Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

nhà báo Phạm Trần


ĐẤT NƯỚC ANH HÙNG –HIẾN PHÁP LẠC HẬU

Phạm Trần

.

Đảng Cộng sản Việt Nam thường khoe “dân tộc ta anh hùng” và “đất nước ta anh hùng”, nhưng lại không thể giải thích được tại sao lại muốn có một Hiến pháp lạc hậu, phản dân chủ và không muốn dân có tự do ?

Đó là thực tiễn của một nước Việt Nam đang chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp mới vào tháng 10  năm nay, sau 2 ngày Quốc hội thảo luận Dự thảo Hiên pháp sửa đổi 1992 tại Kỳ họp 5 kết thúc ngày 21/06 (2013).

Tại kỳ họp 5, một số Đại biểu đã có ý kiến không nên vội vã thông qua Hiến pháp trong năm 2013 mà hãy hõan đến Kỳ họp 7 năm 2014.

Báo Người Lao Động viêt trong số ra ngày Thứ Tư, 05/06/2013 : “ Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thẳng thắn: “Qua 2 ngày góp ý dự thảo Hiến pháp cho thấy nhiều chế định quan trọng vẫn còn ý kiến rất khác nhau, thậm chí ngược nhau như: chính quyền địa phương, Hội đồng Bảo hiến, viện kiểm sát… Chỉ còn hơn 3 tháng nữa sau kỳ họp này, QH sẽ thông qua nên tôi sợ rằng không đủ thời gian để tổng kết, nghiên cứu hội thảo và kết luận những vấn đề lớn như vậy”.

Trong khi đó,  Đại biểu  Lê Văn Lai (Quảng Nam) đề xuất kéo dài thêm thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp.
Ông nói :“Hiến pháp không chỉ dừng lại trong hội trường này với 500 ĐBQH mà là đại diện cho 85 triệu dân. Nếu QH bấm nút thông qua thì một bản Hiến pháp mới sẽ ra đời nhưng xin nhớ đây là vấn đề hết sức hệ trọng” .
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trong 2 ngày họp có 86 ý kiến phát biểu về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi trên tổng số 119 đại biểu đăng ký phát biểu.
Quốc hội có 500 Đại biểu mà chỉ có 119 người ghi tên muốn phát biểu rồi cuối cùng chỉ có 86 người được nói về bộ Luật cao nhất của một Quốc gia là Hiến pháp thì mức độ quan tâm và tầm quan trọng nên được đánh giá ở mức độ “thấp” hay “tối thấp” ?
Không ai nên vội ngạc nhiên vì đã có một số đông Đại biểu Quốc hội “cả đời không dám mở miệng” tại Hội trường !
Vì vậy, dù có người này người kia muốn Quốc hội phải “rất cẩn thận” việc thông qua Hiến pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý vẫn cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng : “Việc xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã và đang được tiến hành đúng các bước theo tiến độ và yêu cầu mà Quốc hội đã đề ra. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp sau.” (Báo Sài Gòn Giải Phóng, 18/06/2013)
Tuyên bố của ông Lý đưa ra trước 3 ngày Quốc hội bế mạc kỳ họp 5 và điều này đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng xác nhận trong diễn văn bế mạc ngày 21/06 (2013.
Ông nói :”Một lần nữa, thay mặt Quốc hội, tôi xin hoan nghênh và trân trọng cảm ơn đồng bào ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng và có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực ý kiến của nhân dân; nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình cụ thể các ý kiến này để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội. Tại kỳ họp này, bằng trí tuệ và tâm huyết của mình và trên cơ sở ý kiến của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao các nội dung của Dự thảo Hiến pháp, nhất là các vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến bản chất của Nhà nước và hệ thống chính trị nước ta, đến quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người và quyền gắn liền với nghĩa vụ của người dân. Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tiếp tục tiếp nhận ý kiến góp ý của nhân dân đến ngày 30/9/2013 để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.”  
  •  PHẢN DÂN PHÒ ĐẢNG
Lời nói của ông Nguyễn Sinh Hùng không những chỉ hòan toàn sai với những việc đã xẩy ra mà còn chứng minh Ban sọan thảo đã  không quan tâm đến những ý kiến khác với quan điểm của đảng với  những bằng chứng như sau:
Thứ nhất, Ủy ban Sọan thảo do ông Hùng đứng đầu đã làm việc bôi bác, chỉ cốt làm cho xong việc theo ý muốn của đảng là phải bằng mọi cách duy trì nội dung Hiến pháp bảo đảm tuyệt đối quyền lãnh đạo tòan diện nhà nước và xã hội cho đảng.
Thứ hai, Ủy ban cũng đã không thèm đóai hoài đến các ý kiến xây dựng của nhiều tầng lớp nhân dân đã đóng góp vào việc xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ và bảo đảm quyền làm chủ đất nước , và quyền tư hữu đất đai của người dân.
Thứ ba, Ủy ban đã không dám tổ chức các cuộc gặp và thảo luận với những tập thể quần chúng đã có những ý kiến khác với Ủy ban về những điều khỏan của Hiến pháp mới, nhất là Điều 4 đương nhiên dành  quyền lãnh đạo cho đảng mà không qua bất cứ cuộc bầu chọn nào của dân.
Thứ tư, những quyền lợi của dân như các quyền : tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, hội họp, biểu tình, tự do tôn giáo vẫn chỉ có hình thức và không có bất cứ bảo đảm nào cho các quyền này được tự do thi hành  vì các các tổ chức đã bị ràng buộc vào những điều kiện khe khắt của Pháp lệnh  hay Nghị định, như  trường hợp của các Tôn giáo, hay Luật  đối với Báo chí.  Các văn kiện  này được viết ra chỉ có mục đích duy nhất là  nhằm “làm mất giá trị của Hiến pháp” !
Bằng chứng như  đã viết trong Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70) của Hiến pháp mới:
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật
Hay trong Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”
Thứ năm, quyền lập Hiến của dân  không được  Hiến pháp mới công nhận thì bản Hiến pháp làm ra cho ai ?
Thứ sáu, quyền quyết định sau cùng của Hiến pháp mới (hay quyến phúc quyết) thuộc quyền của Quốc hội là phi pháp vì dân chưa bao giờ  trao quyền làm Hiến pháp cho Quốc hội.
Chính các đảng viên Cộng sản, chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội đã tự cho mình quyền “làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” từ bản Hiến pháp năm 1959, trái với Hiến pháp đầu tiên 1946.
Việc này được lập  lại tại Điều  75 (sửa đổi, bổ sung Điều 84) của Hiến pháp mới.
Hiến pháp sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2013 tại Kỳ họp 6 còn nới rộng quyền được làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp tại Điều 124 (sửa đổi, bổ sung Điều 147) cho Hành pháp và Lập pháp.
Điều này viết rằng :“Việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp được quy định như sau:
1. Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành;
2. Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định;  
3. Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân và trình Quốc hội về dự thảo Hiến pháp;  
4. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định.”
Với tiến trình làm và sửa Hiến pháp hòan tòan theo ý muốn của đảng như  đã được  Ủy ban sọan thảo trình tại Quốc hội ngày 17/5/2013 thì vai trò Lập hiến của dân đã bị Hiến pháp mới loại bỏ.
Vì vậy tại kỳ họp 5 của Quốc hội vừa kết thúc (ngày 21/06/2013), đã có một số Đại biểu “đề nghị Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua cần phải được toàn dân phúc quyết và lúc đó Hiến pháp mới có hiệu lực vì nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước”  (Theo Báo diện tử của Chính phủ), nhưng những ý kiến này đã bị mau chóng bỏ rơi.
  • TIẾN BỘ NHƯNG CHƯA ĐỦ
Trong 2 ngày thảo luận tại Quốc hội, ngoài những điểm then chốt bị thụt lùi nghiệm trọng và không có chút hy vọng gì Hiến pháp mới sẽ khá hơn Hiến pháp 1992, Quốc hội khoá XIII cũng đã ghi lại  được vài  đột phá trong 3  lĩnh vực :
Thứ nhất, tuy vẫn khẳng định “nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường, định hướng XHCN”   rất mơ hồ nhưng các Đại biểu đã không đồng ý để cho “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ qủan” như Ủy ban Dự thảo đề nghị.  Ngược lại, đa số đã đồng ý “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”.
Thứ hai, tuy đa số Đại biểu Quốc hội tiếp tục làm theo ý đảng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nhưng không tán thành để cho nhà nước ùy tiện “thu hồi đất cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội” như  Ủy ban dự thảo đề nghị.
Thứ ba, phe bảo thủ trong quân đội  đã  chịu thua trước sức ép của dư luận để  cho “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân”, thay vì “tuyệt đồi trung thành với đảng trên Tổ quốc” như dự thảo ban đầu.
Tuy nhiên Hiến pháp mới vẫn không tôn trọng quyền dân trong các quyết định liên quan đến “vận mệnh quốc gia” như Hiến pháp 1946 đã công nhận tại Điều thứ 32.
Điều này viết rất rõ về quyền làm chủ đất nước của người dân : “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý.
Cách thức phúc quyết sẽ do luật định.”
Hiến pháp 1946 còn tôn trọng quyền phán quyết sau cùng của dân tại  Điều thứ 70 quy định việc sửa đổi Hiến pháp:
“Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Như vậy, Hiến pháp mới dự trù thông qua tại Kỳ họp 6 vào tháng 10/2013, sẽ không những chỉ thua Hiến pháp đầu tiên năm 1946 mà còn phản bội lại những hy sinh xương máu của không biết bao nhiều thế hệ đã đổ xuống cho những người còn sống hôm nay.
Sự tụt hậu này sẽ được giải thích ra sao với một đảng cầm quyền luôn luôn tự cho mình là anh hùng nhưng lại  muốn đất nước có một Hiến pháp phản dân chủ để  tiếp tục đè đầu bóp cổ nhân dân ?
Phạm Trần
(07/013)
.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét