Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

nhà báo Bùi Bảo Trúc - *(1-7-2013)


"Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ "tgbt@yahoo.com".

Ngày 1 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Quà Father’s Day của tôi năm nay đến muộn hơn mọi năm cùng với một lời nhắn nhủ mà người nhận nghĩ mãi không biết là gì nữa.
Ðó là chiếc áo sơ mi mầu ngà của Dockers vừa thấy quảng cáo mấy tháng trước làm bằng thứ hàng không dính bất cứ một thứ gì vào được. Nếu “tai nạn” xẩy ra, chỉ cần quăng vào máy giặt, là lập tức mù tạc, sốt cà chua, xì dầu Kikoman, cả ly Merlot, ly cà phê đổ lên cũng không còn để lại bất cứ một mảy may dấu tích gì nữa.
Tờ giấy quảng cáo đi kèm còn nói rõ là luôn cả những vết son trên cổ áo cũng sẽ biến mất chỉ sau một lần giặt.
Tôi ngờ rằng người cho tôi món quà này nghĩ là mấy cái bib, cái yếm, khi ngồi xuống bàn ăn không còn thịnh hành nữa, và do đó, người đàn ông già, vụng về, lại hay đi ăn tiệm nên được cho một chiếc áo không dính các thứ ở tiệm ăn là hợp lý nhất.
Những chiếc bib quả thật đã biến mất. Cảnh Charlie Chaplin ngồi xuống bàn ăn, loay hoay với cái bib, cứ đè nó xuống, nó lại bật trở dậy, che lấy mặt chàng khiến mãi mà chưa xong được bữa. Ðã lâu lắm, người ta không còn thấy cảnh vật lộn với nhũng cái bib ở các tiệm ăn nữa. Những người đàn ông hào hoa không còn dùng tới cái bib nữa. Mà cũng không còn ai nhét cái khăn ăn vào cổ áo để bảo vệ ngực áo và cái ca vát nữa. Trông không tay chơi chút nào. Ai đời hào hoa như thế mà cứ lúc nào cũng lăm lăm lo giữ cho bộ đồ vía khỏi bị dơ thì chán quá. Khăn ăn chỉ để ngang đùi, không còn ai quàng trước ngực như trong những cuốn phim đen trắng thời thập niên 30 hay 40.
Vậy thì cái sơ mi Dockers’ Stain Defender giá $38 cũng là món quà rất hợp lý chứ không phải không. Nhưng nghĩ mãi tôi cũng không thể nhớ ra được một bữa ăn nào tay chân đã vụng về đổ cả chai mù tạc vào người bao giờ để xứng đáng được nhận món quà đầy những nhắn nhủ này.
Hay biết người nhận quà một năm nữa sẽ từ giã tuổi lục tuần, người bạn tiên liệu những vụng về nhất định sẽ thấy nơi một người đàn ông già, mà cho món quà đầy ý nghĩa đó.
Thảm biết chừng nào. Tại sao phải nhắc nhở những điều khó có thể không thấy đó vào lúc này?
Dẫu sao thì cái sơ mi với khả năng chống lại những vết xì dầu, thuốc đánh răng, những ly Shiraz, Cabernet Sauvignon vẫn đáng được ca ngợi. Mặc nó, không còn phải giữ ý, giữ tứ như trước nữa.
Mang chuyện được quà kể cho người bạn nghe, chàng nói tại sao phải nghĩ xa xôi vớ vẩn quá làm vậy. Chàng cầm miếng giấy quảng cáo gắn ở tay áo ra chỉ cho thấy một chi tiết khác. Ðó là một khả năng khác của chiếc áo: những vết son trên cổ áo cũng sẽ không khiến phải quăng luôn cái áo để phi tang tàn tích của buổi tối hôm trước.
Người bạn nêu chi tiết đó ra và theo chàng, đó mới là điều đáng nói nhất của món quà. Mặc nó, không còn sợ phải vứt nó đi, vứt đi mà tiếc hùi hụi nữa.
Chàng nói nghe cũng có lý. Nhưng điều chàng nói chỉ có thể đúng khi món quà được gửi đến cách đây vài ba chục năm. Chứ bây giờ, chuyện có vết son trên cổ áo không còn là điều cần phải phi tang nữa.
Vết son trên cổ có thể là một thành tích cần phải giữ lại.
Như vết thương ngoài mặt trận thỉnh thoảng lôi ra ngắm để nhớ lại trận đánh vẻ vang, chứ nếu vết sẹo phai đi, hay được tẩy xóa đi, thì còn gì để nhớ về chiến tích oai hùng của trận đánh nữa.
Nhất là khi người lính đã già, chuyện ra trận mạc của chàng không còn xẩy ra thường xuyên như thời còn trai trẻ.
Thế thì tại sao phải giặt cho vết son trên cổ áo biến mất đi?
Ðó có phải là lý do Uy Viễn Tướng Công ngoài bát tuần còn gửi thư xin vua cho tái ngũ đánh Pháp không? Ðể có vài vết thương cho vui tuổi già của ông quan võ chăng?

Ngày 2 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Tại một bữa tối ở nhà người bạn miền đông, chỉ vì dám bênh vực những người đàn ông bị đổ cho đủ mọi thứ tội ác, tôi trở thành người bị ghét nhất tối hôm ấy.
Nội vụ bắt đầu khi một phụ nữ ở bàn tiệc quả quyết rằng đàn ông là những người hư đốn nhất. Theo thống kê (của bà), thì tới 20% những người đàn ông có gia đình phạm tội ngoại tình. Trong khi chỉ có 5% phụ nữ làm công việc đó.
Không biết nàng lấy những con số ấy ở đâu, nhưng nàng quả quyết rằng những con số đó cho thấy đàn ông là những kẻ tệ lậu, xấu xa, trong khi phụ nữ, đại đa số là những người tử tế, đạo đức, chỉ có một số rất ít là làm những chuyện không hay.
Tôi là người dốt toán vào hạng nhất, nhưng nghe những con số ấy thì thấy không ổn và bèn góp ý rằng nếu những con số thống kê ấy đúng, thì phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông nhiều.
Người khách ở bàn tiệc nhà bạn tôi buông đũa xuống, quắc mắt ngó sang, yêu cầu tôi giải thích.
Tôi nói là nếu số đàn ông và đàn bà ngang nhau, không chênh lệch như ở Hoa lục, thì số người có vợ và có chồng phải bằng nhau.
Như thế trong 100 người đàn ông có vợ, 20 người ngoại tình, theo thống kê ở bàn tiệc. Và cứ 100 phụ nữ có chồng, thì 5 người có những cuộc phiêu lưu bên ngoài.
Chính vì vậy mà phụ nữ dễ sợ hơn đàn ông.
Ðây nhé, 20 người ngoại tình với 5 người, thì tình trạng chênh lệch ấy phải đưa đến việc “chia sớt” thì mới không có người ngoại tình mà... thất nghiệp.
Nếu không chia sớt, thì 20 người đàn ông ngoại tình chỉ có 5 người có “nơi” ngoại tình. Trong khi đó, có 15 người ngoại tình nhưng thất nghiệp.
Nếu chia sớt để tránh cho 15 người kia khỏi ngoại tình nhưng thất nghiệp, thì 5 người phụ nữ ngoại tình kia phải thu nhận (?) thêm mỗi người 3 người đàn ông.
Chính điều đó là điều đáng sợ.
Chỉ 5 người là đã tương đương với 20 ông. Vậy mà không sợ sao cho được.
Người phụ nữ quăng cái khăn ăn, kéo chồng ra xe đi về sớm. Vì thế tôi không có cơ hội để giải thích rằng lối ngụy biện của tôi chỉ để chọc giận một phụ nữ không đẹp mà lại đầy ác cảm với đàn ông.
Nhưng cả hai phía tại bàn tiệc hôm đó đều sai hết.
Thứ nhất là sự chênh lệch không lớn như thế. Và thứ hai là phụ nữ cũng không ghê gớm hơn đàn ông chút nào.
Một tờ báo phụ nữ ở Ðức vừa thực hiện một cuộc thăm dò thì thấy là trong số 1,427 người, vừa đàn ông lẫn đàn bà từ 25 đến 35 tuổi thì 53% phụ nữ cho biết đã ngoại tình so với 59% đàn ông. (*)
Nhưng đó là những con số thống kê ở Ðức, không phải là ở Hoa kỳ. Và như thế, chúng không hề phản ảnh đời sống ở Mỹ.
Những người Ðức, đàn ông cũng như đàn bà, sau khi xem xong những con số kể trên, thì ai cũng nhận mình là thành phần thiểu số, tức là 47% và 41% cơm nhà quà chồng và vợ.
Ở Mỹ, cứ bắt chước Ðức mà khai là thiểu số thì chỉ có chết. Vì thiểu số ở Mỹ thì tội đầy, nước sông Mississippi làm sao rửa sạch.
Chỉ nên khai là thiểu số để được nâng đỡ khi nại affirmative action ra để xin học luật tại đại học Michigan mà thôi. Không thì cãi không lại đâu! 
(*)Cheating Women Catching Up with Men? Reuters

Ngày 3 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Người viết bản tin AP mà tôi đọc được hôm qua thực rất đáng bị lôi ra đánh cho một trận mới phải.
Bản tin nói về vụ tranh chấp ở thị trấn Leonia, New Jersey giữa người chủ một căn nhà và người kia là chủ của một con chó thực ra không có gì đáng nói. Nhưng cái tựa của bản tin này vừa tầm bậy tầm bạ vừa lăng mạ tất cả loài người văn minh và lịch sự của thế giới này của chúng ta.
Cái tựa nguyên văn như thế này: N.J. Men Spar Over Dog's Bathroom Habits.
Những chữ dùng trong cái tựa này làm tôi nghĩ người viết nó cần phải được gửi đi học lại để viết tin mới được.
Bathroom habits, như trong nguyên văn, có nghĩa là những thói quen trong buồng tắm. Buồng tắm có thể được dùng trong nhiều việc. Tắm rửa, gội đầu là việc chính. Các công tác bài tiết của cơ thể cũng có thể được làm trong buồng tắm. Vì thế, có khi vào buồng tắm nhưng không để tắm mà có thể là để làm những việc khác nữa.
Cũng vì lý do đó, khi nói đi vào buồng tắm, dùng cái buồng tắm là cách nói thanh tao hơn thay vì nói rõ ra chủ đích đích thực của việc cần dùng cái buồng tắm.
Nhưng thế nào là thói quen trong buồng tắm?
Ðó là những chuyện thường làm, những thói quen khi dùng cái buồng tắm. Thí dụ tắm xong thì rửa sạch bồn tắm, nhặt những sợi tóc rụng để bồn khỏi nghẹt. Dùng cái bồn rửa tay xong thì lau cho khô. Bàn chải đánh răng để vào ống. Tuýp kem đánh răng thì bóp từ dưới lên trên. Gần hết giấy thì thay giấy mới tránh gây kinh hoàng cho người vào sau. Dùng giấy thì dùng vừa phải, không phải mỗi lần vào là kéo nửa cuộn ra coi chơi. Nhấc cái bệ cầu lên thì khi xong việc phải hạ xuống. Cố nhắm cho kỹ, đừng để cho bắn lung tung ra ngoài. Nếu cần phải đọc trong khi dùng buồng tắm thì nên đọc Reader's Digest với những bài ngắn. Không nên đem trường thiên tiểu thuyết vào buồng tắm. Chỉ khi nhà có một mình và không có trẻ con hay người lớn yếu bóng vía trong nhà hãy hát trong buồng tắm. Thấy có tiếng hắng giọng bên ngoài thì cố gắng cắt ngắn thời gian chiếm đóng buồng tắm để khỏi tạo ra những đáng tiếc đầy bối rối và khó xử cho người bên ngoài. Nên mở to radio hay CD trong buồng tắm để cho tiếng hát át... các thứ tiếng khác. Nếu cần, giật nước để những tiếng thở mệt nhọc khỏi vọng ra ngoài. Xong việc, khi bước ra, nên cười (nếu ngồi quá lâu) để mặt mũi trông đỡ vẻ táo bón...
Ðó là những thói quen trong buồng tắm -- bathroom habits -- như lối hiểu thông thường của tôi. Thế thì theo bản tin của AP thì bộ loài chó cũng dùng cái buồng tắm ư?
Không. Vì không nên mới có chuyện. Con chó trong bản tin khi đi ngang qua cửa nhà người đàn ông nọ thì dừng lại và để trên bãi cỏ một chút kỷ niệm. Chủ nhà đòi chủ chó phải hốt mang đi. Chủ chó không chịu, chủ nhà kiện chủ chó ra tòa.
Như vậy, con chó trong bản tin không hề vào buồng tắm để tắm rửa. Nó chỉ dừng lại, bón cho bãi cỏ một bãi. Vậy thì cứ nói là con chó đại tiện ra bãi cỏ cũng đã là lịch sự chán. Nhưng người viết cẩn thận, có thể là sau khi thấy những tấm bảng ghi rõ Nhà Ỉa, Nhà Ðái mang từ Hà Nội vào dựng ở miền Nam, đã quyết định phải lịch sự trong ngôn ngữ một chút.
Do đó mà có những chữ bathroom habits trong tựa của bản tin.
Chó mà cũng có bathroom habits sao?
Bathroom habits của chó là thế nào? Là giơ cái chân lên vừa đủ dễ khỏi ướt? Khoảng 45 độ, chứ không cần tới 90 độ, bầy hết ra cho mọi người coi? Xong việc, quay lại hốt món quà mang về nhà chủ? Cầm theo cuộn giấy để tự làm sạch, khỏi chùi vào ghế sa lông, giường ngủ của chủ? Lúc cần cho thoát một ít hơi trong ruột thì chạy ra ngoài vườn, tránh bắt chủ phải ngửi trung tiện của chó?
Loài chó không bao giờ lịch sự và có học như thế. Chúng tiểu, trung và đại tiện lung tung mặc cho chủ lo đi sau mà hốt. Chúng không hề có những thói quen trong buồng tắm. Chúng không biết nhường nhau bao giờ. Có khi hai ba cậu chó cùng gác chân lên cột đèn, lên cột ống nước cứu hỏa, không xếp hàng trước sau gì cả. Xong việc là ngoắc đuôi chạy đi ngay, không lo chuyện giấy... má gì hết.
Tại sao vậy? Trong khi chó và giấy cùng có... má đi ngay đằng sau mà!
Phải chi mà nó biết cầm tờ Nhân Dân đọc khi dùng cái cột đèn thì giống chủ nó biết là bao nhiêu. 

Ngày 5 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Hôm qua, ở Pontiac, một thị trấn thuộc tiểu bang Michigan, một kỹ sư người Ðài Loan đã bị một toà án Mỹ xử một cách rất oan uổng chỉ vì ông làm phúc giúp một đồng hương thoát khỏi những lầm than oan khuất của đời sống.
Ông Vương Thái Diến(*) (Wang Shuo-Shan) sang Mỹ với một chiếu khán du học. Ông bị bắt trong một buổi tối tháng 6 khi cảnh sát thấy một người đàn ông ngồi trước cửa nhà ông, máu me đầm đìa. Cảnh sát dừng lại, và như trong truyện cổ tích, hỏi sao người đàn ông này lại … máu nhuộm bãi Thượng Hải, thì người đàn ông 48 tuổi đáp ông vừa nhờ ông Vương cắt bỏ một phần cơ thể vì ông bị bệnh phong tình, và không còn ham thích chuyện “đời” nữa.
Ông Vương bị cảnh sát bắt, và bị truy tố ra tòa về tội hành nghề y khoa không có giấy phép (**).
Ông Vương cho biết ông bạn của ông nhờ ông cắt bỏ đầu mối của mọi rắc rối để sống tiếp một cách thư thả nên ông liền mời bạn ngồi lên chiếc bàn trong bếp, và bằng “một nhát dao bay nghìn thuở đẹp / dù sai hay đúng vẫn là dư”, ông giúp bạn toại nguyện.
Chắc chắn ông Vương phải là một thiên tài phẫu thuật, vì xong việc, hai người còn ngồi xuống ăn với nhau cái bánh pie nhân thịt ở trong bếp. Ông Vương không đòi tiền ông bạn về dịch vụ vừa thực hiện, sau đó tiễn ông bạn ra cửa thì cảnh sát trông thấy người đàn ông máu me đầm đìa thành ra nên chuyện.
Tòa khép ông Vương vào tội hành nghề y khoa không giấy phép.
Oan cho ông Vương biết chừng nào.
Ông chỉ đi một đường dao rất ngọt. Không hề khâu vá gì hết. Cũng không xức thuốc đỏ cho bạn. Không dùng thẻ bảo hiểm sức khoẻ của bạn để … bill bạn. Không nhận bất cứ một khoản thù lao nào, lại còn “cái bánh chia nửa … ly cà phê chia hai” đúng kiểu hành xử của “anh em bạn hữu chi tồn” mà đức thánh Khổng đã dậy. Vậy mà bị khép vào tội hành nghề y khoa không giấy phép.
Bây giờ ông Vương gặp nạn. Toà có thể sẽ phạt ông trên 6 tháng tù là ít. Luật ở Michigan phạt những nguời hành nghề y khoa không giấy phép tối đa 4 năm tù.
Như thế, ông Vương có thể ngồi tù không dưới 1 năm. Chỉ vì ông muốn giúp người bạn cùng quê.
Làm thế nào ông Vương lại mát tay như thế, khiến ông bạn không hét lên tông cửa chạy ra ngoài khi được giúp giã từ vũ khí?
Người ta cũng thắc mắc như vậy. Và tại tòa án, ông Vương cho biết ông học được nghề riêng từ ông bà của ông (nguyên văn trong bản tin AP: Wang told police he learned the skill from his grandparents.) Nghĩa là cụ ông dậy đã đành, cụ bà cũng đóng góp một nửa vào việc dậy cháu! Bởi thế trong bản tin mới viết là grandparents. Tưởng tượng cụ bà cũng cầm dao dậy cháu thì thấy ghê thật.
Ông Vương cho biết sau khi học của ông bà, ông có thực tập lần đầu tiên với một con chó, sau đó, ông giải phẫu chủ của con chó và ba người bạn của ông chủ chó, tất cả đều ở Úc.
Như vậy, nói ràng ông không có kinh nghiệm cũng là không đúng. Ông có bốn thân chủ hài lòng với đường dao của ông vì bốn người này cũng như con chó của họ đều không phàn nàn gì về việc làm của ông hết.
Nay chỉ vì muốn giúp bạn, ông vất vả. Ông Vương nên được tha bổng mới phải. Mát tay như thế mà bị tù thì tội biết là chừng nào.
(*) Diến cũng đọc là Miến (Hán Việt Từ Ðiển Ðào Duy Anh trang 211)
(**) Man in Illegal Castration Case on Trial / Associated Press

Ngày 6 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Một người đàn ông ở nước Anh, cái quốc gia có một phụ nữ đứng đầu cả nước từ hơn nửa thế kỷ nay, lại có một bà khác làm thủ tướng hơn 10 năm trời, đã nhất định làm lớn một chuyện thế gian xưa nay coi rất thường tình.
Người đàn ông ở Somerset cách Luân Ðôn không xa lắm về hướng tây nam đã quyết định không nhường người phụ nữ cùng sống trong nhà ông thêm một lần nữa, ông gọi cảnh sát xin can thiệp khẩn cấp bằng cách gọi số 999, tương đương với số 911 tại Hoa kỳ, xin cảnh sát nếu không bắt giữ vợ ông, thì cũng phải làm một cái gì để can thiệp, giúp chấm dứt tình trạng ông đang phải đối diện mỗi ngày.
Vợ ông không chịu nấu nướng gì cho ông ăn, vì nàng cứ bận rộn lo trưng bầy, trang hoàng nhà cửa. Ông nói với cảnh sát nguyên văn rằng vợ ông để cho ông ở trong bếp hai cái săng uých cá thu còn thừa lại từ đêm hôm trước. Ông ngồi ở ghế chờ bà lo bữa chiều cho ông mà bà thì còn lo trang hoàng nhà cửa, không cơm nước gì cả.
Cảnh sát Anh đã từ chối không can thiệp.
Từ trước tới nay, tôi vẫn nghĩ nước Anh có một lực lượng cảnh sát hữu hiệu nhất, có khả năng nhất và đáng được nể trọng nhất. Rất ít khi đeo súng, những người cảnh sát Anh, không như cảnh sát Mỹ, hầu như bao giờ cũng giải quyết thành công những rắc rối mà không cần phải dùng tới vũ lực. Nhưng cách giải quyết vấn đề khi được người đàn ông ở Somerset yêu cầu lần này cho thấy cảnh sát Anh cũng có khi làm không được việc.
Nói đúng ra thì cảnh sát Anh đã không chịu làm việc, không can thiệp để may ra có thể cứu vãn phần nào tình trạng tồi tệ đó.
Người đàn ông ngồi chờ trên ghế chắc phải lâu lắm ông mới phải đứng dậy cầm cái điện thoại lên để kêu cứu cảnh sát. Tự nhiên chưa chắc ông đã làm việc đó, nhưng hẳn là phải có những lời thách thức, xúi giục kiểu như "tức lý thì đi thưa cò đi", và ông đã phải gọi cảnh sát.
Còn đâu là những hứa hẹn rằng anh đưa em về, em làm roast beef cho anh ăn no cành bụng, làm saveloy ngon hơn hot dog của Mỹ nhiều, sáng ra cho anh ăn porridge là anh phải mê em chết luôn.
Nhưng bây giờ, hai chiếc săng uých trên bàn bếp là bữa tối từ ngày hôm trước để lại. Chàng mới điên lên, nghĩ tới tuổi xuân hy sinh cho nàng vì mấy câu hứa hẹn đó, đến nay, chỉ còn hai cái săng uých, chàng mới bốc điện thoại lên gọi 999 kêu cảnh sát bỏ tù cái đứa không giữ lời hứa, bỏ cho cậu đói.
Như vậy, con đường đi tới trái tim người đàn ông đã được vẽ lại. Bản đồ lộ trình hòa bình ở Trung Ðông để vãn hồi hòa bình Israel và Palestine còn có thể thay đổi, vẽ lại, huống chi là con đường đi tới tim người đàn ông trung niên nhan sắc đã về chiều đó.
Lúc còn trẻ, con đường đi tới quả tim có chạy qua cái dạ dầy thật. Nhưng bây giờ, sau mười mấy năm, con đường nó lạng quạng chạy qua hướng khác, đi tắt cho gần hơn. Thế là không còn ghé: ngang qua cái dạ dầy nữa.
Do đó mà trên bàn bếp mới có hai cái săng uých nguội tanh nguội ngắt.
Ở Pháp, như André Maurois có nói, con đường tới trái tim đi ngang qua trí óc (*).
Ở Mỹ thì qua cái dạ dầy nên người Mỹ càng ngày càng nặng ký. Còn ở Anh thì nó đi ngang qua bót cảnh sát hay sao?
Có điều người đàn ông này đã xin với cảnh sát để được dấu tên. Thế có chán không cơ chứ!
Tại sao không mì gói? Dẫu có phải chan bằng nước mắt thì cũng không bao giờ phải nhờ đến cảnh sát, mà vẫn không được can thiệp!
(*) Lettres À L'Inconnue / André Maurois (lettre numéro 8).

ANH NGỮ TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY

(Bài số 173)
SEXIST LANGUAGE
Bản ghi chép do Lãm Thúy thực hiện. Bài học số 173 sẽ được phát trên Hồn Việt Television trong tháng 8 năm 2013.
 
QUỲNH ANH:
Đây là chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày do Bùi Bảo Trúc phụ trách. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin kính chào quí vị.
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến với quí vị hàng tuần để ôn lại một số điều liên quan đến Anh ngữ mà quí vị gặp trong đời sống. Quí vị có thắc mắc xin liên lạc với Hồn Việt TV nhờ chuyển lại.
BBT
Hôm nay, thay vì là một bài học mới, chúng ta sẽ nói vài ba câu chuyện liên quan đến tiếng Anh. Kỳ tới chương trình sẽ trở lại với bài học thường xuyên. Mấy hôm trước, thống đốc tiểu bang Washington ở tây bắc Hoa kỳ đã ban hành một bộ luật mới với những thay đổi trong lãnh vực ngôn ngữ của tiểu bang. Mà ngôn ngữ của tiểu bang thì là tiếng Anh nên chúng ta cũng nên biết về những đổi thay này.
LÃM THÚY
Thưa anh, những thay đổi đó có thể làm cho tiếng Anh ở tiểu bang Washington không còn có thể hiểu được với những người nói tiếng Anh ở các tiểu bang khác không?
BBT
Không. Thực ra không phải chỉ ở tiểu bang Washington mới có những thay đổi đó, mà còn có 3 tiểu bang khác cũng đã có những bộ luật qui định một số thay đổi trong ngôn ngữ sử dụng tại các tiểu bang đó. Đó là các tiểu bang Florida, North Carolina và Illinois. Ngoài ra, còn 9 tiểu bang khác cũng đang cứu xét để đưa ra những bộ luật tương tự.
QA
Thưa anh, với những bộ luật ấy, dân của các tiểu bang này còn nói tiếng Anh, rõ hơn là họ có còn sử dụng American English nữa không?
BBT
Còn chứ. Ngày mai các cô đi tới 4 tiểu bang mà tôi nói ở trên thì các cô vẫn có thể tiếp tục nói tiếng Anh. Mọi người sẽ vẫn hiểu và người dân ở các tiểu bang này nói gì thì các cô vẫn hiểu như thường.
LÃM THÚY
Vậy thì tiếng Anh ơ đó sẽ có những thay đổi gì, và có nhiều lắm không?
BBT
Những đổi thay đó ảnh hưởng tới khoảng 40 ngàn chữ. Thực ra, dự luật về ngôn ngữ này đã được thống đốc Washington JAY INSLEE, người của đảng Dân Chủ, ký từ hồi đầu năm nhưng chỉ mới có hiệu lực từ ngày 3 tháng 7.
QA
Đó là những thay đổi gì vậy thưa anh, về văn phạm hay từ vựng. Và tại sao phải thay đổi thưa anh?
BBT
Tôi muốn dài dòng một chút trước khi đi vào chi tiết. Hồi mới học tiếng Anh, thế hệ chúng tôi ở trường trung học sử dụng một bộ sách dậy tiếng Anh của hai ông bà giáo sư Pháp tên là Carpentier-Fialip. Những bài đầu của cuốn Anglais Vivant Sixième Bleue mà chúng tôi học có những câu rất là kỳ lạ. Tôi còn nhớ mang máng những câu này: This is Mister Brown. Mister Brown is a man. A man is masculine. This is Jane. Jane is a girl. A girl is feminine. This is a table. A table is neuter…
Nhưng từ đó đến nay, tôi không bao giờ gặp lại chữ neuter nữa. Neuter nghĩa là trung tính, không đực và cũng không cái. Trong khi đó, người và thú vật thì có giống đực và giống cái, masculine và feminine.
Xã hội tiến bộ, người ta nhìn lại ngôn ngữ sử dụng thì thấy sự kiện phân biệt giống đực , giống cái tạo ra những kỳ thị và những cách đối xử không công bằng nên nhiều người muốn thay đổi, bỏ đi cái nét sexist, phân biệt giống đực, giống cái đi.
QA
Mấy đứa con của QA nói về chuyện này nhiều lắm.
LÃM THÚY
Các con của Thúy cũng vậy. Mấy anh em chúng nó cứ cãi nhau tại sao đàn ông không làm nurse được hay đàn bà không đi lính tác chiến được.
BBT
Hai cô thấy ngay là chính ngôn ngữ tạo ra những phân biệt và kỳ thị đó. Trong phim The King And I, cô giáo Anna được thuê sang Thái Lan để dậy học các hoàng tử và công chúa đã bị gọi là mister vì hồi đó người ta không quan niệm phụ nữ có thể làm nghề dậy học được.
Luật về ngôn ngữ của tiểu bang Washington nhắm việc bỏ hẳn những kỳ thị phát sinh từ ngôn ngữ bằng cách dẹp hẳn những chữ có thể tạo ra phân biệt và kỳ thị và thay vào đó là những chữ không phân biệt nam nữ. Bộ luật này ảnh hưởng đến khoảng 40 ngàn chữ trong tiếng Anh.
QA
Thưa anh, con gái QA vừa xong năm thứ nhất ở đại học. Suốt năm đầu tiên đó, nó bị mấy đứa em họ chọc quê nó, gọi nó là MAN vì danh từ để gọi một sinh viên năm đầu ở đại học Mỹ là FRESHMAN. Chắc chữ này sẽ bị loại ra khỏi tiếng Anh ở Washington phải không?
BBT
Đúng thế. Thay vì FRESHMAN, bây giờ phải gọi là FIRST YEAR STUDENT. Tôi nghĩ đây là một nét hợp lý. Ngày xưa, chuyện phụ nữ đi học lên đại học là chuyện hiếm xẩy ra nên danh từ FRESHMAN mới có lý do tồn tại chứ bây giờ thì không thể tiếp tục dùng chữ đó nữa. Thế rồi danh từ FISHERMAN cũng ở trong danh sách những chữ cần phải cho đi nghỉ hưu vĩnh viễn. Tại sao phải ghép thêm chữ MAN vào cuối? Bỏ luôn để thành FISHER vẫn đầy đủ ý nghĩa cơ mà. Hai cô thấy danh từ BOATMAN còn dùng được không?
QA
QA nghĩ danh từ này cũng phải dẹp.
BBT
Thế nếu cô là người dân tiểu bang Washington thì cô sẽ thay nó bằng chữ gì?
QA
QA sẽ dùng chữ BOATER cho số ít, hay BOAT PEOPLE cũng được.
LÃM THÚY
Thúy có quen một tu sĩ người Mỹ. Thúy quen gọi ông bằng chữ CLERGYMAN mà chữ này lại cũng là một chữ đầy nét sexist ở trong vì bây giờ cũng có phụ nữ làm mục sư và trong tương lai sẽ có phụ nữ làm linh mục thì người ta phải tính sao về danh từ CLERGYMAN này thưa anh?
BBT
Theo tài liệu tôi đọc được thì chữ có thể thay thế cho CLERGYMAN là CLERGY. Vậy thôi, không cần thêm chữ MAN ở cuối nữa.
Trong danh sách những chữ bị dẹp tôi thấy có danh từ PENMANSHIP. Tại sao vậy QA?
QA
Thưa anh chắc vì ở giữa nó có chữ MAN phải không?
BBT
Đúng thế. Luật nói rõ phải thay PENMANSHIP nghĩa là bút tự, nét chữ, tuồng chữ bằng HANDWRITING.
Nhưng tôi thấy một vài nét cực đoan trong chuyện này. Nói rằng phải bỏ FRESHMAN hay FISHERMAN hay CLERGYMAN … là đúng, vì chữ MAN ở cuối nó lộ liễu, kỳ thị quá, làm như chỉ có đàn ông mới làm được những công việc đó. Nhưng trong danh từ PENMANSHIP thì nó đâu có nghĩa là nét chữ của người đàn ông đâu mà phải bỏ để thay bằng HANDWRITING? Cứ thế thì cũng sẽ phải tạo ra những chữ mới để thay cho ROMANCE là tiểu thuyết vì trong đó có chữ MAN, hay MANICURE là làm móng tay, hay MANUSCRIPT là bản thảo, hay HANDYMAN là người làm việc vật… cũng phải đổi hay sao?
LÃM THÚY
Thúy biết mấy chữ này bây giờ phải thay bằng những chữ gì, đó là MANMADE và MANKIND chẳng hạn. Hai chữ này rõ ràng là sexist. Bộ phụ nữ không sáng tạo, chế ra, làm được các đồ vật hay sao? Và khi dùng chữ MANKIND thì không tính phụ nữ ở trong đám nhân loại đó sao?
BBT
Thúy nói rất có lý. Hai chữ này cũng có trong danh sách phải dẹp. Thay vì MANMADE là nhân tạo, phải dùng ARTIFICIAL, hay SYNTHETIC… MANKIND phải thay bằng PEOPLE, HUMANS, HUMAN BEINGS.
QA
Thưa anh, nếu không thể dùng POLICEMAN và FIREMAN thì phải thay bằng những chữ gì?
BBT
Cô có thể dùng POLICE OFFICER và FIRE FIGHTER thì không ai có thể bắt bẻ cô được.
LÃM THÚY
Thúy gặp hai chữ này chắc cũng phải tìm chữ khác để thay thế. Đó là CHAIRMAN và HEADMASTER. Thúy biết danh từ MASTER bao giờ cũng là đàn ông. Thế nên HEADMASTER là ông hiệu trưởng. Bà hiệu trưởng, bà chủ tịch là gì thưa anh?
BBT
Đã muốn tránh bị coi là sexist rồi thì tại sao cô lại muốn dùng những chữ cũng phân biệt nam nữ như thế? Để tránh kỳ thị thì tại sao không thay CHAIRMAN bằng CHAIRPERSON? Và thay vì danh từ HEADMASTER thì tại sao không dùng HEADTEACHER hay HEAD OF THE SCHOOL?
Hồi ở Canada, tôi gặp danh từ MANPOWER ở những văn phòng tìm việc. Chắc bây giờ danh từ này nên được thay thế bằng HUMAN RESOURCES là hợp lý nhất.
QA
Thưa anh, với việc Tối Cao Pháp Viện Hoa kỳ cho phép những cặp đồng tính làm hôn thú với nhau, thì QA nghĩ những chữ như HUSBAND, WIFE sẽ dần dần biến đi. Vậy thì người ta phải dùng những chữ gì để khỏi phải dùng HUSBAND và WIFE?
BBT
Tôi nghĩ chắc chúng ta sẽ dùng các danh từ NEUTER tức là trung tính, không đực, không cái là SPOUSE hay PARTNER, hay MATE là hợp lý nhất. Danh từ SIBLINGS co thể dùng để khỏi cần nói rõ ra là BROTHER/ SISTER.
LÃM THÚY
Nhưng Thúy nghĩ là sẽ vẫn còn những trường hợp không thể dẹp hẳn được hay tìm được chữ thay thế phải không thưa anh?
BBT
Cô nói đúng. Thí dụ sợi dây cắm điện mà nhà nào cũng có chẳng hạn. Cái đầu dây có hai cái ngàm thì tiếng Anh gọi là MALE, đầu kia có hai cái lỗ thì gọi là FEMALE. Và có một danh từ này, mà ngay cả các phụ nữ giải phóng cũng phải chịu, không thể phụ nữ hóa nó được. Đó là cái lỗ để người ta chui xuống sửa hệ thống ống nước, ông cống và đường dây điện ngầm ở dưới đường phố thì vẫn phải gọi là MANHOLE. Không thể tìm được một chữ khác để thay thế.
QA
Có lần QA nghe con út QA nói rằng chữ HISTORY cũng là chữ rất là sexist. Nhưng không lẽ thay nó bằng HERSTORY?
BBT
Tôi có thể đề nghị dùng STORY OF THE NATION hay STORY OF THE WORLD không biết có được không. Chuyện này nói vài năm chưa chắc đã hết. Nhưng hai cô cũng không nên quan tâm lắm. Cứ nói năng như cũ. Hai cô không là politician ra tranh cử một chức vụ công nào thì đừng sợ bị đả kích, bị coi là sexist, kỳ thị nam nữ. Cứ ăn nói bình thường thì người ta vẫn hiểu hai cô như thường. Nếu có thay đổi hẳn, và các chữ sexist biến mất thì cũng phải vài ba trăm năm nữa. Mà lúc ấy thì hai cô không còn phải quan tâm, lo ngại về tiếng Anh nữa.
QUỲNH ANH
Chương trình Anh Ngữ Trong Đời Sống Hàng Ngày đến đây xin tạm chấm dứt. Chương trình sẽ trở lại vào tuần tới trên đài Hồn Việt Television. Bùi Bảo Trúc, Lãm Thúy và Quỳnh Anh xin chào tạm biệt quí vị và hẹn gặp lại trong chương trình tới. 
 
Bùi Bảo Trúc
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét