Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

tác giả Phạm Thế Ðịnh viết về "Trà Đạo"


From: Dzung T <dzungthedinh@yahoo.com>


"Trà đạo" Việt Nam
------------------------
Trà  là một  đặc phẩm  phát xuất  từ Á Ðông, có thuyết còn cho rằng từ miền Nam của Á Châu, và tổ tiên  ta  đã  là  một  trong những người đầu tiên biết thưởng  thức thứ nước  uống độc đáo  của nhân loại này.

 Phương thức pha, uống trà của người Trung Hoa, Nhật, cũng  như  Ăng  Lê  đã  được  rất  nhiều sách bàn đến, ở hải  ngoại có cuốn "Trà Kinh", của Vũ Thế Ngọc, là cuốn sách Việt  ngữ coi  như công   phu và  đầy đủ  nhất. Xin giới thiệu  đến những bạn chưa đọc, nếu  có thì giờ nên tìm  đọc, ít nhất là "mua  vui cũng được một vài trống canh".
 Trong  những tạp  chí xuân  mỗi năm,  lâu lâu cũng có một vài  bài nói về trà,  vì trà cũng như  tết đã ngấm vào máu dân Việt lâu lắm rồi, đấy là những khía cạnh của văn hóa Việt tộc.

Mấy  trang để  đời của  nhà văn  Nguyễn Tuân  trong tập "Vang Bóng Một Thời" đã có nhắc đến cung cách uống  trà của  một người,  dù đã  thất thời cũng vẫn giữ  được phong thái  của 1 ngày  xưa hoàng kim, trong lúc uống và nói về ấm, chén trà cùng cách nấu nước pha trà.

Có điều, hình như không  có ai viết hoặc khảo luận về "trà đạo" Việt Nam. Hay có lẽ kiến thức của tôi trong  lãnh  vực  này,  còn hạn  hẹp,  xin qúy vị nếu biết, xin  chia xẻ với  nhau trên diễn đàn Soc.Culture.Vietnamese (SCV),  tạo dịp cho  tôi học hỏi thêm.

Hồi còn  ở Việt Nam, nhà  tôi bao giờ cũng  có một ấm trà  tươi, để giải  khát. Khi có  khách thì mời trà tầu, thỉnh thoảng cũng uống trà vối (1). Trà có lúc ướp sen hoặc không. Ði  đường, đạp xe trời nắng, không có nhiều  tiền để ăn đậu đỏ  bánh lọt, có thể mua một ly trà đường, cũng rất đã.

Thế nhưng  cách uống thì  rất đơn giản,  không cầu kỳ, nói  theo kiểu các anh  tôi đùa nhau, thì  là ngưu ẩm, tức là như trâu uống.

Hôm cuối tuần trước, tại  nhà anh bạn hiền của tôi, chúng  tôi lại  như thói  quen, nói  về những bài báo vừa đọc  trong tuần; tôi huyên  thuyên bàn về những vấn  đề trong  SCV, còn  anh ấy  thì thâm  trầm hơn, chờ  tôi nói  hết nước  bọt, mới  hỏi "Ðịnh uống gì, trà? cà phê?, la de? ...". Sững người, vì câu hỏi khó, ảnh hiểu tôi quá để biết là

                "Một  trà, một  rượu, một  đàn bà
                Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta..."

Nói hỗn cụ Trần Tế Xương, tôi mà có chừa, thì là chừa "học",  chứ 3 cái  thú thần, thú  thánh trên mà bỏ một,  thì đời còn  gì nữạ Anh  ta còn biết  là tôi và anh,  lúc gặp đề tài thích  thú bao giờ cũng uống trà, và còn đốt  vài điếu thuốc, để tay mà lỡ  nhúng chàm,  là  bay  xuống  bơi trong "tội lỗi" luôn. Có điều chỉ vài  điếu, mấy ly rượu đỏ, và quá lắm hai,  ba ấm trà; còn cái mục  thứ ba là đàn bà,  thì chỉ  một nửa  thôi, không  bao giờ  vừa ôm đàn, vừa ôm bà được.

Trở lại chuyện  chính, anh  ấy hỏi tôi  như vậy là  ý muốn cho  tôi đổi đề  tài nói về  "trà". Cái mắt nheo nheo,  cái giọng Huế trầm,  người bạn  người Thành Nội nói cho tôi nghe những kỷ niệm ấu thơ:

 "Tôi luôn nhớ hình ảnh  của ông tôi, vào những buổi sáng tinh mơ, khi bóng đêm còn lưu luyến chưa đi. Ông đã dậy, lục  cục đốt bếp pha trà,  nước pha không có gì  đặc biệt, trà  cụ cũng rất  đơn giản, trong lúc  cả nhà  còn yên  ngủ, ông  ngồi trầm ngâm uống trà  như thế  cho đến  khi người  thứ hai  trong nhà dậy, bắt đầu ầm ĩ mở đầu cho ngày mới."

Tôi lặng người, vì cái  bóng kỷ niệm ấy cũng nằm thật  sâu, thăm  thẳm trong  tôi; thốt  nhiên tôi như ngửi thấy cả  cái mùi đất của Việt  Nam, lành lạnh ở đầu mũi 1 đứa bé, rúc trong chăn ấm, nhìn xuyên qua màn, không  dám thở mạnh, không dám  trở mình, vì ngại làm tan cái không khí im lặng, tĩnh kia đi.

Tôi chợt  hiểu rằng, "trà  đạo" nơi quê  hương tôi đã bước vào lãnh vực "trà ý", tất cả những chiêu thức, nghi lễ,  kiểu cách như ở Nhật,  Trung Hoa, Anh đều được đơn  giản hóa 1 cách tối  đa, vì phiền quá, không có chỗ cho chúng.

Nói vậy, không  có nghĩa là cái tự  cao dân tộc nhỏ mọn trong tôi, đang vì cái mặc cảm tự ty, hay tự tôn đùng đùng  đứng lên đòi quyền sống, các  ông có đạo  uống trà,  có một  nền văn  hóa cao, chúng tôi cũng thế ...

Không đâu, tôi chỉ cảm nhận một điều, là ở Việt Nam, tất cả những phương  pháp phân tích, tổng hợp, lô gích  để tìm hiểu hiện tượng, giải thích nhân quả, khoa học hóa nhân sinh quan hình như không thể nào thích hợp.

Trên bàn thờ tổ tiên,  của anh bạn người Thành Nội của  tôi, có  1 ấm  trà làm  giả kiểu  đời Lý, tôi nghĩ là rất  đẹp, lại có một bộ trà Tầu nho nhỏ, rất sang; nhưng hình như anh  chỉ dùng để tiếp tôi 1 lần,  rồi sau  đó chúng   lại leo  lên trên  cao, để được thờ.

Vào cuối thế kỷ 20, ở  một xã hội tương đối là đầy  đủ,  sau  khi  đã  nằm  gai, nếm mật học hỏi những  kiến  thức  khoa  học Tây  Phương, đã luyện "chưởng  Kim Dung"  trong Tàng  Kinh Các,  đã coi  và mê Akira Kurozawa, Yukio Mishima, Kawabata, chúng tôi vẫn "ngưu ẩm" trà trong 1 bình phích made in China, nhưng chúng tôi vẫn  nghĩ là  đang uống  những vị  trà tuyệt  nhất với nhau. Và hình bóng im  lặng của các cụ trầm ngâm trong  cái tĩnh  lặng của  những ban  sáng tuyệt  vời trong trí nhớ, vẫn còn đấy, và đấy, theo tôi chính là "trà đạo" Việt Nam, nơi  mà cái ý, cái thần, cái tâm  là trọng  tâm trong  lúc thưởng  thức vài khoảng phù du của cõi đời.

Phạm Thế Ðịnh
------------------
(Oct, 1994)
 (1) Vối là một loại cây rừng, không phải là cây trà, dùng để uống thay trà nhưng đắng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét