*
Trần Trung Đạo: Những Suy Nghĩ Về Ngày 30/4
(Phỏng vấn do Nguyễn Thị Thanh Bình thực hiện, tienve.org)
.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân…? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?
Trần Trung Đạo: Tôi không phải là “cây viết cừ khôi” nhưng đúng ra là “cây bút yếu đuối” vì không muốn làm bạn mình buồn lòng. Tôi bận quá, cố từ chối mà không được. Vả lại, như nhà thơ Thanh Nam viết “Một năm người có mười hai tháng / Riêng một mình ta, chỉ tháng Tư” , ngày nào còn nghĩ và buồn cho đất nước ngày đó là ngày 30-4. Cái ngày thê thảm đó đã đóng băng trong ký ức của rất nhiều người, trong đó có tôi. Tùy theo cách nhìn, cách gọi, mỗi người gọi ngày 30-4 bằng một tên khác nhau, với tôi ngày 30-4 còn nên gọi là Ngày Phẫn Nộ. Chẳng những phía thua trận phẫn nộ mà cả nhiều người bên thắng trận cũng phẫn nộ. Nếu ai để ý ánh mắt như rỉ máu của hàng ngàn người lính VNCH đi bộ dọc đường Lê Văn Duyệt buổi chiều 30-4 mới thấy sự phẫn nộ đang dâng cao trong lòng họ. Và trong số những người thắng trận, thế nào chẳng có những người lặng lẽ buông súng ngồi xuống bên lề đường và sực nhớ ra mình đã hết tuổi hai mươi. Nhìn Sài Gòn nguy nga, đẹp đẽ từ thành phố cho đến con người so với một Hà Nội “thừa huy chương nhưng thiếu miếng ăn”, họ phẫn nộ khi chợt khám phá ra chuyện “hạt gạo cắn làm hai” san sớt cho miền Nam đói khổ là chuyện hoang đường.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa… Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Trần Trung Đạo: Cách đây trên mười năm câu thơ đó được xem là tích cực vì ngược lại quan điểm “chiến thắng này thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng” và “kẻ đại bại là đế quốc Mỹ xâm lược” của đảng CSVN. Trong số hàng ngàn nhà văn, nhà thơ sắp thẳng hàng đi theo Đảng, một người nhích qua bên trái một bước là can đảm lắm rồi. Tuy nhiên, tác giả vẫn viết với một thái độ bàng quan của một người ngoài cuộc nghĩ đến số phận đáng thương của “nhân dân” trong “mọi cuộc chiến tranh”. Đừng quên, trong số “nhân dân” đó có cả mấy chục triệu đồng bào miền Bắc, và đặc biệt các thế hệ thanh niên trong đó có tác giả, đã bị Đảng dẫn dắt đi như một đàn cừu suốt mấy chục năm.
Bên thắng duy nhất trong cuộc chiến Việt Nam là giới lãnh đạo đảng CSVN. Sau bao nhiêu mồ hôi và máu đổ ra, mục tiêu nhuộm đỏ Việt Nam được phát họa từ 1930 cuối cùng đã hoàn thành. Đối với các đế quốc, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khái niệm “thắng” hay “thua” với họ chỉ là tương đối. Khi “thua” tại một nơi họ đang “thắng” tại một nơi khác. Liên Xô tiêu tùng rồi nên chúng ta lấy Mỹ và Trung Quốc để phân tích. Trong cuộc chiến Việt Nam, sau quá nhiều hao tổn tiền tài xương máu nhưng khi bắt tay được với Trung Quốc, Việt Nam trở thành mặt trận thứ yếu. Mỹ bỏ đi và chọn một nước nhược tiểu chiến lược khác để bày canh bạc mới. Mỹ trả thù Liên Xô bằng cách “tặng cho Liên Xô một Việt Nam” như Brzezinski nói về cuộc chiến Afghanistan năm 1979. Về phía Trung Quốc, họ vẫn nghĩ là họ thắng nhưng sau chiến tranh bị Liên Xô phỗng tay trên và trở thành kẻ thua trận lớn. Trung Quốc phải tốn nhiều xương máu mới thu phục được đàn em khó trị lần nữa sau 1990.
Quyền lợi của các đế quốc và tham vọng của giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam được đong bằng máu của nhiều triệu đồng bào Việt Nam vô tội khắp ba miền. Tôi không đủ khả năng để viết một bài đừng nói chi hai câu “lấy liền” để mô tả nỗi đau của dân tộc tôi.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh… như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?
Trần Trung Đạo: Hàng năm Đảng phải tổ chức “mừng chiến thắng” vì Đảng tồn tại nhờ vào việc đào sâu hố hận thù và phân hóa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Ngày dân tộc Việt Nam đoàn kết trong ngoài một mối đó cũng là ngày cáo chung của chế độ độc tài. Càng tổ chức lớn bao nhiều càng chứng tỏ thế yếu của Đảng bấy nhiêu. Sau 37 năm, tôi nghĩ, đồng bào Việt Nam, đa số tuy chưa có những hành động cụ thể, về ý thức họ đã nhận ra cuộc chiến Việt Nam là cuộc lừa gạt lớn nhất trong suốt dòng lịch sử. Như tôi mới viết đây, ngoại trừ các em, các cháu bị nhào nặn trong nền giáo dục ngu dân một chiều chưa có dịp tiếp xúc với các nguồn thông tin khách quan khoa học hay một người nào đó đi lạc trong rừng 37 năm vừa mới tìm đường ra, nếu hôm nay, những người có học, biết nhận thức mà còn nghĩ rằng cuộc chiến kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”, những kẻ đó hoặc bị tẩy não hoàn toàn hoặc biết mình sai nhưng tự dối lòng để tiếp tục sống trong men rượu cay cho hết một kiếp người lầm lỡ.
Ngày 30-4 đúng là ngày đau thương quốc hận của dân tộc Việt Nam. Không phải chỉ những người Việt hải ngoại tổ chức mà tôi tin nhiều triệu người Việt trong nước cũng âm thầm tưởng niệm ngày quốc hận 30-4 trong lòng họ. Ngay cả sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ, ngày 30-4 vẫn nên tiếp tục được tổ chức để nhắc nhở cho các thế hệ Việt Nam những đau thương, chịu đựng của dân tộc Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản. Các quốc gia thoát khỏi chế độ Cộng Sản như Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Lithuania, Latvia v.v. và cả các quốc gia không Cộng Sản như Canada, Thụy Điển đã chính thức chọn ngày 23-8 là ngày Tưởng Nhớ Nạn Nhân Của Chế Độ Cộng Sản và Quốc Xã (International Black Ribbon Day), Việt Nam sẽ có một ngày tương tự nhưng là ngày 30-4.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hoà bình thống nhất?
Trần Trung Đạo: Tôi đã viết một bài góp ý câu nói của ông Võ Văn Kiệt và bàn về “hòa giải dân tộc”. Nếu ban biên tập Tiền Vệ cho phép, tôi xin mời độc giả đọc bài “Góp ý với ông Võ Văn Kiệt về hòa giải dân tộc và khép lại quá khứ” (đã đăng trên Talawas ngày 19.2.2007)
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Trần Trung Đạo: Tôi cũng viết khá nhiều về các vấn đề chung quanh “lộ trình tương lai đất nước” nhưng chưa bao giờ viết dưới hình thức “kiến nghị”. Có nhiều bài viết tưởng như một nhắn gởi cho Đảng nhưng thật ra viết cho những người Việt Nam còn nặng lòng với đất nước dù họ đang sinh hoạt trong tổ chức nào và đang sống ở đâu trên trái đất. Tôi cũng luôn kêu gọi các anh các chị trong giới cầm bút, trong và ngoài nước, viết. Thời buổi viết theo chỉ thị, theo đơn đặt hàng qua rồi. Các thế hệ sau cần biết sự thật dù nhiều khi sự thật là viên thuốc đắng mà người viết đã uống một lần trong đời lại phải uống thêm một lần nữa. “Lộ trình tương lai đất nước” rộng thênh thang, đủ chỗ cho mọi người có lòng với tương lai dân tộc. Tình yêu dành cho đất nước không bao giờ quá sớm hay quá muộn màng.
Tôi chia sẻ và cảm thông với những “người mẹ đớn đau” như chị nhắc đến. Ở quê tôi có một bà mẹ trong số 75 vạn bà mẹ có con đã thành “tử sĩ”. Cụ Nguyễn Thị Thứ, được phong danh hiệu “Bà Mẹ anh hùng” vì có đến 9 người con trai là liệt sĩ. Ngôn ngữ Việt Nam dù phong phú bao nhiêu cũng chẳng thể nào tả được nỗi đau trong lòng cụ khi nửa đêm thức dậy nhìn lên bàn thờ dựng 9 tấm ảnh của những đứa con trai mà cụ đã từng mang nặng đẻ đau. Tại ai? Tây? Mỹ? Quân đội miền Nam? Đảng Cộng sản? Hay tại những đứa con (chắc chắn trong đó có một số người bất hiếu) của cụ? Nhưng dù tại ai thì họ cũng đã chết và chỉ có nỗi đau là ở lại. Mỗi khi đọc tin về cụ tôi lại nghĩ đến nỗi đau, không phải chỉ vì cụ có 9 người con chết, mà đau hơn khi mỗi ngày, từ suốt tuổi già cho đến khi qua đời năm 2010, như một “bà mẹ anh hùng” cụ phải tiếp tục gượng cười tươi trên sự bất hạnh và bạc phước của chính mình.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Trần Trung Đạo: Theo các tài liệu, ông Trần Văn Trà với tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định là người đầu tiên nói câu nói đó với các viên chức chính quyền miền Nam bị bắt tại Dinh Lộc Lập sau ngày 30-4. Tuy nhiên, dù Trần Văn Trà, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt hay Phạm Văn Đồng cũng chẳng khác gì nhau. Họ học cùng một thầy, sử dụng chung một cuốn tự điển, đọc chung một sách có tựa đề Cẩm Nang Lừa Gạt và cùng hát một bài “hòa giải hòa hợp dân tộc” giống nhau. Bản chất độc tài chuyên chính sắc máu của chế độ vẫn không thay đổi và, chẳng những thế, phương tiên cai trị ngày càng được tăng cường, củng cố, nâng cấp để phù hợp với tiến bộ kỹ thuật.
Một ví dụ nhỏ để chứng minh. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, các cuộc đấu tố giới hạn trong việc “vạch mặt” nạn nhân trước các “tòa án nhân dân” trong làng xã chỉ vài trăm người chứng kiến, ngày nay, những cảnh mẹ tố con, chị tố em được đưa lên các hệ thống truyền hình cho cả nước được xem, đưa lên báo cho cả triệu người đọc như trường hợp đấu tố chị Bùi Minh Hằng mới đây. Một bà mẹ có thể mắng con gái mình trước ống kính truyền hình mà không cảm thấy đau như lúc mẹ còn đang chuyển bụng, một người chị có thể rủa em ruột mình đang đói khát tình thương trong chốn lao tù mà không nhớ những ngày còn ngủ một giường, đắp chung một chiếu, bú chung một bầu sữa. Tuy nhiên, những người đáng trách không phải mẹ hay chị của chị Bùi Minh Hằng mà là những kẻ làm việc trong bộ máy thông tin. Đám nịnh hót này vì quá hăng say, quá nhiệt tình với công tác làm nhục chị Bùi Minh Hằng, đã gây áp lực tinh thần để một bà cụ 86 tuổi nói những câu mà có thể bây giờ cụ đang hối hận. Nền “giáo dục xã hội chủ nghĩa” chuyên đào tạo ra những con người vô cảm trước nỗi khổ đau của người khác. Phương pháp dùng cha mẹ, vợ con, anh em để rình rập nhau, tố cáo nhau là phương pháp Cộng Sản có truyền thống từ thời Stalin vẫn còn áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Giả thiết, mẹ và chị của chị Bùi Minh Hằng thay vì tố cáo, đã binh vực việc thể hiện lòng yêu nước của một người dân trước cảnh nước mất nhà tan là chính đáng, liệu đài truyền hình có phát hình buổi phỏng vấn đó không và các báo đảng có đăng những câu trả lời của họ không?
Một ví dụ nhỏ để chứng minh. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất, các cuộc đấu tố giới hạn trong việc “vạch mặt” nạn nhân trước các “tòa án nhân dân” trong làng xã chỉ vài trăm người chứng kiến, ngày nay, những cảnh mẹ tố con, chị tố em được đưa lên các hệ thống truyền hình cho cả nước được xem, đưa lên báo cho cả triệu người đọc như trường hợp đấu tố chị Bùi Minh Hằng mới đây. Một bà mẹ có thể mắng con gái mình trước ống kính truyền hình mà không cảm thấy đau như lúc mẹ còn đang chuyển bụng, một người chị có thể rủa em ruột mình đang đói khát tình thương trong chốn lao tù mà không nhớ những ngày còn ngủ một giường, đắp chung một chiếu, bú chung một bầu sữa. Tuy nhiên, những người đáng trách không phải mẹ hay chị của chị Bùi Minh Hằng mà là những kẻ làm việc trong bộ máy thông tin. Đám nịnh hót này vì quá hăng say, quá nhiệt tình với công tác làm nhục chị Bùi Minh Hằng, đã gây áp lực tinh thần để một bà cụ 86 tuổi nói những câu mà có thể bây giờ cụ đang hối hận. Nền “giáo dục xã hội chủ nghĩa” chuyên đào tạo ra những con người vô cảm trước nỗi khổ đau của người khác. Phương pháp dùng cha mẹ, vợ con, anh em để rình rập nhau, tố cáo nhau là phương pháp Cộng Sản có truyền thống từ thời Stalin vẫn còn áp dụng phổ biến tại Việt Nam. Giả thiết, mẹ và chị của chị Bùi Minh Hằng thay vì tố cáo, đã binh vực việc thể hiện lòng yêu nước của một người dân trước cảnh nước mất nhà tan là chính đáng, liệu đài truyền hình có phát hình buổi phỏng vấn đó không và các báo đảng có đăng những câu trả lời của họ không?
Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là một thái độ sợ hãi? Đương nhiên. Đảng đang lo sợ, bởi vì chưa bao giờ trong suốt 80 năm lịch sử, Đảng ở vào thế bị động và bị cô lập hơn bây giờ. Trong chiến tranh chống thực dân, Đảng có nhiều lý do để vận động quần chúng, trong chiến tranh Việt Nam Đảng có nhiều phương tiện để bưng tai bịt mắt nhân dân, nhưng trong cuộc tranh chiến tranh chống tham nhũng, nghèo nàn, lạc hậu hiện nay thì không. Quyền lợi của Đảng và quyền lợi của dân tộc về căn bản vốn mâu thuẫn và ngày nay mức độ mâu thuẫn đã dẫn đến điểm đối kháng như chúng ta thấy qua các biến cố Tiên Lãng và Ecopark mới đây.
Tôi luôn tin tưởng vào tuổi trẻ. Lịch sử dân tộc đã, đang và sẽ được viết bằng tuổi trẻ. Cách suy nghĩ và hành động của họ có thể sẽ không giống như các phương cách mà các thế hệ cha chú đã dùng bởi vì lịch sử mang tính kế tục nhưng đồng thời cũng mang tính thời đại. Mỗi thế hệ phải hoàn thành những trách nhiệm mà lịch sử giao phó cho thời đại của họ nhưng dù không hoàn thành, ngọn đuốc lịch sử vẫn phải được chuyển sang bàn tay thế hệ khác. Đã qua rồi thời đại của anh hùng cá nhân, minh quân, minh chủ. Chúng ta đang sống trong thời đại xã hội hóa toàn cầu, ở đó, mỗi cá nhân là một tập hợp thu hẹp chứa đựng các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp và phụ thuộc vào nhau. Các phong trào quần chúng đứng lên vì những mục đích cụ thể và thực dụng của đời sống con người. Dân chủ gắn liền với quyền lợi của người dân. Khái niệm dân chủ đối với đại đa số quần chúng không phải là những lý thuyết hàn lâm nhưng có thể sờ mó, cầm trong tay được và thậm chí ăn được. Một trong những biểu ngữ thu hút nhất được dùng trong các cuộc biểu tình tại Ai Cập năm ngoái chỉ vẽ một ổ bánh mì.
Tôi có một niềm tin sâu xa vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Giá trị của một con người không phải được thẩm định khi người đó bị xô ngã nhưng ở chỗ biết đứng lên và đi tới. Dân tộc Việt Nam cũng thế, đã bị xô ngã trong ngày 30-4-1975 nhưng đang đứng lên và đi tới.//
Nguồn: TienVe.org
* thiện ngôn *
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét