Giáo sư Tương Lai: Lãnh đạo Việt Nam quá quỳ lụy Trung Quốc
07.06.2013
Chúng tôi là những người yêu nước. Chúng tôi thấy hành động gây hấn, khiêu khích của nhà cầm quyền Trung Quốc là một nguy cơ lớn đối với nền độc lập dân tộc vì chủ quyền lãnh thổ-lãnh hải quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng. Là một người yêu nước không thể nào ngồi yên trước hành động xâm lược của Trung Quốc...
Trong bài bình luận đăng trên nhật báo The New York Times của Mỹ ngày 7/6, Giáo sư Tương Lai (Nguyễn Phước Tương), một nhà nghiên cứu xã hội học-văn hóa được nhiều người biết đến, đã mạnh mẽ phê phán nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp dân chúng trong các cuộc biểu tình yêu nước và nhu nhược trước sự xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bấm vào đây để nghe bài tường trình
Theo giáo sư Tương Lai, các bản án nặng nề dành cho hai sinh viên yêu nước Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên hồi tháng trước với các cáo buộc tội “nói xấu Trung Quốc” đã chạm tới tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của người dân Việt Nam và phơi bày sự thông đồng mờ ám của chính quyền với những kẻ ngoại bang xâm lược.
Bài bình luận viết rằng trước âm mưu nuốt chửng Biển Đông bằng bản đồ đường lưỡi bò đầy tham vọng của Trung Quốc, các bước chân nổi giận của người dân Việt Nam đã bất chấp sự đàn áp, cùng nhau xuống đường bày tỏ lòng yêu nước trong các cuộc tuần hành quy tụ từ giới trí thức, giới trẻ thành thị đến những người dân oan, những người nông dân bị bần cùng hóa bởi chính sách nhà nước tịch thu đất đai mà không đền bù thỏa đáng.
Tác giả nói sự căm phẫn của người dân trỗi dậy giữa lúc các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tự phơi bày sự nhút nhát, yếu hèn trước Trung Quốc xâm lược.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với VOA Việt ngữ, giáo sư Tương Lai nhấn mạnh:
“Chúng tôi là những người yêu nước. Chúng tôi thấy hành động gây hấn, khiêu khích của nhà cầm quyền Trung Quốc là một nguy cơ lớn đối với nền độc lập dân tộc vì chủ quyền lãnh thổ-lãnh hải quốc gia đang bị đe dọa nghiêm trọng. Là một người yêu nước không thể nào ngồi yên trước hành động xâm lược của Trung Quốc. Cho nên, chúng tôi phải lên tiếng.”
Giáo sư Tương Lai cho rằng cải cách kinh tế của Việt Nam bị ngăn trở bởi không đi kèm với cải cách chính trị. Theo ông, các lãnh đạo Việt Nam chưa bao giờ xây dựng được một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự thực thụ.
Vẫn theo nhà nghiên cứu này, vì cố duy trì một hệ thống chính trị suy tàn và một hệ tư tưởng giáo điều, vận mệnh kinh tế của Việt Nam bị suy sụp và chính phủ Việt Nam tự biến mình thành mục tiêu bị quốc tế chỉ trích vì đàn áp dân chủ và các vi phạm về nhân quyền.
Tác giả tố cáo giới lãnh đạo Việt Nam đã quay lưng lại với nhân dân Việt Nam. Giáo sư Tương Lai nói ông cùng với một số trí thức đã từng đệ trình rất nhiều thỉnh nguyện thư kêu gọi bảo vệ nhân quyền và dân chủ, nhưng các đề nghị đó đều bị đáp trả bằng sự thóa mạ, phỉ báng từ truyền thông của nhà nước.
Nhà xã hội học Tương Lai kêu gọi lãnh đạo Việt Nam cần phải công nhận sức mạnh hợp quần của các cuộc biểu tình yêu nước trước sự xâm lấn của ngoại bang và rằng nhu cầu về dân chủ và nhân quyền sẽ dẫn tới những thay đổi ngoạn mục, khó lường trước được.
Ông khuyến cáo rằng nhà nước Việt Nam càng sử dụng bạo lực và đàn áp bao nhiêu thì càng phơi bày sự tàn bạo của chính họ bấy nhiêu.
Giáo sư Tương Lai khẳng định:
“Chúng tôi làm tất cả những việc này là để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh ngoại giao mà nhà nước đang tiến hành. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng không có lý do nào để nhà cầm quyền bất bình với việc làm hết sức quan minh, chính đại và chính đáng của chúng tôi. Đáng lý chính quyền, trong khi phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc qua đường ngoại giao, phải rất tán thành hành vi phản đối quyết liệt từ dân. Bởi vì tin vào dân, dựa vào dân mới có sức mạnh để đấu tranh với những hành động ngang ngược, hiếu chiến ấy chứ!”
Giáo sư Tương Lai nói một người lãnh đạo hiểu thấu đáo việc này, nhanh chóng hồi đáp nguyện vọng của người dân, và đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả sẽ được sự ủng hộ của quần chúng và sự đồng cảm của bạn bè quốc tế.
Bài viết của giáo sư Tương Lai trên nhật báo The New York Times kết thúc bằng lời cảnh báo rằng sự suy tàn của nhà cầm quyền Việt Nam là điều khó tránh khỏi nếu họ quay lưng lại với người dân, cố chấp duy trì mô thức quản trị phản dân chủ, và đưa đất nước vào con đường tăm tối không lối thoát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét