Tiếng Sáo Diều Kỷ Niệm!
Đỗ Đình Toại
Chúng ta
thường được nghe nói đến “Tiếng Sáo Diều”, thường thường là trong một
đoạn văn nào đó tả một cảnh đồng quê thanh bình, dưới làn gió nhẹ với
hương thơm của cỏ cây và ruộng lúa. Thêm vào khung cảnh đó, có tiếng
sáo diều trầm bổng trên không trung như muốn bao trùm hết thẩy mọi sinh
vật bởi tiếng nhạc dịu dàng và êm ái. Các văn sĩ, khi mà nổi hứng lên
thì tha hồ mà tưởng tượng. Như Nhất Linh trong truyện “Bướm Trắng” đã
tả một chàng trai mơ mộng nghe đến tiếng sáo diều của các trẻ chăn trâu
thả bên mộ phần của mình. Nhưng trên thực tế đã có mấy ai thực sự được
thưởng thức tiếng nhạc của sáo diều và say đắm trong cái khung cảnh đồng
quê thơ mộng đó.
- DIỀU LÊN MỎI CỔ, DIỀU BỔ MỎI CHÂN
Các bà mẹ thường thấy mấy đứa con
trai mình phải vất vả với cái diều mà cũng chưa xong cho. Thực là phải
tốn biết bao công trình. Nào là đi kiếm tre để vót khung diều, nào là
phất diều bằng giấy bản và nước cậy, nào là phải phơi nắng cho khô
và…khi mà tất cả mọi việc đã được thực hiện xong xuôi lại còn phải đợi
cho đến khi nào có gió đều và đủ mạnh mới có cơ hội mang diều ra để thử
xem diều có lên hay không? Nào là diều lùn không bốc lên được, nào là
diều ngớp đâm bổ đầu xuống, nào là diều ghé sang hướng Đông, hay ghé
sang hướng Tây…Lại còn đến khi diều bị đứt giây thì ta hồ mà chạy…cho
mau, kẻo chẳng may mà bổ vào nhà người ta thì diều sẽ bị chặt ra từng
mảnh (vì theo mê tín, nhà nào bị diều bổ sẽ bị cháy). Vất vả như thế mà
con trai đứa nào cũng vẫn thích thả diều. Đó mới là chỉ nói đến cái
diều không thôi, chứ chưa nói đến diều có gắn sáo. Diều sáo thi trẻ con
không thể nào thực hiện nổi. Đó là chuyện của người lớn và cũng là của
các cụ già. Các cụ già, nhiều cụ còn mải mê chơi diều, nhưng chắc chắn
là diều có sáo, vì các cụ thích nghe tiếng sáo của diều. Nào là cụ Bá
Tuội (kiêng tên Toại) có cặp sáo diều nổi tiếng hay nhất vùng. Nào là
cụ Tổng Cuỗi (kiêng tên Quỹ) có bộ sáo cặp ba được sơn son thiếp vàng và
được coi như là của gia bảo, cha truyền con nối, không thể để lọt vào
tay người ngoài được.
Khi xưa, ở vùng qụê Bắc
Việt, đến mùa gió Nam thổi đều, nhiều làng thường nghe có tiếng sáo
diều vi vu trầm bổng khắp nơi. Nhưng với tai một nhạc sĩ thì lại chẳng
phải là nhạc mà là những âm thanh của một dàn nhạc không có hợp âm, có
chống đối nhau cũng mặc. Xin hãy cứ tưởng tượng là một dàn nhạc mà giây
đàn còn sai cung bực và kêu loạn lên thì sao có thể gọi là nhạc được?
Đó chỉ là khung cảnh thơ mộng của các văn sĩ, khi họ nổi hứng mà tưởng
tượng ra. Vì vậy, nên khi nghe nói ai có một bộ sáo hay thì mọi người
trong vùng đổ xô tới mà tán thưởng.
- YÊU NGHỆ THUẬT
Người yêu nghệ thuật có
thể ví như là một cây đàn đã được lên giây, lúc nào cũng sẵn sàng để
rung động bởi cảnh vật và tiếng động bên ngoài. Cũng ví như một giòng
điện chạy trong cơ thể. Khi bị kích thích thì nổi hứng lên, nếu luồng
điện quá mạnh, không tự chủ được thì có thể say sưa như lên đồng. Tình
cảm bị kích thích đến cao độ, làm cho toàn thân nổi lên như da gà. Tôi
đọc truyện ngắn “Điệu Thu Ca” trong cuốn Hoa Vông Vang của Đỗ Tốn thấy
anh đã cởi áo ra để hấp thụ lấy ánh nắng bên ngoài cho thấm vào da
thịt. Đó là lúc anh đã cảm xúc lên tới tột độ, làm anh say sưa như
thế. Tôi tin rằng sự kiện đó đã thực sự xẩy ra.
Từ yêu đến nghiện không
có cách nhau xa mấy, vì là không có thì thấy thiếu. Có người nghiện
thuốc phiện, thuốc lào, có người nghiện thơ nghiện nhạc…Mỗi ngày phải
được nghe một vài bản nhạc ưa thích, không thì vẩn vơ nhớ như nhớ con
nghiền. Hơn nữa, nghe nhạc có thể đoán biết được tâm sự của người nhạc
sĩ. Khi Bá Nha gẩy đàn, Chung Tử Kỳ ngồi nghe. Chung Tử Kỳ đã biết Bá
Nha đang nghĩ đến cái gì. Nghe hát cũng vậy, nghe ca sĩ hát, ta có thể
đoán biết được tâm sự của họ, học vấn và giáo dục gia đình mà họ đã thụ
hưởng ra sao.
Nếu không có máu yêu
nhạc theo truyền thống gia đình thì đôi khi cũng khó lòng mà yêu được
nhạc. Lại còn phải được rèn luyện hàng ngày thì mới biết thưởng thức.
Một bản nhạc cổ điển như Symphonie Pastorale lừng danh của Beethoven,
phải được nghe ít nhất là độ mười lần mới bắt đầu thấy cái hay. Nhưng
khi đã nghe thấy hay thì lại khó lòng mà quên mà chán được. Bản nhạc đã
ăn sâu vào lòng và thành những giòng kỷ niệm. Hơn nữa phải luyện tai
để có thể chỉ nghe riêng một điệu nhạc trong một bản hòa tấu, còn bỏ ra
ngoài tai tất cả các điệu nhạc khác…Như khi ta nghe một bộ sáo diều cũng
vậy, ta phải nghe tách ra từng cái sáo một, nếu không thì chỉ nghe thấy
ào ào một mớ lộn xộn mà thôi.
Người ta chơi diều sáo,
thường là đi góp lượm được một số sáo đã hoàn thành từ trước, rồi lựa
chọn trong những số sáo đó để mà ghép lại thành một bộ khi mà nghe thấy
xuôi tai là được. Vì kỹ thuật còn kém nên chưa biết căn tiếng của từng
cái sáo một cho được hợp âm với nhau.. Tôi nghĩ như thế thì không thể
nào có một bộ sáo lý tưởng được.
Thưởng thức tiếng sáo
diều cũng khó như khi ta nghe một bản nhạc vậy. Tiếng sáo diều thường
hay bị “sôi” nghĩa là có một âm thanh bị ngắt đoạn ra rất mau, nên nghe
như là tiếng bong bóng của nước đang sôi mạnh. Cái khuyết điểm là ở chỗ
hai tiếng sáo không cùng ở một tần số (hay là chỉ cách nhau chút đỉnh
mà thôi) mà là tại sự cách biệt nhau quá xa, nên khi hai tiếng đó giao
động với nhau, phát sinh ra những “nút” yên lặng liên tiếp rất mau. Chỉ
cần thay đổi làm sao cho hai tiếng sáo đó được giống nhau như hệt, vì
như ta lên giây một cung đàn song đôi cũng vậy. Cũng nên biết là cái
sáo diều không phải là một mà là hai cái sáo chập thành một, cùng chung
một cái ống, có hai đầu và hai miệng sáo riêng biệt. Nếu là chỉ có một
cái sáo thôi thì ta sẽ có một âm thanh liên tục, không bị ngắt ra từng
tiếng một. Tất cả cái khó là chỉ cần căn làm sao cho hai tiếng của hai
đầu sáo được giống hệt như nhau mà thôi. Nói thì dễ mà thực hiện được
thì rất là khó vì gặp phải nhiều trở ngại. Thứ nhất là cái ống để làm
sáo thường là ống tre hay ống trúc. Cái ống đó không bao giờ hai đầu
giống nhau như đúc được, mà là đầu to đầu nhỏ, cái ống đó cũng không bao
giờ tròn đều nhau. Thứ hai là phải ngăn đôi cái ống đó ra làm hai khúc
thật kín và riêng biệt, đủ chỗ để cắm được một cái cọc nhỏ ở giữa. Thứ
ba là phải có hai cái miệng sáo càng giống nhau càng tốt để gắn vào hai
đầu. Thứ tư là ngày xưa chỉ gắn bằng sơn ta mà thôi, nhưng cái thất
bại là khi đã gắn vào rồi thì không tháo ra được nữa, thành ra không có
cách nào mà thay đổi được sự cao thấp của tiếng sáo cho đúng với tần số
đã được lựa chọn. Nói tóm lại, nếu ta có thể thay đổi tần số của tiếng
sáo theo ý muốn là đủ để thành công và như vậy là có được một cái sáo
tốt, không cần phải để ý nhiều đến mọi sai biệt khác. Khi hai tiếng sáo
cao bằng nhau, đến lúc bị gió thổi kêu thành hai tiếng thì sẽ giao động
với nhau, phát sinh ra những nút yên lặng và những bọng cộng hưởng, có
một tần số hòa hợp dài lâu, mà ta gọi là sáo hồi, chậm hay mau là tùy ở
sức gió chênh lệch ở hai miệng sáo. Một cái hay nữa của tiếng sáo là
khi gió cất mạnh lên thì cả hai tiếng sáo đều cùng nhau đổi cung cao hơn
lên, như hệt là có một bàn tay của người nhạc sĩ nắn cao cung đàn lên
vậy.
Một cái sáo được thực hiện như kể
trên, khi thả một mình lên trời cũng đã nghe hay lắm rồi. Tiếng sáo khi
chậm khi mau, khi cao khi thấp như là có một nghệ sĩ với cây đàn, đang
vui buồn với cảnh vật. Và nếu ta có được một bộ sáo cặp đôi, cặp ba hay
cặp bốn thì chẵng khác gì ta có một ban nhạc đang hòa tấu với cùng một
tâm sự vui buồn: diều cất cánh thì vui, diều lùn xuống thì buồn. Với
cặp đôi ta có thể hòa hai tiếng thành ra “bính boong” của chuông nhà thờ
trong những ngày thường. Với cặp ba, ta có thể ghép thành “bính boong
boòng” của chuông nhà thờ trong các ngày đại lễ. Với cặp bốn, ta đã có
một ban kèn đồng nhà binh rồi (bugle hay clairon), có đủ bốn cung của
“Hợp âm toàn trưởng (Accord parfait majeures)”. Những ai sinh trưởng ở
thành phố Nam Định chắc không thể nào quên được tiếng chuông nhà thờ
những khi có các lễ cưới lớn. Ba cái chuông cùng tung bay hắt vang
tiếng nhạc lên trời, làm rung chuyển cả một bầu không khí. Ba tiếng
“bính boong boòng” vang đi và vọng lại nghe thật sống động. Tôi chưa
từng thấy ở đâu có được một bộ chuông tiếng nghe hay đến thế.
- MỘT BỘ SÁO BỐN ỐNG ĐƯỢC THỰC HIỆN THEO “HỢP ÂM TOÀN TRƯỞNG”
Tôi không biết sáo diều
được phát sinh ra ở Việt Nam từ hồi nào. Theo như một cuốn sách nói về
các loại diều của Tây phương thì có thấy vẽ một cái diều kiễu “lá đa”,
có gắn một ống sáo ở trên và được chú thích là của người Trung Hoa.
Theo chữ Hán, sáo diều có tên là “Phong Tranh”. Phong là gió, Tranh là
đàn tranh. Vậy chắc chắn là kỹ thuật làm sáo diều ở nước ta là do người
Trung Hoa truyền lại. Nói riêng về sáo thôi thì kỹ thuật làm sáo diều ở
vùng quê Nam Định mà tôi được biết, kể như là không có gì, mặc dù có
nhiều người chơi diều có gắn sáo đủ cỡ lớn nhỏ. Tôi cũng không được gặp
một người nào chuyên môn làm sáo và gọt miệng sáo cả. Một vài cái sáo
loại được sơn son mà chúng tôi sưu tập được thì cũng đã lâu đời rồi, mà
lại bị hở, bị bong các chỗ gắn bằng sơn ta, bị nứt rạn, có chỗ được gắn
kín lại bằng nhựa sung nữa. Nhưng ba anh em chúng tôi, vốn có giòng máu
nghệ sĩ trong người do ông bà, cha mẹ để cho, đã hiểu biết về nhạc lý
và định lý về âm thanh, đâu có thể chịu bó tay. Chúng tôi phải thực
hiện cho bằng được, ít nhất cũng là một bộ sáo cặp bốn được gọt theo
tiếng nhạc kèn lính (clairon) để nghe ra như thế nào.
Theo kỹ thuật âm thanh
về ống sáo thì: khi hai ống sáo có tần số cách biệt nhau bằng một
“octave” thì có hình thức bằng một phần nửa về tất cả mọi chiều và một
“Hợp Âm toàn trưởng (accord parfait majure)” với bốn cung thì có tần số
tương đối là: 3/3, 4/3, 5/3, và 6/3. Kích thước các ống sáo phải được
gọt theo tỷ lệ nghịch. Vậy cứ theo đường lối đó mà đi tìm ống tre, gọt
bớt đi cho được thật nhẹ, còn miệng sáo thì cứ rập theo những cái đã kêu
mà gọt, to nhỏ tùy theo tỷ lệ kể trên. Chúng tôi cũng biết phải trừ
hao ống sáo để có thể cho chiều dài thêm lên hay bớt đi, tùy theo cao
thấp cần phải thực hiện. Chúng tôi không dùng sơn ta mà dùng tạm hồ gạo
nếp, nấu thật kỹ, dẻo như hồ hàng mã, để gắn miệng sáo vào ống. Còn
tần số căn bản thì chúng tôi lên giây một cây đàn guitare (dùng 4 giây
thôi) theo bốn cung của Hợp Âm toàn trưởng. Tất cả tám miệng sáo đó
được thổi bằng mồm kêu thành tiếng và để gần sát khúc giữa các giây
đàn. Và ngay từ khi hồ gắn còn chưa khô, các miệng sáo phải được căn
tới lui trên ống sáo cho đến khi các giây đàn kêu ngân tiếng lên theo
từng tiếng sáo một (bởi thụ hưởng). Thế là thành công.
- THÀNH CÔNG
Làm chơi, mò mẫm, nhưng
ăn thật. Đã lâu lắm rồi…Nhưng tôi còn nhớ rõ ràng là…buổi trưa ngày
hôm đó, vào mùa hè năm 1942, được có gió tốt, và ngay từ khi bộ sáo vừa
mới được hoàn tất nhưng hồ gắn còn chưa được khô, chúng tôi cho thả cặp
sáo đó trên một con diều phất theo kiểu “Cánh Cốc”, hai đầu cánh cách
nhau chừng một sải tay (l mét 6). Chúng tôi đem diều ra thả trên một
cánh đồng làm mầu, khô và cao ráo, ở ngay đằng sau nhà. Diều thì đã
được thả nhiều lần rồi, nên không sợ làm hư bộ sáo. Ngay từ lúc diều
cất lên khỏi mặt đất, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc của toàn bộ kêu
thật rắn tiếng và đầy đủ bốn cung. Khi diều đậu yên một chỗ thì chúng
tôi nhận thấy rằng bộ sáo mà chúng tôi vừa thực hiện đã hoàn toàn được
như ý muốn vì không nghe thấy có một khuyết điểm nào cả. Chúng tôi sung
sướng quá. Thật là không ngờ lại được kết quả ngay từ lần đầu. Nghe
tiếng nhạc vi vu trên tầng trời mà người tôi run lên, ngẩn ngơ như vừa
mới bắt được của báu. Ba anh em tranh nhau truyền tay mỗi người nắm giữ
giây diều một lúc để cho thỏa trí và cũng để thử xem có còn nẩy thêm ra
ý kiến nào khác để có thể được hoàn hảo hơn nữa không? Nhưng không.
Hay đến như thế là tột điểm rồi. Bốn cung nhạc không sai một tý nào.
Tiếng nhạc lúc ngắn, lúc kéo dài, lúc cao lúc thấp, và đổ thành hồi lúc
chậm lúc mau, nghe thật du dương. Thôi thì tha hồ mà tưởng tượng…Trong
đầu óc tôi có muốn theo đuổi một bài kèn lính nào cũng nghe thấy…Nào là
bản “Đánh Thức (Reveil)”, nào là bản “Tắt Đèn (Extinction de feu)”
v..v…Ngay cả đến bản “Lâm Khốc” (kèn đám ma ở nhà quê) cũng nghe thấy
rõ trong tai tôi…vi vu réo rắt, tiếng xa văng vẳng, tiếng gần âm u…Tôi
đang mơ mộng thì thấy những trẻ chăn trâu bò ở cánh đồng đó cũng bị ảnh
hưởng của tiếng nhạc. Đứa thì huýt sáo mồm, đứa thì nghê nga bài kèn
lính: “Ông Trùm Tín ơi, nhà tôi có bát sôi bát chè, mời ông đến mà
xơi…” và cảnh vật trên cánh đồng đó trở nên nhộn nhịp và vui vẻ hẳn
lên. Rồi đến lượt mấy ông hàng xóm cũng chạy tới chỗ chúng tôi đang tụ
tập, để hỏi thăm xem bộ sáo mà chúng tôi đang thả có phải làm bằng ống
đồng không mà sao lại kêu vang tiếng đến như thế được? (Lý do tiếng sáo
kêu vang là vì bốn cung tự hỗ trợ cho nhau theo định luật tự nhiên của
một “Hợp Ân toàn trưởng). Và cho mãi tới chiều tối ngày hôm đó, khì
trời tắt gió, chúng tôi mới chịu mang diều về. Mấy ngày tiếp sau đó, có
những người ở các làng lân cận, xuôi theo hướng gió, khi gặp chúng tôi
cũng hỏi thăm tới bộ sáo, vì họ biết ràng không thể có người nào khác mà
thực hiện nổi bộ sáo đó, trong vùng này được. Một kỷ niệm nữa riêng
cho chúng tôi là: Ông thân sinh chúng tôi đang ở ngoài tỉnh, khi biết
được tin cũng mò về làng để nghe bộ sáo… Tôi cũng còn nhớ rõ lắm. Khi
diều đã được thả lên, ông đòi cho mang tới bờ ao, dưới bóng mát hàng
cây, một chiếc ghế dựa để ông một mình ngồi nghe…và ông đã thưởng thức
bộ sáo đó xuốt từ khoảng hai giờ trưa cho đến chập tối. Khi hết gió,
chúng tôi mang diều về, thì ông chỉ bình phẩm có một câu gọn lỏn: “Hay
thật!”.
Thế rồi nước ta được
biết mùi bom đạn và cuối năm đó, ông thân sinh ra chúng tôi đã đột ngột
từ trần sau một cơn bạo bệnh (Thương hàn nhập lý). Ông được đưa về an
táng cũng tại cánh đồng mầu ấy, trên một mảnh ruộng mà cách đấy không
lâu, chúng tôi đã thả con diều sáo lúc trước để ông nghe và ông đã
thưởng thức những giờ phút say sưa tiếng nhạc sáo tuyệt vời…
Bộ sáo ấy, sau được gắn
lại vĩnh viễn bằng sơn ta. Nhưng chúng tôi không còn có cơ hội nào để
được nghe lại nữa. Sáo cứ để trong tủ cho bụi bám…hết năm này qua năm
khác. Rồi chúng tôi cũng đã bỏ làng ra đi…vĩnh biệt bộ sáo mà không
biết ngày nay đã lọt vào tay ai?…Ra đi, nhưng chúng tôi đã để lại một kỷ
niệm lịch sử về sáo diều mà sau này, khi chỉ còn một mình tôi (hai em
tôi đã chết) đã không thể tìm lại được ở bất cứ nơi nào đã đặt chân tới,
trên con đường tị nạn.
Cho đến nay, tôi chưa
hề viết một câu văn thơ nào…Nhưng, mỗi khi hồi tưởng lại những kỷ niệm
xa xưa, tôi không thể ghìm được mấy giọt nước mắt.
Nhớ xưa, những buổi xế chiều,
Đồng quê lộng gió, sáo diều vang xa,
Vang vang gió nhạc thoảng hồn,
Quê hương thơm mát, tâm hồn thảnh thơi.
- GIẤC MƠ CHƯA TỈNH
Tôi vẫn thường tự nhủ: Ấp ủ làm chi một kỷ niệm…Khi nào nổi hứng, mình sẽ gọt một bộ sáo khác.
Burbank, November 1985
Đỗ Đình Toại
- TÌM ĐƯỢC KỶ NIỆM
Một con diều kiểu hoàn
toàn Việt Nam, hình chiếc lá đa, chiều dài độ một sải tay, khung bằng
tre, phất bằng vải hoa mỏng, trên có gắn một cặp bốn ống “sáo đôi”, được
gọt theo hợp âm RỀ-SOL-SI-RẾ đã được thả cao trên bầu trời xanh biếc
(nhưng ồn ào) của bãi biển Santa Monica lâu xuốt một buổi chiều dài ngày
5 July 1987. Bốn mươi nhăm năm đã trôi vào dĩ vãng, nhưng gia đình tôi
(với con và cháu) đã tìm được một chút gì còn lại của quê hương.
- NHẠC THIÊN NHIÊN
Hồi còn nhỏ, tôi thường
thấy một người mù đi hát rong, cứ thỉnh thoảng lại đến trước cửa nhà
cha mẹ chúng tôi mà hát oang oang lên. Thêm nữa, anh ta lại thổi được
các bản kèn lính mà chỉ dùng có ba hay bốn cái ống lá đu đủ nối lại với
nhau.
Kèn lính phát âm được
bốn cung của Hợp Âm toàn trưởng mà không cần phải thay đổi chiều dài của
ống nhưng lại thay đổi lớp sóng của không khí chứa bên trong. Vì vậy
bốn tiếng nhạc đó liên hệ chặt chẽ với nhau. Ngay như cảnh vật ở bên
ngoài, khi gặp sức gió thay đổi, nhiều khi cũng phát sinh ra hợp âm đó.
Hợp Âm toàn trưởng là căn bản cho hầu hết các loại nhạc và thường được
dùng làm những nét nhạc chính cho những bản nhạc về đồng quê (hay chiến
trường). Rõ rệt nhất là đoạn cuối cùng của bản đại hòa tấu Symphonie
Pastoral số 6 của Beethoven có tên là “Tiếng nhạc của người chăn cừu”,
tả phong cảnh đồng quê thật là đậm đà, sâu sắc.//
ĐĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét