Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

KATYŃ - cuộc "thảm sát Mậu Thân" tại Ba Lan!

De: Julien Bui
Objet: Fw: Katyn
À:
Date: Vendredi 10 mai 2013, 16h17



KATYŃ
 
* người lính già oregon
 
      1. Katyń (tiếng Ba Lan đọc là ka-tin, có dấu sắc trên chữ ń) là tên một ngôi làng và khu rừng, phía tây thành phố Smolensk thuộc Liên Xô, trên dòng sông Dniepr. Từ tháng 9, 1939, Ba Lan bị Liên Xô tiến chiếm, thua trận, quân đội tan rã, tất cả sĩ quan bị bắt giữ, lính tráng được thả về nhà. Sau đó, tại khu rừng này, vào năm 1940, Staline đã ra lệnh bắn chết, trong vòng ba ngày, 22 ngàn người Ba Lan, gồm 8 ngàn sĩ quan và 14 ngàn thường dân bị cáo buộc là tình báo, do thám, phá hoại, địa chủ, chủ nhân xí nghiệp, luật sư, linh mục, viên chức chính quyền và cảnh sát. Staline sợ những thành phần này sẽ chống đối Cộng sản lúc ấy và sau này, một khi Ba Lan hoàn toàn thuộc về Liên Xô. Vụ thủ tiêu bị phát giác, giữa năm 1941, bởi Đức Quốc Xã sau khi chiếm Ba Lan và chia nhau vùng cai trị với Liên Xô. Để tranh thủ nhân tâm, và buộc tội lẫn nhau, Đức tuyên truyền cho Liên Xô là thủ phạm, và ngược lại, Liên Xô kết tội Đức quốc xã. Năm 1943, các sĩ quan Đức trình bày bằng cớ tội ác của Liên Xô cho các sĩ quan tù binh Đồng minh. Năm 1945, chiến tranh chấm dứt, Ba Lan hoàn toàn bị đặt dưới quyền thống trị của Liên Xô, và sự thật bị bưng bít, ém nhẹm, triệt tiêu.
      Gần nửa thế kỷ sau, năm 1989, Khối Liên Xô sụp đổ, và Ba Lan được giải phóng, và tân chính quyền không Cộng sản đưa vụ này ra công luận. Năm 1990, Mikhail Gorbachev công nhận rằng chính Liên Xô đã thủ tiêu những quân dân Ba Lan. Người ta dựa trên tài liệu cho thấy tội ác đã xảy ra năm 1940 trước khi Đức quốc xã chiếm đóng và sự kiện tất cả những tử thi bị trói và bắn từ sau ót là một đặc điểm của sát thủ Bolcheviks. Năm 1991, Boris Yeltsin phổ biến tài liệu cho rằng tội ác này, tại rừng Katyń và những trại tù khác, là do lệnh của Staline. Ngày 2/4/2010, thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã tưởng niệm những nạn nhân cùng với thủ tướng Nga Vladimir Putin. Một tuần sau, tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński và các viên chức cao cấp tháp tùng bị rớt máy bay gần Katyń, địa điểm họ dự trù đến để cử hành long trọng lễ tưởng niệm.
 
      2. Chuyện thảm sát tại rừng Katyń đã được quay thành phim, Katyń, từ 3 tháng 10, 2006 đến 9 tháng giêng năm 2007, và trình chiếu tại Ba Lan vào ngày 17 tháng 9, 2007 để kỷ niệm 68 năm ngày Liên Xô chiếm đóng Ba Lan lần đầu (1939). Phim dài 115 phút, do đạo diễn Andrzej Wajda, lúc ấy đã 82 tuổi, hoàn thành, dựa trên nội dung quyển tiểu thuyết Post Mortem: The story of Katyń của nhà văn Andrzej Mularczyk, 288 trang, xb năm 2007 tại Ba Lan. Đạo diễn Wajda đã dành hết cả cuộc đời để ước mơ thực hiện phim này, mà ông xem như một ám ảnh, vì chính thân phụ ông cũng là nạn nhân trong vụ thảm sát lúc đạo diễn được 14 tuổi. Phim nói tiếng Ba Lan, phụ đề Anh ngữ (có chỗ nói tiếng Đức và tiếng Nga phụ đề tiếng Ba Lan và tiếng Anh).    
      Phim trình bày những sự kiện dưới nhãn quan của những nữ nhân vật: vợ, mẹ, chị, em gái và con gái của những nạn nhân –đều khuất mặt, hoặc thỉnh thoảng xuất hiện nhanh chóng như những vì sao băng. Và nhất là qua những trang nhật ký dở dang của nhân vật chính, Andrzej, một đại úy trẻ thuộc trung đoàn 8 Uhlan (light cavalry, khinh kỵ).
     Mở đầu là cảnh chạy loạn, vào tháng 9 năm 1939, của dân chúng tại một thành phố Ba Lan khi có tin quân Liên Xô tiến vào chiêm đóng. Trong số có Róza, người vợ dáng dấp sang trọng, quý phái của một viên tướng (không có tên trong phim), và Anna, trẻ đẹp, vợ của đại úy Andrzej, và Nika, con gái của họ, khoảng 7 tuổi. Róza di tản trên xe hơi, cùng với Ewa, con gái, và Stasia, cô người hầu. Gặp Anna, bà tướng nói tình hình không đến nỗi nào và khuyên nàng đi Kraków, thuộc Đức quốc xã. Anna vẫn không tin, cố đi tìm chồng, bằng xe đạp. Người ta mách cho nàng cứ đến bệnh xá Nhà thờ sẽ gặp Trung đoàn 8 Uhlan. Nơi đây thương binh nằm la liệt, đang được bác sĩ và y tá chăm sóc. Tại sân ga gần đó, một đám đông sĩ quan tù binh đang trò chuyện, chờ xe lửa đến mang đi Smolensk, và Anna được gặp lại chồng. Hai người ôm hôn nhau, mừng rỡ và đau khổ. Anna khóc, năn nỉ chồng trốn đi, về với gia đình. Andrzej lắc đầu nói:
      - Em là vợ của một sĩ quan Ba Lan, đừng bao giờ có ý nghĩ đó. Vì danh dự của một sĩ quan Ba Lan, anh không thể đào ngũ trốn đi.
      Rồi từ biệt vợ con, chàng trở lại với đồng đội. Chàng tiếp tục viết nhật ký, kể những sinh hoạt hàng ngày của các trại tù và về những bạn bè, đồng đội.
     Đêm 24 tháng 12 năm 1939. Ai nấy mừng lễ Chúa ra đời. Ông tướng xuất hiện, hiệu triệu đám sĩ quan chuyên nghiệp cũng như chuyên viên thường dân bị quân đội trưng tập. Ông nói, với vẻ chậm rãi, điềm tĩnh, giọng buồn bã, chịu đựng, nhưng cương quyết và với những lời tuyệt đẹp, nguyên văn như sau:
     - […] Bại trận cũng là một phần trong định mệnh của người lính … và sự giam cầm nữa, nhưng còn là một sự trở về để tiếp tục chiến đấu […]. Các bạn không buông súng trước một địch quân, nhưng trước bản thân các bạn. Vì vậy, chỉ tùy thuộc vào chính các bạn mà thôi để các bạn còn là những người lính hay là những kẻ thua cuộc […] Các bạn phải nhẫn nhục chịu đựng, bởi vì sẽ không có một Ba Lan Tự Do mà không có các bạn… (Defeat is also part of the soldier’s destiny… and captivity, but also a return home to resume fighting […] You don’t lay down your arms before an enemy but before yourselves. So it’s only up to you if you remain soldiers or losers. […] You must endure, because there won’t be a free Poland without you)”.
       Sau nhật lệnh của ông tướng, tất cả quân nhân hiện diện đồng hát những bài ca Giáng Sinh.
       Hai mẹ con Anna về tá túc tại nhà bà chị Elzbieta, mà chồng cũng là một đại úy Ba Lan bị bắt. Trong khi đó, tại Kraków (thành phố Nam Ba Lan), khu vực Đức quốc xã, cha của Andrzej, tên Jan, một giáo sư đại học, có lệnh đi họp, do tên quân ủy Muller chủ tọa. Bà vợ cản, khuyên đừng đi. Ông nói, không thể bỏ rơi viện trưởng và đồng nghiệp. Muller lên bục giảng, hung hăng quát tháo, kết tội trường đã mở cửa khi chưa được phép, và vì vậy, sẽ bị đóng vĩnh viễn và toàn thể giáo sư sẽ phải đi vào trại tập trung khổ sai. Một năm sau, vợ ông được giấy báo rằng ông đã chết trong tù vì bệnh truỵ tim nặng.
      Nhà bà chị Elzbieta trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô bị trưng dụng cho một sĩ quan Hồng quân ở. Viên đại úy người Nga này, tên Popov, tuổi trung niên, say mê Anna, và một hôm yêu cầu nàng lấy y. Nàng khước từ quyết liệt, nhưng lịch sự: “Tôi có chồng, và tôi không thể lấy ông được”. Popov vẫn trầm tĩnh, từ tốn, cố thuyết phục, bảo rằng y sắp ra mật trận ở Phần Lan và có thể chết, và nếu lấy y nàng sẽ là góa phụ của một sĩ quan Hồng quân, để có thể sống còn trong xã hội mới, bởi vì chồng nàng, y cả quyết, một khi bị bắt sẽ không bao giờ trở lại đâu. Vừa lúc ấy, lính Liên Xô đậu xe trước nhà, gõ cửa, ập vào phòng, vì có lệnh bắt hai bà vợ sĩ quan. Popov chỉ kịp đem giấu Anna và Nika vào một phòng riêng. Lính bắt Elzbieta và con gái trạc tuổi Nika dẫn đi. Elzbieta còn có một người con trai tên Tadeusz, tức cháu gọi Anna bằng dì, đã trốn vào rừng, sẽ xuất hiện trong phim sau này.
      Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của Popov, Anna được đến Kraków đoàn tụ với mẹ chồng. Tại Kraków, Róza, vợ của ông tướng tù binh, được nhân viên Đức quốc xã, vì nhu cầu truyên truyền, gửi giấy mời đến nhận tin chồng bị giết và cần bà tuyên bố có thu băng, trước mặt con gái Ewa, rằng chính Liên Xô mới là kẻ gây ra tội ác tại Katyń. Róza từ chối, vì chưa biết thực hư như thế nào. Liền đó, bọn Đức dẫn bà vào một phòng riêng cho xem một đoạn phim về cuộc quật mộ những sĩ quan bị sát hại tại Katyń, tội ác mà bọn chúng tuyên truyền rằng do Liên Xô gây ra. Trong cuộc quật mộ ấy, có một linh mục, một bác sĩ và một toán trong Hội Hồng Thập Tự Ba Lan. Những người này, năm năm sau, bị Liên Xô bắt đi biệt tích.
     Rồi cuốn phim đưa khán giả trở lại thời gian trước vụ thảm sát. Hàng ngày, dân chúng nghe ngóng tin tức từ đài phát thanh hay tìm đọc trên báo chí danh sách của thân nhân, tức sĩ quan tù binh, bị chuyển trại. Chuyển trại có nghĩa là bị án tử. Anna đọc báo, không thấy tên chông, nên vẫn nuôi hy vọng. Từng ngày.
     Năm năm trôi qua trong chờ đợi mỏi mòn. Chiến tranh rồi cũng kết thúc vào năm 1945. Đức bỏ chạy, Ba Lan và Kraków hoàn toàn bị Liên Xô chiếm đóng, theo hiệp ước Yalta. Róza được Stasia, người đầy tớ cũ, đến thăm. Stasia đổi đời, ăn mặc sang trọng, được chế độ mới trọng dụng, có xe đưa rước, vì anh chồng (chắc nằm vùng trước kia) có chân trong một ủy ban nhân dân nào đó. Nhưng khác với những đứa Cách mạng 30/4 đeo băng đỏ chạy rong tại Việt Nam, Stasia rất lịch sự, vẫn kính nể bà tướng, trao lại cho bà thanh kiếm của ông và một rương đồ đạc quý giá bà đã nhờ cô giữ hộ. Có nghĩa là ông đã bị giết thật rồi. Róza cố giữ vẻ bình tĩnh cho đến lúc Stasia từ biệt ra về, bà mới gục đầu trên vai con gái, khóc nức nở, nước mắt đầm đìa.
    Còn Anna? Tại nhà mẹ chồng, một hôm, trong lúc nàng đi vắng, có tiếng gõ cửa, Nika chạy ra, thấy xuất hiện một sĩ quan Ba Lan và tưởng đó là cha mình, bèn nhảy lên ôm hôn rối rít. Nhưng không phải. Đó chỉ là Terzy, viên cựu trung úy dưới quyền của Andrzej trong trung đoàn 8 Uhlan năm xưa, một sĩ quan nổi tiếng tốt với đồng đội và yêu đất nước Ba Lan. Nay Terzy đeo lon thiếu tá và mang phù hiệu Liên Xô. Được mẹ Andrzej hỏi tin tức về chàng, Terzy nói chỉ gặp chàng lần cuối tại một trại tù, sau đó chàng bị chuyển trại, và rồi anh không biết gì thêm nữa. Bà mẹ thắc mắc tại sao anh không có tên trong danh sách, Terzy tiết lộ một điều quan trọng: tại trại giam, một hôm Andrzej than lạnh, và sẵn có hai áo len ấm, do mẹ anh chuyển tới có thêu tên Terzy, anh cho chàng một cái, và như vậy lính Liên Xô tưởng Andrzej là Terzy và gạch bỏ tên của Terzy (thật) đi. Terzy (thật) thoát chết, và được Liên Xô tuyển dụng vào Quân đội Nhân dân Ba Lan với nhiệm vụ duy nhất: làm chứng (gian) rằng Liên Xô không phải là thủ phạm trong vụ thảm sát Katyń. Terzy tặng cho gia đình Andrzej một thùng thịt hộp. Khi Anna về nhà, Terzy đối diện với nàng và sự thật phũ phàng. Trước cái nhìn thông minh, xuyên thấu tâm can, của nàng, anh phải nói thật rằng Andrzej đã bị giết. Nàng ngất xỉu.
     Trong khi ấy, tại một quảng trường, xe radiocar của Hồng quân cho chiếu cảnh quật mộ tại Katyń và luôn miệng kết tội Đức quốc xã. Bà tướng Róza, bất chợt đi ngang qua, bực tức, đã đấm liên tục vào cửa xe, hét bên tai tên sĩ quan phụ trách rằng: “Đó là một điều dối trá”. Họ tính bắt bà. Kịp thời, thiếu tá quân đội nhân dân Ba Lan Terzy xuất hiện, và trong tư cách thuộc cấp cũ của ông tướng, kéo bà thoát đi qua một đoạn đường vắng, dưới vòm cây. Rồi hai người nghỉ chân trên ghế đá. Luôn luôn Terzy bênh đỡ Liên Xô, cho đó là tội ác của Đức. Róza khuyên anh ta hãy đứng về phía sự thật và nhân dân Ba Lan. Đột nhiên, Terzy đứng bật dậy chào hai sĩ quan Hồng quân đi ngang qua. Róza mỉa mai bảo: “Anh chào bọn sát nhân làm như thể chúng là những kẻ chiến thắng. (You salute murderers as if they were the winners)” Terzy trả lời: “Chúng ta phải sống còn, tha thứ, chúng ta phải sống… (We have to survive, forgive, we must live…)”. Róza liếc mắt nhìn anh, vẻ khinh bỉ: “Thưa thiếu tá, bọn Đức đã cố thử với tôi điều ấy trong năm năm, còn thiếu tá, trong năm phút. (Major, the Germans tried that with me for five years and you in five minutes)”
      Sau đó, trong một quán bar gồm toàn sĩ quan Hồng quân và sĩ quan Ba Lan trở cờ, Terzy bước vào, nốc rượu say mèm, và từ trong tiềm thức buông ra những lời gần như tự tố cáo mình, tố cáo Liên Xô, có lúc như hét lên, khiến ai cũng hoảng hồn, ngăn cản, đẩy anh ra cửa. Lảo đảo bước đi, miệng vẫn lảm nhảm, anh kê súng tự bắn vào đầu. Một chiếc jeep chạy vội lại và gấp rút chở xác anh đi mất.
      Ngoài Terzy, có một số dân Ba Lan cũng cộng tác với chế độ mới, như một người em gái (không có tên trong truyện) của một trung úy phi công tên Piotr, để được yên thân và tiến thân, lấy lý do rằng Ba Lan sẽ không bao giờ được tự do nữa. Trong khi một người em gái khác của Piotr, Agnieszka, nhất quyết chống lại, ngay cả khi bị Hồng quân bắt giam về tội khước từ không chịu nói rắng tội ác là do Đức quốc xã và không sửa năm chết 1940 của Piotr thành 1941 là năm quân Đức có mặt tại Ba Lan. Trước đó, Agnieszka đã bỏ tiền đặt làm một bia mộ có ảnh của người anh bị giết, đem tới xin cha xứ cho dựng bên trong nhà thờ. Cha xứ sợ quá, từ chối, bảo mang đi. Cô thuê người chở ra nghĩa địa. Trên đường ra nghĩa địa, hai chị em cãi nhau dữ dội về quan điểm và thái độ trái ngược đối với chế độ mới. Người chị nói:"Em chọn người chết, điều đó là bệnh hoạn (You choose the dead which is morbid)". Agnieszka khẳng khái trả lời: "Không. Em chọn người bị sát hại, không phải kẻ sát nhân (No. I choose the murdered, not the murderers)".
      Một người khác là Tadeusz, cháu ruột của Anna. Lúc này nàng mở một tiệm rửa ảnh trên một con phố nhỏ. Một hôm nàng bất ngờ gặp lại đứa cháu đến tiệm của nàng chụp hình để dán vào đơn xin học về mỹ nghệ. Trong đơn, Tadeusz khai cha là sĩ quan bị Liên Xô giết tại Katyń. Người ta bắt anh sửa lại chi tiết này. Anh không chịu, tức giận giật lại đơn xin học, và trước khi bỏ đi, trả lời: "Mỗi người chỉ có một lý lịch (CV) thôi". Ra ngoài đường, anh xé tấm quảng cáo của chính quyền mới. Bị lính rượt đuổi, anh được Ewa, con gái của Róza và ông tướng, bất ngờ cứu thoát bằng cách cùng với anh trốn trên một mái nhà. Thoát hiểm, và cảm mến nhau, anh hôn lên môi Ewa và hai người hẹn sẽ gặp lại nhau hôm sau để cùng đi xem xi-nê. Ewa vừa khuất dạng, Tadeusz bị hai tên lính khác nhận diện, và anh bị bắn chết trong lúc chạy trốn.
     Trong thời gian đó, có một nhóm gồm một bác sĩ và vài nhân viên y tế tình nguyện thu thập tất cả những di vật của những sĩ quan bị giết bỏ vào những hộp riêng và chuyển đến cho gia đình. Trước khi tự sát, Terzy cũng đã đến gặp viên giám đốc và yêu cầu gửi tất cả thư từ, vật dụng mang tên Terzy về địa chỉ của Anna, vợ đại úy Andrzej.
     Một hôm, Anna nhận được một phong bì lớn. Đó là quyển nhật ký của Andrzej, loại có từng trang in sẵn ngày tháng, được tìm thấy với những vết máu khô loang lổ. Những dòng chữ cuối cùng dừng ở ngày 10 tháng 4 năm 1940. Bàn tay Anna (dạo diễn không cho thấy mặt nàng nữa) mân mê lần giở những trang kế tiếp, để hy vọng chàng còn viết thêm gì nữa. Trống trơn.
     Rồi từ quyển nhật ký ấy, đạo diễn dựng toàn cảnh ghê rợn của vụ thảm sát dã man: tất cả sĩ quan Ba Lan bị giết ngay tại khu rừng Katyń hoặc trong những xà lim trước đó và được chở đến khu rừng vứt xuống một hố chôn tập thể do xe ủi đất đào xới liên tục. Tất cả nạn nhân, đầu tiên là ông tướng, bị lính đẩy xuống xe cam nhông, tròng dây vào cổ, từ phía trước kéo về phía sau, để trói luôn hai cánh tay bị bẻ quặt sau lưng. Hai tên lính Liên Xô thay nhau, lạnh lùng cầm súng lục bắn vào ót từng người, máu vọt tung toé, vương vãi khắp nơi, trên tường và sàn xà lim hoặc tại miệng hố tập thể. Từng người, kể cả Andrzej,  trước khi bị bắn, đã đọc một câu trong Kinh Lạy Cha một câu thôi vì giữa cái sống và cái chết chỉ cách không tới hai giây được tiếp nối bởi người sau cho đến hết bài kinh, và cứ thế, cứ thế, cho đến lúc không còn ai nữa...
     Chuyện phim kết thúc đột ngột, sau khi người cuối cùng bị bắn, bằng một màn ảnh đen tuyến. Như màu tang chế, trong tiếng nhạc trầm buồn thê thiết, kéo dài chừng ba phút, trước khi phim tiếp tục với những dòng giới thiệu tên các diễn viên (cast). Không có cả chữ The End.
 
     3. Các diễn viên trong phim thật xuất sắc, từ vai chánh đến vai phụ, từ Róza đến Anna đến con bé Nika đến bà mẹ của Andrzej đến Terzy đến Tardeusz đến Agnieszka… mặc dù chúng ta, những khán giả xa lạ, không biết danh tiếng và tài năng của những tài tử ấy như thế nào trong nền điện ảnh Ba Lan –kể cả cách phát âm tên của họ. Tất cả, nhất là hai tài tử đóng vai Anna và Róza, đã diễn xuất một cách tuyệt vời: cử chỉ, lời nói, vẻ mặt, dung nhan biểu lộ trung thực, tự nhiên những cảm xúc –vui, buồn, uất giận, khổ đau, chua xót– ẩn hiện bên trong. Sắc đẹp của họ không lộng lẫy, đầy vẻ nhục thể như Marilyn Monroe hay Kate Winslet (Titanic), nhưng nhìn họ, người ta thấy say mê, nếu không nói là tương tư, vì lúc nào họ cũng giữ được nét giản dị, quyến rũ, yêu kiều trước nghịch cảnh, và bất hạnh, không than van, không oán trách mệnh số, giống như những nữ nhân vật trong các vở bi kịch Hy Lạp, luôn kiêu hãnh với giá trị và sức mạnh tinh thần của mình, luôn ngẩng cao đầu, thách đố Sự Ác. Và giống như, gần hơn, trong cùng một cảnh ngộ bi thương, dân chúng, nhất là phụ nữ, Miền Nam, ngày 30/4/1975, trước họng súng của Việt Cộng, những “kẻ thắng cuộc” không ngờ.
      Còn Andrzej Wajda? Viên đạo diễn tài ba ấy đã để hết tâm tình và, như đã nói trên, gần cuộc đời cho giấc mơ thực hiện truyện phim thật hấp dẫn vừa có tính lịch sử vừa mang chất hư cấu này. Nếu hoàn toàn chỉ là những thước phim tài liệu khách quan, lạnh lùng, Katyń chắc sẽ không được ngợi ca, yêu chuộng như thế. Ông đã được giải Oscar Danh Dự (Academy Honorary Award), và Katyń được đề nghị giải Oscar cho phim ngoại quốc hay nhất (Best Foreign Language Film) trong Đại hội Liên hoan Phim lần thứ 80, năm 2008. Ngày 2/4/2010, phim Katyń được chiếu lần đầu tại Nga, rồi từ đó thường xuyên tại các rạp và trên truyền hình Nga. Wajda được chính phủ Nga trao tặng Huân Chương Hữu Nghị (Order of Friendship) giữa hai dân tộc Nga-Ba Lan về mặt văn hóa. Trong phim, quả vậy, cái nhìn của ông rất dung hòa về Liên Xô, cựu thù sát nách phía đông. Ông xem chính quyền Liên Xô của Staline như một thể chế và một bạo lực chính trị, đáng nguyền rủa, hóa thân qua những viên chức cai trị và những hung thủ Katyń có máu lạnh. Nhưng người Nga, đối với ông, là một dân tộc hiền hòa, dễ mến, mà tiêu biểu là viên đại úy Hồng quân Popov cao thượng, mặc dù bị Anna từ chối tình yêu, vẫn giúp đỡ hai mẹ con nàng thoát bao nguy khốn gây ra bởi sự khủng bố và đàn áp của binh sĩ Liên Xô và ngụy quyền tay sai Ba Lan. Trái lại, về chế độ Đức quốc xã, tuy không phải là thủ phạm trực tiếp vụ thảm sát tại rừng Katyń, Wajda tỏ ra rất tiêu cực qua cách trình bày không khoan nhượng những hành động và chân dung hắc ám và hung hãn của những tên sĩ quan Nazi trong thời gian chiếm đóng.
       Vì là phim ngoại quốc, các tiệm Mỹ không bày bán cũng như sách Post Mortem của Mularczyk. Phải lên Amazon để đặt mua. Tháng 4 năm 2009, Tàu Cộng tuyên bố cấm nhập và chiếu phim Katyń vì nội dung chống chủ thuyết Cộng sản của nó, nhưng phim lậu tràn ngập. Đối với những người quốc gia tỵ nạn Việt Nam, kể cả đồng bào trong nước, Katyń là một cuốn phim vô cùng quý giá đã nói lên, nói giùm, nói hết Sự Thật, nghĩa là những tội ác dã man, bạo tàn của Cộng sản, bất cứ nơi đâu.
 

      4. Bất cứ nơi đâu. Đặc biệt tại Việt Nam. Bao nhiêu người dân vô tội đã bị giết bởi Hồ Chí Minh, tên tội đồ đầu sỏ vô cùng ác độc, lưu manh của dân tộc, và bè lũ trong cái Đảng Cộng sản quái thai của hắn.
 
      a) Vụ Cải Cách Ruộng Đất từ năm 1953:
      Từ 1953-56, theo lệnh quan thầy Tàu Cộng, chúng đã công khai sát hại, tùy theo tài liệu, ước lượng từ 100 ngàn đến 200 ngàn người bị gọi (đa số oan uổng) là địa chủ. Tại nông thôn Việt Nam, chúng gây ra phong trào con tố cha, vợ tố chồng, em tố anh, đầy tớ tố chủ nhà, kẻ chịu ơn tố ân nhân, gọi nạn nhân là mày, xưng tao. Địa chủ bị tòa án nhân dân, gồm bần cố nông vô học xét xử, buộc tội, xử bắn tại chỗ, hoặc bỏ đói cho tới chết, và con cháu bị cô lập, chửi bới.
      Sách báo, tiểu thuyết (Những thiên đường mù của Dương Thu Hương), tài liệu Việt Nam cũng như ngoại quốc, đều nói đến tội ác kinh hoàng này. Nhưng chưa cuốn phim nào có kích thước và tầm vóc củaKatyń, có sức hấp dẫn của một truyện phim hư cấu dành cho sự thành công thương mại như Katyń. Cuối thập niên 50, chúng ta có phim Chúng tôi muốn sống của đạo diễn Vĩnh Noãn, với những tài tử Mai Trâm, Lê Quỳnh. Đánh giá về mặt tuyên truyền cho phong trào tố Cộng phát động bởi nền Đệ I Cộng Hòa, đó là một công trình có giá trị cao, mà cho tới bây giờ chưa có một truyện phim Việt Nam nào thay thế.
 
      b) Vụ Tết Mậu Thân Tại Huế năm 1968:    
      Rất nhiều nhân chứng sống, tiểu thuyết (của Nhã Ca), tài liệu (của Liên Thành) đã viết về tội ác Mậu Thân 1968 tại Huế của Việt Cộng và tay sai  –như hai anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, và Nguyễn Đắc Xuân, Tôn Thất Dương Tiềm và đồng bọn nằm vùng.
      Các thống kê cho biết có trung bình khoảng 5 ngàn hoặc hơn thường dân Huế bị thủ tiêu bằng súng, hoặc chôn sống, trong những hố tập thể, hoặc dẫn đi mất tích. Mới đây, Việt Cộng chạy tội bằng cách cho phát hành 12 tập phim tài liệu (30’ mỗi tập), tuyên truyền láo khoét do Lê Phong Lan đạo diễn. Cũng vậy, có lẽ vì ước muốn gián tiếp biện minh cho tội ác của Staline, chúng cậy tên đạo diễn nổi tiếng phản chiến Oliver Stone thực hiện một cuốn phim về “tội ác của đế quốc Mỹ” tại Mỹ Lai, chưa biết đã xong chưa, mặc dầu bối cảnh vụ Mỹ Lai (xảy ra trong lúc chiến tranh) và vụ Katyń (xảy ra sau chiến tranh) khác nhau rất xa.
    Về Mậu Thân, lên Mạng hải ngoại, người ta bắt gặp một, hai phim tài liệu không ghi tên đạo diễn và xuất xứ. Vì không phải là phim truyện nên không mấy hấp dẫn.
 
      c) Vụ sĩ quan tù nhân cải tạo từ năm 1975:
      Trong số hàng trăm ngàn sĩ quan QLVNCH bị giam cầm trong những trại tù cải tạo từ Nam chí Băc đã có hàng ngàn người đã chết vì bị kiên giam trong điều kiện tồi tệ nhất, bị hành hạ, thủ tiêu, chết vì đói, ngộ độc, lao động quá mức, chết vì bệnh, thiếu thuốc men, bị bắn chết khi trốn trại, bị xử tử do một lá thư, một câu nói vu vơ? Tại hải ngoại, có nhiếu sách báo, hồi ký viết rất đầy đủ về những trại tù cải tạo và nỗi thống khổ của tù nhân. Nhưng chưa có một cuốn phim nào được thực hiện, kể cả tài liệu. Ngay một bức hình chụp trong trại tù cũng không có. (Có, và một bức thôi, được luân lưu cùng khắp, nhưng không chắc là hình thật, vì không bao giờ Việt Cộng cho phép ký giả, phóng viên ngoại quốc hoặc các ông bà trong Tổ Chức Nhân Quyền Thế Giới bén mảng đến các trại tù, nói chi chụp hình, quay phim).
 
      5. Với tổng số ba triệu người Việt quốc gia tỵ nạn hải ngoại có tài năng xuất chúng (toàn người trẻ tốt nghiệp tại ngoại quốc), có tiền bạc dồi dào (mỗi năm Việt kiều gửi về VN 6 tỷ đô, trong khi kinh phí cho phim Katyń chỉ tôn 4 triệu euros), có mối hận thù cao độ (trừ một số đứa trở cờ, phản bội) đối với Việt Cộng cướp nước, bạo tàn, vô luân, tại sao chúng ta không thể thực hiện một truyện phim hấp dẫn tầm cỡKatyń về một trong ba tội ác tày trời khủng khiếp mà thủ phạm, công khai rõ ràng, là Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và bè lũ?
      Tại sao người làm được, mình lại không? Hận thù đã quên chăng? Hay thờ ơ chẳng biết? Hay bị lừa phỉnh bởi chiêu bài hòa hợp hòa giải dân tộc của Việt Cộng? Hay hận thù và dĩ vãng chỉ dành cho thế hệ già nua, như đạo diễn Wadja cũng đã thở than trong buổi phỏng vấn sau khi hoàn thành phim Katyń?
       Dầu sao, trong khi chờ đợi một truyện phim được thành hình, cho riêng đồng bào ta, về tội ác của Việt Cộng, hàng năm vào ngày Quốc Hận 30/4, ta nên xem lại Katyń, để chia sẻ nỗi bất hạnh của quân dân Ba Lan, cùng một lứa bên trời lận đận như dân tộc chúng ta, nhưng được may mắn hơn, vì đã thoát khỏi xích xiềng của Ác Quỷ, của Bạo Ngược, của Độc Tài, của Tội Ác.
       Riêng đối với những chiến hữu QLVNCH đồng đội của tôi đã buộc phải buông súng, đầu hàng, vào tù, được thả ra, đến ngoại quốc theo diện tỵ nạn HO hoặc thuyền nhân, xin các bạn mỗi năm hãy “nghe” lại nhật lệnh của ông tướng tù binh Ba Lan trước những sĩ quan dưới quyền cùng chung cảnh ngộ:
 
     […] Bại trận cũng là một phần trong định mệnh của người lính … và sự giam cầm nữa, nhưng còn là một sự trở về để tiếp tục chiến đấu […]. Các bạn không buông súng trước một địch quân, nhưng trước bản thân các bạn. Vì vậy, chỉ tùy thuộc vào chính các bạn mà thôi để các bạn còn là những người lính hay là những kẻ thua cuộc […] Các bạn phải nhẫn nhục chịu đựng, bởi vì sẽ không có một Ba Lan Tự Do mà không có các bạn… 
 
     Sẽ không có một Việt Nam Tự Do mà không có các bạn. 
     Mà không có tất cả chúng ta, những người quốc gia Việt Nam chân chính, còn mang nặng mối hờn thiên thu.
                                
THE END
 
 
Portland, 10 May 2013

Người Lính Già Oregon
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét