Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

nhà báo Bùi Bảo Trúc -*(8-4-2013)

"Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ "tgbt@yahoo.com".

 
Ngày 8 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Trong bộ bài tổ tôm có một quân bài tôi không biết rõ là quân gì, chỉ nghe mấy ông cụ đánh tổ tôm với ông bố tôi gọi là quân bán vợ đợ con. Tôi nghĩ chắc là nghèo lắm.
Nghèo đến độ nhìn quanh quẩn trong nhà thấy không còn gì bán được tiền, phải lôi vợ ra bán đắt, bán rẻ đi lấy tiền thì đích thị là phải nghèo thật.
Một người đàn ông Brazil tuần qua đã đem bán vợ trong internet. Giá cả mà ông ta đặt ra là năm chục đô la Mỹ. Ông mô tả vợ khá kỹ, lại kể ra đầy đủ những tính tốt của vợ và cho biết vợ ông 35 tuổi. Ông nói thêm rằng vợ ông với giá đó thì rất đáng mua.
Người đàn ông mà báo chí cho biết tên là Breno, nói rằng ông bán vợ vì lý do riêng mà ông không muốn nói ra. Lý do khác là vì ông cần tiền.
Nhưng quảng cáo vừa xuất hiện trên Mercado Livre, một dịch vụ thuộc eBay thứ Sáu tuần trước thì hôm sau, thứ Bẩy, chính phủ Brazil ra lệnh huỷ bỏ vì luật của Brazil cấm buôn bán các bộ phận cơ thể, người, máu, xương hay da.
Người phụ nữ được rao bán rõ ràng nằm trong danh sách những thứ không được bán. Không biết có ai nhanh tay nhanh mắt đọc được cái quảng cáo và giúp ông Breno giải quyết chuyện thiếu hụt tiền bạc của ông chưa.
Tôi tò mò muốn biết người chồng đăng báo bán vợ như thế nào. Quảng cáo rao bán vợ có khác quảng cáo bán cái xe không. Bán cái xe thì phải kể rõ là xe mấy máy, đã chạy bao nhiêu ngàn dặm, máy móc còn tốt không, máy lạnh còn chạy không, vỏ xe ra sao, mấy đời chủ (?). Muốn xem xe và chạy thử (?) thì liên lạc điện thoại. Giá cả là bao nhiêu. Giá nhất định hay có thể mặc cả, hay là OBO (Or Best Offer) ai trả cao nhất thì lôi về. Có khi chủ còn nêu ra lý do bán xe để gợi ý với khách muốn mua là xe tốt, bán nó không vì nó chạy dở, mà vì đã mua xe mới, không có chỗ đậu, dọn nhà đi xa, bị vợ bỏ, bị đào xù vân vân.
Viết một đoạn quảng cáo bán vợ khó hơn nhiều.
Thí dụ: Ði xa, bán gấp một chị vợ, 35 tuổi, một đời chồng, còn mặn mòi lắm. Vừa tân trang trên dưới bơm hút căng kéo đầy đủ hết. Răng lợi, ruột gan phèo phổi không hư chỗ nào. Chưa cắt đốt cột, lại cũng không vào nhà bảo sanh lần nào. Nấu ăn giỏi, đảm đang (?) chỉ phải tội hay đi shop. Thích mặc St John, mang ví Prada, giầy Valentino, kính Versace, đồ lót Victoria’s Secrets... đã max bốn cái credit card. Nay không còn cái credit card nào nên muốn có mấy cái mới để shop tiếp.
Có thể đến coi và dẫn đi ăn... thử. Xin hẹn trước. Cần xuất trình công hàm (?) độc thân. Gọi bất cứ giờ nào, không gặp xin để lại lời nhắn. Không phân biệt tuổi tác, xấu đẹp, thất nghiệp OK (?). Giá phải chăng, chỉ có 50 đô la Or Best Offer. Cần bán trước cuối tháng.
Rất tiếc là cái quảng cáo này đã bị dẹp, chứ nếu chưa, chỉ đọc được cái quảng cáo nghe cũng đã mát ruột rồi.
Nhưng còn cái giá 50 đô la. Tại sao lại rẻ rúng nhau như thế?
Cái quảng cáo đó mà còn, thế nào cũng có nhiều con heo đất bị giết móc ruột ra, rồi luôn cả những đồng quarter nằm kẹt dưới nệm ghế sa lông cũng bị moi ra cho bằng hết không chừa đồng nào để đi Brazil cho mà coi.




Ngày 9 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Hội đồng thị xã Palo Alto ở bắc California đang sửa soạn thảo luận về một dự luật, mà nếu được thông qua và được ban hành, sẽ cấm một số cử chỉ mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn làm, và khi dự luật biến thành luật, thì nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta không ít.
Dự luật mới chỉ dự tính áp dụng trong các cuộc họp hay các cuộc tranh luận chính trị. Nhưng làm sao biết chắc nó sẽ không được tu chính để đem áp dụng cả ở những nơi khác và luôn cả trong những sinh hoạt khác nữa?
Dự luật đề nghị cấm nhướng đôi lông mày lên, cười to hay cười khẩy và tất cả các cách diễn tả khác như nheo mắt lại, trợn mắt lên, háy một mắt, trề môi, bĩu mỏ vân vân. Các tác giả của dự luật cho rằng những cử chỉ như kể trên đều được dùng thay thế cho những phát biểu bằng lời nói đầy ý nghĩa khinh khi, miệt thị khi bất đồng với người khác tại các cuộc tranh luận chính trị. Những cử chỉ đó, theo thị xã Palo Alto, không giúp tạo không khí hòa hoãn và văn minh.
Vì thế nên cấm.
Dự tính của hội đồng thị xã Palo Alto là một dự tính rất nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ nó vi phạm quyền tự do bầy tỏ tư tưởng được hiến pháp Hoa kỳ bảo vệ và được ghi trong Tu Chính Án số Một. Ðó là quyền được nói, phát biểu, bầy tỏ ý kiến, tư tưởng mà không bị ngăn chặn, cấm cản bởi bất cứ một ai, một thế lực nào.
Việc nheo mắt, cười khẩy, nhướng lông mày, trợn mắt … đích thực là để bầy tỏ thái độ bất đồng, khinh bỉ, miệt thị thật. Nhưng bất đồng, khinh bỉ hay miệt thị không phải là quyền tự do của con người hay sao?
Khi cấm rồi làm sao người dân ở đó sống?
Những cuộc tranh luận chính trị ở nhà làm sao tiếp tục được nếu một phía bị cấm cản nhiều như vậy.
Chính trị là một lãnh vực lan tràn ở khắp mọi nơi. Bất cứ chuyện gì cũng có thể rơi vào phạm trù của chính trị được. Những cấm cản sẽ làm cho các sinh hoạt bình thường không thể diễn ra một cách lành mạnh được nữa.
Người đàn ông sẽ không thể có bất cứ một ý kiến nào về mấy bộ St John hay Versace trong cuộc trình diễn thời trang trước khi đi dự tiệc nữa.
Thí dụ nhíu đôi lông mày là không được rồi. Cười đến ngã lăn xuống đất cũng không. Cười khẩy kiểu như Steve McQueen cũng không được. Trợn mắt lên càng không được. Bĩu môi thì lại càng chết.
Như vậy thì làm sao sống?
Mà nói rằng “Ôi chao ôi sao mà lại đẹp quá như thế này… Sao lại làm khổ tui zầy nè… Nhớ xưa mẹ bảo đừng có ham đẹp mà khổ… Sao mẹ nói đúng thế… Khổ đâu mà khổ nhiều thế này hở giời… rằng tôi nhan sắc cho chàng say sưa … Ôi giời ơi là ông Nguyễn Bính ôi là ông Nguyễn Bính… Ông làm câu thơ nào là chết người câu ấy ông ạ … Ðẹp làm gì cho khổ tui, cho giời đất ghen? Giời xanh quen thói đấy mà… Mặc cái gì cũng được, cũng đẹp… bây giờ là 7 giờ 49 phút rồi đấy nhá… đẹp quá hà … nhanh lên… đẹp khủng khiếp… đẹp dễ sợ luôn… đẹp ác… đó à nha! Rồi, xong chưa cho tui nhờ? Ði nhà thờ cũng bắt Chúa chờ là thế nào? Don Camillo đã nói là Chúa mà không bị đóng đinh thì có đứa… Không, có nói gì đâu… đọc thơ vui vậy đó mà … ”thì làm sao dám nhìn mình trong gương mà không thấy bị lương tâm cắn cấu?
Nghĩ tới cái dự luật ấy là đã thấy khổ quá rồi là như vậy.




Ngày 10 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Tờ New York Post số phát hành cách đây hơn một tháng có đăng một cái tin mà bây giờ đọc, tuy muộn, vẫn có thể làm cho nhiều người lạnh xương sống.
Lạnh xương sống và phải thay đổi cách phát ngôn ngay tình của mình thì mới may ra tránh được thảm họa.
Số báo đề ngày 4 tháng 3 có chạy một bản tin của thông tín viên Denise Buffa theo đó, một người đàn ông trẻ ở Brooklyn, New York, tên là Jason Thomas, 27 tuổi, trong một trận cãi vã với vợ là Judy, đã đưa ra phê phán về một khu vực trên cơ thể của vợ, và vì lời phê phán này, Jason bị Judy dùng dao đâm chết.
Judy chắc chắn không hài lòng với nhận định của Jason về khu vực cơ thể ấy của cô.
Bài báo viết rằng trong lúc cãi nhau, Jason nói thẳng vôùi Judy điều Jason nghĩ về khu vực hậu cứ của vợ. Jason cho rằng Judy có chỗ để ngồi quá nhỏ.
Trong một xã hội được tuyên truyền sáng, trưa, chiều, tối rằng phải to mới là đẹp, thì nhận định của Jason về kích thước khiêm tốn của Judy ở vòng số ba, có thể đã làm cho Judy nổi điên lên, mất bình tĩnh, chạy ngay vào bếp, kiếm con dao đâm vào ngực chồng. Jason chết ngay tại chỗ.
Nói cái đít nhỏ được hiểu như một đánh giá không xây dựng, đầy vẻ chê bai. Judy nổi giận và đâm chết chồng.
Chi tiết này còn cho thấy những khác biệt về văn hóa Mỹ và Việt. Nếu Judy là một phụ nữ Việt thì chắc chắn một mạng người đã không bị phí phạm như ở Brooklyn, New York.
Trong văn hoá Việt, nói ra những chi tiết như Jason đã nói với Judy trong lần cãi nhau đó lại là một lời khen ngợi.
Lý do là vì người Việt coi chuyện nhỏ ở chỗ ấy là tốt. To mới là xấu. Người phụ nữ Việt sẽ rất vui vẻ được chồng khen tặng một cách thẳng thắn như thế. Ðiều này được thấy rõ trong một câu tục ngữ có rất nhiều nét tướng pháp ở trong: “Cả vú, to hông, cho không chẳng màng”.
To hông cũng phải đi đôi với to ở khu vực hậu cần. Không thể to hông mà không to chổ để ngồi được. Do đó, theo cái nhìn và quan niệm về đẹp của chúng ta, hai khu vực ấy mà to là có... thí cô hồn “cho không” cũng không thèm đem về.
Nhưng oan nghiệt cho Jason, chỉ vì Judy là người Mỹ, những người cho là hễ cứ to là... đẹp cái đã, nên Jason mới chết lãng xẹt như thế. Chứ hai vợ chồng Việt Nam cãi nhau, mà nói như Jason đã nói là khen vợ lắm, không hề có ý lăng mạ chút nào. Chỉ khi nào nói cái này to, cái kia lớn thì mới làm cho người phụ nữ nổi giận đùng đùng chạy vào bếp kiếm con dao to và dài để nói chuyện phải quấy.
Người Việt Nam không nổi điên lên về những chuyện ấm ớ như thế.
Có nổi điên lên là khi nào bị đưa ra những nhận định về giọng Karaoke, hay về cách ăn mặc của mình.
Bởi thế nên tại các tiệc cưới, người ta vẫn xếp hàng lên tra tấn tai của khách ngồi dưới bằng giọng hát và làm khổ mắt của những thân hữu bằng cái rốn ngoại lục tuần của họ, nhất định cho rằng cháu nội cháu ngoại không được Thượng Ðế cho độc quyền hở rốn, bà cũng hở lia chia vậy...
Và phụ nữ Việt Nam vẫn được những người chồng tử tế khen lấy khen để hai vùng chiến thuật, rằng cứ để nguyên như vậy là đẹp dễ sợ rồi, không cần sửa sang, upgrade lên làm gì hết và để mặc các bà vợ chạy như bay đi sửa khi chưa nói hết câu.
Vì không ai dại dột nói rằng đô thị đang rất cần chỉnh trang, xe cần làm máy, gối cần nhồi thêm bông, gà tây đút lò cần thêm stuffing...
Nói khác làm sao toàn thây được đây?




Ngày 11 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Cách đây mấy hôm, theo tin của Reuters, nhà cầm quyền Ankara đã mở cuộc điều tra về 47 ông xã trưởng, lý trưởng thuộc một vùng ở phiá đông Thổ Nhĩ Kỳ về việc các ông này lấy bớt tiền mà chính phủ cấp cho các làng của các ông để xây cầu tiêu và dùng những khoản tiền đó để đi nhà thổ.
Chính phủ Thổ phát động chương trình mỗi làng một chiếc cầu tiêu cho 66 làng xã nghèo nhất.
Chính phủ cấp xi măng, ống sắt, tôn cho các làng để cải thiện tình trạng vệ sinh cho quốc gia chẳng gì cũng là thành viên của NATO, lại gia nhập Liên Hiệp Âu Châu, chẳng lẽ đi chơi với những nước văn minh như Anh, Pháp, Ðức, Ý... mà vẫn cứ để người dân ngồi kiểu nước lụt mà người Pháp phải đặt cho cái lối ngồi bài tiết cổ lỗ ấy là à la Turque.
Nhưng rõ ràng là các ông lý, ông xã Thổ này thấy chuyện xây cầu tiêu cho người dân ở đó không cần thiết lắm. Sống bao nhiêu thế kỷ nay, không có cái nhà cầu có chết ai không, lại được hưởng những cái thú rất được coi trọng ở Việt Nam:
Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng
(tục ngữ Việt Nam)
hay xuống cấp một chút thì cũng là đứng thứ ba của những điều hạnh phúc trên đời:
Thứ nhất là đỗ thám hoa
Thứ nhì lấy vợ, thứ ba ỉa đồng
(tục ngữ Việt Nam)
Ðỗ thám hoa là đỗ thứ ba trong khoa thi Ðình. Làm được chuyện đó là sướng nhất. Kế đó là được lấy vợ. Thế mà từ hai điều đó, xuống một nấc là tới ngay ỉa đồng.
Nghĩ thế, 47 ông xã ông lý này liền để cho dân các làng này tiếp tục hưởng cái thú tuyệt vời mà họ đã được hưởng từ mấy chục thế kỷ nay. Các ông mang các vật dụng để xây cầu tiêu, tiện nghi mới mà các ông nghĩ là sẽ chỉ làm cho người dân ở những ngôi làng miền đông nước Thổ mất đi một điều khoái lạc vô cùng lớn, ra chợ bán lấy tiền làm chuyện khác vui hơn.
Nhà cầm quyền Ankara khám phá ra chuyện này không phải vì những lời tố giác của dân chúng: dân chúng hoàn toàn vui với niềm vui ngồi giữa thiên nhiên, với gió mát và trăng thanh. Chính phủ Thổ chỉ bắt đầu nghi ngờ khi thấy chợ trời bán những vật liệu xây cất với giá rẻ mạt và 47 ngôi làng trong số 66 làng trong danh sách được trợ cấp để xây cầu tiêu, dân chúng vẫn bón phân được cho ruộng mặc dầu không mua được phân bón vì Al Qaeda đã thu mua gần hết về làm bom nổ chơi cho vui.
Các ông lý, xã trưởng khai với các nhân viên điều tra rằng các ông đã làm một việc hợp lý hơn. Các ông đi tới thị trấn Trabzon bên bờ Hắc Hải và tiêu hết số tiền đó cho nhà thổ. Ðó là theo tin tức của nhật báo Hurriyet mà hãng thông tấn Reuters tường thuật lại.
Các ông thấy là các ông đã làm một việc rất chính đáng. Thay vì tiêu tiền cho những cái cầu tiêu cho người dân ở những cái làng nghèo, các ông đem chi cho nhà thổ thì có khác nhau bao nhiêu đâu!
Một đằng không viết hoa: nhà thổ.
Một đằng viết hoa: nhà Thổ.
Nhà thổ hay nhà Thổ hay nhà của người Thổ Nhĩ Kỳ thì cũng là một.
Same same cả mà.




Ngày 12 tháng 4 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không biết tấm bia này được dựng ở đâu, nhưng tôi nghĩ nó phải có thật. Xem kỹ thì thấy không có vẻ gì là photoshop cả.
Mà nếu có photoshop để cố ý nói xấu đất nước thì cũng không thể sáng tạo được một tấm bia với nội dung dễ sợ như thế.
Phải chi cứ viết nguyên tiếng Việt thì đã không có chuyện. Đằng này lại muốn du khách nước ngoài đến "tham quan" nên dịch cha nó mấy chi tiết bằng tiếng Việt sang tiếng Anh mới lòi ra cái dốt đau, dốt đớn của các thạc sĩ bằng giả cũng như bằng thật của các trường trong nước.
Tấm bia viết bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Hoa đại khái đưa ra những chi tiết về một cây cổ thụ, cây gạo, một giống cây hoa mầu đỏ mọc khá nhiều ở ngoài Bắc. Gạo là giống cây có họ với cây gòn, quả có sợi bông có thể dùng để nhồi đệm, gối vân vân.
 
 
 
Hàng chữ khắc trên bia: CÂY GẠO ĐẠI THỤ TRỒNG NĂM 1284 (GIÁP THÂN) được dịch sang tiếng Anh ở phía dưới nguyên văn: PLANT RICE UNIVERSITY ACCEPTANCE PLANTED IN 1284 (BODY ARMOR).
Dịch sang tiếng Anh như những chữ ở trên thì đến bố Mỹ, bố Ăng Lê cũng chịu thua. Hiểu thế chó nào được.
Cứ từng chữ một, kiếm cuốn tự điển Việt Anh mở ra, thấy gì viết xuống nên CÂY dịch là PLANT, GẠO dịch là RICE, ĐẠI chắn được hiểu là đại học, nên dịch là UNIVERSITY, THỤ được hiểu là hấp thụ, là thu nhận, thì Ăng Lê phải là ACCEPTANCE chứ còn gì nữa.
Cây gạo to tổ chảng, thân cành có gai, lá kép hình chân vịt sao lại nghĩ nó là cây lúa để dịch là RICE? Đại thụ là cây lớn. Thụ là cây sao lại hiểu là hấp thụ để dịch là ACCEPTANCE. Đại là lớn, sao lại dịch là UNIVERSITY (như đại học cấp bằng giả ở trong nước?)
Điều đáng nói ở đây không phải chỉ là tiếng Anh tầm bậy, mà những đứa có trách nhiệm làm tấm bia này còn dốt luôn cả tiếng Việt nữa. Không biết cả những chữ "đại thụ". Cũng không biết cây gạo là thứ cây không sản xuất ra hạt gạo nên mới dịch là RICE.
Nhưng kinh khủng hơn hết là hai tiếng trong ngoặc đơn: GIÁP THÂN tức là năm 1284 thì được dịch là BODY ARMOR. ARMOR là áo giáp. BODY là thân thể. BODY ARMOR là Giáp Thân! Từ nay, mấy anh tuổi Thân con khỉ sinh năm 1944 được quyền khoe nhắng lên là có áo kị đạn, súng bắn không mất sợi lông, oai kể gì!
Để cho bọn dốt nát này dịch diếc như vậy làm công việc dịch hai chữ QUÍ DẬU sang tiếng Pháp thế nào chẳng nhắm mắt nhắm mũi dịch là POULE DE LUXE. Không biết má của mấy cậu ôn hoàng dịch lệ trong bộ chính trị có chị nào tuổi Quí Dậu để qua tài dịch của bọn dốt nát trở thành (POULE DE LUXE) đĩ hạng sang không?
Bố khỉ. Dịch với chả dịch.
Học tiếng Anh bằng sách dậy tiếng Anh của Tầu viết thì dịch như vậy là giỏi lắm rồi!

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 167)

CONTINUOUS (PROGRESSIVE) TENSE(S)

Bản ghi chép lại do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 167 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 6 năm 2013.
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc , Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
LÃM THÚY
Thúy có một số thắc mắc về các thì liên tiến, tức là CONTINUOUS TENSES hay là PROGRESSIVE TENSES, đó là hình như có một số động từ không thể dùng trong các thì này phải không thưa thầy? Và hình như PRESENT CONTINUOUS TENSE không phải chỉ được dùng để diễn tả những việc đang diễn ra vào lúc này có phải thế không?
BBT
Thì hiện tại liên tiến PRESENT CONTINUOUS TENSE thực ra không rắc rối như các thì (tenses) khác trong Anh ngữ. Việc tạo thành PRESENT CONTINUOUS cũng không khó lắm. Chúng ta dùng hiện tại của động từ TO BE với PRESENT PARTICIPLE của động từ chính (tức là VERB+ING) là có ngay thì hiện tại liên tiến. Thí dụ I AM READING , YOU ARE WORKING, HE ISWALKING, SHE IS COOKING, THE CAT IS SLEEPING, WE ARE WAITING, THEY ARE MOWING THE GRASS.
QA
QA nghĩ chắc cũng có PAST CONTINUOUS và FUTURE CONTINUOUS phải không, thưa anh?
BBT
Đúng vậy. Để có PAST CONTINUOUS, chúng ta dùng PAST TENSE của động từ TO BE là I WAS, YOU WERE, HE WAS, WE WERE, THEY WERE và theo sau là PRESENT PARTICIPLE của động từ chính. QA cho nghe hai thí dụ của PAST CONTINUOUS coi.
QA
Thí dụ như một câu trong bài hát của Patti Page, bài CHANGING PARTNERS, câu WE WERE DANCING TOGETHER TO A DREAMY MELODY… Hay tối hôm qua, I WAS TALKING ON THE PHONE WHEN HE CAME.
BBT
Cám ơn cô. Để có FUTURE CONTINUOUS, chúng ta dùng FUTURE của TO BE cùng với PRESENT PARTICIPLE của động từ chính để nói về một việc diễn ra, và kéo dài trong một thời điểm nào đó trong tương lai. Thí dụ I SHALL BE HAVING DINNER WITH HIM THIS SUNDAY. HE WILL BE SLEEPING WHEN WE GET HOME. Thúy cho nghe hai thí dụ dùng thì FUTURE CONTINUOUS của cô coi.
LÃM THÚY
NEXT WEEK, MY SON WILL BE DRIVING TO SAN FRANCISCO WITH HIS FRIENDS.
TONIGHT, WE WILL BE SITTING DOWN AND TALK ABOUT IT.
BBT
Dĩ nhiên là hai cô đều biết thể hỏi (QUESTION) và thể phủ định ( NEGATIVE) của các thì này rồi. Nhưng hai cô cứ cho nghe mấy thí dụ của hai cô coi.
QA
Đây là thể hỏi: WAS HE HELPING YOU? WILL WE BE MEETING THEM?
Và đây là thể phủ định: HE WAS NOT HELPING YOU.
WE WILL NOT BE MEETING THEM.
LÃM THÚY
Đây là hai câu trong thể hỏi của Thúy: WERE YOU TALKING TO THEM? SHALL WE BE STAYING WITH THEM?
Và đây là hai câu NEGATIVE: YOU WERE NOT TALKING TO THEM. WE SHALL NOT BE STAYING WITH HIM.
BBT
Bây giờ tôi trả lời thắc mắc của Lãm Thúy. Cô hỏi có phải thì PRESENT CONTINUOUS còn được dùng để nói về những việc có thể KHÔNG ĐANG XẨY RA VÀO LÚC NÀY hay không. Câu trả lời là đúng vậy. Thông thường thì chúng ta dùng PRESENT CONTINUOUS cho những việc đang xẩy ra, đang diễn ra, hay đang còn kéo dài vào lúc này, lúc chúng ta đang nói. Thí dụ I AM SITTING HERE WITH YOU. WE ARE HAVING AN ENGLISH LESSON.
Nhưng PRESENT CONTINUOUS còn được dùng để nói về một việc làm trong tương lai nữa, thường là một tương lai rất gần, tiếng Anh nói là NEAR FUTURE.
Thí dụ HE IS FLYING TO PARIS TOMORROW. Ngày mai là tương lai gần (NEAR FUTURE). QA cho nghe hai thí dụ dùng PRESENT CONTINUOUS để nói về những việc sắp xẩy ra trong một tương lai gần coi.
QA
SHE IS COMING HERE NEXT WEEK.
WE ARE REACHING THE MIDDLE OF THE YEAR VERY SOON.
BBT
Còn Lãm Thúy?
LÃM THÚY
THE HOT SEASON IS APPROACHING IN A MONTH.
THE PLANE IS LANDING IN A FEW MINUTES.
BBT
Nhân đây tôi cũng nói thêm là chúng ta cũng có thể dùng SIMPLE PRESENT TENSE cho những việc chắc chắn sẽ diễn ra trong một tương lai rất gần. Đó là những việc không có thể thay đổi được, những việc đã được hoạch định, xếp đặt, giàn xếp để nhất định sẽ diễn ra. Thí dụ THE PLANE TAKES OFF IN 5 MINUTES. Theo thời biểu, chuyến bay sẽ rời phi trường trong 5 phút. Không ai có thể thay đổi thời biểu này. Máy bay đang ở phi đạo, đài kiểm soát không lưu đã cho phép phi công cất cánh, phi đạo đã trống … QA cho biết những khác biệt giữa ba câu sau đây :
1 / HE WILL GO TO TORONTO NEXT WEEK.
2 / HE IS GOING TO TORONTO TOMORROW.
3 / HE GOES TO TORONTO TONIGHT.
QA
Câu số 1, ông ấy sẽ đi Toronto (SIMPLE FUTURE) tuần tới. Chuyện đi Toronto của ông ấy còn 1 tuần nữa mới diễn ra. Có thể sẽ có thay đổi, ông ấy có thể sẽ đi, mà cũng có thể sẽ không đi đúng ngày giờ ông ấy dự tính.
Câu số 2, chuyến đi sẽ diễn ra trong một tương lai gần, (PRESENT CONTINUOUS) nhưng vẫn có thể có thay đổi vào phút chót.
Câu số 3, chuyến đi chắc chắn sẽ diễn ra (SIMPLE PRESENT) tối nay, chỉ còn vài tiếng nữa. Ông ấy đã ra phi trường, đã gửi hành lý, đã có vé lên máy bay… năn nỉ cách mấy thì ông ấy sẽ vẫn đi Toronto như thường.
BBT
Cám ơn cô QA. Thì PRESENT CONTINUOUS dùng rất dễ như hai cô đã thấy. Nhưng không phải cứ TO BE với PRESENT PARTICIPLE là được đâu. Chỉ có các động từ diễn tả những hành động (ACTION VERBS) mới có thể dùng với thì CONTINUOUS. Thí dụ TO WALK, TO EAT, TO COOK, TO READ… là những ACTION VERBS. Nhưng các động từ KHÔNG CHỈ HÀNH ĐỘNG (NON-ACTION VERBS) thì không thể dùng với thì CONTINUOUS.
Thúy có biết một hai động từ nào như thế không, tức là NON ACTION VERBS, nghĩa là các động từ không chỉ những hành động không?
LÃM THÚY
Thưa anh, thí dụ TO REMEMBER hay TO BELIEVE chăng?
BBT
Đúng. Còn QA?
QA
Thưa anh, QA biết được 3 động từ này: TO HATE, TO LIKE, TO WANT không biết có đúng không.
BBT
Đúng, đó là những động từ (NON-ACTION VERBS) không diễn tả một hành động nào. TO HATE nghĩa là ghét. Nói tôi ghét mùa đông thì chuyện đó không bao giờ được thể hiện bằng bất cứ một việc làm, một hành động nào cả. Tôi không chồm dậy … đánh cho mùa đông hai ba thế đòn tae kwan do bao giờ. Ghét mùa đông thì ngồi xuống … nghĩ toàn chuyện xấu cho mùa đông, nguyền rủa mùa đông bằng những điều độc địa nhất là cùng. Chúng ta không dùng chúng trong thì CONTINUOUS TENSES. Hai động từ của Thúy đưa ra là TO REMEMBER và TO BELIEVE chẳng hạn. Không có một hành động (ACTIONS) nào đi kèm với hai động từ này. Các động từ QA đưa raTO HATE, TO LIKE, TO WANT cũng không thể dùng với thì CONTINUOUS.
LÃM THÚY
Nhưng thưa anh, Thúy thấy cái quảng cáo của McDonalds viết thế này: I’M LOVIN’ IT ( I AM LOVING IT). Viết như vậy thì sai hay đúng vì động từ TO LOVE là một NON ACTION VERB?
BBT
Viết I AM LOVING IT là sai về mặt văn phạm. Cô nói đúng, chúng ta không thể dùng động từ TO LOVE trong thì CONTINUOUS. Nhưng trong các quảng cáo, có khi người ta cố tình viết (sai) như thế để tạo sự chú ý của người đọc. Quảng cáo nghe hay đọc càng vô lý, càng kỳ cục thì lại càng làm cho người ta nhớ. Đó là lý do McDonalds cố tình viết một câu sai văn phạm như vậy. Có lẽ có người không ưa cái quảng cáo đó nên đã chơi trò chiết tự, hoán đổi vị trí của những chữ trong câu quảng cáo hamburger của McDonalds để từ I AM LOVING IT thành AILING VOMIT. Một đằng để nói lên sự ưa thích món hamburger của McDonalds, đem đổi vị trí của mấy chữ là có thể biến câu ấy thành AILING VOMIT nghĩa là phát … bịnh muốn ói luôn.
QA
Thưa anh, QA có thêm một thắc mắc nữa, đó là làm sao dùng MẠO TỪ XÁC ĐỊNH DEFINITE ARTICLE "THE" cho đúng, đặc biệt là với các nơi chốn. Khi nào dùng THE và khi nào không dùng THE? QA vẫn chưa nắm vững nên cứ bị lũ con sửa sai hoài. Thí dụ có lần QA nói I CAME FROM THE ASIA thì bị con gái sửa ngay và bắêt QA nói lại là I CAME FROM ASIA.
BBT
Thắc mắc của QA khó có câu trả lời ngắn và gọn. Thực ra thì trước những địa danh, những nơi chốn người ta không có hẳn 1 quy luật rõ ràng nào . Việc dùng hay không dùng THE trước những địa danh, nơi chốn, chúng ta phải cố nhớ mà thôi.
Con gái QA sửa mẹ rất đúng.
Với các châu lục, người ta KHÔNG dùng mạo từ THE. Do đó, trước ASIA, EUROPE, AMERICA, AFRICA, AUSTRALIA không bao giờ có mạo từ THE. Thúy cho nghe hai thí dụ coi.
LÃM THÚY
WE VISITED EUROPE A YEAR AGO.
I HAVE A FRIEND LIVING IN AUSTRALIA.
BBT
Với tên các nước, tiểu bang của Mỹ, tỉnh bang của Canada , thành phố, núi non, hồ, lâm viên chúng ta không dùng mạo từ THE. QA cho nghe mấy thí dụ không dùng THE trước một vài địa danh coi.
QAWE ALL LOVE CENTRAL PARK (công vien) IN NEW YORK.
MY BROTHER IS LIVING IN GEORGIA (tiểu bang).
MANY YOUNG PEOPLE LOVE NEW YORK CITY (thành phố).
THEY HAVE A VERY NICE APARTMENT IN MAIN STREET (đường phố).
LÃM THÚY
I MET A VERY NICE LADY FROM ONTARIO (tỉnh bang), CANADA.
MY FAMILY WENT TO LAKE TAHOE (hồ) FOR VACATION.
LAST MONTH, A VERY OLD MAN CLIMBED MT EVEREST (núi).
BBT
Trong khi đó, người ta lại PHẢI dùng THE trước tên của các sa mạc thí dụ THE SAHARA DESERT, THE GOBI DESERT, THE NEGEV DESERT.
Chúng ta cũng phải dùng THE trước tên của một số quốc gia như THE UNITED STATES OF AMERICA, THE UNITED ARAB REPUBLIC, THE UNITED KINGDOM, THE SOVIET RUSSIA…
Chúng ta cũng dùng THE trước tên của các đại dương và biển thí dụ THE ATLANTIC OCEAN, THE PACIFIC OCEAN, THE MEDITERRANEAN SEA, THE RED SEA, THE INDIAN OCEAN…
Chúng ta cũng dùng THE trước tên của những con sông thí dụ THE MEKONG, THE NILE, THE MISSISSIPPI, THE RED RIVER, THE GANGESTên của các rặng núi cũng cần mạo từ THE đằng trước thí dụ THE ANDES, THE ROCKIES, THE ALPS, THE TRUONG SON…
Mạo từ THE cũng được dùng trước tên của các kiến trúc như THE EIFFEL TOWER, THE EMPIRE STATE BUILDING, THE THIEN MU PAGODA, THE INDEPENDENCE PALACE, THE WHITE HOUSE, THE TAJ MAHAL…
QUỲNH ANH
Cám ơn ông thầy, chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới.

Bùi Bảo Trúc

CHONGTAUDIETCONG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét