Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

nhà báo Bùi Bảo Trúc - *(29-4-2013)



buibaotruc
BBT

"Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ "tgbt@yahoo.com". 
 

 
Ngày 29 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Chiều nay, ngồi xem các bản tin của các đài truyền hình tôi không biết phải nghĩ sao về cách làm tin và lựa tin của các hệ thống truyền hình tin tức này nữa.
Trong số những tin tức được đọc trong các bản tin của các đài như ABC, NBC, CBS, FOX, CNN… đều có những bài tường trình về hậu quả của trận bão Sandy với cảnh dân chúng vẫn còn phải vất vả lo xây dựng lại nhà cửa, những bản tin về hai anh em người Chechnya dính vào vụ khủng bố ở Boston, tin về Syria, về Triều Tiên… Nhưng ngay ở đầu các chương trình tin tức đều là bản tin về Jason Collins, một cầu thủ của một đội bóng rổ qua việc anh tuyên bố anh là một người đồng tính.
Bản tin dài khoảng hơn 2 phút. Ở cuối, còn có vài ba lời tuyên bố của mấy cầu thủ bạn, và tổng thống Obama cũng đưa ra ý kiến của ông về chuyện này. Ông Obama nói rằng ông rất kiêu hãnh, tự hào về Jason Collins với quyết định của anh, quyết định nói thẳng ra, không dấu giếm gì nữa về sự lựa chọn trong đời sống giới tính của anh.
Ông Obama nói rằng ông không thể nào có thể kiêu hãnh hơn khi nghe Jason Collins tuyên bố công khai chuyện đó, và ông chúc người cầu thủ này tất cả những gì tốt đẹp nhất.
Ông Obama quả là một người dễ tính. Là tổng thống của nước Mỹ, ông bốc máy điện thoại lên gọi cho một cầu thủ bóng rổ, một người mà khả năng duy nhất của anh ta là ném một quả bóng vào cái rổ. Có thế thôi.
Jason Collins ném bóng thì quả là có giỏi. Nhưng cái tài ấy của anh hình như cũng không hòa giải được những xung đột giữa Israel và Palestine, chấm dứt được những cuộc tàn sát ở Syria, giảm bớt được những căng thẳng với Triều Tiên, dẹp được nguy cơ của một nước Iran có trong tay võ khí nguyên tử…
Thế giới vẫn nguyên là một tình trạng bất ổn, nguy hiểm. Nước Mỹ vẫn đang vất vả với những khó khăn kinh tế.
Jason Collins tuyên bố trước đây anh cũng đã có đính hôn với một phụ nữ. Sau đó, anh thấy thích đàn ông hơn. Anh dấu kín chuyện đó mấy năm nay. Đến bây giờ anh mới bước ra khỏi cái tủ áo, và thú nhận anh là người đồng tính.
Tôi không chống đối những lựa chọn có tính cách riêng tư đó. Anh thích sống thế nào thì kệ anh. Chuyện anh gay, và nói phăng ra là anh gay không hề làm cho tôi… khỏe thêm chút nào. Tuy thế, tôi vẫn có thể chúc anh vui với lựa chọn đó. Nhưng nói rằng tôi kiêu hãnh về anh, hay "cannot be prouder" như ông Obama nói thì không. Tôi không thấy như thế bao giờ.
Chuyện của Jason Collins mà khiến cho ông thấy kiêu hãnh, tự hào như vậy thì tôi không hiểu được.
Tôi nghĩ có những chuyện khác mà nếu ông nói ông kiêu hãnh thì tôi hiểu được. Tôi có thể kể cho ông nghe vài ba chuyện thực sự đáng kiêu hãnh. Thí dụ như chuyện một cầu thủ football trẻ tuổi, tương lai đang lên là Pat Tillman đã bỏ một giao kèo mấy triệu đô la để nhập ngũ đi Afgahnistan để tử trận tại đó.
Hay nếu không thì Rosa Park vậy. Người phụ nữ da đen can đảm này đã không chịu nhường ghế cho một người đàn ông da trắng trên một chuyến xe bus và khởi động một phong trào chống kỳ thị ở miền nam nước Mỹ.
Đó, muốn kiêu hãnh thì kiêu hãnh đi. Chứ việc làm của Jason Collins thì có quái gì mà phải kiêu hãnh, mà phải bốc điện thoại lên gọi cho anh ta.
Việc Jason Collins bất quá chỉ là chán một trò chơi này, quay sang thích một trò chơi khác, trò đấu kiếm thì có quái gì đáng kiêu hãnh đâu. Chán cái chập chõa, cái lập là, quay sang đấu kiếm thôi mà.
Tôi thì vẫn thích làm … gươm lạc giữa rừng hoa, hay cùng lắm, cho ở nơi hoa lạc giữa rừng gươm cũng được.
Tôi chợt nhớ một câu mà hai đứa con của tôi học được chỉ mấy ngày sau khi đến học ở một ngôi trường Canada hồi chúng tôi mới sang. Đó cũng là câu tôi rất ghét nhưng lần nay thì tôi thấy là nghe rất được: "I could not care less."
 

Ngày 30 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
 
A-LeLưu-1
 
Lê Lựu là một nhà văn Việt Nam. Ông có mấy tác phẩm như Sóng Ở Đáy Sông, Thời Xa Vắng … khá nổi tiếng ở trong nước.
Khoảng thập niên 80 ông được mời sang Mỹ và có gặp gỡ "giao lưu" với một số nhà văn Mỹ để "bắc nhịp cầu văn hóa" với giới văn học Mỹ của hậu chiến tranh Việt Nam.
Sau đó, ông còn đến Mỹ một lần nữa, cũng để gặp một số nhà văn Mỹ khác. Người ta dịch cho ông cuốn Thời Xa Vắng sang tiếng Anh (A Time Far Past), cuốn sách ấy có được vài ba người đọc là cùng.
Một hòn đá ném xuống hồ, kêu tũm một cái rồi thôi.
Đã lâu tôi không nghe tin tức về ông. Tuần này, trên báo điện tử Việt Nam Express có một bài viết về ông. Bài báo cho biết là sức khoẻ của ông không tốt, ông đang sống một mình trong một khung cảnh không lấy gì làm khả quan lắm.
Tội nghiệp ông.
Trong hai chuyến đi Mỹ, ông làm hai việc làm nhiều người cười đến vãi ra (theo lối nói ở trong nước đấy!)
Trong chuyến đến Mỹ lần đầu, sau những buổi họp hành với một số nhà văn Mỹ, ông khoe với tờ Washington Post rằng ông được một tờ báo (?) mời ông làm việc với họ và còn cấp nhà, cấp xe cho ông nữa. Nhưng ông không nhận.
Mấy tờ báo Việt ngữ ở thủ đô nước Mỹ thì chắc không đủ khả năng để cấp nhà, cấp xe cho ông và thuê ông viết cho họ. Mà những tờ báo tiếng Việt ở Washington thì cũng không có một tờ báo điên khùng nào rước một nhà văn trong nước sang Mỹ để viết cho báo của họ.
Thế thì chỉ còn hai tờ Washington Post và tờ Washington Star. Mà hai tờ báo này, cũng như những tờ báo khác ở Mỹ, không có một tờ báo nào cấp nhà, cấp xe cho những nhà văn như ông cả. Đến như Joseph Brodsky, Alexander Solzhenitsyn… Nobel văn chương cũng có tờ báo Mỹ nào mời viết và cấp nhà cấp xe cho họ bao giờ đâu.
Mà ông làm được gì cho những tờ báo Mỹ này? Một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết thì làm thế nào viết được cho báo Mỹ? Nhặt rác trong nhà in thì không bao giờ được cấp nhà và cấp xe như ông khoe.
Cười là cứ vãi cả ra!
Ông dĩ nhiên là không thèm nhận việc, nhà và xe của tờ báo Mỹ ngu xuẩn đó. Ông khinh bỉ tất cả những đề nghị đó và về nước.
Rồi ông lại qua Mỹ một lần nữa. Ông kể với cậu nhi đồng Trần Đăng Khoa rằng trong khi họp với các nhà văn Mỹ tại một đại học miền đông Hoa kỳ, ông co chân lên, tháo bít tất ra, lấy tay kì ghét ở mấy ngón chân rồi đưa lên mũi ngửi. Ông kể với Trần Đăng Khoa như vậy, và còn nói thêm là những người bạn Mỹ của ông rất ngưỡng mộ việc làm mà Trần Đăng Khoa nói là "rất Lê Lựu" đó.
Bố khỉ, đi xa tha hồ nói phét là như thế. Không một ai làm một hành động bất lịch sự và dơ dáy như thế. Nhà văn thì nhà văn chứ ai lại vô giáo dục và mất dậy như thế bao giờ? William Faulkner lúc nào cũng quần áo bảnh bao. Tom Wolfe bao giờ cũng đỏm dáng. Scott Fitzgerald cũng vậy. Hemingway thì rất macho, rất đàn ông nhưng cũng rất "chic". Truman Capote rất diện lịch sự, … Không một người nào mất dậy gác chân lên bàn họp, ngửi chân của họ như vậy.
Thế là lại về nhà nói phét cho chú em Trần Đăng Khoa nghe. Chú em phục lăn ra, viết ngay lên báo. Người đọc lại cứ thế mà …vãi đầy ra.
Ông than nghèo kể khổ, ăn uống rất là "cưc khô", thuốc men mỗi ngày cả vốc, đi lại không được nữa. Vậy thì đầy là lúc tốt nhất để nhận cái công việc với tờ báo Mỹ nào đó, vừa có xe, vừa có nhà vì căn nhà của ông (52 mét vuông ở phố Lý Nam Đế) đã bị cô vợ sau bán cha nó rồi.
Khổ thân ông. Lần này đừng làm phách mà không thèm nhận cái việc ngon lành đó nữa nhá. Sang đây sống thoải mái hơn cái chỗ ông đang tá túc ở cuối ngõ 319 Tam Trinh, Hà Nội nhiều.
Có nhà riêng, lại còn có xe đi lại dễ dàng, không phải nhờ người dẫn ra đường đi bộ nữa. Về nhà, lại gác chân lên bàn, ngửi bít tất, ngửi chân của mình bộ không sướng sao?
Bố khỉ. Nói phét thì cũng chừa chỗ cho bác Hồ và mấy thằng chó đẻ nói phét nữa chứ. Nói phét như vậy chúng nó hết cha nó chỗ nói phét rồi còn chi.
 

Ngày 1 tháng 5 năm 2013
 
Bạn ta,
Nhà xuất bản Rodale Publishing vừa có một ấn phẩm mới.
Ðó là cuốn Tales For Dogs của Flora Kennedy và Fiona Kennedy, hai nhà văn Tân Tây Lan, gồm những truyện ngắn mua về tặng các cậu mợ chó và đọc cho các cậu mợ ngủ vào buổi tối.
Mỗi truyện đều mở đầu bằng mấy câu đại khái: ” Hey …! It's story time! Do you want a story, …?” Người đọc chỉ cần thay ba chấm bằng tên của cậu hay mợ, là có ngay những câu dẫn nhập rất riêng tư, rất thân mật cho việc đọc truyện.
Theo nhà xuất bản và hai tác giả, thì cứ nhẹ nhàng như thế, là các cậu và các mợ im mồm hết, thôi sủa lập tức, nằm xuống nghe đọc truyện, mắt lim dim như những em bé ngoan.
Tuổi của chó, mỗi năm tương đương với 7 năm tuổi người. Thế nên chó 1 tuổi, tương đương với người ta 7 tuổi. Chó 2 tuổi tương đương với người ta 14 tuổi. Chó 3 tuổi thì tương đương với người ta 21 tuổi. Vân vân.
Nếu vậy thì cuốn truyện đọc cho, thí dụ, một con chó 7 tuổi, tương đương với một người đàn ông trung niên, không thể là những truyện đại khái “Ngày xửa ngày xưa, khi người ta còn biết nói … tiếng chó, có một chú chó nhỏ xinh xỉnh xình xinh. Sáng dậy chú đi kiếm đôi giầy của chủ cắn gần nát, rồi lại tè luôn vào trong, mà vẫn được chủ bế lên hôn hít, cho liếm mặt. Thật là đã đời…”
Thử hỏi có con chó 7 tuổi (tương đương với người đàn ông 49 tuổi) nào trên đời này lại ngẩn mặt ra, đờ đẫn, say sưa ngồi nghe những truyện như thế hay không? Nhất định là không.
Thế mà cuốn Tales For Dogs lại toàn những truyện như vậy.
Ðáng lẽ những cậu mợ chó 7 tuổi ấy phải được nghe những truyện gay cấn hơn, rùng rợn hơn, tình tiết sexy và éo le hơn mới phải.
Ít ra thì cũng phải là những truyện ngắn như Ðời Bị Thiến; Dây Xích Oan Nghiệt; Tình Khúc Phú De; Ðĩa Rựa Mận Ðể Ðời; Trong Hàng Thịt Cầy; Sống Trên Ðời; Ngẫu Hứng Ở Cột Ðèn; Em Như Cục Cứt Trôi Sông …
Muốn viết một truyện thương tâm khiến các cậu và các mợ chó khóc ầm lên, giọt châu lã chã thì phải như thế này:” Thằng cha chủ tôi là một thằng người trung niên. Nó ghét tôi thậm tệ. Hễ không ưa ai, là nó gọi người ấy là chó. Ghét chó chúng ta như thế, vậy mà thỉnh thoảng nó đi đâu về là sặc mùi thịt đồng loại chúng ta. Lâu lâu nó lại lén bà chủ -- người rất thương yêu tôi - gằn giọng nói sát mặt tôi rằng sẽ có ngày nó nấu tôi, làm chả chìa, tiết canh, rựa mận. Nó nói bằng tiếng Anh, nó tưởng tôi không biết rằng “Some day, I'm going to cook you, cook you good! You hear me, you son of a bitch!” Nó biết tôi rất ghét bị gọi là đồ chó đẻ, mặc dầu chúng ta đều là đồ chó đẻ hết, nên nó cứ ghé sát vào tôi mà nói như thế.
Tôi không còn niềm vui chơi nào khác, mấy chị chó hàng xóm đến mùa rượn, chỉ ngó tôi một cái, rồi khinh bỉ chạy chỗ khác kiếm mấy thằng chó xấu trai khác nhưng chưa bị thiến để vui chơi. Chúng nó không biết thưởng thức cái đầu văn học nghệ thuật của tôi gì sất cả. Ôi cái bọn chó hoa vông (*) ấy mà …”
Ðại khái viết cuốn truyện cho chó thì phải viết như thế mới là viết chứ viết như Flora và Fiona thì dở ẹc.
Như vậy, đúng như ông Canh Thân đã viết trong một ca khúc: “Con chó nó sướng hơn thằng tôi nhiều …”
Nhất là buổi sáng hôm thứ bẩy tuần trước, tôi suýt bị một người đàn bà trẻ lái chiếc Lexus chở một người đàn ông bế một con chó trên lòng đụng phải.
Tôi chợt nhớ đến những ông bà cụ trong cái chung cư tôi đang sống. Bế ẵm thì chẳng bao giờ đến lượt mấy cụ.
(*) Việt  Nam  Tự Ðiển của Lê Văn Ðức định nghĩa “chó hoa vông” (trang 307): chó cái trong thời kỳ rượn đực, húm đỏ như hoa vông.
 

 
Ngày 2 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Nếu còn ở miền đông, tôi nghĩ cuối tuần này tôi sẽ lái xe chạy đến đền kỷ niệm Thomas Jefferson bên bờ sông  Potomac  thăm ông tổng thống thứ 3 của nước Mỹ và cám ơn ông một cái.
Thomas Jefferson là một người tuyệt vời. Ở tuổi 30, ông viết bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập, rồi bản Hiến Pháp Mỹ, những văn kiện đến ngày hôm nay vẫn còn là những bản văn hết sức giá trị. Ngay từ thế kỷ 18, Thomas Jefferson đã tiên liệu được cả những điều phụ nữ của thế kỷ thứ 21 muốn làm và ghi sẵn những điều đó trong Hiến Pháp.
Tuần qua, một số phụ nữ ở Florida đã ra tòa đòi được tự do phục sức như đã được qui định bởi bản Hiến Pháp Mỹ. Các phụ nữ nay đòi tiểu bang Florida thu hồi những bộ luật buộc họ phải che phần trên của cơ thể khi ra đường. Họ nói rõ rằng Hiến Pháp Hoa kỳ đảm bảo quyền cởi trần của phụ nữ ở các nơi công cộng. Hiến Pháp bảo đảm tất cả mọi người sống ở Hoa kỳ đều được luật pháp bảo vệ ngang nhau. Các phụ nữ này muốn nhà cầm quyền tiểu bang và địa phương khẳng định rằng các bộ luật đòi phụ nữ phải che ngực lại khi ra đường là vi hiến. Những luật lệ đó hạn chế và vi phạm quyền tự do hiến định của họ. Các phụ nữ này cho biết khi nộp đơn kiện, họ không đòi được bồi thường tiền bạc, mà chỉ muốn không bị bắt vì họ hành sử quyền của họ được Hiến Pháp qui định.
Ðiều đáng nói ở đây là các phụ nữ nộp đơn kiện không phải là những người làm nghề vũ khỏa thân hay nghệ sĩ trình diễn. Họ là những phụ nữ bình thường, có công ăn việc làm lương hảo hệt như chúng ta.
Các phụ nữ này nói rằng họ rất ghét chữ topless vì chữ này có ngụ ý dục tính ở trong. Họ nghĩ ra một chữ mới: topfree. Chữ topfree chính là điều họ muốn được tự do làm, đó là nếu họ muốn đi bơi, hay tắm nắng hay làm việc trong vườn, leo núi mà không mặc áo, thì đó là quyền tự do của họ.
Tất cả cho biết đã từng bị làm phiền vì không mặc áo khi ra đường. Một trong những nguyên đơn bị giam 16 ngày sau khi bị bắt tại một công viên quốc gia về tội ở trần leo núi cùng với một toán leo núi đàn ông cũng cởi trần.
Một nguyên đơn khác nói với phái viên hệ thống truyền hình tin tức MSNBC rằng, nguyên văn, “tôi không tin rằng vú của tôi có thể làm hại, hay là những thứ vô luân, nguy hiểm, dâm đãng hay làm cho người khác phải khiếp sợ” (I don't believe that my breasts are harmful, immoral, dangerous, lewd or frightening).
Phải công nhận rằng họ nói đúng.
Hãy hỏi người dân Mỹ xem có ai bị những cái vú làm cho khiếp sợ không? Hay có ai thấy chúng là những thứ nguy hiểm cho môi sinh, cho kinh tế, cho hòa bình, hạnh phúc không?
Tuyệt đối là không. Vậy thì tại sao những người đàn ông không mặc áo, bầy ra những cái bụng to như những cái tủ lạnh thì được, trong khi luật lại buộc những người phụ nữ không có những nét thô bỉ như vậy phải che lại?
Florida là tiểu bang có một dân số cao niên đáng kể. Hay tại vậy mà tiểu bang này có những luật lệ cấm đoán những thứ tự do như thế?
Nếu thế thì ông Thomas Jefferson lại là người không nhìn xa thấy rộng hay sao?
Hay là đổi lại một vài chi tiết trong bộ luật, thí dụ cấm những người không thách thức được sức hút của trái đất cởi trần ra đường. Muốn cởi trần, phải bất tuân hay thách thức được sức hút của trái đất.
Ðể thiên nhiên quyết định hộ có phải đỡ rắc rối không nào?
 

 
Ngày 3 tháng 5 năm 2013
Bạn ta,
Tờ USA TODAY có một mục nằm ngay trên trang nhất, mục Snapshots ngày nào cũng đưa ra một vài con số, gọi là thống kê thì chưa hẳn, nhưng nếu dễ tính, thì có thể coi đó là những cuộc thăm dò rất hạn chế. Qua những con số của mục này, người ta có thể nhìn ra được một vài hình ảnh về nước Mỹ, do đó nó mang tên là Snapshots.
Hôm qua, mục Snapshots cho biết những chi tiết rất lạ kỳ về nước Mỹ mà một người bình thường như bạn sẽ không bao giờ có thể nghĩ ra.
Theo cuộc thăm dò của Snapshots, thì gần 40% người Mỹ trong hạng tuổi dưới 45 khi ủi quần áo thì chỉ mặc quần áo lót hay không mặc gì hết.
Con số này giảm đi khi tuổi tác gia tăng: từ 55 tuổi đến 64 tuổi, chỉ có khoảng 30% làm như thế. Nhưng ở tuổi 65 trở đi thì chỉ có 22% người Mỹ không mặc quần áo gì khi ủi quần áo.
Người thực hiện cuộc thăm dò này có thể coi chuyện không mặc quần áo, hay chỉ mặc quần áo lót khi đứng ủi quần áo là điều lạ lắm, hay ít ra, cũng là điều đáng nói, đáng viết ra trên báo, đáng cho vào mục Snapshots.
Nhưng thực ra, cứ nghĩ sơ một chút, thì chúng ta thấy ngay sự hợp lý của việc làm đó.
Lý do là vì khi sửa soạn đi ra ngoài, bới đống quần áo nhét dưới gầm giường ra thì cái nào chẳng nát như dưa. Thế nên khi xem đồng hồ, thấy chỉ còn năm bẩy phút là tới hẹn phải lên đường, thì việc cần làm là phải ủi thật nhanh cho xong để vừa nhẩy lò cò ra cửa vừa kéo cái quần lên, choàng cái áo vào, quàng cái ca vát lên cổ, thọc hai chân vào đôi giầy, xịt nửa chai eau de Cologne… chứ làm gì còn thì giờ để mặc robe de chambre đứng ủi quần áo lịch sự như Cary Grant trong những phim đen trắng của thập niên 40 bao giờ.
Thế nên quần áo lót, hay không quần áo lót gì đứng ủi mới là đúng cách. Chuyện đó có gì lạ để đáng nói?
Và cũng bởi thế, nên 40% ủi quần áo trong trang phục quần áo lót hay không trang phục gì cả mới là có lý. Tại sao phải quần áo đàng hoàng mới ủi quần áo chứ?
Rồi khi tuổi tác càng tăng, thì con số người ít hay không mặc quần áo đứng ủi quần áo giảm bớt đi cũng là có lý chứ không phải là không.
Tại sao? Có thể tờ  USA  TODAY biết nhưng không tiện nói ra, sợ làm mất lòng các độc giả (người Mỹ) cao niên, các độc giả trong hạng tuổi 55 đến 65, hay hơn 65 tuổi.
Những người này, khi đứng ủi quần áo cần phải cẩn thận vô cùng. Vì thế, họ ít khi khỏa thân ủi quần áo.
Tưởng tượng cầm cái bàn ủi lên, mắt mũi không còn được tinh tường như trước nữa, cứ thấy nhầu, thấy nát, thấy nhăn, thấy nhúm, thấy rúm, thấy ró là áp cái bàn ủi vào để ủi cho “thẳng thớm” thì nguy to.
Vài ba vết phỏng trên bụng là ít. Vì thế (những người Mỹ cao niên) không dám khỏa thân đứng ủi quần áo là vậy.
Trong khi đó, vẫn theo những con số của Snapshots, thì những thành phần trong hạng tuổi từ 18 đến 34, số phần trăm khỏa thân hay mặc quần áo lót khi ủi quần áo là gần 50%.
Những người trong hạng tuổi này càng ngày càng thấy quần áo nhăn nhúm khi đi ra đường. Nhiều người như vừa mới lăn khỏi cái giường.
Lý do?
Vẫn theo những nguồn tin thông thạo (?), những người trong hạng tuổi 18 đến 34, khi lơ đãng ngó xuống, thì lại rút dây điện, cất cái bàn ủi đi, vì thấy khung cảnh phẳng lì, nên không muốn mất công ủi nữa, cứ thế quàng lên người, ra đường.
Ðó là lý do tại sao tuổi trẻ ngày nay quần áo nhầu nát như vậy.


ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 169)
LIVE/LIVE/LIFE
COME BACK / GO BACK
EACH OTHER/ ONE ANOTHER

Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 169 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
Thưa anh, thắc mắc đầu tiên hôm nay là của QA. Anh cho biết có phải LIVE có hai cách đọc không, một là "I" một là "AI" phải không thưa anh?
BBT
Đúng vậy, nhưng là hai chữ khác nhau. Nếu LIVE là động từ thì đọc với âm "I" . Còn nếu đó là tĩnh từ, tiếng để mô tả, nói rõ hơn về một danh từ đi theo sau, thì đọc với âm "AI".
Động từ TO LIVE nghĩa là sống, như QA và Thúy đều đã biết. TO LIVE là một động từ thường, quá khứ (PAST TENSE) là LIVED và quá khứ phân từ (PAST PARTICIPLE) là LIVED. QA dùng động từ này trong cả hai thì PRESENT và PAST coi.
QA
WE NOW LIVE IN CALIFORNIA. BUT WHEN WE FIRST CAME TO THE US, WE LIVED IN SEATTLE.
BBT
Trong khi đó, tĩnh từ LIVE viết thì giống hệt như động từ TO LIVE nhưng lại đọc khác, là [AI]. LIVE tĩnh từ nghĩa là sống thí dụ một nhà hàng chuyên nấu cá tươi thì cá tươi còn bơi trong hồ là gì đây Thúy?
LÃM THÚY
Là LIVE FISH. Họ sẽ nói là WE ONLY SERVE / COOK LIVE FISH.
QA
Nhưng thưa anh, còn cá sống, cá chưa nấu như ở các nhà hàng sushi thì có gọi là LIVE FISH không?
BBT
Không, chưa nấu, còn sống, chưa chín thì là RAW như RAW FISH, RAW MEAT. Nhưng trái cây chưa chín thì lại là GREEN, chín rồi thì là RIPE. Tĩnh từ RIPE còn có thể dùng với TIME như THE TIME IS RIPE FOR CHANGES IN BURMA nghĩa là tình hình đã chín mùi để có thay đổi ở Miến Điện, hay SHE IS AT THE RIPE AGE OF EIGHTEEN là cô ấy ở tuổi 18 đã trăng tròn, đã chín…
LÃM THÚY
Tuần qua có người cho Thúy cặp vé đi nghe nhạc, ông ấy nói đó là LIVE MUSIC, nghĩa là chương trình ca nhạc sống, trực tiếp phải không thầy?
BBT
Đúng vậy. Chương trình tin tức truyền hình thì thường là LIVE SHOW. Chương trình Anh ngữ của đài Hồn Việt là TAPED SHOW, hay PRE-RECORDED SHOW thì cũng vậy, nghĩa là chương trình thu trước chứ không trực tiếp truyền đi.
QA
Thế thưa anh, còn chữ ALIVE cũng là sống thì có giống như tĩnh từ LIVE không?
BBT
Không. LIVE (AI) là sống như nhạc sống, trực tiếp truyền hình, LIVE cũng có nghĩa là còn sống. Nhưng ALIVE thì có nghĩa là có đời sống, trái nghĩa với DEAD là đã chết. IS THE MAN ALIVE OR DEAD? HE IS ALIVE, VERY MUCH ALIVE là ông ấy còn sống hay đã chết? Ông ấy còn sống. Tĩnh từ ALIVE còn có nghĩa là sống động, đầy những… như THE GARDEN IS ALIVE WITH BIRDS/ SONGS/ MUSIC… là khu vườn đầy những âm thanh, vang dậy tiếng chim ca, tiếng hát, tiếng nhạc…
LÃM THÚY
Thưa anh, còn LIFE là danh từ, nhưng số nhiều thì cách viết có hơi khác phải không?
BBT
Đúng rồi, trong Anh ngữ, các danh từ số ít mà tận cùng là FE như LIFE thì số nhiều phải đổi FE thành VES , như LIFE thành LIVES. Vậy thì QA khi nói nhiều con dao thì sẽ phải viết như thế nào đây?
QA
Thưa anh, một con dao là KNIFE, nhiều con dao phải là KNIVES.
LÃM THÚY
Thưa anh, ngoài LIFE và KNIFE còn một danh từ nào khác cũng phải đổi FE thành VES nữa không?
BBT
Có, nhưng chỉ những người nói tiếng Anh ở các xứ Hồi giáo, những người đàn ông Hồi giáo được quyền có tới 4 vợ mới cần phải biết cách đổi này, đó là WIFE phải viết là WIVES khi ở số nhiều.
LÃM THÚY
Sẵn đây, thầy dậy cho các idioms của danh từ LIFE được không?
BBT
Được nhưng idioms với LIFE thì nhiều lắm mà cô cũng không cần biết hết. Cứ thử vài idioms mà có thể Thúy thường hay nghe đã.
Khi nói một điều gì đó là tối quan trọng, quan trọng ở mức sinh tử, chúng ta có thành ngữ IT IS A MATTER OF LIFE AND DEATH, nghĩa là vấn đề hệ trọng ở mức sống chết.
Mãn đời hay hết đời, suốt đời là FOR LIFE thí dụ mấy ông lãnh tụ độc tài như Stalin, Mao Trach Đông… đều là các nhà lãnh đạo mãn đời: HE IS A LEADER/ PRESIDENT/ CHAIRMAN FOR LIFE. Chức vụ thẩm phán tối cao pháp viện Mỹ cũng là những chức vụ mãn đời: THEIR JOBS IN THE SUPREME COURT ARE FOR LIFE.
Muốn nói không bao giờ, chúng ta có idiom NEVER IN MY LIFE thí dụ I WILL NEVER TALK TO HIMNEVER IN MY LIFE là tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với ông ta.
Mất mạng là TO LOSE ONE’S LIFE thí dụ HE LOST HIS LIFE IN THE SEA là ông ấy thiệt mạng ở ngoài biển.
TO END ONE’S LIFE như HITLER ENDED HIS LIFE AT THE END OF THE WAR là Hitler tự tử vào cuối cuộc chiến.
Câu này không biết hai cô có nên biết để mà dùng không vì nó hơi đanh đá một chút. Thí dụ thấy một người ăn nói vớ vẩn, suy nghĩ vẩn vơ, đi vào rồi lại đi ra, không biết làm gì, chỉ biết có một chuyện là … mê hát karaoke tối ngày sáng đêm, bỏ bê tất cả các việc khác, thì chúng ta có thể nói với đương sự là GET A LIFE! Câu này có rất nhiều nét khinh bỉ, chê trách ở trong, hai cô hiền lành thì không nên biết. GET A LIFE là chịu khó sống cuộc đời cho ra sống, cho có ý nghĩa, có mục đích tử tế.
LÃM THÚY
Nhưng Thúy đã được nghe ở nhà từ lâu rồi, con trai lớn của Thúy bảo em như thế vì em nó cứ lẵng nhẵng bám theo, làm phiền anh…
BBT
Vậy thì nó dùng rất đúng đó Thúy. Hỏi QA nhé, khi nói HIS LIFE IS AN OPEN BOOK thì người ta định nói gì?
QA
Thưa anh, HIS LIFE IS AN OPEN BOOK nghĩa là đời của ông ấy là một cuốn sách đã mở sẵn tức là ông ấy không hề dấu giếm chuyện gì hết.
BBT
Thế còn khi nói IT IS A DOG’S LIFE thì người ta định nói gì?
LÃM THÚY
Thúy nghĩ cuộc đời ấy chắc khổ lắm, khổ như chó phải không thầy?
BBT
Đúng. Hai cô cũng nên biết câu này nữa: I CAN LIVE WITH THAT. Đây là một cách khác để nói tôi đồng ý với ông, bà, tôi có thể sống nổi với chuyện này, việc này. Bước chân vào một căn phòng đang có party, thấy mọi người ngồi im mặt mày ủ dột, muốn cổ võ cho mọi người vui chơi hết mình, chúng ta có thể dùng câu: LIVE IT UP…COME ON, LIVE IT UP!
QA
Thưa anh, bữa nọ có người nói với QA rằng hai động từ TO COME BACK và TO GO BACK rất khác nhau. QA nghĩ cả hai đều có nghĩa là quay về hay trở lại, chúng giống nhau chứ QA có thấy khác gì đâu. Nhờ anh nói rõ hơn về hai expressions này và cho biết chúng có khác nhau không?
BBT
Người ấy nói đúng. Thoạt trông thì ai cũng nghĩ như QA nhưng thực ra chúng rất khác nhau. Thí dụ tôi đang nói chuyện với một người kia, nói chưa hết thì ông ta bỏ đi ra ngoài. Tôi gọi ông ấy, nói với ông ấy là trở lại nghe tôi nói cho xong, cho hết chuyện, thì tôi phải nói COME BACK ! Tuy không nói ra, nhưng tôi muốn ông ấy trở lại đây, chỗ tôi đang đứng. Nếu nói cho rõ, tôi sẽ thêm ADVERB HERE vào cuối: COME BACK HERE!
Thí dụ thứ hai là tôi gọi một học sinh trong lớp học của tôi lên viết một câu trên bảng. Người học sinh ấy viết xong, tôi sẽ bảo anh ấy trở về chỗ của anh ấy thì tôi sẽ nói GO BACK! Anh ấy sẽ về bàn của anh, tức là về lại chỗ ngồi. Chỗ ngồi của anh ấy là ở cuối lớp, không phải ở cái bục nơi tôi đứng. Như vậy, GO BACK là GO BACK THERE ở chỗ kia, không phải ở đây, HERE, là chỗ của tôi.
Theo lối giải thích này thì QA có thấy hai expressions COME BACK và GO BACK còn giống nhau không?
QA
Bây giờ thì QA thấy chúng rất khác nhau. Như vậy thì khi anh của QA ở đây về Việt Nam chơi, sau một tháng, ba má QA ở Cali nhớ ảnh, muốn ảnh về Mỹ trở lại thì chắc phải nói COME BACK phải không thưa anh.
BBT
Đúng rồi.
LÃM THÚY
Thúy có ông hàng xóm đi sang Mỹ từ năm 1975, chưa bao giờ về Việt Nam, gần đây ông ấy có người em đau nặng. Thúy nói ông ấy nên về thăm ông em thì chắc không thể nói COME BACK mà phải nói là GO BACK TO VIETNAM phải không anh?
BBT
Đúng lắm. Nhân nói về động từ TO COME BACK, tôi cũng muốn nói thêm một chút về COMEBACK viết liền thành một chữ. Đây là một danh từ. Danh từ COMEBACK có hai nghĩa. Thứ nhất là sự trở lại như sự trở lại của một thời trang nào đó. Thí dụ LARGE SUN-GLASSES ARE A COMEBACK THIS SUMMER nghĩa là kính mát gọng lớn đang trở lại là món rất thời trang được nhiều người chuộng. Có khi một diễn viên hay một ca sĩ sau vài năm vắng bóng hay không được mời trình diễn, nay lại xuất hiện trở lại thì đó cũng là A COMEBACK như khi chúng ta nói GWYNETH PALTROW IS MAKING A COMEBACK WITH A NEW FILM là diễn viên Gwyneth Paltrow đang trở lại với một cuốn phim mới. Ông Clinton thua liểng xiểng lúc đầu nhưng cuối cùng, các đối thủ của ông rút gần hết, thế là ông lại vùng lên được. Báo chí gọi ông là THE COMEBACK KID cũng là vì thế.
Thứ hai, COMEBACK cũng có nghĩa là một câu trả lời, thường là ngắn, có chút cay độc ở trong để trả đũa một câu nói của một người khác. Thí dụ ông Winston Churchill khi còn là dân biểu ở Thứ Dân Nghị Viện bị một bà nói xỏ rằng nếu ông là chồng của bà, bà sẽ pha thuốc độc vào cà phê cho ông uống. Ông Churchill liền đáp lễ rằng nếu bà là vợ của ông, thì ông uống ly cà phê đó ngay lập tức để chết cho rảnh nợ. Đó là một câu COMEBACK.
LÃM THÚY
Thúy còn một thắc mắc nữa trong kỳ học hôm nay. Xin anh giảng về cách dùng EACH OTHER và ONE ANOTHER.
BBT
Đây là hai hỗ tương đại danh từ, tiếng Anh gọi là RECIPROCAL PRONOUNS. Người ta dùng chúng làm túc từ (OBJECTS) trong trường hợp hành động không diễn ra một chiều, mà hai chiều, có qua, có lại. Anh ấy giúp cô ấy, cô ấy giúp anh ấy thì việc giúp đó có hai chiều. EACH OTHER dùng khi có HAI người. ONE ANOTHERđược dùng khi có HƠN HAI người. Nhưng bây giờ, EACH OTHER cũng có thể dùng khi có HƠN HAI người.
Câu này là của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry: LOVE IS NOT JUST LOOKING AT EACH OTHER,BUT IT’S LOOKING AT THE SAME DIRECTION nghĩa là yêu nhau không phải là chỉ nhìn nhau mà là nhìn về cùng một phía.
Thế câu này hai  nghe chưa LIKE A RED PIECE OF VELVET THAT COVERS THE MIRROR, PEOPLE OF THE SAME COUNTRY MUST LOVE ONE ANOTHER?
LÃM THÚY
Thúy biết câu này: Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng phải không thưa anh?
BBT
Giỏi quá!
QUỲNH ANH
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

Bùi Bảo Trúc

A-Đừng nghe hãy nhìn xem
.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét