"Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo
Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều
đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt
ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ "tgbt@yahoo.com".
Ngày 12 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không thích chữ "đặc sản", vì danh từ
này, từ nhiều năm nay, đã bị đem ra dùng một cách hết sức bừa bãi ở
trong nước cũng như ở những nơi ngoài Việt Nam.
Thí dụ mấy tiệm ăn ở Mỹ thì không thể dùng
hai chữ "đặc sản" với những món trong thực đơn của tiệm. Món bánh tôm
với khoai mua ở chợ Mỹ, tôm từ Louisiana, rau thơm của Florida chở lên
thì làm sao có thể gọi đó là đặc sản Hà Nội được?
Phải là sản phẩm đặc biệt của một vùng nào
đó mà những nơi khác không có thì mới có thể gọi là đặc sản. Cam Bố Hạ,
nhãn Hưng Yên, cá rô Đầm Sét, bưởi Đoan Hùng, mận Đà Lạt… Ở Mỹ thì lobster của Maine, clam chowder của San Francisco… thì mới là đặc sản.
Tuần qua, một tờ báo trong nước có đăng một
bài viết về một chuyện xẩy ra cho một người đàn ông ở Sài Gòn. Ông cho
biết ông là người Hà Nội nhưng đã đi Sài Gòn nhiều chuyến. Những chuyến
đi Sài Gòn đó đều tạo những cảm tưởng khó quên về thành phố này. Trong
chuyến đi gần đây nhất, ông đã gặp một chuyện diễn ra ở ngay trên một
con đường của thành phố miền nam khiến ông suy nghĩ mãi. Ông kể hôm ấy,
đang đi ngoài đường thì ông thấy một thiếu nữ đi trước ông làm rơi một
vật gì đó. Ông gọi cô và nhắc cô nhặt lên. Cô thiếu nữ tuổi khoảng
15 hay 16 tuổi nhặt món đồ cô làm rơi, và sau đó, cô khoanh tay cúi đầu
nói với ông "Cám ơn chú" rồi mới đi. Nghe câu cám ơn của cô, ông sững
sờ, ngạc nhiên hết
sức. Việc ông giúp cô chỉ là chuyện nhỏ, có vậy thôi, thế mà cô đã lễ
phép khoanh tay, cúi đầu, cám ơn ông. Ông cho biết hành động của cô
gái làm ông vô cùng kinh ngạc. Ông không quen với hành động ấy. Ông
không thường gặp chuyện như thế đã lâu. Một hành động không đáng gì từ
phía ông đã khiến ông nhận được một câu cám ơn, một hành động khoanh
tay, cúi đầu lễ phép của cô gái Sài Gòn. Ông tưởng nhiều lắm, một ánh
mắt biết ơn từ phía cô gái nhìn ông cũng đã là tử tế lắm rồi. Nhưng ông
nhận được từ cô một câu cám ơn. Lời cám ơn từ một thiếu nữ trẻ trên một
con đường ở Sài Gòn. Ông chợt nhớ tới lối ăn nói mất dậy đầy những
tiếng chửi thề tục tĩu mà ông đã nghe rất quen ở Hà Nội giữa đám học
sinh với nhau.
Mấy tháng trước, một bản tuyên ngôn của một nữ sinh đưa ra những lời
lăng mạ thậm tệ nhắm vào một cô giáo sau khi nữ sinh này bị kỷ luật ở
trường. Đoạn
video được đưa lên internet và nhận được rất nhiều phản
hồi mà gần hết là những ý kiến tán đồng hành động vô lễ và vô giáo dục
ấy. Những hình ảnh nữ sinh đánh nhau ngay ở trong lớp, xé quần áo của
nhau, chửi bới thô tục được bạn bè thu lại bằng điện thoại di động và
đưa lên mạng, luôn cả một
video clip của một nữ học sinh chửi bới cha mẹ vì bị gia đình cấm đoán vài ba chuyện cũng được chiếu cố và hưởng ứng tận tình trong
internet.
Những chuyện như vừa kể ông chứng kiến rất
thường ở Hà Nội, chốn ngàn năm văn vật trước kia. Báo chí trong nước đã
nhiều lần than phiền về chuyện chửi thề, văng tục của các học sinh và
sinh viên, trong đó có rất nhiều là nữ sinh viên đại học.
Những bài đức dục của các trường học năm
xưa, của vài ba thế hệ trước không còn được đem dậy trong chương
trình học ngày nay nữa. Nhưng còn phụ huynh ở nhà bộ không còn dậy dỗ
con cái những điều tối thiểu trong cách
đối xử hàng ngày nữa hay sao?
Những đứa bé được dậy để dò xét, báo cáo mọi
hành động, lời ăn, tiếng nói của cha mẹ cho các anh cán bộ thì phải mất
dậy và vô giáo dục như thế chứ. Chúng lớn lên thành người lớn thì con
cái của chúng phải như vậy.
Tác giả bài viết nghe được câu cám ơn, nhận
được cái cúi đầu khoanh tay của một cô gái nhỏ miền nam liền kết luận
rằng đó chính là đặc sản của Sài Gòn vậy.
Chưa bao giờ tôi thấy hai chữ "đặc sản" được dùng một cách chính xác và hợp lý như thế.
Ngày 13 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Suýt nữa thì tôi đã bỏ qua không đọc bài báo trên tờ báo điện tử Vietnam Express số đề ngày 12 tháng 8.
Bài viết nhan đề "Hành động lạ của cặp teen Việt khiến tôi xấu hổ".
Đọc cái tựa, tôi đã nghĩ ngay tới những
chuyện đại khái như người ta tranh nhau hôn vào cái ghế một ngôi sao
Hàn vừa ngồi xuống, hay cô hoa hậu này "lộ hàng" ở đâu, học sinh nọ bán
bạn gái vào một ổ điếm bên Tầu ra sao, hay tuổi trẻ thủ đô ăn nói thô
tục như thế nào chẳng hạn.
Thực ra đó là ý kiến do một độc giả gửi tới, viết về một bài trên
facebook mà người độc giả coi đó là một bất ngờ khá lạ lùng đối với người Việt Nam.
Bài viết trên facebook kể lại chuyện
xẩy ra ở một góc đường Hà Nội, một hành động mà người viết kể lại là lạ
lùng đến mức khó hiểu. Nhưng người viết cũng đã cẩn thận nói rõ rằng
chuyện đó chỉ khó hiểu đối với người ở Hà Nội mà thôi.
Bài viết kể là một cặp nam nữ chở nhau đi
chơi giữa một cơn mưa đã tạt vào bên lề đường chỗ gần nơi ông đang trú
mưa. Người thanh niên dừng xe lại và bỏ cái ly cà phê đã uống hết vào
thùng rác rồi lên xe đi.
Tôi đọc tiếp nhưng không thấy một chi tiết
nào khác mà tôi nghĩ là điều gây ngạc nhiên cho ông. Tôi không thấy một
điều nào lạ lùng đến khó hiểu trong bài viết trong
facebook.
Đọc tiếp xuống dưới thì tôi mới biết điều
tạo sự lạ lùng khó hiểu cho ông chính là việc hai người ngừng xe lại
giữa lúc trời còn đang mưa để vứt cái ly
plastic đựng cà phê đã uống xong vào thùng rác.
Ông thấy lạ lùng vì người Hà Nội ít khi làm
như thế. Ngay như chính ông, ông cũng đã từng vứt rác ra ngoài đường
phố một cách bình thản và tự nhiên … như người Hà Nội. Ông viết thêm
rằng làm xong những việc đó, người ta, nguyên văn, "thoải mái và vênh váo bước đi cứ như là vừa làm xong một việc gì đáng tự hào vậy."
Ông còn thấy đó là một việc rất khó hiểu
. Ông ngạc nhiên vì ý thức vệ sinh công cộng của hai người trẻ dù là
trong lúc trời đang mưa bão như hôm ấy.
Chao ôi, chỉ có việc ngừng xe lại bên đường
vứt cái ly cà phê không vào thùng rác mà cũng là chuyện lạ lùng đến mức
khó hiểu thì Hà Nội thanh lịch, văn hóa, văn hiến không còn nữa sao?
Ngay ở cuối bài viết lại còn có thêm một bài viết khác, cũng do độc giả gửi tới có cái tựa đề nguyên văn: "Xả rác, sự hồn nhiên độc ác."
Ông độc giả này nhận thấy ai cũng xả rác với một thái độ thản nhiên và
bình thường, cho dù đó là già trẻ, trai gái, trí thức hay không trí
thức . Thái độ hồn nhiên đó, theo người viết, là một sự hồn nhiên độc
ác.
Ông tìm cách giải thích sự hồn nhiên độc ác
trong tất cả các khía cạnh của đời sống trong nước đưa tới những hành vi
thiếu văn hóa như tiểu tiện, chửi thề giữa nơi công cộng.
Thay đổi chỉ có thể có được nếu người ta
được sống một đời sống tin vào tương lai tử tế, tin vào những nét đẹp
của cuộc đời, không chỉ tranh cướp, đàn áp, hành xử vô đạo đức của bọn
lãnh đạo, không lý gì tới con đường trước mặt của một dân tộc.
Những chi tiết đọc được làm tôi rất lo ngại.
Lo ngại là cặp nam nữ đó có thể bị công an, cảnh sát lưu thông chặn ở
một góc đường nào đó vì hành động giữ vệ sinh của họ. Dưới mắt của công
an và cảnh sát, họ không thể là người thủ đô được. Họ phải là những
người ở nơi khác đến. Họ âm mưu cái gì? Xét giấy coi cái xe đó có phải
là xe có giấy tờ chính chủ không? Hãy tạm giữ họ lại để tìm hiểu đã.
Mấy chục năm trước, điệp viên Nguyễn Chí
Bình được miền Nam gửi ra Bắc, nhưng khi ông vào thành phố thì ông
liền bị bắt vì ông đã gọi hai tô phở để ăn. Chỉ có là người của Mỹ Diệm
thì mới ăn tới hai tô phở. Mới đây, một Việt kiều về nước có mượn
giấy tờ của người nhà trong nước để mua vé du lịch cho rẻ, nhưng chỉ vì
mở mồm nói hai chữ cám ơn, là lập tức bị xét giấy, lòi ra việc dùng
giấy tờ của người khác liền.
Do in Rome as Romans do. Đi xứ Lào ăn
mắm ngóe. Về Việt Nam mà lịch sự cám ơn, xin lỗi, bỏ rác vào thùng rác,
ngôn từ lễ phép đều là những chuyện lạ lùng và khó hiểu với người Hà
Nội là thế.
Bởi vì thô lỗ, hồn nhiên độc ác là đặc sản của Hà Nội.
Ngày 14 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Bình thường thì mỗi khi nghe thấy ai khen,
hay nói vài ba điều tốt đẹp về người Việt, thì chúng ta, không nhiều thì
ít, ai cũng đều vui vẻ, hãnh diện, tự hào ….
Thí dụ thỉnh thoảng đọc báo thấy những
người Việt có được sự nể trọng ở những nơi như
Úc, Canada, Pháp hay Mỹ … dù không quen biết, nhưng thấy người sang còn
bắt quàng lấy làm họ ngay huống chi lại là người quen kẻ thuộc, ít ra
thì cũng từ cái bọc trăm trứng nở ra thì tại sao không vui cho được.
Ngay cả những lời khen về món chả giò, hay
món bánh mì kẹp thịt, ly cà phê phin sữa của người Việt cũng đem lại một
niềm vui không nhỏ. Và luôn cả những nhận xét kèm theo những lời ca
ngợi tà áo dài trên tờ Cosmopolitan cũng tạo ra một sự hãnh diện cho
chúng ta.
Nhưng cũng có những trường hợp nghe thấy "đồng hương" được tiếng là "tốt" thì lại thấy không thể nào vui được.
Một bài báo Tầu, tờ Thời Báo Hoàn Cầu mới
đây trong một bài viết có nói là đàn ông Tầu nhiều người muốn tìm vợ ở
Việt Nam vì phụ nữ Việt Nam có nhiều đức tính tốt và chi phí để lấy vợ
Việt Nam không nhiều như chi phí lấy vợ Trung quốc.
Hai chi tiết đề cập trong bài báo, nếu nhìn
bằng mắt của những người đàn ông Tầu muốn tìm vợ để lấy, là những điều
tốt đẹp về phụ nữ Việt .
Người tiêu thụ ở đâu cũng sẽ thấy như thế.
Đi mua hàng thi kiếm thứ vừa rẻ vừa tốt. Xe Đại Hàn bảo đảm 100 ngàn
dặm hay 10 năm, không đắt như xe Đức chẳng hạn, thì nên mua. Đó là
những điểm tốt đẹp về xe do Đại Hàn sản xuất. Người Đại Hàn nhất định là
phải sung sướng đọc thấy những điều nói về sản phẩm của nước họ.
Nhưng bài viết của tờ Thời Báo Hoàn Cầu thì không làm cho người Việt thấy được một chút tự hào hay kiêu hãnh nào hết.
Phụ nữ Việt lấy chồng Tầu, hay bị bán cho
đàn ông Tầu, bị bắt cóc đưa sang Tầu hầu hết lấy phải toàn những thứ Tầu
đui què mẻ sứt, già hóp, cu li cu leo, nông dân mù chữ nào có được bao
nhiêu thứ ra hồn người ngợm, mà chồng chiếc cái nỗi gì. Phần lớn phụ
nữ Việt lấy chồng Tầu bị đưa tới những vùng quê nghèo khổ, bắt đầu ngay
một cuộc sống nô lệ ban ngày ngoài đồng ruộng, tối về làm nô lệ tình dục
nhiều khi cho cả mấy anh em chồng. Không có được mấy người tìm được
hạnh phúc trong những hôn nhân như thế.
Bài báo nói phụ nữ Việt có nhiều tính tốt
là sự cam phận chịu đựng cuộc sống nô lệ lầm than không dám hé môi vì
ngôn ngữ bất đồng, vì đòn vọt, bạo hành.
Nhưng chi tiết quan trọng hơn là phí tổn để
lấy vợ Việt Nam. Trung bình, làm đám cưới với một phụ nữ Trung quốc cao
gấp hơn 3 lần chi phí cho việc mua một phụ nữ Việt Nam. Gọi là mua thì
đúng hơn là cưới. Vợ Tầu tốn khoảng 16 ngàn đô la. Vợ Việt khoảng hơn 5
ngàn tính cả chi phí máy bay đi về, tiền trả cho bọn môi giới, một món
nhỏ cho gia đình cô dâu Việt. Có những trường hợp thử nhưng không vừa ý
thì được hoàn tiền. Money back guaranteed như mua cái áo, đôi giầy ở Mỹ.
Bài báo của tờ Thời Báo Hoàn Cầu như vậy,
chỉ để quảng cáo cho những trung tâm mai mối hôn nhân. Hàng (Việt Nam )
rẻ lại tốt, mại vô, mại vô.
Nhưng trong khi đó, chính bài báo đó lại là những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm các phụ nữ Việt.
Tờ báo Tầu chỉ là một lời chào hàng của bọn ma cô buôn người.
Có những quảng cáo trên báo Tầu huỵch toẹt
nói thẳng là chỉ tốn ít tiền là lấy được vợ Việt Nam , không hài lòng vì
bất cứ lý do nào cũng sẽ được hoàn lại tiền hay đổi một người khác cho
đến khi các "chú rể" hoàn toàn thỏa mãn mới thôi. Phụ nữ Việt tiếp
tục bị đem bán , đem ra trình diễn cho khách hàng như những con vật
tại những chợ mua bán gia súc.
Và cái nhà nước để cho những thứ ma cô ma
cạo như thế tung hoành ngang dọc, mua bán phụ nữ Việt một cách hoàn toàn
tự do, mặc cho nhân phẩm, danh dự của dân tộc bị xúc phạm như vậy thì
cũng là ma cô, ma cạo vậy.
Ngày 15 tháng 8 năm 2013
Bạn ta,
Tôi không biết những chi tiết về xuất sứ của
cái bản đồ Mỹ này. Tôi không biết nó do cơ sở nào in, và nó được in từ
bao giờ, nhưng mầu sắc của nó thì cho thấy nó được in cách đây không
lâu.
Những ghi chú về tên thành phố, tiểu bang,
sông ngòi, núi biển … rõ ràng là đã được đánh bằng máy computer, sử dụng
chữ Việt có những chữ chỉ có trong tiếng Việt như chữ "Đ", chữ "Ơ", chữ
"Â", chữ "Ă"… vân vân. Như vậy, nó phải ra đời trong những năm gần đây,
từ khi có máy computer đánh được chữ Việt.
Nó không thể được in tại miền nam trước năm
1975. Cách viết những địa danh hồi ấy không như cách viết trong tấm bản
đồ này. Các địa danh của tấm bản đồ này không được viết như cách viết
của các sách
atlas hay bản đồ của Mỹ hay của Pháp. Thí dụ
"Lát Ve gat" thay vì Las Vegas chẳng hạn.
Mục đích của việc phiên âm sang tiếng Việt
là để những người không biết tiếng Anh hay tiếng Pháp cũng có thể đọc
được. Những chữ phiên âm đó trông rất kỳ cục nếu không nói là khó chịu. Ở
một giai đoạn hay thời điểm nào đó thì việc phiên âm có thể là cần
thiết và hữu ích, đó là khi những cánh cửa ra ngoài chưa mở ra rộng rãi,
số người Việt biết ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp còn ít. Nhưng
nay, những người muốn biết về nước Mỹ, biết đi kiếm cái bản đồ để xem
thì chắc cũng có thể đọc được những cái tên viết bằng Anh hay Pháp ngữ.
Trong những trường hợp những địa danh viết
bằng chữ Ả Rập hay chữ Cyrillic của Nga, hoặc tiếng Thái, Miên , Ấn độ
hay chữ Hán, Nhật, Triều Tiên vân vân thì cũng nên dùng cách viết dùng
mẫu tự La Tinh đã được phổ biến rộng rãi của tiếng Anh và tiếng Pháp.
Thế giới ngày càng mở rộng cửa, người Việt cũng có được nhiều cơ hội
tiến ra bên ngoài. Việc phiên âm như người ta thấy trong tấm bản đồ sẽ
chỉ tạo ra những rắc rối cho những người dùng nó. Tưởng tượng đứng ở một
phi trường Mỹ mà hỏi thăm chuyến bay đi "HƠ XTƠN" thì Mỹ nào hiểu để
mà chỉ đường đi Houston?
Cách viết như thế khiến không ai ngoài bọn
dốt nát vẽ cái bản đồ đó đọc được mà chỉ đường. Đó là chưa nói đến việc
phiên âm sai bét những địa danh trong tấm bản đồ.
Chỉ cần nhìn sơ qua cũng tìm ra rất nhiều những sai lầm ngu xuẩn như thế.
Thí dụ không bao giờ có thành phố nào viết
và đọc là KEN GIƠ RI mà chỉ có Calgary ở Canada . Cũng không có thành
phố Canada nào là RÊ GI NA, chỉ có REGINA đọc là RÊ GIAI NA. Làm sao
tìm được SASKATOON với XA XCA TUN?
Cách phiên âm đã sai lại còn không thống
nhất. Tại sao lúc thì dùng F, lúc thì dùng PH như FI LA ĐEN FI A, nhưng
lại viết CA LI PHOOC NI A?
Albuquerque không bao giờ đọc là AN BU CƠ
CƠ. Port Arthur không ai đọc là POT ATXƠ. Cincinnati thì không thể là
XI XỈN NƠ TI. Hay St Paul được viết là XÂN PÂU. Ai mà biết ĐI TRÔI chỉ
là Detroit, hay BÔ XTƠN chỉ là Boston, và TẮC XÂN chỉ là cách phát âm
ngu dốt của TUCSON, MINƠ KI chỉ là Milwaukee. Là DULTH, XÂN LU IT XƠ
Còn một chi tiết nữa là tiếng Việt không có
nhị trùng âm (diphthong) nhưng tấm bản đồ vẫn chế ra cách viết nhị
trùng âm rất thoải mái và ngu xuẩn như XA CRA MEN TÔ hay CLI VƠ LEN…
Nói tóm lại, tấm bản đồ Hoa kỳ chỉ bầy ra những sự ngu dốt của những người in nó.
Đến bây giờ mà còn ngu dốt như thế sao?
*
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét