Wikipedia

Kết quả tìm kiếm

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

nhà báo Bùi Bảo Trúc -*(3-6-2013)


 
 
 "Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ "tgbt@yahoo.com".

 
Ngày 3 tháng 6 năm 2013

Bạn ta,

Khoảng năm 1956, trong khuôn khổ chương trình trợ giúp cho người dân di cư từ miền Bắc vào Nam, tổng thống Diệm đã mua một số trâu cầy của Thái Lan để phát cho các nông dân được đưa đi tái định cư tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên tờ Tự Do hồi ấy, nhà báo Tam Lang Vũ Đình Chí có viết một bài tường thuật rất cảm động.
 
Tôi nhớ khá rõ chi tiết này vì hồi ấy, trong lớp tôi ngồi cạnh Vũ Kiện (đã mất ở Canada) con của bác Chí.
Cuối bài viết, tác giả phóng sự Tôi Kéo Xe kết bằng hai câu lục bát nghe tưởng như ca dao có từ bao giờ:
 
Trâu về cầy ruộng đồng ta
Thái Lan, Nam Việt cũng là đồng chung…
 
Những con trâu của các nông dân Thái được đưa sang cầy ruộng cho nông dân Việt Nam nghe đầy nét thân tình là thế. Chuyện nông dân Thái bán những con trâu của họ để giúp cho người dân di cư Việt Nam chắc ngày nay chỉ còn rất ít người ở Thái có thể lờ mờ nhớ lại.
 
Nhưng một chuyện bán những con vật khác thì tuần qua lại diễn ra. Mà hình như chuyện bán chác này không tốt đẹp lắm như một vài chuyến trước đây báo chí đã có lần đề cập. Có điều khá chắc là những con thú này không phải là những con thú được mua từ những người bán. Có thể nói những con chó, khoảng gần một ngàn con bị cảnh sát Thái chặn lại trước khi chuyến xe chở chúng vượt sông Mê Kông để qua Lào rồi từ đó sang Việt Nam, là những con chó bị đánh cắp để bán cho các thương lái Việt Nam mang về nước phục vụ những tiệm bán thịt chó. Mà đó chỉ là những chuyến bị cảnh sát chận lại. Con số chó Thái Lan bị bán sang Việt Nam phải nhiều hơn con số vài trăm con như bản tin của tờ Dân Trí cho biết.

 
 
Cảnh sát chặn được chuyến xe chở chó, cứu được cả ngàn sinh linh xém một chút là thành các món trên bàn nhậu.
Người Thái đa số theo đạo Phật, chuyện ăn thịt chó chắc không có. Những con chó ở Thái Lan đáng lẽ được sống cho trọn kiếp thì bị bắt trộm chở sang Việt Nam để hóa kiếp.
 
Người Việt Nam ngày nay vì cái miệng, vì lợi nhuận đã đã trở thành những người hết sức độc ác. Vì cớ gì mà nay chính phủ Nam Phi phải quyết định không cấp giấy phép săn bắn cho người Việt? Mấy năm gần đây, người ta đã bắt được một số người Việt chuyển lậu những chiếc sừng tê giác đi ra khỏi mấy quốc gia Phi châu. Mấy chục năm trước, người Việt có bao giờ bị nhìn với những con mắt như vậy đâu.
 
 
Chuyện đem chó về Việt Nam để đưa chúng lên bàn thì chắc chắn những thương lái với mấy trăm con chó Thái Lan bị bắt trộm sẽ chối bay chối biến là không hề giết chúng để bán cho khách nhậu. Có thể họ sẽ nói là mang chúng về nước để bán lại cho những người yêu chó.
 
Nhưng nói như thế làm sao tin nổi. Trong nước đã có bao nhiêu là chó rồi cần gì phải đem từ Thái vào. Số chó nhẩy bàn độc vẫn còn đầy ra đó. Rồi lại còn mười mấy con chó đẻ chồm chỗm ngồi ở Hà Nội vẫn còn lù lù đó thì cần quái gì phải nhập thêm những con chó từ Thái Lan nữa. Lại nữa, chó Thái Lan không ăn bẩn, không bán nước, không đưa con cái vào những chức vụ này, công việc kia bao giờ.
 
Tội nghiệp mấy con chó Thái. Không bị ăn thịt thì cũng bị so sánh với bọn chó đẻ. Đau biết chừng nào. Con cò đi ăn đêm có thể cũng còn may mắn. May ra nó được sáo bằng nước trong cho khỏi đau lòng lũ con của nó.
Nhưng những con chó bị đánh cắp ở Thái Lan thì thảm that.
 


Ngày 4 tháng 6 năm 2013
 
Bạn ta,
Khoảng mấy tháng nay, một số ý kiến đã được đem thả nổi ở trong nước để xem phản ứng của người dân như thế nào.
Trước hết là đề nghị sửa một số điều trong hiến pháp, rồi đến đề nghị đổi tên của nước Việt Nam, và hôm qua, đọc báo trong nước người ta thấy có ý kiến thay đổi một số chữ trong bài Tiến Quân Ca, bản quốc ca do Văn Cao viết, để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam.

Cụ thể là những chữ như "Đường vinh quang xây xác quân thù…", ý kiến muốn thay đổi những chữ vừa kể nói rằng cần phải dùng những chữ khác hơn để "phù hợp với thời kỳ phát triển mới của đất nước."
 
Nhưng nghe những phát biểu của một số tiếng nói trong quốc hội thì người ta thấy sẽ chẳng thể nào có thay đổi, mà cho là có thay đổi vài ba điều, ngay cả bỏ hẳn những điều đi ngược lại với lập trường dân chủ thì cũng sẽ không mang lại một đổi thay đích thực nào. Những ý kiến nghe được đó vẫn muốn giữ lại những điều khoản hoàn toàn không thích hợp với những trào lưu, những lối đi dân chủ ngày nay ở khắp nơi trên thế giới. Đảng Cộng Sản sẽ vẫn giữ nguyên con đường cũ để bảo đảm bọn cầm quyền ngồi đâu ngồi đó, tiếp tục đẩy đất nước càng ngày càng lún xâu thêm xuống đáy vực thẳm tự hủy. Nhất định những ý kiến đa nguyên đa đảng, dân chủ sẽ bị dẹp bỏ hết ngay lập tức.

Chuyện thay đổi tên nước cũng hệt như thế. Từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đổi sang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam năm 1970, rồi nay lại muốn trở lại với danh xưng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà Hồ Chí Minh đặt từ năm 1945. Tại sao phải thay đổi? Có thay đổi thì cũng vẫn không dân chủ, không cộng hòa, không độc lập, không tự do và không hạnh phúc. Những từ ngữ vô nghĩa đó đã trở thành quá quen, xuất hiện cả ở trong những văn kiện, luôn cả những bức thư kêu oan, khiếu nại, hay hài hước hơn, là cả trong một bức thư của một đứa bé (vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay) lớp 3 hay lớp 4 chi đó mới đây mà người ta đọc được trong tờ Giáo Dục Việt Nam để xin hứa hôn với một cô bạn cùng tuổi, cùng lớp.

Jean-Baptiste Alphonse Karr (1808-1890), một nhà văn và cũng là một nhà phê bình người Pháp có nói một câu hay tuyệt: "Plus ça change, plus c'est la même chose". Theo ông thì có những điều mà càng thay đổi thì nó lại càng …Vũ Như Cẩn.
Nghĩa là chẳng có gì khác, chẳng có gì thay đổi cả. Càng đổi thay thì nó lại càng vẫn thế.
 
Người Mỹ thì ngắn gọn hơn: S.O.S. tức là Same Old Shit. Cứt vẫn hoàn cứt mà thôi, chẳng có cái quái gì khác cả.
Thực ra thì bài quốc ca của Văn Cao cũng đã qua nhiều đề nghị đổi thay rồi, nhưng vẫn chưa có những đổi thay nào được công nhận…

"Đoàn quân Việt Nam đi 
Chung lòng cứu quốc
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…"

Mấy câu đầu này tôi đã được nghe hát với những lời ca khác từ trước năm 1950:

"Đoàn quân Tầu ô đi
Sao mà ốm thế
Bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam…"

Nay nếu muốn đổi, thì tại sao lại không hát thành:

"Đoàn quân Tầu ô kia
Sao mà khốn kiếp
Liếm lưỡi bò xâm lăng khắp ngoài biển Đông…"

Năm 1952, trong lớp học của tôi ở Hà Nội, mấy người bạn nhỏ đã có đề nghị đổi hai câu:

"Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…"
thành:
"Ngồi trong lớp kiến cắn sưng đầu dái
Xuống nhà thương xin thuốc côn đờ măng (alcool de menthe)…
 
Chuyện đề nghị đổi lời ca của bài Tiến Quân Ca và những lời nhảm nhí làm người ta thấy được một điều, đó là bài Tiếng Gọi Công Dân, bài quốc ca của Việt Nam Cộng Hòa không hề có một đoạn nào bị xuyên tạc, đặt cho những lời bậy bạ. Không hề có bao giờ.

Đó có phải là một thái độ yêu quí, tôn trọng bài hát đã ở mãi với chúng ta suốt bao nhiêu năm nay không? Tôi chắc là có. Trong khi bài Tiến Quân Ca thì không bao giờ được như thế.
Điều đó nói lên được bao nhiêu chuyện.


Ngày 5 tháng 6 năm 2013
 
Bạn ta,

Lập trường "thà chết, không vào bếp" mà tôi giữ vững được từ mấy chục năm nay có thể sắp được đem ra xét lại, và chuyện vào bếp là chuyện có thể diễn ra bất cứ lúc nào, sau khi mua xong một vài thứ cần thiết cho chuyến phiêu lưu mà tôi biết là vô cùng kỳ thú này.
 
Cái bếp của tôi sẽ không còn sạch hơn cái bếp của ông Mai Thảo trước đây nữa.
 
Ðiều gì đã khiến người đàn ông Á châu cả đời phải nhờ cậy vào những bàn tay giỏi gia chánh đó trở thành can đảm như vậy?
 
Thưa chính những lời chỉ dẫn cách làm bánh trong phụ trang về nấu nướng, ăn uống của tờ L.A. Times.
Ðọc những lời chỉ dẫn tôi thấy bếp nước cũng không khó lắm, các vật dụng thì bán đầy ở siêu thị. Một chuyến vèo qua chợ, thay vì ngừng lại ở quầy bán bia như mấy chục năm nay, chỉ cần chịu khó một chút đi tới khu bầy những vật liệu làm bánh là có ngay.
 
Về nhà, bước vào bếp, dằn những hoảng sợ xuống, cẩn thận đọc và làm đúng những lời chỉ dẫn trong trang báo. Tổng cộng thời gian mất khoảng 3 tiếng đồng hồ, kể cả 1 giờ chờ cho bánh nguội, lôi ra bàn thưởng thức là cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc được tái lập ngay.
 
Nhất định không là độc lập, tự do hạnh phúc bánh vẽ của bác Hồ vẫn nói từ mấy chục năm nay bao giờ mà người nghe không được một miếng bánh nhỏ.
 
Bởi vì đây là một chiếc bánh thật, ăn được, và ăn xong nhất định có ngay độc lập, tự do và hạnh phúc. Khác bánh vẽ của bác Hồ là như thế. Bánh tên là gì?
 
Xin thưa bánh có cái tên đọc lên là đã khiến cho người đàn ông cả đời không vào bếp quyết định trổ tài gia chánh ngay: Better Than Sex Cake.
 
Tôi không biết phải dịch cái tên bánh này như thế nào cho xuôi tai trong Việt ngữ, vì trước đây chưa bao giờ có người nghĩ ra nó. Chưa nghĩ ra nó thì làm sao có tên, có tuổi cho nó được? Gọi nó là "bánh ngon hơn làm tình" ư? Dài dòng và nhiêu khê quá! Thôi thì cứ gọi nó là Better Than Sex Cake vậy.
 
Như vậy là nó có thể thay thế luôn chuyện đó. Thay thế mà còn hơn nữa mới là tuyệt. Thí dụ đang đi cái SUV Honda mà được đổi sang chiếc Jaguar đầu mũi có gắn con báo trong tư thế đang chồm tới như muốn cắn người đang đi đằng trước thì phải đổi ngay chứ.
Chiếc SUV không còn có thể làm eo, làm sách chúng ta được nữa. Nó không thể yêu sách buộc người lái phải làm cho nóng máy (?) trước khi chạy. Cũng không cần phải cố gắng lái cẩn thận để được 20 dặm 1 gallon nữa. Lại càng không phải lo sợ cạn nhớt(?), phải châm thêm cứ mỗi 3,000 dặm cho khỏi hỏng máy..
.
Lái xong, về nhà đậu thẳng vào garage, không cần phải châm điếu thuốc, ngồi lại nói chuyện tâm tình với nó, nói với nó rằng yêu thương nó gần chết, không có nó, đời sống sẽ tẻ nhạt, không đáng sống nữa vân vân.
 
Chỉ vì đã có cái bánh Better Than Sex Cake lâu lâu làm một cái (bánh), ăn chơi cho bõ những ngày cơ cực.
 
Tôi tin rằng cái bánh Better Than Sex Cake ấy còn có thể nói hộ bao nhiêu điều khó nói giữa hai người.
 
Thí dụ một trong hai người thình lình vùng dậy, chạy vào bếp, lôi tất cả các vật liệu làm bánh ra, làm một cái bánh Better Than Sex Cake, thì phía bên kia sẽ phải hiểu ngay. Một thông điệp đã được truyền đi. Một thông điệp lời lẽ, nội dung rất mạnh và rất rõ được gửi sang phía bên kia. Thông điệp khẳng định rằng:"Này, dở lắm nghe không... thua cái bánh này xa. Bánh ăn cả... tiếng đồng hồ chưa hết, đâu có phải là cái thứ bánh cà chớn, ăn chưa tới 10 giây đã hết... không bõ dính răng nghe chửa!"
 
Phía bên này phải làm gì?
 
Tôi nghĩ cũng dễ thôi. Thì cũng chạy vào bếp, làm một cái bánh Better Than Sex Cake mang ra phòng khách ngồi coi truyền hình, cắt bánh ra ăn, rồi ngâm hai câu trong Hải Văn Thi Tập:
 
Cứ đốt lò hương cho đến sáng 
Thử xem mưa gió đến bao giờ.....
 

 
Ngày 6 tháng 6 năm 2013

Bạn ta,
 
Người Mỹ, nhất là báo chí và truyền thông, vẫn tiếp tục nhắng lên về anthrax trong khi tôi có thể đoan chắc với bạn là con số người chết vì anthrax từ nay cho đến khi mọi chuyện lắng xuống không thể nào quá con số 100 người, con số mà tôi đã để cho trí tưởng tượng tha hồ bay lượn không một nỗ lực kiềm chế để đưa ra.
 
Nếu cứ chết người là lý do làm nhắng lên, thì tại sao không thành lập một lực lượng... diệt xe hơi, những con quái vật gây chết chóc cho hơn 50 ngàn người mỗi năm trên các xa lộ, đường xá ở Hoa kỳ, con số cao ngang với số quân nhân Mỹ tử trận tại Việt Nam trong hơn 10 năm tham chiến?
 
Ðáng lẽ người ta phải nhấn mạnh vào một đổi thay rất tích cực trong đời sống ở Hoa kỳ kể từ khi có những vụ gửi tặng nhau chút anthrax cho nguôi niềm nhớ qua đường bưu điện mới đúng.
 
Ðổi thay đó là một thái độ sống đẹp hơn của người dân Mỹ. Người Mỹ sau những vụ gửi thư trong phong bì có anthrax đã đối xử với nhau văn minh và lịch sự hơn trước đây rất nhiều.
 
Thay đổi đó được thấy rõ nhất trong việc tiếp nhận, mở đọc những bức thư gửi đến cho các gia đình Mỹ.
 
Trước đây, hễ cứ có cái phong bì nào khả nghi một chút là chúng tôi mở ra ngay, đọc liền bất kể lá thư ấy có đề tên, địa chỉ gửi cho chúng tôi hay không.
 
Hay có khi xé đi, quăng sọt rác như một cảnh trong phim The Snows of Kilimanjaro, khi người em bé bỏng nuôi nhà văn Harry Street trong nhà cho chàng viết văn. Harry tuy sống với em bé nhưng vẫn đau khổ, nhớ thương Cynthia (Ava Gardner) không biết Cynthia đang ở đâu. Một bữa, có lá thư gửi cho Harry từ Madrid của Cynthia, người em bé bỏng chặn lại, xé bỏ quăng sọt rác trước mặt Harry Street. Harry Street giận lắm, chạy ào lên lầu, bỏ quần áo vào va li, đi Madrid kiếm Cynthia, không thèm chờ cho người em bé bỏng hát lời Việt của bài I Will Follow Him để đuổi chàng nữa:
 
Mày đi đi, mày đi đi 
Mày xách va li mày đi đi 
Mày đi đi, mày đi đi...
 
Cảnh trong phim rất oai hùng. Gregory Peck trong vai nhà văn Harry Street đội mũ dạ xách va li đi ra khỏi nhà, hành động của chàng đàn ông biết là chừng nào.
 
Bây giờ, cảnh đó không thể có được nữa.
 
Bây giờ, thư ai người ấy đọc. Có là của Cynthia gửi cho Harry thì tui cũng hổng thèm đọc à nha!
Tưởng tượng thư đến, chúng tôi mời nhau đọc thư của nhau, bên này đẩy sang bên kia, bên kia đẩy lại cho bên này:
 
- Em đọc đi... cái thư này gửi cho anh, nhưng mà khả nghi quá... tên tuổi lạ hoắc, không biết của con ngựa nào thế này... đọc hộ anh nhé.
 
- Không, tui hổng có đọc đâu. Thư viết cho anh, anh ráng mà đọc chứ... ai mà ngu mở thư của anh ra đọc. À, đây có cái thư này, trông cũng lạ quá... Nét chữ thô tục của đàn ông mà sao lại gửi cho tui? Anh đọc giùm tui đi... Ðọc hộ đi mà, rồi em cưng...
 
- Thôi, thư của em mà anh đọc thì kỳ lắm. Em đọc thư của anh đi, như em vẫn làm từ bao nhiêu năm nay, khi anh về nhà muộn không kịp lấy thư, em vẫn dấu đi, mang lên sở, dùng máy hấp hơi nước mở ra đọc như CIA đọc thư tình của Osam Bin Laden vậy mà sao hôm nay không đọc nữa... Thôi mà, năn nỉ đấy, mở ra đi mà... Có bột trắng thì...ngửi coi có phải bột giặt, Coffee Mate, đường vụn hay bạch phiến không... Không phải thì là anthrax, để anh vứt đi hộ...
Mở thư ra đọc cho anh nghe đi mà, để anh đi lấy cái mặt nạ đã rồi hãy mở nghe...
Ui chao, cảnh hai vợ chồng đẩy đưa thư cho nhau đọc trông văn minh, lịch sự và hạnh phúc biết là bao nhiêu.
Trò đọc thư lén của nhau, chụp xerox làm bản lưu, lập hồ sơ tội ác Mỹ Ngụy nhất định đã chấm dứt kể từ hôm anthrax xuất hiện. Thử hỏi như vậy thì chẳng cũng khoái ư?
 
Ông Thánh Thán còn sống thế nào chẳng đem ghi thêm vào bảng liệt kê những phút sướng khoái trong đời ông mà Lâm Ngữ Ðường đã kể lại trong cuốn Một Quan Niệm Sống Ðẹp bản dịch của Nguyễn Hiến Lê.
Chẳng cũng khoái ư?
 
Tại sao không nói về khía cạnh tích cực đó mà chỉ gây hoảng hốt không đâu cho người dân Mỹ?
 

Ngày 7 tháng 6 năm 2013

Bạn ta,

Trong những ca khúc của Ðoàn Chuẩn và Từ Linh, bài tôi thích lại không phải là bài hay nhất của hai ông. Thu Quyến Rũ viết năm 1950 là một ca khúc thua hẳn những bài khác như Lá Thư, Cánh Hoa Duyên Kiếp, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay...
Nhưng tôi thích bài ca này vì một câu trong bài và trong câu ấy, có một chữ, một chữ hai ông dùng mà tôi nghĩ là hay vô cùng:
 
... Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu...
 

Bài hát mở ra là một chuỗi hình ảnh về mùa thu: trời xanh, những cơn mưa, lá vàng rơi rụng, cánh chim ngập ngừng, bông hồng lả lơi, và một tà áo, tà áo mầu xanh. Ðặt những hình ảnh của thu bên cạnh người phụ nữ trẻ, người viết lời cho ca khúc dần biến tất cả những thứ ấy thành người phụ nữ. Những đám mây cuốn về cuối trời mang theo mầu xanh của mùa thu. Mầu xanh của mây trở thành mầu xanh của tà áo, rồi mầu xanh của tà áo biến thành người yêu dấu. Người yêu biến thành mùa thu mà anh chờ đợi. Và sau đó, chờ đợi mùa thu là chờ người yêu dấu đã ra đi. Mầu xanh của trời đất thành niềm nhớ mầu xanh của tà áo. Mầu xanh của tà áo gợi lại người yêu cũ.
 

Yêu người, yêu sang mùa thu, yêu mầu xanh của tà áo, yêu mầu xanh của trời đất, yêu mối tình đã xa...
 
... Mùa thu quyến rũ anh rồi...
 
Nhưng có phải vậy không? Có phải mùa thu khơi niềm nhớ, khiến cỏ cây đẹp tươi, làm gợi lại chuyện đã qua, và quyến rũ chàng không? Người viết chỉ tự đánh lừa mình. Nhưng ở một câu trên đó, người viết lời ca đã thú nhận: có trót yêu mầu xanh. Mầu xanh của mây trời mùa thu, mầu xanh của tà áo người yêu dấu mà không ai còn có thể phân biệt được nữa.
Trạng từ "trót" là chữ hay tuyệt. Cứ thử thay nó bằng "vẫn", hay "đã", hay "lỡ", ý nghĩa sẽ không còn như trước nữa.
Mầu áo xanh là mầu anh "vẫn" yêu. Dùng trạng từ "vẫn", chuyện yêu mầu áo xanh chỉ là một việc xẩy ra trong quá khứ. Có yêu thật, nhưng chỉ yêu vừa vừa thôi. Cũng như mầu áo xanh là mầu anh "đã" yêu. "Vẫn" và " đã" chỉ nói ra chi tiết tình yêu với tà áo xanh đã có trong quá khứ. "Vẫn" có kéo dài thêm một chút.
 
Hay mầu áo xanh là mầu anh "lỡ" yêu cũng không được. Trạng từ "lỡ" bầy tỏ một hành động có thể sai lầm. Lỡ là có thể không muốn nhưng chuyện đã xẩy ra, ngăn chặn không được, có thể là một việc làm sai nhưng làm xong rồi mới biết.
Như vậy, thay bằng bất cứ một trong ba chữ "vẫn", "đã" hay "lỡ" đều không được.
 
Chỉ có thể "trót" mà thôi.
 
"Trót" là trạng từ phụ nghĩa cho một động từ khi muốn nói hành động đó đã xẩy ra mà không thể ngăn chặn được, dẫu cho là có muốn ngăn chặn cách mấy đi chăng nữa.
 
Mầu áo xanh là mầu anh "trót" yêu nghĩa là anh đã yêu mầu xanh của tà áo em, nhiều khi nghĩ lại có muốn yêu bớt đi một chút hay không yêu cái mầu đó nữa cũng khó quá, nếu không nói là không thể được. Anh chịu thua rồi. Anh trót... dại rồi. Ông già anh có bảo anh rằng không được yêu em thì anh cũng phải chịu tội bất hiếu vậy chứ anh không làm gì khác hơn được, anh nhất định phải trái ý ông già. Bây giờ làm sao đây? Trời sao "bất nhơn" quá (*) thế này, cứ cho mây xanh bay về đây làm cái gì cho anh nhớ em chết luôn. Mùa thu quyến rũ anh rồi em biết không? Em quyến rũ anh gần chết rồi đây nè. Bắt đền em đấy! Anh hổng có chiệu đâu...
 
Tán em bé bằng câu đó thì có mà chạy đằng trời.
 
Cám ơn hai ông Ðoàn Chuẩn và Từ Linh. Yêu bài hát của hai ông biết là chừng nào!
 
 (*) Thương sao thương quá bất nhơn
Bữa nay gặp mặt, thương hơn bữa nào
 (Ca dao)

Bùi Bảo Trúc
 
'





 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét