trăm cây số từ Sơn La về
Hà Nội thật không, hay đang ở Hà Nội, tiện thể ghé nhà Đại tướng, điều
đó không ảnh hưởng đến việc bản chất ông là một dân oan, tức là người
cho rằng mình bị oan ức, bị đối xử không công bằng trước pháp luật, và
đang tìm đủ cách để đòi công lý.
Nếu hiểu về báo chí hơn một chút, bạn cũng có thể thấy rằng về
nguyên tắc làm truyền thông, nhà báo chỉ đưa những thông tin mới, những
điều ít ai biết, gọi chung là “có giá trị tin tức”, và những câu chuyện
thú vị, hấp dẫn hoặc cảm động (nhưng cũng phải mới mẻ). Và như vậy, việc
báo chí không đề cập đến dân oan – bất chấp sự tồn tại vật vờ của hàng
chục, hàng trăm dân oan ở các thành phố lớn – chính là do chuyện đó
không còn mới và có lẽ cũng không gây xúc động lòng người nữa. Trên thực
tế, cảnh dân oan chầu chực ở cổng cơ quan nhà nước, vạ vật nơi vườn
hoa, công viên, giương khẩu hiệu đòi công lý, đã thành “chuyện thường
ngày ở đô thị” nhiều năm nay.
Nếu quan tâm đến hệ thống tư pháp ở Việt Nam hơn một chút, bạn sẽ
biết tỷ lệ án oan sai ở Việt Nam rất cao, tỷ lệ giải quyết các vụ án tồn
đọng rất thấp, và năng lực của các tòa án cũng như đội ngũ cán bộ tư
pháp, đặc biệt ở địa phương, là rất “có vấn đề”. Cho nên, trong số hàng
trăm dân oan kia, người nào là oan thật, người nào không oan, ta không
thể biết được vì có ai điều tra đâu, và làm sao giải quyết cho xuể?
Nếu quan tâm đến dân oan và tiếp xúc với họ hơn một chút, bạn cũng
có thể thấy rằng dường như một số người có biểu hiện không bình thường
về tâm lý. Tại sao họ lại như thế, cũng như tại sao tỷ lệ mắc chứng trầm
cảm, hoang tưởng… ở Việt Nam lại có vẻ tăng cao trong những năm vừa
qua, thì không khẳng định được. Chưa có nghiên cứu xã hội nào về sức
khỏe tâm thần của người dân Việt Nam như thế nào, hiện trạng xã hội tác
động tới tâm lý người dân ra sao, khủng hoảng kinh tế-chính trị có mối
liên hệ gì đến tỷ lệ trầm cảm hay không, v.v. Nói chung, chẳng có cái đề
tài nghiên cứu nào kiểu ấy cả.
- Lời kết
Vậy, điều đọng lại sau hai bức ảnh là gì? Đầu tiên là mọi công dân –
từ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, đến người dân oan Phàng Sao Vàng, đến Phó Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc – đều có thể đến viếng một người đã khuất với sự
cho phép của tang quyến. Các cách đặt vấn đề như “không rõ có phải cựu
chiến binh không”, “có tiền án”, “có tội, không oan”, “có biểu hiện tâm
thần”, v.v. đều chỉ là một lối tấn công cá nhân tồi tệ.
Quan điểm cho rằng bản thân ông Phàng Sao Vàng đã lợi dụng lễ viếng
Tướng Giáp để gây chú ý, hoặc “thế lực thù địch” âm mưu giăng bẫy, lợi
dụng chuyện dân oan để bôi nhọ chính quyền, thì lại càng đáng phê phán
hơn. Bởi lẽ, khi nghĩ như thế, người ta đã nghiễm nhiên đặt dân oan vào
vị thế đối lập với chính quyền, thay vì nhìn nhận rằng: 1. Dân oan khiếu
kiện là một vấn đề nghiêm trọng của hệ thống tư pháp và của xã hội,
nhưng lại đang bị biến thành chuyện bình thường, không có gì mới, không
có giá trị tin tức để báo chí phải quan tâm. 2. Xã hội của chúng ta đang
đẩy nhiều người, đặc biệt là những người dân thấp cổ bé họng, đến cuộc
sống bất thường, bất ổn và không lối thoát.
'
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét