Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

tác giả Nguyễn Bình An

 
                                     
 
* NGUYỄN BÌNH AN 
 
Tôi về quê cũ chiều Đông ấy 
Thoáng chốc mười năm biệt cố hương,
Bình Điền với Huế xa chi mấy,
Mà dường như cách một đại dương
 
dừng bước. Mặt sân lác đác nhiều cỏ dại và dường như phủ mờ cả rêu phong. Tôi có cảm tưởng như đây không phải là ngôi nhà thân yêu của mình mà là một ngôi nhà đã lâu không có người ở. Trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý thơ và tôi cảm tác bốn câu trên.

Hai đồng cảnh của tôi cũng được phóng thích hôm đó là anh Trần Ngọc Bích và anh Phạm Văn Xuân quê ở Đông Hà, Quãng Trị ngỏ ý muốn tá túc ở nhà tôi đêm nay. Họ cũng trãi qua mười năm gian khổ trong cùng trại tù và chúng tôi rất thân nhau. Ai cũng nôn nao muốn về ngay để gặp lại gia đình nhưng đành chịu. Đã bảy giờ tối. Không còn chuyến xe đò nào nữa để đưa họ về quê cũ. Thôi thì anh em hãy vui buồn tâm sự với nhau đêm nay. Ngày mai chia tay chắc khó có ngày gặp lại. Trên đường từ Bình Điền về Huế, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau như thế. Họ đã bước lên thềm nhà còn tôi vẫn đứng chôn chân tại chỗ. Không hẹn mà cả hai cùng quay lại nhìn tôi rồi dè dặt hỏi:

-Ủa! Không phải nhà anh đây sao? Mới mười năm xa cách mà đã quên mất Lối Về Quê Mẹ? Chúng ta có vào nhằm nhà không đây?

Tôi ngượng ngùng cười khổ -Ồ! Không, đây chính là nhà tôi. Chỉ vì tôi xúc động nên trông như kẻ mất hồn.

Phải, tôi như kẻ mất hồn. Tôi là người lãng tử phiêu bạt, sau mười năm mới trở về thăm lại cảnh cũ người xưa! Tôi đã đi và đến những nơi nào? Ái Tử, Như Xuân-Thanh Hóa, Bình Điền… Mười năm trước, tôi bước ra khỏi ngôi nhà này để mang thân làm kiếp lưu đày trên chính quê hương mình. Bước chân tôi lúc đó thật cứng cỏi, mạnh dạn. Tôi nghĩ là lần ra đi này e không có ngày về, bởi lẽ con đường mà tôi sắp đi qua sẽ gặp vô vàn bất trắc, hiểm nguy do thiên nhiên an bài và do kẻ chiến thắng sắp đặt.

Tôi bước đi không chút ngập ngừng vì tôi biết rõ nơi tôi phải đến và sẽ đến. Dù vậy cũng có những phút giây bịn rịn giữa kẻ ở người đi.

Nhưng bây giờ, tôi trở về điểm xuất phát của cuộc lưu đày, bước chân tôi lại thầm lặng e dè và thiếu tin tưởng! Có phải tôi đang được Tự Do hay đang bước chân vào một Nhà Tù Vĩ Đại khác? Cuộc Lưu Đày của tôi đã chấm dứt tại đây hay tôi đang bắt đầu một cuộc Lưu Đày mới, một cuộc Lưu Đày khốn khổ hơn. Nơi tôi sắp đến là nơi nào? Là sơn đầu, hải khẩu, là núi rừng heo hút, là cao nguyên đất đỏ bụi mù, là chỗ cùng trời, cuối đất của cái giang sơn hình chữ S này? Thời gian lưu đày là bao lâu nữa đây? Có thể là hết kiếp sống của tôi hay mịt mù vô tận? Tôi đang bị lưu đày cùng với cả dân tộc, đang ở tù chung với hơn tám mượi triệu con người. Ai nghĩ rằng tôi (và hàng triệu đồng cảnh của tôi trên mọi miền đất nước này) đã được trả Tự Do hoặc đang tiếp tục ở Tù thì tùy quan điểm của họ. Riêng tôi, tôi khẳng định rằng mình đang có Tự Do, nhưng Tự Do của một con chim nhỏ trong chiếc lồng. Tôi chỉ thấy được màu trời xanh biếc ngoài kia và trên cao kia qua các chấn song của chiếc lồng sơn đỏ?

Bao nhiêu ý nghĩ bỗng chốc xâm chiếm lấy đầu óc tôi, khiến tôi thẩn thờ như kẻ mất hồn.

Tôi và hơn sáu mươi đồng cảnh khác được “Đảng và Nhà Nước Khoan Hồng” trong dịp Tết Dân Tộc để cho sự đoàn tụ gia đình của chúng tôi thêm phần ý nghĩa. Vậy là tôi tới nhà trong buổi hoàng hôn của ngày 28 tháng Chạp Âm Lịch, một ngày Trọng Đông năm Giáp Tý (1985). Ngày mai, ngày mốt sẽ là ngày Tết. Một cái Tết nữa lại về, cái Tết Thứ Mười kể từ sau Tháng Tư Đen năm ấy:

“Lại thêm một cái Tết buồn,
Cánh chim tưởng tượng vẫn còn xa bay”.
 
(Saut Đêm – Hà Huyền Chi)

Bình An! Có nghĩa là yên ổn, vô sự, không gặp trở ngại nào. Bình An là tên của làng quê tôi, một làng quê nhỏ hẹp, nghèo nàn. Nó ở cách trung tâm thành phố Huế khoảng hai cây số, và tọa lạc hai bên con đường mà một thời có tên gọi là đường Nam Giao rồi Lam Sơn và bây giờ là Điện Biên Phủ. Qua khỏi Đàn Nam Giao (Địa điểm Tế Nam Giao dưới Vương Triều Nguyễn nhà Gia Long), đường Điện Biên Phủ chia làm ba nhánh: Nhánh thứ nhất chạy ngang qua núi Ngự Bình, về An Cựu rồi đổ ra Quốc Lộ I, nhánh thứ hai chạy qua trước lăng vua Khải Định rồi dẫn tới tu viện Dòng Thiên An. Còn nhánh thứ ba có tên là đường Lê Ngô Cát chạy qua trước lăng vua Thiệu Trị, tới bến phà Tuần. Qua khỏi bến phà và tiếp tục đi theo hướng Tây Nam chừng bảy cây số thì tới Trại Bình Điền. Nếu tính theo đường chim bay thì nhà tôi cách Trại Bình Điền hơn 10 cây số, một khoảng không gian quá gần trong thực tế nhưng lại quá xa trong mộng tưởng. Tôi đã mất gần mười năm để trở về nhà trên một đoạn đường ngắn ngủi như thế! Bình Điền với Huế chẳng khác nào bên này và bên kia bờ của một đại dương!
 
 
Mười năm cách biệt, tôi trở về làng cũ với tâm trạng của Từ Thức (truyện Bích Câu Kỳ Ngộ). Tất cả đều đã đổi thay. Từ cảnh vật, con người, nhân tình thế thái… tôi cơ hồ không còn nhận ra nguyên trạng dù óc tưởng tượng phục hồi có tốt đến đâu nữa!

Bình An quê tôi giờ đây cũng được mang tên mới. Trước Tháng Tư Đen năm ấy, Bình An thuộc xã Thủy Xuân, quận Hương Thủy. Nhưng sau đó khi mà thời kỳ “Bắc thuộc” (Tôi xem chế độ do miền Bắc áp đặt cho miền Nam tương tự như các thời kỳ Bắc thuộc của người Tàu đối với nước Việt ta cách mấy ngàn năm về trước. Chữ Bắc thuộc mà tôi dùng có nghĩa là: Lệ thuộc miền Bắc, bị cai trị bởi miền Bắc!) hình thành, làng Bình An (xã Thủy Xuân) cùng với làng Trường Giang (xã Thủy Trường) được nhập lại để trở thành một đơn vị hành chánh nới: Phường Trường An. Và thế là Bình An quê tôi không còn thuộc xã, quận như trước kia mà nghiễm nhiên thành một phần lãnh thổ của thành phố Huế. Không chỉ làng tôi được hưởng vinh dự làm người thành phố mà các làng xã giáp ranh thành phố trước đây cũng vậy.

Trước ngày sụp đổ của VNCH, Huế vẫn chỉ là một thành phố nhỏ bé, cổ kính và thầm lặng với dân số chừng 100 ngàn người. Huế mang sắc thái của một thành phố văn hóa chứ không mang sắc thái của một thành phố công nghiệp. Thế nhưng sau khi Huế trở thành quận, huyện của thời kỳ Bắc Thuộc Mới, việc phát triển thành phố là nhu cầu tất yếu ngõ hầu thích nghi với sự bùng nổ dân số. Trong vòng mấy năm sau ngày “giải phóng” dân số Huế đã tăng lên 1 triệu người!

Được hưởng vinh dự làm đơn vị hành chánh của Nội Thành thì Phường Trường An cũng như các phường khác đều có bổn phận và trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Một trong những “tiêu chí” thi đua của thành phố là công tác thực thi và kiểm tra Kế Hoạch Hóa Gia Đình (hạn chế sinh đẻ, mỗi cặp vợ chồng được phép có hai con). Vậy là người dân trong phường, nhất là những người ở lứa tuổi sồn sồn, còn khả năng sinh đẻ, được chính quyền chiếu cố đặc biệt. Gia đình các đối tượng này có khi phải tiếp khách suốt ngày: Nào là Hội Phụ Nữ, Mặt Trận Tổ Quốc, nào là Ủy Ban Nhân Dân Phường, Công An Phường. Họ có ý tốt: Giúp mọi người hạn chế việc sinh con, giảm bớt miệng ăn cho gia đình, giảm được nhu cầu thực phẩm của nhà nước cung cấp theo chế độ Tem Phiếu…

Tôi vào trại tù ở tuổi 34. Ra khỏi trại tù đã 44 và người bạn đời của tôi cũng suýt soát tuổi của tôi. Do đó mà chúng tôi không ngạc nhiên khi được các đoàn thể này “đến thăm” như cơm bữa. Vốn đã cay đắng muộn phiền vì thân phận tù đày nay lại càng phiền muộn thêm vì sự quấy rầy của họ. Và còn nhiều nghĩa vụ khác nữa cho xứng đáng với vinh dự làm người dân thành phố!

Dù vậy, cái tên Trường An nghe cũng rất văn hoa và rất ý nghĩa, Trường An nghĩa là được an lạc, thanh bình một cách lâu dài, trường cữu. Trong sử sách văn học của Trung Quốc và Việt Nam, danh từ riêng Trường An thường là tên của kinh đô. Dưới triều đại nhà Đường, kinh đô của Trung Quốc là Trường An. Kinh thành được mô tả là nguy nga, tráng lệ nhất từ đầu đời nhà Hán. Trường An là đầu não của quốc gia, là nơi gặp gỡ của các thi hào, thi bá, của tao nhân mặc khách, của tài tử giai nhân. Trường An còn là nơi hội tụ của sĩ tử khắp vương quốc mỗi lần nhà vua cho mở các khoa thi. Và Trường An cũng còn là chốn ăn chơi của các vương hầu, khanh tướng, của những kẻ giàu sang.

Trong văn học sử cận đại của Việt Nam, nhiều văn nhân, thi sĩ, nghệ sĩ thỉnh thoảng dùng chữ Trường An như danh từ riêng trong tác phẩm của họ để nói về cố đô Huế ngày xưa và thành phố Huế ngày nay. Mọi biến động chính trị xảy ra tại Trường An đều ảnh hưởng sâu xa đến sự an nguy của bá tánh. Cứ mỗi khi Trường An thay chủ đổi ngôi thì ai cũng hiểu được rằng giang sơn vừa đổi chủ. Bộ mặt mới của Trường An chính là bộ mặt mới của vương triều mới, của chế độ mới. Chủ nhân mới của Trường An chính là đại biểu cho chủ nhân của cả đất nước, là giai cấp thống trị mới.
 
 
Trong một đoạn của bài thơ thất ngôn bát cú Thu Hứng rất nổi tiếng, Thi Hào Đỗ Phủ đời Thịnh Đường đã diễn tả một cách thâm thúy và sâu sắc thay đổi của kinh đô Trường An dưới thời nhà Đại Đường:

Văn đạo Trường An tự dịch kỳ,
Bách niên thế sự bất thẳng bi.
Công hầu đệ trạch giai tân chủ,
Văn vũ, y quan dị tích thì,
Trực Bắc, quan san kim cổ chấn,
Chinh Tây, xa mã vũ thư trì.
Ngư long tịch mịch thu giang lãnh,
Cố quốc bình cư Hữu Sở Ti*


(*Hữu Sở Ti: tên một bài hát của Trung Quốc thời xưa. Nghe bài hát này, ai là người ái quốc đều cảm thấy nhớ nước, thương nòi!)

Dịch thơ:
Nghe nói Trường An rối cuộc cờ,
Trăm năm sự thế đáng buồn chưa?
Vương hầu, dinh thự thay ngôi chủ.
Văn vũ cân đai khác bấy giờ.
Bắc, ngóng ải đèo inh trống trận,
Tây, dong xe ngựa rộng đường thư,
Cá, rồng vắng vẻ, sông thu lạnh.
Nước cũ ngày nao cứ tưởng mơ

(Dịch giả Khương Hữu Dụng)

Trường An quê tôi tuy vô cùng nhỏ bé so với Trường An kinh đô nhà Đại Đường hoặc Trường An, cố đô Huế dưới triều đại nhà Nguyễn nhưng sự đổi thay của Trường An quê tôi nào có khác gì sự đổi thay của những thành Trường An vĩ đại nêu trên hoặc những thành Trường An khác của Việt Nam ta: Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ…

Bất cứ là thành Trường An nào đi nữa thì cái cảnh “vương hầu dinh thự thay ngôi chủ” hoặc “văn vũ cân đai khác bấy giờ vẫn là điển hình, là công thức.

Giai tầng xã hội bị đảo lộn:

Trời làm một lũ lăng nhăng,
Ông hóa ra thằng, Thằng hóa ra Ông
 (Ca dao)

Còn bá tánh thì đành ngậm ngùi nhìn cảnh “Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh” mà lòng thì “Nước cũ ngày nao cứ tưởng mơ”.

Tuy là thích cái tên mới Trường An, tôi đồng thời thấy cảm hoài man mác vì cái tên Bình An bị xóa bỏ. Bình An quê tôi là một địa danh gắn liền với lịch sử Nam tiến của vị chúa Nguyễn đầu tiên khai sáng ra Xứ Đàng Trong.

Trong cuốn “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, có đoạn nói về sự hình thành các đơn vị hành chánh nhỏ:

“Châu Thuận Hóa có 2 Phủ, 8 Huyện, 882 Thôn, Phường, Giáp:

-Phủ Triệu Phong có 5 Huyện tổng cộng 398 xã, 23 thôn, 122 phường.

5 Huyện: Huyện Hương Trà, huyện Phú Vang, huyện Quãng Điền, huyện Hải Lăng, huyện Đằng Xương.

Huyện Hương Trà có 9 Tổng: Tổng An Ninh, tổng Phú Xuân, tổng Vĩnh Xương, tổng Phò Trạch, tổng An Hòa, tổng Vỹ Dạ, tổng Kim Long, tổng An Vân, tổng Kế Thực.

Tổng Vỹ Dạ có 10 xã: Vỹ Dạ Thượng, Vỹ Dạ Hạ, An Cựu, Dương Xuân, An Truyền, Trào Thủy, Mai Xuân, Thiên Lộc, Thạc Lai, Vân Quất”

-Xã Dương Xuân (tổng Vỹ Dạ) gồm các làng: Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ, Cư Chánh, Bình An…

Vậy Bình An nguyên lai thuộc xã Dương Xuân, tổng Vỹ Dạ, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, châu Thuận Hóa vào thời đó (1776).

Bình An quê tôi có một chiều dài lịch sử mấy trăm năm thế mà bỗng chốc bị khai tử, thử hỏi sao tôi không thấy cảm hoài?

Không phải chỉ có Bình An bé nhỏ quê tôi bị thay tên mà hầu hết tỉnh, thành trên đất nước này đều chung số phận. Để tăng thêm quyền uy cho các quan Thái Thú mới, cứ vài ba tỉnh, thành cũ được nhập lại làm một tỉnh lớn hơn, rộng hơn có dân số đông hơn, bất chấp truyền thống văn hóa của từng tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên của tôi vì thế cũng được sát nhập cùng hai tỉnh Quãng Bình và Quãng Trị để lập thành một tỉnh có tên là Bình-Trị-Thiên.

Thời kỳ Bắc Thuộc Mới cũng bắt chước thời Bắc thuộc của nhà Hán ngày xưa: Xóa hết di tích văn hiến, truyền thống văn hóa của tiền nhân gây dựng và lưu lại cho hậu thế. Thừa Thiên theo sử ký triều Nguyễn là tên của tỉnh Quãng Đức cũ. Sau cuộc cải tổ hành chánh của vua Minh Mạng, giải đất chạy từ sông Gianh đến ranh giới tỉnh Bình Định ngày nay được gọi là đất Ngũ Quãng, gồm 5 tỉnh: Quãng Bình, Quãng Trị, Quãng Đức, Quãng Nam, Quãng Ngãi. Thừa Thiên tức là tỉnh Quãng Đức thời bấy giờ. Và Ngũ Quãng là đất địa linh nhân kiệt nên luôn được triều đình tin cậy.

Xóa bỏ tên các tỉnh, thành cũ của VNCH nhất là tên thành phố SÀI GÒN, chủ nhân của Thời Kỳ Bắc Thuộc Mới có ý thủ tiêu một giai đoạn lịch sử dựng nước và giữ nước của tiền nhân. Việc làm này sẽ được lịch sử phê phán một cách công minh!
* * *
Đáng lẽ tôi và hai đồng cảnh (đang ở nhà tôi) phải ngũ một giấc an lành thoải mái sau một ngày vất vả bởi cuộc hành trình Trở Về Làng Cũ, nhưng trái lại ai cũng trằn trọc thao thức vì mỗi người đều mang một tâm trạng. Đã 11 giờ đêm, anh Bích bất thần vùng dậy và quyết định:

-Chắc tôi phải về anh à. Nhớ gia đình và con cháu quá, không sao ngủ được.

Cả tôi và Xuân đều ngạc nhiên, sửng sốt:

-Về? Giờ này thì còn xe cộ nào nữa? Anh đi bộ?

-Không phải vậy. Nhà đứa con gái đầu lòng của tôi ở sát cầu Kho Rèn, trên đường Phan Chu Trinh. Cũng gần đây thôi. Anh Bích vừa cười vừa phân trần: Gặp mẹ con nó cũng như gặp cả gia đình. Thôi thì hãy tới cho nó mừng đã rồi mai về Quãng Trị cũng chưa muộn.

Tôi an tâm nhưng lại thắc mắc: Sao anh không đi ngay hồi chiều có phải tiện không?
 
 
Anh thật thà: Tôi định ở lại với anh cho hết đêm nay nhưng bỗng nhiên dạ nôn nao quá, mười năm chịu được thế mà bây giờ…

Anh bỏ dở câu nói nhưng tôi hiểu ý anh nên thông cảm liền. Thế là tôi và Xuân chia tay anh. Nửa đùa nửa thật, tôi nói với cả hai người:

-Các anh cứ tin tôi đi. Đời sống của các anh rồi đây sẽ dễ chịu hơn tôi nhiều, vì các anh là dân Quãng Trị!

Cả hai cùng nhanh nhẩu: Quãng Trị thì sao chứ?

Tôi cười đáp: Các anh có biết rằng chúng ta là người cùng một tỉnh không?

-Phải. Là tỉnh Bình-Trị-Thiên chứ gì?

-Tôi nói rồi đây đời sống của các anh dễ chịu hơn tôi là vì thế đó.

Vẫn chưa ai hiểu ý tôi nên lại hỏi:

-Cái tên mới này thì ăn nhập gì?

Tôi cắt nghĩa: Binh-Trị-Thiên có nghĩa là người Quãng Bình vào đây để “trị” dân Thừa Thiên. Các anh là dân Quãng Trị nên khỏi lo.

Câu nói đùa của tôi thế mà đúng với sự thật: Sau khi Bình- Trị-Thiên giải thể để tái lập lại ba tỉnh cũ như trước (Quãng Bình, Quãng Trị, Thừa Thiên), bộ máy hành chánh, quân sự và công an của tỉnh Thừa Thiên-Huế gần như hoàn toàn do người Quãng Bình nắm giữ. Lực lượng Công An Nhân Thừa Thiên Huế nói chung có khoảng 6.000 người thì hơn 5.500 là người Quãng Bình.

Sau khi họ Trịnh giúp nhà Hậu Lê trung hưng rồi thì đất kinh kỳ (kinh đô Thăng Long) chỉ dùng lính Thanh, lính Nghệ gọi là Ưu Binh (hoặc còn gọi là lính Tam Phủ) để làm quân túc vệ khiến bọn này về sau gây loạn kiêu binh, góp phần làm sụp đổ cơ nghiệp mấy trăm năm của họ Trịnh ở đất Bắc.

Ngày nay, bộ máy cai trị của Thừa Thiên Huế dùng toàn người Quãng Bình, nhất là Lực Lượng Công An để làm Quân Thủ Túc chắc cũng cùng mục đích như họ Trịnh ngày xưa.
* * *
 
Tôi cứ lang bang suy nghĩ từ chuyện này sang chuyện khác suốt cả đêm hôm đó. Tại sao tôi cứ quanh quẫn với Bình An, Trường An rồi từ đó, suy diễn ra những phạm trù khác?

Thật dễ hiểu. Tôi định sáng mai đến trình diện công an xã Thủy Xuân nhưng may là được gia đình tôi giải thích: Bình An không còn thuộc xã Thủy Xuân nữa và tên mới là Phường Trường An, thuộc thành phố Huế. Vậy phải trình diện công an phường Trường An. Cũng tiện, vì đồn công an phường ở gần nhà tôi.

Và thế là tôi lại rơi vào những suy nghĩ chung quanh những cái tên mới và tên cũ, những địa danh hoặc danh nhân. Có những cái tên bị khai tử làm ta bâng khuâng, xót xa, hoài cảm, trong đó có cái tên Bình An quê tôi. Và cũng có những địa danh mới xuất hiện làm bàng hoàng, ghê sợ. Nghe đến các trại tù Bình Điền, Tiên Lãnh, Suối Máu, Bù Gia Mập, Hoàng Liên Sơn v.v… ta không thể không liên tưởng đến những trại giam nổi tiếng ở miền Bắc trước và sau năm 1945 như trại Đầm Đùn (cũng là tên một cuốn sách của tác giả Trần Văn Thái), trại Lý Bá Sơ.

Từ đó, nếu ai đưa sự liên tưởng của mình đi xa hơn chút nữa thì sẽ dừng lại ở cái tên Goulag một trại giam khủng khiếp, kinh hoàng, ghê tởm nhất của Liên Xô dưới thời Stalin. Cái tên này được văn hào Nga là Alexandre Soljenitsyne viết thành tác phẩm vĩ đại “Quần Đảo Goulag” hay Quần Đảo Ngục Tù. Goulag chính là một địa ngục trần gian.
* * *
 
Trong đời tôi, có hai địa danh mà không bao giờ tôi có thể quên: Bình An quê tôi và Bình Điền – Trại Tù.

Bình An và Bình Điền. Cả hai đều là Bình nhưng tương phản nhau. Tôi đã nói nhiều về Bình An, Trường An quê tôi. Vậy cũng nên nói vài điều về Bình Điền. Tôi sẽ không nói về Trại Tù hoặc Trại Cải Tạo Bỉnh Điền mà chỉ nói đến địa danh Bình Điền thôi.

Mãi cho đến trước năm 1965, năm đánh dấu sự đổ quân của Hoa Kỳ vào Việt Nam để trực tiếp tham chiến với QLVNCH. Địa danh Bình Điền không thấy ghi trên bản đồ tỉnh Thừa Thiên. Đây là vùng cận sơn ở Tây Nam thành phố Huế, nằm phía Tả ngạn sông Hương (thuộc lãnh thổ quận Nam Hòa trước 1975).
 
 
Từ xa xưa, lãnh địa này là vùng sơn lam chướng khí, hầu như không có cư dân. Theo lời các cụ già, có tuổi trên 90 hoặc gần 100 tuổi, thì vào buổi sơ khai đã có một số người mà đa phần là các sắc tộc thiểu số như Rhade, Pako, Sedang… đến khai phá vùng hoang sơ này để sinh sống nhưng vì các nguồn nước do khe suối cung cấp quá độc khiến nhiều người bị chết, vì vậy người ta đã thiên di sang phía Hữu ngạn sông Hương rồi sau đó hình thành các làng, xã, ấp ngày nay như Bằng Lãng, Châu Ê, Tà Rầu 1, Ta Rầu 2… Một nhóm khác lại lui dần xuống hạ nguồn phía Tả ngạn rồi định cư tại các làng Định Môn, Kim Ngọc, Long Hồ, Ngọc Hồ… (thuộc quận Hương Trà trước 1975)

Thế nên trong dân gian có một bài tứ tuyệt (tương truyền là của vua Tự Đức) như sau:

Bất ẩm Hàn khê thủy (1)
Bất thực Lương Quán kê (2)
Bất giao Nguyệt Biều hữu (3) Bất thú Giạ Lê thê (4)

Nghĩa là: (1) Không uống nước khe Hàn; (2) Không ăn thịt gà của làng Lương Quán; (3) Không làm bạn với người làng Nguyệt Biều; Không kết hôn với người làng Dạ Lê. (Lương Quán và Nguyệt Biều là hai làng nằm phía Hữu ngạn sông Hương đối diện với chùa Linh Mụ phía Tả ngạn; làng Dạ Lê thuộc xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy)

Không hiểu sao ông vua này lại có thành kiến với các làng Lương Quán, Nguyệt Biều và Dạ Lê nhưng lời khuyên của nhà vua trong câu thơ thứ nhất thì đúng lắm.

Trước và sau năm Mậu Thân (1968), áp lực của địch ở vùng Tây Nam Huế càng ngày càng nặng nề. Trên hành lang xâm nhập theo đường mòn Hồ Chí Minh thì đây là cửa ngõ để đi vào thành phố có 100.000 dân, thủ đô văn hóa của miền Trung.

Để ngăn chận sự xâm nhập và làm giảm áp lực của địch. Quân Mỹ đã thiết lập một tập đoàn cứ điểm gồm những căn cứ hỏa lực hùng hậu với những cái tên đã được ghi vào quân sử VNCH như: Checkmate, King, Bastogne, Birmingham…
 
 
Một số đã được chuyển âm qua tiếng Việt cho dễ gọi, chẳng hạn như King: Căn cứ Hoàng đế, Bastogne: Căn cứ Phú Xuân; Birmingham: Căn cứ Bình Điền.

Có lẽ cái tên Bình Điền được nói đến nhiều kể từ đó. Trãi hơn 40 năm, sau bao thế sự thăng trầm, bao nhiêu sóng lớp phế hưng, Bình Điền là chứng tích của nhiều đổi thay. Từ một chốn núi đồi “khỉ ho cò gáy” mà mật độ dân cư thì lác đác đó đây chỉ có:

Nhà sàn mươi nóc dựng trơ, 
Trên thì người ở, dưới gà, lợn, trâu
. /

Rồi dần dà biến thành một chiến trường khốc liệt, đẫm máu. Cuối năm 1974, lực lượng Việt Nam cộng Hòa gần như hoàn toàn triệt thoái khỏi vùng này. Thế là Tây Nam Huế bị bỏ ngõ cho địch múa gậy vườn hoang. Và đến tháng 3-1975, chúng tiến vào Huế với thế mạnh như chẻ tre. Sau ngày 30-4-1975, ngày đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của Việt Nam Cộng Hòa và cũng là ngày bắt đầu Thời Kỳ Bắc Thuộc Mới. Địa danh Bình Điền trở nên nổi tiếng qua những công trình vĩ đại của chế độ mới:

-Khu Kinh Tế Mới Bình Điền và:
-Trại Cải Tạo Bình Điền (hay trại tù Bình Điền cũng thế).

Không nói thì ai cũng biết những danh từ như Vùng Kinh Tế Mới, Khu Kinh Tế Mới, Đặc Khu Kinh Tế Mới… là gì rồi.

Thực chất chỉ là một nơi lưu đày nhưng được mang một cái tên hoa mỹ mà thôi.

Trước 1975, Bình Điền là vùng đất “chó ăn đá gà ăn muối” rồi sau đó là chiến trường. Nhưng chỉ trong vòng 10 năm sau, Bình Điền thật đã có một khuôn mặt mới. Những rẫy sắn, nương khoai bạt ngàn, hàng mấy chục mẫu đất trồng cà phê, chè, hạt tiêu, mít… Đặc biệt là khoảng 15 hecta lúa nước mà năng xuất vượt quá 5 tấn.

Đúng là “sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Người! Nhưng là ai? Người dân Kinh Tế Mới? Bộ Đội Tham Gia Sản Xuất? Các lực lượng thanh niên tiền phong làm nghĩa vụ? Hoàn toàn không phải.

Toàn bộ thành tích này là công lao của mấy ngàn tù nhân thuộc 6 trại tù của tổng trại Bình Điền!

Cho nên phải sửa lại câu nói trên cho đúng với trường hợp này:

Với sức Tù sỏi đá cũng thành cơm”

Còn những người bị buộc đi vùng Kinh Tế Mới thì sao? Họ đạt được thành tích nào không?

Câu trả lời là không. Bởi lẽ một số thì làm việc theo kiểu “cơm vua ngày trời”, một số khác tự động bỏ về thành phố để làm bất cứ việc gì, miễn kiếm được chút tiền mà sống qua ngày đoạn tháng. Số phận của những người này rất khốn khổ. Họ sống chui rúc ở vỉa hè, đầu đình xó chợ, và luôn luôn lo sợ công an bắt lại. Chỉ có một thiểu số nhỏ nhoi quyết định chọn Bình Điền làm nơi dung thân mãn kiếp; họ còn biết về đâu khi mà nhà cửa ruộng vườn đã thuộc về người khác? Thành phố quê hương của họ không còn chỗ đứng cho họ. Xã hội mới cũng đã đặt họ ra ngoài lề! Lớp người này và thế hệ con cháu của họ sẽ sống và chết ở đây nếu họ không tìm được lối thoát. Họ sống âm thầm và cũng chết âm thầm ở chốn núi đồi quạnh quẽ đìu hiu này!

Núi rừng Bình Điền chẳng biết giờ đây đã “có điện thay sao” chưa và bộ mặt của Bình Điền vẫn còn được tù nhân điểm xuyết hay có một đơn vị hành chánh nào đó mới được thành lập sau này thay tù để làm việc ấy?

Trong lúc đó thì Bình An hoặc Trường An quê tôi ngày nay đã là thành phố vệ tinh của Huế. Nhưng đằng sau những phấn son lòe loẹt của khuôn mặt đó vẫn là nếp sống lầm than cơ cực của những người nghèo.

Nguyễn Bình An.
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét