Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

địa danh Sơn Tây! nay còn hay mất (?)

 AI, NGƯỜI SƠN TÂY !
   Nguyễn ngọc Tùng
 
 Biên Hòa, Gia Định hay Sơn Tây hoặc Thái Bình. v..v. đều là những địa danh thương mến, nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao người, mà hiện nay vì thời cuộc họ đã không còn niềm hạnh phúc để được “sống với, sống trong và sống ở” tại chính nơi quê hương mình được sinh ra và khôn lớn.
 Khi sự hội nhập vào đời sống mới ở hải ngoại đã tạm ổn định, những người cùng quê hương xứ sở, cố tạo ra các dịp gặp gỡ nhau để cùng ôn lại những kỷ niệm êm đẹp của thuở thanh bình xưa cũ tại quê nhà. Họ trao đổi lẫn nhau những kinh nghiệm sống; chỉ dẫn thêm cho nhau cách thức vượt qua những trở ngại, khó khăn nếu có, trên phần đất được bao dung; nơi được chấp nhận như quê hương thứ hai của cộng đồng người Việt tị nạn CS ở khắp năm Châu bốn biển.
Chỉ sau một thời gian rất ngắn, tính từ giây phút quyết định bỏ nước ra đi, người Việt quốc gia tại hải ngoại đã lần lượt thành lập những hội đoàn có tính cách tương trợ bất vụ lợi, mang tên các hội  Ái Hữu; thí dụ như hội Ái Hữu Quảng Đà, hội Ái Hữu Thừa Thiên, hội Ái Hữu Sóc Trăng hoặc hội Ái Hữu Bạc Liêu,.v..v..
Riêng dân Bắc kỳ di cư 54 như chúng tôi, hành trình vượt biên tị nạn sau ngày 30-4-75, được ghi nhận là lần thứ hai, trong lịch sử chạy loạn của cuộc đời mỗi cá nhân, nhũng nạn nhân do bọn giặc cướp Việt minh Cộng sản gây nên!
Thảm cảnh loạn lạc vào thời kỳ này, được diễn tả rất trung thực qua tâm trạng của một nhạc sĩ kỳ cựu, “kẻ hát rong” Phạm Duy, trải qua hai cuộc chạy loạn gồm cả Việt minh lẫn Cộng sản, năm 54 và 75:
“Một ngày năm bốn (1954), cha bỏ Sơn Tây 
Dắt díu con thơ, vô sống nơi Biên Hòa”
“Một ngày bảy lăm (1975), đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương!

(Trích đoạn trong bản nhạc Cha Bỏ Quê, Con Bỏ Nước- Phạm Duy)
 
Cả hai cuộc chiến kế tiếp xẩy ra trên đất nưóc, bao gồm khoảng thời gian gần 30 năm; đặc biệt tại miền Bắc, từ năm 45-54 và miền Nam từ (54-75; đã gây nên hai luồng sóng chạy loạn, của lớp người tản cư (so sánh với hiện tượng “Exodus”). Từng đoàn người lũ lượt bu ộc phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ làng quê để “chạy lấy thân”, tức đi lánh nạn, chạy giặc Việt minh CS kể từ sau vụ Hồ chí Minh, đảng trưởng VM cướp chính quyền từ nội các thuộc Thủ tướng Trần Trọng Kim (45). Hoạt cảnh “cướp bóc chính quyền” diễn ra giữa ban ngày ai nấy đều được dịp chứng kiến, đã bị VMCS tuyên truyền là cuộc ‘Cách mạng (!) mùa Thu, tháng 8 năm 45’. Thủ lãnh đảng cướp VM họ Hồ, chính là tên tội phạm, du nhập chủ nghĩa cộng sản quốc tế, áp đặt vào VN để tàn phá đất nước. Kết cuộc Hồ chí Minh và đồng bọn hậu duệ VC Ba đình giêt hại vài triệu sinh mạng trong suốt nửa thế kỷ vừa qua.
Trước đây cũng đã có tác giả đưa ra một nhận định thật xác đáng, đại ý bất cứ nơi đâu, đặc biệt riêng tại Việt nam, người ta chỉ thấy một sự kiện duy nhất xẩy ra, đó là dân chúng tự động bỏ chạy, tức “chạy đi” khỏi các vùng bị Việt minh, Cộng sản xâm chiếm; Mà chưa hề thấy có những kẻ “chạy lại”, tự nguyện sống chung với chế độ bất nhân, khát máu này!
Trừ trường hợp những người không có phương tiện đào thoát, cuối cùng đã bỏ cuộc và đành phải chấp nhận ở lại. Họ được dịp chia sẻ những sự kiện được coi là hiếm có tại thủ đô văn vật Hà Nội qua cách ‘phát mãi’ thực phẩm cho ‘nhân dân’ theo chế độ Tem Phiếu. Cái cảnh, được coi là thật bình thường, dân Hà thành phải chen chúc đứng xếp hàng cả nửa ngày để ‘thu mua’ được vài củ khoai, mấy cục đường, một miếng thịt lợn  nặng vài lạng hay một gói ‘mì chính’ v..v.; tại cửa hàng Mậu dịch Quốc doanh của nhà nước VC. Đấy là một trong vô số các màn ‘bi hài kịch’ thật điển hình của sách lược “kinh tế bao cấp” do chế độ mới, vừa được chủ tịch đảng VM ‘sản sinh’ ra dưới cái tên dài thòng và rất kêu (như  chếc thùng rỗng) là “VN Dân chủ-Cộng hòa-Độc lập-Tự do- Hạnh phúc” (muôn năm!); mà những người Hà Nội, không di cư sau năm 54, “được bác hồ kính yêu và đảng nhà nước vĩ đại” du nhập từ ‘thiên đường cộng sản’ để ban bố cho “nhân dân miền Bắc anh hùng” !
VMCS gây nên chiến tranh từ suốt 30 năm qua; khiến biết bao gia đình ly tán, mỗi người mỗi ngả trên bước đường chạy loạn. Họ hàng thân quyến mỗi kẻ một nơi; người thì tìm đường về miền nam tự do, phía dưới Vĩ tuyến 17. Kẻ bị kẹt ở lại ngoài Bắc, phải sống với Vẹm. Dưới chế độ CS người dân không hề có được tự do, mà còn bị tập thể Công an kìm kẹp, kiểm soát, bóc lột, tra tấn dã man. Nhận xét chung, mức sinh hoạt của ‘nhân dân’ ở miền Bắc sau ngày đất nước chia đôi, bị thoái hóa tồi tệ, so ngang với vài chục năm về trước. Thậm chí dân chúng còn khổ sở hơn cã thời thực dân, dưới chế độ thuộc địa Pháp.
  •  NHỮNG AI, NGƯỜI SƠN TÂY!
Vốn sẵn âm mưu chiếm trọn miền nam bằng mọi giá, nên ngay sau khi ký vào bản Hiệp ước Hòa đàm Ba-lê năm 73, phe CS Bắc việt đã ngang nhiên xua toàn bộ lực lượng, bộ đội và vũ khí, tràn qua sông Bến hải và băng qua biên giới Việt, Miên để tiến vào miền Nam VNCH.
Theo các quan sát viên quốc tế thì phe CS Bắc việt đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Đình chiến; phản bội lại những điều chúng đã “đồng thuận” đặt bút ký kết; vì vậy ngụy quyền VC Hà Nội phải nhận lãnh hết trách nhiệm cho hành động xâm lược miền nam thuộc chính phủ VNCH.
Quân xâm lược CS miền Bắc sau khi tiến chiếm Thủ đô Sàigòn (30-4-75), cưỡng ép ông Dương văn Minh lên đài phát thanh, kêu gọi lực lượng quân đội VNCH ngừng bắn để chấm dứt chiến tranh (!)
Thất vọng trước sự hèn nhát của vị tân Tổng Tư lệnh quân đội (Dương văn Minh là vị Tổng Thống cuối cùng, được vài ngày,  của nền Đệ nhị Cộng Hòa miền nam), một số đông các đơn vị chiến đấu đã âm thầm di chuyển xuống Quân khu 4, tức Vùng 4 Chiến thuật, tự đặt dưới quyền chỉ huy của đương kim Tư lệnh QĐ IV là Thiếu Tuớng Nguyễn khoa Nam và TL phó là Th. Tướng Lê văn Hưng trong kế hoạch tử thủ để tiếp tục chiến đấu trước làn sóng xâm lược của CS Bắc việt.
Vô số những chiến sĩ thuộc các binh chủng khác đã tự động tan hàng, với nỗi tuyệt vọng của những người đã từng một thời cầm súng gìn giữ đất nước quê hương. Một số quân nhân đã âm thầm hoặc công khai tự chọn lấy cái chết hào hùng để tỏ lòng trung kiên với quê hương đất nước: “Thà chết, nhất quyết không chịu đầu hàng giặc cộng!!”
1.- DANH TƯỚNG, “CHẾT THEO THÀNH”!
Đặc biệt trong bài viết, tác giả trân trọng đề cập đến một người Sơn Tây thuộc giòng họ Lê Nguyên, là một trong ngũ Hổ Tướng, nguyện “chết theo thành”!!
Kết quả ba mươi sáu năm trước đây, Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ đã tuẫn tiết tại Bộ chĩ huy Sư đoàn 5 BB thuộc căn cứ Lai Khê.
Chuẩn Tướng Lê nguyên Vỹ, Tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, thuộc QĐ III
Lê nguyên Vỹ (1933-1975) là vị tướng Tư lệnh cuối cùng của Sư đoàn 5 bộ binh thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hoà, đã tự sát trong ngày biến cố 30 tháng 4, 1975; tức lúc tập đoàn Lê Duẩn và bộ đội CS Bắc việt hoàn tất cuộc xâm lăng sau khi cưỡng chiém Thủ đô Sàigòn.Tướng Vỹ sinh ngày 22 Tháng Tám năm 1933 tại Sơn Tây.
Được biết ông nhập ngũ năm 1951; Theo học khóa 2 (Lê Lợi) tại trường Võ bị Địa phương Huế.
Ông tham gia trong chiến trường An Lộc, thuộc Tỉnh Bình long. Đại tá Vỹ có mặt ngay từ bước đầu khi quân CS Bắc việt mở cuộc tấn công vào thị trấn Lộc Ninh, cuối Tháng 3 năm 1972. Trong vai trò Tư lệnh phó của Sư Đoàn, ông giữ bổn phận điều động, chỉ huy và cùng chiến đấu với các quân nhân thuộc các đơn vị tử thủ căn cứ cho tới ngày chót, khi toàn bộ Thị trấn An-lộc được giải tỏa với sự thất bại phải tháo chạy của Bắc quân, tức đám ‘bộ đội bác hồ’.
Năm 1974, sau khi theo học một khóa học chỉ huy và tham mưu cao cấp tại Hoa Kỳ trở về, Đại tá Lê Nguyên Vỹ được thăng Chuẩn tướng và giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh cho đến lúc CS Bắc việt tiến chiếm thủ đô Sàigòn trong biên cố 30 tháng 4 năm 75 (Ghi nhận theo Trang nhà <generalhieu.com>, ngày 24/03/1999; do Nguyễn Văn Tín phụ trách).
 *
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe nhật lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa các cấp buông súng đầu hàng, vị Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ binh, thuộc Quân lực VNCH, đã dùng súng lục bắn vào đầu tự sát ngay tại Bộ Chỉ huy của Sư Đoàn ở Lai Khê.
“Thi thể Tướng Vỹ được an táng trong rừng cao su gần doanh trại Bộ Tư Lệnh, sau đó được thân nhân bốc lên đem về cải táng ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Năm 1987, hài cốt cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ được thân mẫu hỏa thiêu và đem về thờ ở từ đường họ Lê Nguyên tại quê nhà ở tỉnh Sơn Tây”.
Trong số những chiến sĩ đã bỏ mình vì nước của cuộc chiến đấu tự vệ, chống quân xâm lược Cộng sản miền Bắc; Cái chết anh dũng và hào hùng của cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ được dân chúng thành kính ghi ơn và thiên thu tuởng nhớ!
[Một nguồn tin, cần được phối kiểm, tại quê nhà, thuộc Tỉnh Sơn Tây, dân chúng địa phương hiện đang có cuộc vận động, để được tôn thờ vong linh cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ như vị Thần Thành hoàng Làng (?)]
2.- BẠI TƯỚNG, “VỀ HÀNG GIẶC CỘNG”!
Ông Nguyễn Cao Kỳ cũng là người Sơn Tây! 
Cựu Th. Tưóng NC Kỳ có mặt (chụp hình ké, đứng bên trái) trong buổi tiếp tân Chủ tịch CSVN Nguyễn minh Triết !!
Lúc trước ông mang lon “hai sao” trên cổ áo và mũ hoặc trên cầu vai. Nhưng ông Kỳ đã chạy thoát khỏi Sàigòn “trước khi” TT Dương văn Minh ra lệnh quân lính buông súng đầu hang, nhằm tránh một cuộc đổ máu được dự trù sẽ rất là khốc liệt. Như thế ông Kỳ vừa đào ngũ, vừa là bại tướng vì đã bỏ đơn vị trước khi Sàigòn bị mất vào tay CS Bắc việt.
Đấy là lý do tác giả chỉ xưng “ông” theo phép lịch sự với Nguyễn Cao Kỳ; Còn Lê Nguyên Vỹ vẫn được kính trọng nhắc nhở tên cùng với cấp bậc Chuẩn Tướng, hoặc cố Thiếu Tướng (vinh thăng sau khi bỏ mình vì nước).
Từ năm 2004, ông Kỳ được phép về VN làm ăn, với sự chấp thuận của nhà nước XHCN VC Hà Nội; Và ông đã công khai tuyên bố “khâm phục người anh em phía bên kia!”, tức những kẻ trước đây đã cầm súng bắn vào chính ông và thảm sát đồng bào của ông.
Vì thế, tuy cả hai nhân vật cùng là người gốc Sơn Tây, nhưng ông Kỳ không thể so sánh được với Tướng Lê Nguyên Vỹ.
Trong một tác phẩm thuộc thể loại Bút Ký của nhà văn Phan Lạc Tiếp với tựa đề “Quê Nhà 40 Năm Trở Lại”, tác giả có đề cập trong trang 105; “… Tôi cố chú ý mà không còn phân biệt đâu là bãi xe Cầu Giấy nữa. Xưa nơi ấy chỉ có độ 5, 7 chiếc xe của hãng Cự Dương và hãng Mỹ Lâm trong đó nghe nói một hãng là của thân phụ ông Nguyễn Cao Kỳ, chạy đường Hà Nội - Sơn Tây.”
Đấy là một đoạn vắn tắt nhắc tới ông Kỳ, của một người đồng hương. Tác giả Phan lạc Tiếp, cũng là  ngưòi gốc Tỉnh Sơn Tây, Bắc phần. Sự thực, ai nấy cũng đã biết, ông Kỳ tự nhận là “con cầu tự” của gia đình Nguyễn cao; phụ thân ông là chủ nhân một hãng xe đò chạy đường Hà Nội - Sơn Tây.
Hồi xưa, theo lời kể lại của các bậc tiền bối (?) những ai không thuộc về các giòng họ cố cựu, tức xuất thân khoa bảng, thường sinh sống tại phố chợ tức tại Tỉnh thị xã; nghề nghiệp chuyên về thương mại. Nói chung những người cư ngụ tại khu thị xã này, được gọi là “Kẻ chợ”. Chữ “chợ” (đối nghĩa với Làng mạc, Phủ, Huyện) ám chỉ giới buôn bán, dịch vụ to nhỏ tùy theo giầu nghèo (?).
Một trong những “giai thoại” về ông Kỳ, vào thời niên thiếu, sau khi hoàn tất lớp 4 (?) ông được gia đình cho lên học tại Hà Nội. Vốn sẵn tính ngổ ngáo, ưa đánh lộn, nên cậu Kỳ được nổi danh trong đám học sinh (cao bồi) của khu phố Chả Cá Hà-nội (?). Sau này do chuyện công danh không được thành đạt như ý muốn, nên có lần ông Kỳ đã tự nhận, trong một dịp phát biểu “tôi là người ít học”! Trước cuộc Cách mạng Tháng 11-63, chấm dứt nền Đệ nhất Cộng Hòa, dư luận chưa hề biết đến ông Nguyễn Cao Kỳ là ai! Qua những sự kiện do các cuộc chỉnh lý (nội bộ) của Hội đồng Quân nhân Cách mạng xẩy ra liên tiếp tại miền Nam, theo sau biến cố tháng 11 năm 63; đặc biệt với biến động tại miền Trung của tổ chức Phật giáo; bộ mặt ông Nguyễn cao Kỳ mới được biết đến trên chính trường. tại Sàigòn.
Bản tính ông Kỳ khi đang ở địa vị nguyên thủ Quốc gia, cũng vẫn muốn xử sự giống hồi còn trai tẻ; tức thích “chơi nổi”, có lẽ muốn được mọi người phải biết đến sự hiện diện của ông (Điển hình là cảnh ông Kỳ dắt tay vợ, cả hai cùng đều mặc đồ phi hành mầu đen, tham dự một cuộc kinh lý). Thực ra với vai trò một vị đương kim Lãnh đạo Quốc gia, hỏi ai mà không biết đến ông Nguyễn cao Kỳ lúc bấy giờ!
Căn cứ cách ăn nói và lối hành sử, dư luận cho rằng ông Kỳ thường không suy nghĩ đắn đo trước những lời tuyên bố mang tính cách gọi là “nẩy lửa”. Vì thế, vẫn theo nhận định, phần nhiều phát biểu của ông Kỳ hay đụng chạm đến một số đường lối, chủ trương của chính phủ, các hội đoàn hoặc cá nhân; khiến có đôi lúc, lôi kéo được sự ủng hộ của thành phần chống đối; tất nhiên trong đó không tránh khỏi có sự len lỏi của những tổ chức VC nằm vùng. Dư luận cho rằng có thể chính ông Kỳ đã không đủ  kinh nghiệm và bản lãnh để dự trù được các điều khúc mắc bên trong, mang tính cách chiến lược, chiến thuật phối hợp lẫn dân vận và điệp vận do phe đối nghịch (CS Bắc việt) tận dụng vào tình hình bất lợi về phía chính phủ Sàigòn.
Trước năm 75, trong cả hai cuộc bầu cử Tổng Thống (1967 và 1971) tôi đều bỏ phiếu cho Liên danh Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, vì theo nhận xét cá nhân, không thấy có thêm một ai sáng giá trong các Liên danh ứng cử dân sự, cùng hiện diện trong cuộc bầu cử Tổng Thống VNCH thời bấy giờ. Riêng tôi, tuy không hoàn toàn ủng hộ ông Thiệu, nhưng phải công nhận thái độ của ông ta hơn hẳn ông Kỳ; Chỉ cần lấy một thí dụ đơn giản, khi xuất hiện trước công chúng, ông Thiệu có cách ăn nói khôn khéo gấp trăm lần hơn ông Kỳ.
Tất nhiên đã là người đồng hương, không ai đem bới móc nhau ra để bêu xấu. Nhưng một điều bất di bất dịch phải công nhận là “Sự thật thì không bao giờ được giấu diếm, hoặc đem bóp méo; mà còn cần phải được triệt để tôn trọng”; Đó là một trong những  khác biệt giữa Quốc gia và Cộng sản (VC). Ngụy quyền VC Hà Nội rất sợ phải phơi bầy Sự thật nên luôn che dấu Sự thật!!
Trường hợp nếu được hỏi, giữa hai trong các nhân vật nổi tiếng quê Sơn Tây (cố Thiếu Tướng Lê Nguyên Vỹ và ông Nguyễn Cao Kỳ); tôi không ngần ngại cho biết là chỉ thán phục và ngưỡng mộ Tướng Vỹ. Vì không thể đem ông Kỳ ra mà so sánh được!
  • SƠ LƯỢC ĐỊA LÝ VỀ SƠN TÂY
Sơn Tây là một tỉnh lỵ thuộc vùng Trung châu Bắc Phần; tọa lạc phía Tây-Bắc và chỉ  cách thành phố Hà Nội khoảng hơn 40 cây số. Diện tích toàn tỉnh được bao gốm khoảng 1 000 sây số vuông. Thế đất phì nhiêu của tỉnh là do phù sa của ba giòng nước lớn của các sông Hồng hà, Hắc giang và Lô giang. Phía Tây Nam của Tỉnh có ngọn núi Ba Vì, cao gần 1300 thước, và một số những ngọn núi dược cấu tạo bởi nham thạch, đá  hoa cương lẫn đá vôi. Khí hậu toàn tỉnh có hai mùa là mùa mưa từ tháng Tư đến tháng Chín. Mùa hanh từ tháng Chín đến tháng Giêng. Giữa hai mùa có mưa phùn và sương mù che phủ khắp nơi. Đường giao thông rất thuận tiện cho tỉnh Sơn Tây vì có nhiều đuờng bô lẫn đường thủy dẫn thẳng tới các tỉnh lớn.
Thời kỳ nước nhà tự chủ, cuối thế kỷ thứ 15, địa danh Sơn Tây bắt đầu có, nhưng thay đổi liên tục; có khi là Xứ, lúc là Trấn hoặc Tỉnh. Đến năm 1830, triều đình mới cử một vị quan Tổng Đốc cai quản tỉnh Sơn Tây; lúc ấy gồm cả Hưng Hóa và Tuyên Quang (có cách gọi tắt là Sơn Tuyên Hưng).
Trước năm 1965, tỉnh Sơn Tây gồm các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Quảng Oai, Bất Bạt, Quốc Oai và Tùng Thiện.
Sau năm 1965, ngụy quyền VC Hà Nội đặt tỉnh Hà Tây gồm hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây và huyện Lạc Thủy (thuộc tỉnh Hà Nam). Đầu năm 1976, thêm tỉnh Hòa Bình được sát nhập vào Hà Tây; Theo cách VC gọi là Hà Sơn Bình. Nhưng giữa năm 1979, VC cho cắt hầu hết các huyện của Sơn Tây để nhập vào thành phố mới Hà Nội (VC).
Đặc biệt tỉnh Sơn Tây có rất nhiều danh lam,thắng cảnh và nhiều chốn cổ tích danh tiếng. Đất Sơn Tây còn nổi tiếng về văn học.
  • MỘT CHÚT RIÊNG TƯ - "NỖI NHỚ VỀ QUÊ NHÀ"
Lần chót tôi được về thăm quê vào dịp gia đình khởi sự cho bốc mộ, đem hài cốt người anh lớn của chúng tôi để đem về an táng ở quê nội, tức Sơn Tây.
Lúc đó vào mùa Hè năm 53, vào khoảng 8 hay 9 tháng truớc khi mặt trận ở Phủ Điện Biên được kết thúc, đưa đến kết quả Hồ chí Minh phải hy sinh mất vài chục ngàn sanh mạng để đánh đổi lấy một nửa phần đất nước sau Ngày 20 Tháng 7 năm 1954.
Nhân dịp chưa phải đi học, hai anh em tôi được mẹ cho đi cùng với người chị thứ hai, chị Nhân, theo xe xuống Tỉnh Hải Dương từ sáng sớm để kịp thời tiến hành việc bốc mộ cho người đã khuất; là anh cả trong gia đình, anh Duyện, chết năm mới vừa được 18 tuổi.
Anh Duyện bị bệnh thương hàn nhân lúc ở lại Hà-nội với gia đình bác tôi, để tiếp tục việc học hành. Trong khi cả gia đình phải di chuyển xuống Hải Dương theo bố tôi, vào dip ông phải thay đổi nhiệm sở.
Trong thời gian khỏi bệnh, lợi dụng ở xa nhà, nên anh giấu bố mẹ để vẫn cứ tiếp tục đến trường; thay vì phải nghe lời bác sĩ ngưng học một niên khoá, hầu tránh những biến chứng do bệnh thương hàn gây nên. Vì tính chuyên cần và hiếu học, chỉ mấy tháng sau anh ngã bệnh nặng về thần kinh (lức đó gọi là bị điên). Sau đó anh được đem từ Hà-nội về Hải dương. Bệnh trở nên trầm trọng và kéo dài thêm. Hơn một năm sau thì anh Duyện chết và được chôn cất ở Hải Dương vì lúc bấy giờ tình hình không thuận tiện đem về an tang tại quê nhà.
Tội và cô em út được ngồi trong xe của nhà đòn cùng với vài nhân viên lo việc bốc mộ. Đó là loại xe thùng (Station wagon) còn được dùng cho nhiều phương diện, chở người lẫn chở xác Chiếc thứ hai có mẹ tôi và chị Nhân ngồi, theo giữ cái ‘tĩnh’, loại hòm đúc bằng sành lớn bằng nửa dung tích hòm gỗ; dùng chứa xương cốt mới vừa được cải táng ở nghĩa trang, sẵn sàng rời đến một địa điểm an táng vĩnh viễn.
Hoàn tất công việc bốc mộ, đoàn xe trở về Hà-nội để mọi người tạm nghỉ và ăn bữa trưa. Sau đó tất cả lại trực chỉ hướng Ô Cầu Giấy để về Sơn tây cho kịp phần chôn cất trước khi trời tối. Mẹ tôi dự trù nghỉ lại qua đêm tại làng Hữu Bằng rồi ngày hôm sau có dịp làm bữa cơm khoản đãi, cám ơn người làng cũng như thân thuộc trong giòng họ đã giúp dỡ tận tình; trước khi lên đường trở lại Hà-nội.
Khác với kỳ nghỉ Hè trước, lần này xe lăn bánh về đến cống Đặng là anh em tôi đều mệt lả; Vì cả hai không quen di chuyển bằng xe ô-tô lạ, ngồi bên trong loại xe bít bùng, không thoáng khí như xe nhà. Hơn nữa lại vừa trải qua một đoạn đường dài hơn từ Hà-nội xuống Hải dương; đến bây giờ lại đi thêm một cuốc xe nữa về Sơn tây.
Trong suốt thời gian an táng hài cốt anh Duyện trong nghĩa trang thuộc giòng họ Nguyễn, anh em tôi vì còn mệt nên ngồi yên lặng theo dõi công việc của mọi người từ phía trong xe.
Cuối tầm mắt là cảnh mờ mờ hung vĩ của dẫy núi Ba Vì, như chập chờn xuất hiện trên bờ lúa, rặng tre phía đường chân trời. Sau lưng tôi, về bên trái, tôi vẫn nhìn rõ nơi mới vừa đi qua để vào làng. Đó là chiếc cổng, phải nói là đã từ lâu lắm, được xây bằng gạch, mái ngói có hình uốn cong ở bốn góc, chiều cao ngang tầm ngọn cây cổ thụ, mà tôi được biết là loại cây Gạo hay cây Sồi (?), cả trăm năm nay vẫn đứng xừng xững kế bên con đường lát gạch dẫn vào làng Hữu bằng, tức làng Nủa, Sơn tây.
Có tiếng nói ồn ào ở chung quanh.
Bọn trẻ trong làng cùng bảo nhau kéo ra xem những người ở Tỉnh vừa mới về thăm.
Cả đám bu quanh, tranh nhau sờ mó chiếc xe (ô tô) lạ mắt. Chúng mặc rất giản dị, nếu không muốn nói là nghèo nàn. Vài đứa nhỏ tuổi hơn, nếu có áo che thân thì lại không có quần mặc. Còn mặt mũi thì hầu hết trông đều lem luốc như nhau và đi chân đất.
Tuyệt nhiên tôi không nhận thấy có anh con trai nào hơn tôi 4, 5 tuổi mà tôi đã gặp lần trước đây. Mấy anh này cũng là người làng, đã chỉ tôi cách vót các thanh tre để làm diều, rồi dậy tôi đem ra thả ngoài cánh đồng. Họ còn đến dủ tôi đi câu cá ỡ bờ ao, hay chỗ lạch nước có sẵn cá; nhất là loại cá rô đem về rán ròn, hoặc nấu được một nồi canh ngọt với lá dâu non. Đó là một vài kinh nghiệm đồng quê tôi được học ở những người chỉ mới lớn hơn có vài tuổi. Mỗi lần trở về Hà-nội, đem kể lại cho em tôi nghe; cô bé tỏ vẻ thán phục vì những gì tôi đã học được ở đám trẻ trong làng.
Sau này tôi mới biết mấy anh đó đã đi theo, hay bị bắt theo bộ đội (!). Mới vừa 16, 17 đã bị người ta về làng khích động tuổi trẻ qua lòng yêu nước bồng bột để gia nhập hàng ngũ VM đánh thực dân Pháp trong các mặt trận như Na sản, kế tiếp là Điện biên. Những dân quê không thuộc lớp tuổi cầm súng, thì được xung công đi tải đạn cho bộ đội hoặc gom thành nhóm để kéo những cỗ cà-nông nặng nề ra mặt trận.
Trong khung cảnh xế chiều trên cánh đòng làng, tôi im lặng lơ đãng ngẩng nhìn lên mấy con diều cánh cốc vật vờ bay lượn ở không trung.
Bên tai tôi nghe loáng thoáng giọng lào sào của đám trẻ trong làng; còn lẫn vài tiếng nói nào đó của người lớn, nghe rõ mồn một:
--“ Cháu nội của cụ Thiếu Hữu Bằng làng ta đấy! chúng bay có biết không?
Mẹ tôi đã nhắn tin trước về cho vợ chồng anh chị Tỵ, gia đình người cháu họ của Cha tôi cư ngụ tại Hữu bằng, nên mọi chuyện liên quan đến việc chung sự đã được sửa soạn xong tại khu đất được dùng làm mộ phần của giòng họ Nguyễn trong cánh đồng làng, truớc khi hai cỗ xe từ Hà-nội về đến nơi.
Để giới hạn thời giờ, mẹ tôi quyết định cho hoàn tất việc chôn cất trước khi trời tối. Sau đó mới trở về làng, trình lễ vật, thắp hương trên ban thờ tổ tiên đặt tại ngôi nhà từ đường. Ngôi nhà này còn được dùng để tất cả mọi người tạm nghỉ ở lại làng qua đêm. Sáng hôm sau Mẹ tôi sẽ có bữa tiệc nhỏ nhằm khoản đãi số người trong họ cùng nhóm dân làng, đã có lòng tử tế thăm hỏi, giúp đỡ; như trong lời cám ơn của mẹ tôi: “Nhân dịp đưa vong linh cháu Duyện về an nghỉ vĩnh viễn tại quê nhà”!
Vì phải xa làng lúc còn nhỏ, nên tôi không đươc biết nhiều hơn nữa về Sơn tây như các anh chị lớn tuổi hơn trong gia đình. Nhưng cá nhân tôi may mắn được nghe bà Ba, tức Bà Trẻ kể lại nhiều chuyện cần biết về quê nội, tức làng Hữu Bằng hay còn gọi là làng Nủa, hay kẻ Nủa (?). Chúng tôi nghe lời bố mẹ, rất kính trọng, coi bà như bà Nội và thường gọi bà Trẻ.
Ngoài những chuyện đươc nghe từ chính miệng bà Trẻ kề, tôi còn may mắn biết thêm  nhưng điều đã biên chép trong cuốn Gia phả của giòng họ Nguyễn, trong đó ghi chép về cụ Thiếu Hữu Bằng. Hơn nữa, sau này ở hải ngoại, tôi còn đ ược biết thêm chi tiết về Sơn Tây nhân dịp được đọc tập Bút Ký có tựa đề “Quê Nhà 40 Năm Trở Lại” của nhà văn,  Hải quân Thiếu tá Phan lạc Tiếp gửi tặng. (Xem trang 176-177 và hình ảnh trang 267).
Sau hơn nửa thế kỷ, cá nhân tôi còn nhớ được một chút ít về quê nhà, làng Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây; cũng là nhờ được nghe bà Trẻ kể lại. Sở dĩ tôi biết được thêm nhiều chi tiết là do đọc đuợc trong tập Gia Phả. Đó là một bản in (photo copy) do cô tôi (cô Cử, tức Madame Nguyễn Sùng) hiện định cư tại Pháp, gửi qua để tôi giữ gìn.
Lúc Bố mẹ tôi đón bà Trẻ về ở với gia đinh một thời gian tại căn nhà số 9 phố Hàm Nghi, Hà Nội; chúng tôi được bà kể cho nghe nhiều chuyện ở làng quê.
Thường vào những buổi trưa ngày Hè nóng bức, bà Trẻ hay gọi cô bán thạch đen, đem nguyên gánh hàng vào sân nhà. Chúng tôi được bà cho giải khát; những chén thạch đen ướp thơm mùi hoa lài, húp vào miệng nghe mát rượi. Tiếng bà Trẻ kể chuyện nghe không thấy chán, dù vào lúc tuổi già miệng bà đã bị móm. Bà cháu thường ngồi dưới gốc cây Ngọc Lan che rợp bóng mát; bọn chúng tôi được nghe cả những câu hát ví von của làng quê qua chất giọng trong trẻo của bà. Nhất là những câu thơ, chắc là phải mô tả cái gíang thướt tha yểu điệu của thiếu nữ Sơn Tây (!)
Nhưng không, có một lúc chúng tôi nghe bà cất cao giọng ngâm, nghe sao mà khiếp quá!
“Con gái Sơn Tây
Yếm thủng tầy dần
Chân đi cù ngoéo”
………
“Đêm nằm thì ngáy o.! o.!
Chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà
Con rận bằng con Ba Ba
Chồng thương chồng bảo…..”
Bà Trẻ ngâm chấm dứt câu vè.
Chúng tôi có hỏi, thì bà từ tốn giải thích:
--“ Thực ra thì không phải như vậy!”
Vì phần đông con gái Sơn Tây theo nghề dệt cửi, suốt ngày cắm cung ở trong nhà nên có nước da trắng, so với các thiếu nữ chuyên việc đồng áng.
Sau này tôi mới biết rõ hơn là bài ‘vè’ nêu trên được viết theo cách ‘nghịch thuờng’ (nghĩa đối nghịch với hình thức diễn tả); để truyền miệng khắp làng tên xóm dưới.
Nếu là đối nghĩa, thì con gái Sơn Tây chắc hẳn là phải “dễ nhìn”! Chẳng thế mà chàng nhạc sĩ họ Phạm thuộc làng Hiệp (Thượng, Hạ), đã nghe tiếng lòng rung đ ộng, viết nên bản nhạc mang đề tựa “Đôi Mắt Người Sơn Tây”:
"Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt em ơi mắt em xưa có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về, khi chớm thu về một sớm mai."
“Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây"
"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?"
Thực ra đó là giai điệu, tức ‘nhạc cảm’ do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ bài thơ “Mắt Người Sơn Tây” của thi sĩ Quang Dũng.
Theo anh bạn Phan Lạc Tiếp (*), vì quen biết gia đình, nên xác nhận Quang Dũng không hẳn là người Sơn Tây, ông người làng Đan Phượng, Tỉnh Hà Đông (?) nên chỉ là một người “hàng xóm”. Như vậy nếu được chàng thanh niên láng giềng, một nhà thơ, kiêm họa sĩ, ca tụng những cặp mắt huyền; thì các nàng thiếu nữ Sơn Tây ngồi bên khung cửi, chắc hẳn phải đẹp và còn quyến rũ lắm!
Sau hai cuộc đổi đời quan trọng, Di Cư (54) và Vượt Biên (75) đã xẩy ra cho đất nước, hiện tại con số những người Sơn Tây ly hương chắc cũng không phải là ít. Nhưng cho đến nay chưa thấy có hội ái hữu nào riêng cho người Sơn Tây, đuợc thành lập (?).
Cá nhân tôi được biết, do sự hoạt động âm thầm, nhà văn Phan Lạc Tiếp, hiện cư ngụ tại San Diego, đã hoàn tất được một thư viện, gồm những tác phẩm của riêng ông. Được biết thư viện có tên là Tủ Sách Kẻ Nủa, Sơn Tây///
 
Nguyễn ngọc Tùng
 
Ghi chú
(*) Nhà văn quân đội, cấp bậc Hải quân Thiếu tá

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét